TT - Du lịch bụi xét ra chỉ là trò trẻ con so với hình thức du lịch có thể dẫn đến mất mạng: du lịch trong các vùng chiến sự như Iraq, Syria...
Du khách nước ngoài mặc trang phục của người dân Iraq và tham quan một khu di tích ở Baghdad vào tháng 4-2013 - Ảnh: AFP |
Trong chiếc xe buýt nhỏ kín đáo nhất có thể, 10 du khách Tây cùng những chiếc máy ảnh sẵn sàng đến với hành trình khám phá thủ đô Baghdad với sự tháp tùng của một viên cảnh sát. Nhóm du khách di chuyển khá kín đáo và không để lại bất kỳ dấu hiệu đặc trưng nào. Với mức giá hơn 4.000 USD/người cho chuyến du lịch trong 15 ngày, không bao gồm vé máy bay và phí cấp visa, Công ty du lịch Hinterland Travel sẽ đưa du khách đến thăm những khu di tích cũng như văn hóa cổ xưa ở Iraq.
Theo AFP, đây là tour du lịch “đầy chất thám hiểm” do chính ông Geoff Hann, giám đốc Hãng du lịch Anh Hinterland Travel, lên chương trình với một quy tắc chung: hoàn toàn bí mật. Các du khách nước ngoài có thể khám phá “cái nôi của nền văn minh nhân loại” dưới sự hỗ trợ từ phía cảnh sát để đảm bảo an toàn và tránh xa một số khu vực nguy hiểm.
Ông Hann từng một mình đến tham quan Iraq và bị chính quyền dưới thời Saddam Hussein kiểm soát chặt chẽ, còn bây giờ thì ngược lại. “Chúng tôi được kiểm soát theo cách khác để nhận được sự an toàn” - ông Hann kể vui nhưng đó lại là các quy tắc chung mà du khách cần phải chấp hành vì viên cảnh sát đi cùng có thể điểm danh bất cứ lúc nào. Du khách cũng không được biết trước các địa điểm sẽ tham quan, không biết được dẫn đi đâu và đi bằng đường nào.
Để dễ dàng đưa du khách đến với đất nước được xem là “khủng bố và chết chóc”, ông Hann luôn giữ liên lạc với bộ trưởng du lịch Iraq, bạn bè và đồng nghiệp để được tiếp đón một cách “an toàn nhất”. Greg Lessenger, một du khách Mỹ, hồ hởi khoe khi được tận mắt tham quan nhà ga ở Baghdad nằm trong kế hoạch tour của ông Hann: “Từ lâu lắm rồi tôi luôn muốn được đến nơi này và đây là cơ hội duy nhất khiến tôi phải quyết định”.
Tuy nhiên, một khó khăn dành cho du khách chính là có được visa để ra vào Iraq. Các cơ quan an ninh siết chặt việc cấp visa vì lý do an toàn cho du khách khi nhiều vụ khủng bố liều chết hoặc cài bom trong xe hơi xảy ra như cơm bữa. Ngay cả cánh nhà báo, doanh nhân, chính trị gia sinh sống và làm việc tại Iraq đều hạn chế ra đường nếu không có cận vệ tháp tùng với lo ngại bị bắt làm con tin.
Thật ra Iraq vẫn là nơi du lịch hấp dẫn nhưng chỉ là du lịch tôn giáo khi hằng năm vẫn có các tín đồ Shiite người Iran tìm đến các nơi thờ tự linh thiêng. Niềm tin tôn giáo dẫn dắt họ đi nhưng với các du khách phương Tây, phải thật sự yêu thích các di tích văn hóa cổ xưa ở nơi từng là cái nôi văn minh nhân loại thì mới dám liều mình đi vào thời điểm mà cả ngàn người dân vô tội thiệt mạng trong vài tháng chỉ vì các vụ đánh bom giữa các phe phái. Chưa kể không ít đoàn bị cảnh sát hoạnh họe đòi xem giấy phép chụp ảnh vốn chỉ cấp cho cánh nhà báo.
Về phía chính quyền Iraq, họ hi vọng sẽ thay đổi hình ảnh của đất nước khi muốn mang đến cho du khách cái nhìn mới về Iraq. “Khi nói về Iraq, người châu Âu thường nghĩ đến khủng bố và bạo lực. Chúng tôi cần phải thay đổi cách nhìn này và cố gắng giải thích để giúp du khách biết đến Iraq như một đất nước có nhiều lịch sử và văn minh cổ xưa” - cố vấn Bộ Du lịch Iraq Baha al-Maya thổ lộ.
HÀ AN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét