Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

Tình người

Lý Lan

 

 

 

 

Một quán ăn của người Việt, Nguyen's Pho House, nằm trên đường Lerchenfelder ở thành Vienna nước Áo. Ảnh: Mart Stewart.
(TBKTSG) - Tôi ở thành Vienna nước Áo trọn một mùa xuân, từ lúc những nụ thủy tiên mới nhu nhú lên mặt đất, đến khi khắp nơi hoa lá rực rỡ đủ màu. Cung điện, bảo tàng, nhà hát, vườn hoa... lần lượt xem rồi cũng hết. Duy nhứt thú vui không chán là đi dạo phố. Mùa xuân ngày một dài ra, đường phố cũng ngày một đông vui. Ăn món thịt heo tẩm trứng lăn bột chiên bơ riết cũng ngán, trưa trưa tôi đến Nguyen’s Pho House trên đường Lerchenfelder. Người đứng bếp ở đó là một chị người Huế nấu món bún bò xứng đáng với ngôn ngữ hiện đại là “cực ngon”. Làm một tô xong là đủ phấn khởi và năng lượng để đi lung tung chơi tới tối. Mỏi chân thì nhảy lên xe điện, xe buýt.
Có bữa tôi đi qua đường Burggasse có nhiều hàng quán châu Á, gặp đông đông người tóc đen như mình cũng vui. Thường thì tôi thích lảng vảng trên đường Mariahilfer, chỗ có nhà sách Thalia, cạnh bên có tiệm bán yaourt trái cây đông lạnh, mua một ly rồi vừa ăn vừa đi rề rề qua mấy cửa hàng thời trang coi chơi. Có bữa tôi đi tuốt tới chợ trời Brunnenmarkt tưởng mình lạc qua xứ Thổ Nhĩ Kỳ, nhìn chung quanh người mua sắm là những phụ nữ mặc áo dài đen, khăn đen trùm đầu. Còn nếu đi trong nội thành, những nơi “phải xem” của thành Vienna, thì khỏi nói, du khách lềnh khênh đủ sắc màu văn hóa chủng tộc. Trường Đại học Vienna cũng vậy, 92.000 sinh viên có gốc gác khắp thế giới, tuy phần lớn từ các nước thuộc cộng đồng châu Âu. Tôi không lạ, hầu hết những thành phố lớn tôi từng đi qua, di dân đa sắc tộc là thực tế hiển nhiên, đa văn hóa là xu hướng thuận.
Có bữa đẹp trời, ăn no quá đâm làm biếng, tôi ngồi lại bên cái bàn nhỏ bày trên lề đường ngay bên ngoài Nguyen’s Pho House, ngắm ông đi qua bà đi lại. Tôi loay hoay xê dịch cái ghế đang ngồi cho được thoải mái thì anh chủ tiệm đến chỉ xuống lề đường có gắn một tấm biển bằng đồng cỡ nửa trang sách có khắc chữ, bảo tôi tránh ngồi lên chỗ đó. Thái độ của anh khiến tôi liên tưởng đến bà bún riêu ở góc đường Nguyễn Trãi khi bà bảo tôi ngồi né cái miếu con thờ vong bên đường. Tôi hỏi cái gì vậy. Anh nói cái “bia” ghi tên những người Do Thái đã sống ở căn nhà này hồi xưa. Hồi Thế chiến II họ bị trục xuất, bị đưa vô trại tập trung, lò thiêu sống. Tôi ngắm cái bia ghi cái tên xa lạ, nhận ra nó giống mấy miếng đồng gắn trên lề đường trước nhà sách Thalia.
Vậy ra chỗ đó hồi xưa cũng là nhà của những người Do Thái. Không biết họ và gia đình tổ tiên họ đã sống ở đó bao lâu trước khi bị đuổi ra khỏi nhà mình? Tôi thử đi vòng vòng thành Vienna, nhìn chăm chú xuống lề đường, hóa ra có nhiều tấm biển đồng như vậy, do thành phố cho gắn, để tưởng niệm. Bao nhiêu bước chân của đủ thứ người đã bước qua, thỉnh thoảng có mấy người dừng lại, tò mò ngắm nghía như tôi. Rồi bước đi. Cuộc sống là hiện tại. Cuộc sống là đi tới. Anh chủ tiệm Nguyen’s Pho House kể chuyện của anh.
Ngày xưa anh ở Sài Gòn, sau chiến tranh vượt biên đến trại tỵ nạn, được một người Áo bảo trợ đem về thành Vienna. Cả gia đình anh, nay gồm ba thế hệ, đều sống ở Vienna, mấy anh chị em làm việc trong ba nhà hàng của gia đình, trừ người em út sanh trưởng ở đây, học hành đầy đủ, hiện là giáo viên, có chồng là người Áo. Tôi nói gia đình anh thật may mắn, anh nói ờ cũng may, trải qua bao khốn đốn, mọi người đều sống. Cả anh và tôi đều có biết nhiều trường hợp không may khác, nhưng không muốn đi vào chi tiết, khách đông anh bận, trời đang đẹp tôi khoái ngắm đời vui hơn.
Trở lại Paris tôi hay đi dọc sông Seine chỗ gần nhà thờ Đức Bà, lý do đơn giản là tiệm Thanh Bình của bạn tôi gần đó. Tôi đi thăm bạn rồi đi dọc bờ sông hy vọng gặp lại một người quen đã lang thang nơi chốn này nhiều năm trước. Lần cuối gặp anh là lúc đứng trên cầu L’Archevêché ngắm vô số ổ khóa các loại mà những cặp tình nhân đã khóa vào lan can cầu (cùng những lời thề thốt) rồi quăng chìa khóa xuống sông.
Ngay lúc ấy vẫn đang có năm ba cặp làm vậy với thái độ lãng mạn nghiêm túc. Tôi đã lo lắng là với hằng hà du khách lũ lượt đến và đi, cái lan can cầu làm sao chịu nổi vô số ổ khóa, cái này bấm vào cái kia gần trĩu thành cầu. Chắc là lâu lâu người ta phải gỡ tấm lưới đầy ổ khóa để thay tấm lưới mới cho người khác có cơ hội nguyện thề. Anh cười ha ha nói có khi qua cầu là họ đã đường ai nấy đi rồi.
Qua cầu thì đến Ile de la Cité, nếu rẽ sang trái là vườn hoa phía sau Nhà thờ Đức Bà, rẽ sang phải là Memorial des Martyrs de la Deportation nằm chìm dưới đất, dẫn xuống bằng một cầu thang hẹp và sâu. Tôi rùng mình ngay khi bước vào gian phòng nhỏ âm u, nghe anh bạn nói chỗ này vốn là nhà mồ. Hai bên có những cái hốc có chấn song như những buồng giam trong tù, chính giữa là một đường hầm hun hút tận cùng bằng một ngọn đèn duy nhứt tỏa ánh sáng được phản chiếu bằng 200.000 nút pha lê gắn hai bên vách. Đây là nơi tưởng niệm những người đã bị chính quyền Pháp thời Vichy trục xuất khiến họ chết dưới tay Đức Quốc xã. Hầu hết họ là người Do Thái, nhưng hàng chữ tưởng niệm ghi “200.000 công dân Pháp”.
Quay ra, tôi thấy phía trên khung cửa khắc hàng chữ “Hãy tha thứ nhưng đừng quên”. Ra khỏi cửa đi thẳng tới là “mũi tàu” cù lao Cité, trong khuôn viên đài tưởng niệm, sâu ngang mực nước sông Seine, một không gian trầm mặc tiếng nước sông vỗ vào vách đá. Anh nói cái câu đó vô nghĩa như mọi khẩu hiệu. Một người không trải qua thảm kịch thì không thể có ký ức để mà nhớ hay quên, còn kẻ từng trải qua bất hạnh thì ký ức luôn khơi lại những đớn đau phẫn uất không thể tha thứ. May mà con người có khả năng quên. Như anh, giờ không còn nhớ chính xác mình đã bơi bao lâu trong biển đêm, lạnh và tối đen. Anh thực sự muốn quên xác đứa con bị quăng ra khỏi boong tàu la liệt người đang thổ tả. Anh tập tha thứ bằng cách đêm đêm đứng trên đỉnh Montmartre nhìn về trung tâm kinh đô ánh sáng lộng lẫy, tự nhủ ngay cả xã hội văn minh rực rỡ này, cái nôi của tinh thần nhân ái này, cũng có những vết ố trong lịch sử.
Nhớ một buổi tối mùa đông trong ngôi nhà nhỏ ở vùng Tây Bắc Mỹ. Ngoài trời lạnh và trắng xóa tuyết rơi từ mấy hôm trước. Hai vợ chồng ăn cơm xong ngồi bên lò sưởi xem phim. Buổi tối hôm đó chúng tôi xem Schindler’s List. Tôi cũng thích cách viết ấn tượng như Đắng lòng nhìn đứa bé thơ chui xuống gầm giường trốn Phát xít, Phẫn nộ trước cảnh cô gái nô lệ tình dục bị hành hạ, hay Kinh hoàng hình ảnh trại tập trung, hoặc Dã man gã sĩ quan SS giải trí bằng trò bắn tỉa. Nhưng thực tình tôi không thể nhớ lại những cảm xúc lúc xem phim, chỉ nhớ đôi lần bàn tay chồng tôi cầm bàn tay tôi siết nhè nhẹ, đôi lần cánh tay anh quàng qua vai tôi như trấn an. Có lần anh đứng dậy, quay lưng lại màn hình nhìn ra cửa sổ để khỏi xem cái cảnh mà tôi nhắm mắt không tin khi nó diễn ra.
Cuối cùng, cuộc chiến ngã ngũ, những người sống sót nhờ được làm việc trong nhà máy của Schindler đứng đầy bên đường rầy khi Schindler và vợ ra đi. Ông không còn là người chủ và người bảo vệ họ nữa, mà là người của phe bại trận. Họ đưa cho ông một xấp giấy: “Chúng tôi viết bức thư này giải thích sự việc... phòng khi ông bị bắt, tất cả mọi người đã ký tên”. Schindler cầm xấp giấy, không có thì giờ đọc, có vẻ bất đắc dĩ nhét vào túi áo, rồi cúi xuống xách hành lý trong tư thế muốn ra đi thật nhanh.
Nhưng Itzhak, người đã cùng ông lập cái danh sách những người được chuộc ra khỏi trại tập trung, đã chứng kiến ông đau khổ dằn vặt thêm bớt từng cái tên như thế nào, đã bước tới trước mặt ông, đưa ông một chiếc nhẫn khắc dòng chữ: “Ai cứu một mạng người, cứu cả thế giới”. Schindler cầm chiếc nhẫn, làm rớt nó, hoảng hốt bới đá sỏi tìm lại, đeo nhẫn vào ngón tay. Ông cố gắng khôi hài để che giấu sự xúc động: “Tôi đã không làm hết sức mình. Tôi đã quăng hết gia tài của mình. Giá mà tôi giàu hơn...”. Nhưng cái cười giả của ông méo đi thành cái mếu thật: “Cái kẹp này”, ông rút cái kẹp trên ve áo ra: “Có thể chuộc được thêm hai mạng người. Tôi đã không làm hết sức mình”.
Cái gì đó òa vỡ trong tôi, xộc ra mắt mũi, chảy ràn rụa trên má không kiềm được. Tôi muốn đến bên Schindler ôm lấy ông vỗ về như những người đứng quanh ông lúc đó. Tôi chỉ có chút đỉnh hiểu biết về châu Âu thời đệ nhị thế chiến, xem phim thì biết Schindler là người Đức, đạo Thiên chúa, giàu có và được nể trọng trong xã hội do đảng Quốc xã Đức thống trị, thuộc phe nhóm hưởng lợi ích trong chiến tranh. Ông không phải là người duy nhứt không tán thành chủ trương diệt Do Thái. Đâu đó trong phim có những nhân vật mặc quân phục đeo phù hiệu Đức Quốc xã cũng có lúc lợm giọng chùn tay trước sự dã man ác độc của viên sĩ quan SS Amon Goeth nhưng không thể không tuân lệnh. Schindler cũng đâu có cách nào chặn bàn tay Goeth hay phản kháng cả một guồng máy đang vận hành điên cuồng. Ông thậm chí phải kết thân, mua chuộc, nương theo bọn cầm quyền để có thể làm cái điều ông âm thầm làm là cứu được người nào hay người nấy ra khỏi những lò thiêu sống tập thể.
Ông không nhân danh điều gì cả, chỉ muốn cứu những con người vô tội. Ông không hối tiếc khi trở thành kẻ trắng tay, chỉ đau khổ vì đã không cứu được nhiều hơn con số 1.200 người. Sau này ông được Viện Do Thái Yad Vashem nhìn nhận là Người Chính Nghĩa, một trong hơn 20.000 Người Chính Nghĩa thuộc nhiều nước khác nhau đã bất chấp cường quyền hành động theo lương tâm con người. Những Người Chính Nghĩa và những người được họ cứu sống không chung quốc gia, không cùng đảng phái, không cùng chủng tộc, khác cả tôn giáo, giai cấp. Trên tất cả, họ chỉ có một mối liên hệ chung: là người với nhau.
Khi cơn xúc động được kìm lại, tôi hơi bối rối ngượng ngùng, nhìn sang chồng thì thấy anh đang gỡ kiếng ra lau nước mắt. Anh nói anh xem phim này lần đầu tiên trong rạp (năm 1993), khi cảm xúc dâng trào lồng ngực, dù anh không nhìn qua những khán giả khác, vẫn cảm nhận rất rõ là mấy trăm người đang ngồi trong rạp đã cùng lúc ứa nước mắt như mình. Anh hầu như hít thở được trong không khí dư chấn cảm xúc của mọi người và mối đồng cảm chan hòa. Anh nói sức mạnh của nghệ thuật thật kỳ diệu.
Khán giả đã khóc vì xúc động trước tình người. Cái tình người đã được nghệ thuật hóa. Công việc của một sử gia như anh là kể lại câu chuyện của con người, sao cho quá khứ được nhớ gần đúng nhứt với thực tế đã xảy ra. Cái thực tế đó thường trần trụi là người ăn người. Nhưng con người may thay có khả năng làm nghệ thuật. Những trận chiến triền miên đẫm máu trở thành anh hùng ca, những thống khổ của vạn vạn sinh linh dựng nên đền đài, những tranh đoạt quyền lực xảo quyệt đẻ ra sân khấu, và âm nhạc văn chương nảy sinh trong câm nín bất lực của từng con người cô đơn. Nhân loại có lẽ vẫn còn hy vọng khi nào nghệ thuật họ làm ra còn rung động được tình người.

Không có nhận xét nào: