Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Kampong Cham - "Bốn mùa thay lá"

Tác giả
.
Con sông là thuyền, mây xa là buồm
Từng giọt sương thu hết mênh mông


(Phuot.vn) Tôi chọn tên topic gắn với bài hát “Bốn mùa thay lá” của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn không phải vì muốn miêu tả khung cảnh bốn mùa ở Kampong Cham. Như các nước Đông Nam Á nằm trong tiểu vùng sông Me Kong khác, nơi này cũng chỉ có hai mùa. Mùa khô và mùa mưa hoặc mùa nước cạn và mùa nước nổi. Thế nhưng trong thời gian sống tại đây, trong tôi vẫn thường ngân nga ca từ của bài hát này. Khi tôi chuyển đến đây, cũng là đang mùa thu. Với tôi là mùa dập dìu của hàng năm lượn cung Tây bắc trong hương lúa chín. Nhưng vì việc thuyên chuyển này. Thu năm nay của tôi hết “sương mênh mông”, tôi đã có những nỗi buồn rất ngọt ngào nghe “tịch lặng rơi nhanh”. Vậy thì sao không chọn tìm đến với “dòng sông nối đôi tay liền với biển khơi ”… Tôi đã tìm được ở Kampong Cham những khoảng khắc tuyệt vời.


Từ khoảng “tháng 8 vào thu” trở đi. Mưa đã kịp tưới xanh vùng đất phì nhiêu. Như tôi đã nói ở trên. Dòng sông cuồn cuộn phù sa như một chàng lực sĩ bẳn tính, dễ nổi nóng bất ngờ. Nhưng lại là mùa sinh sôi nảy nở của muôn loài, biến những trảng cỏ khô cằn thành vùng nước ngập long lanh. Quang cảnh tuyệt đẹp và thật nhiều sinh hoạt phong phú.

Đầu tiên là những búng nước ngập sen trắng sen hồng, đi đâu cũng sen, xung quanh ta toàn sen thơm ngát….



Suốt dọc đường đến với Kampong Cham, những hồ sen như thế này xen lẫn với ruộng lúa và cánh đồng thốt nốt luôn song hành cùng ta.




Đón chào ngay từ cửa ngõ đã là những những búng nước ngập sen trắng sen hồng


Nước lên làm bớt đi nét nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh, đến những bè đăng đó cắm ở lòng sông xác xơ vào mùa nước cạn cũng tràn đầy nét lãng mạn.


Kéo lưới ở ven cầu

...

Bên trời xanh mãi những nụ mầm mới
Để lại trong cõi thiên thu hình dáng nụ cười

Mùa nước lên, đặc sản độc đáo của thiên nhiên được người dân khai thác hoà thuận với môi trường. Cứ mùa nào thức đó quanh năm. Mùa này đặc sản là le le vịt nước và cá leo. Đi theo quốc lộ 6 đến đoạn gần ngã ba Skun, các bạn sẽ thấy rất nhiều điểm bán vịt nước. Rất dễ nhận ra dấu hiệu con vịt đã thui long treo tong teng trên các cành tre. Nếu biết khéo chọn lựa, sẽ có món le le nướng muối ớt ngon tuyệt. Độc đáo hơn nữa là đôi khi ghé ngồi các chòi ven đường ngắm hoàng hôn, bạn sẽ nghe có những tiếng quẫy đùng đùng, ủm ủm giữa những nhánh cây lúp xúp ngập nước. Đó là dấu hiệu của cá leo. Đặc tính của cá leo là đến mùa sinh sản, chúng thường vượt qua các cánh đồng ngập nước để "làm tình", con đực rượt con cái một cách hào hứng mãnh liệt khiến cho nước dợn sóng. Thậm chí chúng còn leo qua những chỗ có mực nước xâm xấp, phơi mình trên cạn. Rồi leo lên đẻ trứng trên những nhánh cây sát mí nước. Chính vì vậy mà dân gian mới gọi là "cá leo". Con cá trung bình phải trên 3kg, một nửa nướng lên cuốn bánh tráng, một nửa nhúng dấm hoặc hấp… ngồi ngắm sông nước mênh mông cùng nhấm nháp chút rượu cay. Thật chẳng muốn dời Kampong Cham nữa.


Mùa nước lên, những bụi cây lấp xấp là thiên đường của cá. Người dân đã nhẹ nhàng nương theo thiên nhiên mà sống.


Cá hiếm và quý là đặc sản độc đáo của Kampong Cham mùa nước nổi

Một trong những nét lãng mạn của người dân nơi đây là việc các cánh đồng nước lên nhanh chóng được khai thác thành điểm hẹn hò thú vị cho các đôi trai gái. Chiều đến, khi mặt nước nhuộm hồng ánh hoàng hôn. Không khí dịu nhẹ giảm dần tia nắng gắt. Cư dân địa phương tấp nập rủ nhau về các căn lều dựng bằng lá thốt nốt ven đường. Với đặc sản là món “bánh xèo” rất Việt Nam và các món nướng. Dập dềnh những chiếc thuyền nhỏ cải tiến thành thuyền đạp nước với chiếc dù hồng lãng bãng cuối chiều. Các đôi trai gái e ấp bên nhau. Bạn bè chuếnh choáng nâng ly và du khách dù kém đa cảm đến đâu cũng phải buông lời khen ngợi.


Đạp thuyền nước - thú chơi lãng mạn của cư dân địa phương. Du khách, bạn có ai dám thử

Vì thế, nếu chỉ ghé qua Kampong Cham trên đường đi. Cơ hội nào cho bạn trải nghiệm những điều này. Cơ hội nào cho những tay máy thả hồn ghi lại những hình ảnh tuyệt đẹp cho mùa nước nổi. Bình minh và hoàng hôn mùa này khó có thể diễn tả bằng lời. Chỉ có cảm giác hơi nước làm mặt trời to lên thật to.


Ôi tôi nhớ quá hoàng hôn mùa nước nổi!

Tôi từng qua những chuyến đi, lang thang dưới nắng vàng rực rỡ, trong mưa dầm dề, đến thăm những di tích đền chùa, nhà thờ... hòa mình vào đời sống tâm linh của người bản xứ, để hiểu hơn về lịch sử của một vùng đất.

.
Tôi đến thăm ngôi chùa cổ Wat Nokor được xây dựng vào thế kỷ XIX (Kampong Cham) đúng vào dịp lễ Pchum Beng hay còn gọi là lễ cúng ông bà diễn ra vào tháng 10 hàng năm.

Wat Nokor có sự pha trộn giữa cổ xưa và mới, giữa đá đen, mái chùa vàng đỏ, và những cây cổ thụ hàng trăm năm

Vào ngày lễ cúng ông bà tổ tiên, các gia đình thức giấc từ sáng sớm chuẩn bị cơm và thức ăn để mang lên chùa. Tiếng văng vẳng của dàn nhạc ngũ âm truyền thống, tiếng các sư thầy tụng kinh gần như kéo dài cả ngày lẫn đêm.

Có người bạn chia sẻ với tôi một bí mật, trai gái có thể chọn dịp này để bày tỏ tình cảm. Sau khi cúng xong, họ sẽ mang cơm đến các góc chùa đặt mời trời đất và ném cơm vào người mà mình "thầm thương trộm nhớ".
Cơm rơi vãi khắp nơi nhưng sẽ sớm rửa trôi bởi những cơn mưa tháng 10 nặng hạt. Có du khách sẽ nhăn mặt vì cho rằng làm bẩn di tích. Nhưng xin bạn hiểu cho rằng hãy trân trọng truyền thống văn hóa của người bản địa.

 
Sau khi các thầy dùng bữa xong thì các gia đình cũng cùng nhau ăn trưa. Khách thập phương cũng được mời chia sẻ khoảnh khắc ấm cúng này

Sau bữa cơm, bạn có thể đi tiếp đến cụm chùa núi Ông Phnom Bros, núi Bà Phnom Srey. Có lẽ bạn phải dành trọn cả ngày ở đây vì có nhiều cụm kiến trúc đặc sắc như những cụm Phật thuyết giảng, Phật ngồi, Phật nằm…

 
Leo lên 308 bậc đá để lên núi Bà (Phnom Srey)

Sau đó, tiếp tục hành trình leo lên 308 bậc đá để đến núi Bà Phnom Sray... Trên đỉnh núi có nơi cho bạn ngồi ăn và ngắm phong cảnh. Bạn cũng đừng quên lang thang trên những con đường nhỏ, để biết thêm về câu chuyện di dân của người Chăm, nguồn gốc hình thành nên cái tên Kampong Cham và những quá khứ oai hùng của vùng đất này.
 
Chở một ngày nắng

Về ẩm thực, người Chăm ở Kampong Cham có nhiều món khá độc đáo và thật hiếm có. Ví dụ món nộm hay còn gọi là gỏi tép sông. Món này ngon khỏi chê vì tép non còn nhảy tanh tách mới đánh lên ở chợ chiều, có vị chua ấn tượng. Và món này bán rất đắt hàng, thường chỉ có người bản địa mới biết địa chỉ chỗ mua ngon nhất.

Trời trong xanh quá vậy, nắng sao thật hanh hao

Trong phạm vi của một ngày, nếu muốn tiếp tục tìm hiểu và tham quan các vùng phụ cận Kampong Cham, bạn sẽ có hai lựa chọn: đi lên hướng Bắc đến làng Kampi của tỉnh Kratie để xem cá heo nước ngọt, hoặc xuôi thuyền xuống hướng Nam ghé thăm chùa cổ Wat Mahaleap sau đó thăm cộng đồng người Việt sống bằng nghề nuôi cá bè trên sông ở làng Che Hea, cù lao Soh Tin.

Chọn đi xem cá heo nước ngọt, bạn sẽ mua vé bus Sorya khởi hành nhiều chuyến từ trung tâm Kampong Cham đến nội thị Kratie, từ đó tiếp tục thuê tuk tuk để đến làng Kampi. Hoặc bạn có thể thuê hẳn một xe taxi để đi và về trong ngày, rất chủ động. Con đường vẫn lượn theo dòng Mekong hiền hòa và những hàng cây mướt xanh. Có nơi để bạn nghỉ ngơi và thưởng thức các món ăn địa phương rồi thuê thuyền và mua vé đi ngắm cá.


Con đường nhỏ ven sông hiền hòa dẫn đến làng Kampi


Bến thuyền xem cá heo nước ngọt

Khó khăn lắm mới chộp kịp một chàng (nàng) cá heo nước ngọt trên sông Mekong 

Có nơi để bạn nghỉ ngơi và thưởng thức các món ăn địa phương

Chọn đi thăm làng nổi và cù lao Che Hea, các bạn nên kết hợp với làm từ thiện như đến Biển Hồ ở Siem Reap. Những người Việt xa xứ ở Biển Hồ tuy nghèo nhưng rất hiền lành chân chất. Họ sẵn sàng đón nhận những món quà nhỏ của bạn, cũng như mời bạn lên bè cá ngồi nhâm nhi chén rượu đế tự nấu.

 
Đất mỡ màu và các vườn cao su, tiêu, đào lộn hột ngút ngàn trên đường đến với Che Hea

Nhưng trước hết, bạn hãy xuống thuyền trôi theo nhánh sông nhỏ, đến chùa Ma Haleap nhìn ngắm những bức vẽ cả trăm năm. Những bức vẽ đã may mắn thoát khỏi bàn tay phá hủy của Khmer Đỏ. Tất cả nằm trong ngôi chùa cổ có điêu khắc gỗ rất đặc biệt và tinh tế

Họa tiết trên gỗ trong lòng chùa Ma Haleap

Nếu tính từ chân cầu phía phố nhìn ra sông, bên phải sẽ nhộn nhịp từ xế chiều với rất nhiều hàng quán. Những dãy quán nướng bình dân đông đúc giới trẻ địa phương rời trường học, công sở… đến thưởng thức.

Bạn có biết con tàu gỗ Luxury Mekong River Cruise chọn Kampong Cham làm điểm dừng đêm sau khi ngắm hoàng hôn nổi tiếng không?! Ngay khi mặt trời lặn xuống sau những ngọn tháp ở núi U Dong, con thuyền sẽ xuôi dòng về bến đỗ ở Kampong Cham.


Cầu Kizuna lấp lánh buổi tối nhìn từ dãy quán nướng bên phải 

Bạn tôi bảo: "Người ta chỉ yêu một nơi nào đó vì có kỷ niệm với nó". Và bây giờ khi phải rời xa Kampong Cham, tôi nhớ rất nhiều những kỷ niệm ở đấy.

Tôi sẽ nhớ ánh nắng và bầu trời xanh ngắt của Phnom Bros, Phnom Srey. Nhớ mình thở hổn hển leo từng bậc thang, nhìn sang các bạn cũng mệt nhoài không kém. Dựa vào thành dốc bò ra mà cười.

Tôi nhớ đến chảy nước mắt những khoảnh khắc dễ thương lãng mạn, như buổi sáng mở cửa phòng bất ngờ có đóa hoa vàng trước hiên nhà.
Tôi sẽ nhớ sông Mekong, ban ngày, buổi tối, ban đêm, rạng sáng, trong nắng, trong mưa, trong gió... Và cho dù thế nào đi nữa, thì dòng nước này vẫn không ngừng trôi.


Nỗi nhớ của tôi khi phải chia tay mang màu sắc lóng lánh và ảo mộng như ánh đèn tôi chụp lại từ cầu Kizuna

Xin gửi lại nỗi nhớ ấy cho những bước chân nối tiếp. Tôi gửi lại một mảnh hồn tôi cho mỗi bạn yêu thích du lịch khám phá, sẽ từ bài viết này mà dành thời gian cảm nhận từng khoảnh khắc khi đến thăm vùng đất tôi yêu. Kampong Cham sẽ vẫn nguyên sơ ở đấy đón chờ các bạn.
Phượt ký của Dugang

Không có nhận xét nào: