Hòn đảo này với vẻ đẹp tự nhiên gần như nguyên vẹn được bộ tộc thiểu số bảo vệ từ ngàn đời.
Chỉ chiếm 10% diện tích của New Caledonia (hay còn gọi là Tân thế giới), nhưng quần đảo Loyalty là biểu tượng cho một thiên đường nhân gian hoang sơ, chưa hề bị khai phá. Cùng theo chân các du khách tới tham quan địa danh này và gặp gỡ những người Melanesians bản địa rất mực yêu chuộng và bảo tồn thiên nhiên…
New Caledonia là một lãnh thổ hải ngoại của Pháp, nằm cách Đông Úc 1.500km và Bắc New Zealand 1.700km. Khu vực này được tạo nên bởi ba vùng nhỏ, trong đó có quần đảo Loyalty. Đây là nơi sinh sống chủ yếu của tộc người Melanesians - chiếm 42% dân số ở New Caledonia.
Người Melanesians tự gọi mình là Kanak. Sở dĩ họ có tên như vậy là bởi những nhà thám hiểm châu Âu thường xuyên đánh đồng thổ dân ở châu Đại Dương giống như thổ dân ở Hawai và gọi họ là Kanaka maoli. Sau này, nhiều người dần rút ngắn tên nên trở thành Kanak như hiện nay.
Những cư dân Kanak sống trong các ngôi làng hoang sơ trên 3 hòn đảo chính của quần đảo Loyalty là Lifou, Ouvéa và Maré. Tới đây, bạn sẽ bắt gặp những tập tục có lẽ chỉ được đọc trong sách lịch sử thời nguyên thủy.
Trong cộng đồng người Kanak, tất cả tài sản đều thuộc sở hữu của bộ tộc hay gia đình, không có chuyện buôn bán với nhau mà họ tự nguyện chia sẻ vật dụng, thức ăn.
Maré là đảo nhỏ nằm phía Nam và cao nhất ở quần đảo Loyalty. Nó được tạo thành bởi 5 lớp san hô khác nhau với đặc trưng địa hình là vách đá cao, đá bazan và rừng rậm sâu.
Đây cũng là đảo hoang sơ và nguyên vẹn nhất so với các đảo khác ở quần đảo. Trên đây là hình ảnh vịnh Wabao - địa danh sở hữu những bãi biển đẹp nhất ở đảo Maré. Khi đặt chân tới đây, du khách dường như có thể quên đi sự tồn tại của các đô thị ồn ào, náo nhiệt mà lắng nghe tiếng gió biển, hòa chung vào không gian thơ mộng tuyệt vời.
Hình ảnh vách đá có tên “bước nhảy của chiến binh” (Warrior’s Leap) tại đảo nhỏ Maré từ góc nhìn trên cao. Cái tên này xuất phát từ truyền thuyết về cuộc chiến tại nơi đây giữa hai chiến binh - Hnor của tộc Si Hnathege với một chiến binh tới từ Si Gurework.
Hnor giỏi hơn, nhanh hơn đã bật nhảy qua một vách đá với khoảng cách 7m trong một lần nhảy. Trong khi đó, kẻ thù của ông đã không may mắn và rơi xuống từ độ cao hơn 40m. Chính bởi Hnor nhảy qua quá giỏi, 1 bước mà được tận 7m nên người ta gọi chỗ ông nhảy qua là "bước nhảy của chiến binh" nhằm tưởng nhớ đến truyền thuyết này.
Một địa điểm để lại ấn tượng sâu sắc nữa với du khách là vách đá với dáng hình có một không hai Lékiny này thuộc đảo Ouvéa. Đây là một trong những đảo san hô nghiêng (một phần ngập nước, một phần là đầm phá) đẹp nhất Thái Bình Dương bởi nó sở hữu bãi cát trắng trải dài 25km.
Cố nhà văn Nhật Bản - Katsura Morimura, lúc sinh thời đã gọi Ouvéa là “hòn đảo gần nhất với thiên đường” bởi vẻ đẹp hoang sơ và tuyệt vời của nó.
Nhà của người Kanak trên đảo nhỏ Lifou. Một ngôi nhà truyền thống ở đây được xây giống như một túp lều, lợp mái bằng rơm hoặc lá cọ, dừa. người ta đắp nền nhà bằng đất sét và đặt một lò sưởi tại giữa nhà.
Mội công việc bếp núc, tắm rửa, vệ sinh đều được người Kanak thực hiện ở những túp lều thiết kế riêng biệt, khác hẳn với nhà ở thường. Hình ảnh một ngôi nhà của người Kanak.
Người Kanak thường ngủ bằng chiếu rải trên nền nhà. Họ có một tập tục khá thú vị của người Kanak. Đó là khi bạn vào bất cứ nhà người dân nào, hãy tặng họ một món quà nhỏ.
Với thổ dân bản địa, món quà không quan trọng to, nhỏ, quý giá hay không, nhưng đó chính là biểu hiện bạn thể hiện sự tôn trọng người chủ nhà cũng như mong muốn tìm hiểu thêm về bộ lạc của họ.
Tuy nhiên, có một sự khác biệt trên đảo Ouvéa, đó là cộng đồng người Polynesians cũng sinh sống ở đây. Sự có mặt của họ tạo nên đôi chút khác biệt trong kiến trúc nhà ở trên đảo.
Nếu như người Kanak thường xây dựng lều và nhà hình tròn thì người Polynesian lại thích lều hình vuông. Bức ảnh chụp hai cư dân của cộng đồng người Polynesians đang nhóm lửa chuẩn bị nấu cơm.
Người dân trên quần đảo Loyalty rất hòa hợp với thiên nhiên. Họ sống nhờ săn bắt cá và hái các loại hoa quả sẵn có: bơ, dừa,… Và nổi tiếng nhất là món bánh mì tròn nặng với cái tên là lạ “marmite” đặc trưng của người Maré.
Một năm, người dân ở đây có 3 lễ hội lớn. Đó là hội Avocado vào tháng 4, hội Walei vào tháng 8 và hội Vanilla vào tháng 10. Điểm chung của cả 3 lễ hội là đều nhằm tôn vinh những sản vật thiên nhiên nổi tiếng ở các đảo như quả bơ của Maré, dừa trên đảo Ouvéa và vani thuộc đảo Lifou.
Nếu có dịp ghé thăm quần đảo xinh đẹp này, chắc hẳn du khách sẽ không bao giờ quên được vẻ hoang sơ nguyên thủy mà những cư dân nơi đây đã cố công gìn giữ bao năm.
Theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét