Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

(THVL) Những lễ hội nổi tiếng trên thế giới

Lễ hội luôn là dịp để người dân vui chơi, ca hát, gặp gỡ, tranh tài và cũng là dịp để du khách tham quan tìm hiểu và cùng hòa mình vào không khí sôi động và đầy màu sắc.
Đua thuyền rắn ở Ấn Độ (snake boat race)
Để tham gia lễ hội, mỗi đội đua phải chuẩn bị cho đội mình một chiếc thuyền dài được gọi là thuyền rắn vì nó có hình dáng giống một con rắn. Đua thuyền rắn là lễ hội đua thuyền nổi tiếng ở Ấn Độ. Có đến 100 người hợp thành 1 đội cùng chèo trên một chiếc thuyền dài đến 60 mét. Tất cả họ đều chèo nhịp nhàng, ăn ý với nhau. Các đội cố gắng chèo thật nhanh để về đích trước tiên.
Tháng 8 hằng năm, lễ hội này được tổ chức ở thành phố Alappuzha, cửa ngõ dẫn vào khu vực sông nước ở bang Kerala, phía Tây Nam Ấn Độ.
Thành phố Alappuzha thuộc bang Kerala có mạng lưới sông ngòi chằng chịt, vì thế sông nước là thứ gắn bó với người dân nơi đây ngay từ thuở ấu thơ. Phương tiện đi lại chủ yếu của họ là tàu thuyền. Mỗi năm một lần, dân địa phương lại tưng bừng đón mừng lễ hội đua thuyền rắn. Lễ hội này diễn ra vào ngày thứ 7 của tuần thứ hai trong tháng 8. Trên những chiếc thuyền độc đáo, hàng trăm vận động viên địa phương phối hợp nhịp nhàng để chèo thuyền. Ngoài những tay chèo, trên thuyền còn có những người chỉ huy để các vận động viên phối hợp nhịp nhàng với nhau. Bên cạnh các đội nam thì cánh phụ nữ cũng tham gia.
Đội nữ tham gia đua thuyền rắn
Mỗi năm, vào dịp diễn ra lễ hội đua thuyền, có hàng trăm ngàn người trên khắp đất nước và cả những du khách nước ngoài đến xem và cổ vũ. Họ góp phần làm cho lễ hội thêm phần sôi động. Đội nào chiến thắng sẽ giành được cúp Nehru.
Tên của chiếc cúp được đặt theo tên của vị thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru khi lần đầu tiên ông đến thăm Kerala và được xem người dân địa phương đua thuyền rắn.
Không ai biết được lễ hội bắt nguồn từ khi nào. Nhưng cứ vào tháng 8 mỗi năm, tại Alappuzha, bầu không khí nhộn nhịp chuẩn bị cho cuộc đua thuyền xuất hiện khắp nơi.
Một trong những thứ tạo nên sự thành công cho lễ hội chính là những chiếc thuyền. Dân địa phương vừa là người chèo thuyền vừa là người đóng thuyền. Kỹ thuật đóng và chèo thuyền được truyền qua nhiều thế hệ. Thuyền phải được làm cho thật trơn láng và sáng bóng. Thường, thuyền rắn lướt đi rất nhanh vì có từ 90 đến 100 tay chèo. Với lượng người đông như vậy, đàn ông trong làng không đủ đông để lập thành một đội nên đôi khi phải thuê những người chèo thuyền ở làng bên cạnh. Các đội không chỉ hy vọng mang chiến thắng về cho mình mà còn mang vinh quang về cho cả người đóng thuyền.
Trước khi tham gia cuộc đua, những người chèo thuyền phải ra sức luyện tập. Mỗi vận động viên đều có một chỗ ngồi riêng trên con thuyền. Người ngồi bên trái và người ngồi bên phải thuyền phải kết hợp nhịp nhàng với nhau. Tức là họ cùng chèo một lượt với tốc độ như nhau. Chiến thắng của cả đội tùy thuộc vào những người chỉ huy đứng ở giữa thuyền. Những người này có nhiệm vụ hô thật to và nhịp nhàng để các vận động viên chèo theo hiệu lệnh đó. Khác với thuyền rồng, thuyền rắn dài hơn nên có tới 4 người giữ bánh lái. Họ là những người khiển con thuyền rẽ theo các hướng.
Ngoài các đội nam còn có cuộc tranh tài của các đội nữ, nhưng thuyền của họ nhỏ hơn, trên thuyền chỉ có 20 tay chèo. Các tay chèo nữ tham gia cuộc đua ở độ tuổi từ 20 đến 50, một vài người trong số họ đã lên chức bà. Họ thi đấu với một tinh thần đồng đội rất cao.
Người dân địa phương cho biết cuộc đua thuyền rắn đã xuất hiện ở đây vào nửa thế kỷ trước. Sự tranh tài giữa các đội diễn ra rất quyết liệt và hào hứng. Thành viên của mỗi đội phần lớn là những người cùng làng. Nếu không đủ số người để lập thành một đội, họ mới thuê thêm những người ở làng khác. Đôi khi họ còn thuê cả những vận động viên chèo thuyền chuyên nghiệp trên khắp đất nước gia nhập đội của mình. Cho dù các tay chèo có sống cùng làng hay không, tất cả họ đều có một mục tiêu duy nhất là chiếc Cúp Nehru. Một khi đã giành được chiến thắng, đội của họ, làng của họ sẽ nổi tiếng khắp đất nước. Qua các cuộc đua, ngày càng có thêm nhiều người biết đến thành phố Alappazha, một nơi đua thuyển rắn nổi tiếng của Ấn Độ.


Lễ hội đua thuyền rắn luôn là cuộc tranh trài sôi động và quyết liệt giữa các đội với nhau
Đua thuyền rồng ở Trung Quốc (dragon boat race)
Cách thành phố Thượng Hải 1,600 km về phía Tây là huyện Đài Giang của tỉnh Quý Châu. Người dân ở khu vực này chủ yếu làm nông nghiệp, nông sản chính là lúa gạo. Mỗi năm, trong 3 ngày giữa tháng 7, con sông Thanh Thủy lại nhộn nhịp hẳn lên. Đó là thời điểm người dân hai bên dòng sông tổ chức lễ hội đua thuyền rồng, một phong tục truyền thống của dân tộc Miêu. Đây là lễ hội truyền thống lớn nhất và vui nhất của họ.
Truyền thuyết của dân tộc Miêu kể lại rằng, từ lâu lắm rồi, có một ngư dân cùng con trai đang đánh cá trên sông thì bị một con rồng to lớn tấn công. Con rồng ấy đã nuốt chửng người con trai. Để trả thù cho đứa con của mình, ngư dân ấy đã giết chết con rồng, sau đó chia thịt của nó cho người dân ở 5 ngôi làng bên cạnh để ăn mừng chiến thắng. Vì thế hằng năm, trong khu vực dân tộc Miêu sinh sống, người ta tổ chức lễ hội đua thuyền rồng, cầu vụ mùa tươi tốt.
Không ai biết chính xác lễ hội này có từ khi nào nhưng người ta biết rằng, vào tháng 5 âm lịch hằng năm, tại khu vực của người Miêu sinh sống có một lễ hội lớn và tưng bừng nhất trong năm được tổ chức.
Sáng sớm của ngày đầu tiên diễn ra lễ hội, mọi người tập trung đông đúc ngay bên bờ sông. Những người chèo thuyền mặc trang phục truyền thống của dân tộc Miêu. Điều dễ nhận thấy nhất ở họ chính là chiếc nón màu vàng rộng vành.
Trước khi cuộc đua bắt đầu, họ sẽ chèo thuyền dọc bờ sông nhằm giới thiệu với người dân các làng bên cạnh biết đến đội của mình. Trên đường đi, thuyền rồng ghé vào các ngôi làng để thăm những người thân quen. Đến làng nào, thuyền của họ cũng được chào đón rất thân tình.
Những người thân quen của các tay chèo sẽ tặng những món quà như vịt trắng, ngỗng cho đội đua. Thường, người ta tặng ngỗng vì người Miêu tin rằng, con vật ấy sẽ mang lại may mắn vì nó có bộ lông màu trắng.
Ca hát là một phần không thể thiếu trong lễ hội. Đứng dọc hai bên bờ sông, các cô gái Miêu mặc trang phục truyền thống và hát những bài dân ca để cổ vũ tinh thần cho các đội.
Vào ngày cuối cùng của lễ hội, tất cả người dân sống trong các ngôi làng dọc theo sông Thanh Thủy đều tổ chức tiệc cùng nhau ăn mừng. Sau cuộc đua thuyền, mọi người trở nên rất thân thiện với nhau. Họ gặp gỡ, trò chuyện vui vẻ và thách đấu với nhau vào mùa lễ hội năm tới.
Hồng Hậu
Lễ hội luôn là dịp để người dân vui chơi, gặp gỡ, tranh tài và cũng là dịp để du khách tham quan tìm hiểu và cùng hòa mình vào không khí sôi động và đầy màu sắc.
Lễ hội Ratha Yatra ở Ấn Độ
Ở cách thủ đô New Delhi của Ấn Độ 1.300 km về phía Đông Nam là thành phố Puri. Ngôi đền Jagannath tráng lệ nằm tại trung tâm thành phố là một biểu tượng của thành phố Puri. Ngôi đền này được một vị vua xây dựng vào thế kỷ thứ XII.
Mỗi năm, vào những ngày cuối tháng 6, thành phố Puri trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Các tín đồ đạo Hindu trên khắp đất nước tụ hội về đây để tham gia lễ hội Ratha Yatra. Ngoài những tín đồ Hindu còn có rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Trong lễ hội này, người ta sẽ thực hiện một nghi lễ rước thần Jagannath – vị thần mà người Hidu rất tôn kính. Trong lễ hội có đến ba cỗ xe, một cỗ xe đặt tượng vị thần Jagannath, hai cỗ xe còn lại là của vị thần Balabhadra và thần Subhadra .Những cỗ xe này được trang hoàng lộng lẫy, mỗi cái cao 13,5m và nặng 65 tấn. Đây được xem là các cỗ xe gỗ lớn nhất trong các lễ hội trên thế giới. Người ta phải mất đến hai tháng để chuẩn bị các cỗ xe.
Cỗ xe của thần Jagannath được gọi là Nandighosa, có 16 bánh xe, được bao phủ bằng vải màu đỏ và vàng. Còn cỗ xe của thần Balabhadra có 12 bánh, phủ bằng vải màu đỏ và màu xanh, được gọi là Taladhwaja. Trong khi đó, cỗ xe của thần Subhadra cũng có 12 bánh xe, nhưng được phủ vải màu đỏ và đen, được gọi là Dwarpadalana.
Quanh đền Jagannath là một rừng cây. Từ thời xa xưa, các tín đồ thường đến đây cầu nguyện với thần rừng, mong thần linh ban những cơn gió mùa cho vùng đất này sớm có mưa. Trải qua một thời gian dài, lễ hội Ratha Yatra dần được tổ chức qui mô lớn hơn, thành phố Puri trở thành trung tâm hành hương của những người theo đạo Hindu.
Trong lễ hội, các tín đồ Hidu sẽ rước các cỗ xe gỗ từ đền Jagannath đến ngôi đền Gundicha, cách nhau 3km. Trên đoạn đường đám rước đi qua, người ta đứng đông nghẹt cả lối đi. Đám rước thần Balabhadra sẽ khởi hành đầu tiên. Tượng thần nặng đến 1 tấn được những người đàn ông khỏe mạnh khiêng ra đặt lên xe, mặt hướng về các tín đồ như thể ban phước cho mọi người. Sau đó là đám rước thần Subhadra và thần Jagannath.
Cỗ xe gỗ của thần Balabhadra được kéo đi trước, mỗi cỗ xe có hơn 1 ngàn người đàn ông kéo. Cả 3 cỗ xe lần lượt được kéo chầm chậm trên quãng đường dài khoảng 3km đến ngôi đền Gundicha – nơi thờ cha mẹ của các Ngài.
Người dân địa phương cho biết, ba cỗ xe gỗ rước các vị thần trong lễ hội Ratha Yatra được đóng mới mỗi năm. Theo đó, những người thợ thủ công tay nghề cao mới được đảm trách công việc này. Họ truyền kinh nghiệm đóng xe lại cho các thế hệ sau. Ước tính, có hơn 2 ngàn người tham gia làm cỗ xe. Gỗ dùng để đóng các cỗ xe được khai thác từ những cánh rừng trên khắp đất nước.
Khi cả 3 cỗ xe đến đền Gundicha, các cỗ xe sẽ dừng trong vài tiếng đồng hồ trước khi được rước vào trong đền
Tại đền Gundicha, người ta đợi cho màn đêm buông xuống mới rước tượng 3 vị thần vào trong đền và đặt ở trong đền 7 ngày để các vị thần gặp cha mẹ của mình. Và trong 7 ngày tới, cửa đền Gundicha sẽ đóng chặt, không một tín đồ nào được phép vào trong. Những người hành hương phải chờ đến 7 ngày sau mới được trông thấy các tượng thần.
Puri là thành phố thánh của những người Ấn theo đạo Hindu và là một trong 4 địa điểm tôn giáo linh thiêng nhất ở Ấn Độ. Ngoài việc thu hút khách du lịch bằng những thắng cảnh, vào mỗi dịp diễn ra lễ hội Rath Yatra, thành phố này thu hút một lượng khách du lịch không nhỏ. Đây cũng chính là một trong những yếu tố khiến ngành du lịch của thành phố này phát triển.]
Lễ hội Loy Krathong ở Thái Lan
Nằm cách thủ đô Bangkok khoảng 400km về phía bắc, Sukhothai là địa danh được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào cuối năm 1991.
Nhắc đến Sukhothai, người ta còn hoài niệm tới kinh đô đầu tiên của triều đại Sukhothai, từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XIV. Lễ hội Loy Krathong truyền thống của người Thái gắn liền với lịch sử của mảnh đất này.
Lễ hội Loy Krathong diễn ra vào dịp trăng rằm của tháng 12 theo lịch của người Thái, tức vào khoảng cuối tháng 11 đầu tháng 12 Dương lịch. Thời gian này, nước các dòng sông ở Thái Lan đã dâng đầy và mùa mưa cũng bắt đầu chấm dứt, bầu trời sáng và trong hơn, không khí không còn ẩm ướt nữa, những người nông dân còn rảnh rỗi vì chưa đến mùa gặt. Vậy nên, lễ hội này đã thu hút rất nhiều người tham gia. Không chỉ có ở Sukhothai mà nó còn trở thành một lễ hội lớn, phổ biến ở Thái Lan. Vào mỗi dịp lễ,mọi người Thái đều hướng về các con sông, ao hồ và các kênh mương để thả những chiếc krathong tương tự như thả hoa đăng.
Tại công viên lịch sử Sukhothai, lễ Loy Krathong được tổ chức ngay bên cạnh những di tích cổ, kèm theo đó là những hoạt cảnh tái hiện các câu chuyện lịch sử liên quan đến địa danh này. Trong lễ hội, các cô gái say sưa thể hiện các điệu múa truyền thống của dân tộc mình.
Theo tiếng Thái, “Krathong” có nghĩa là chiếc “bát lá” hay “hoa đăng” làm bằng thân và lá của cây chuối có trang trí hoa, được dùng để đựng đồ cúng, “Loy” nghĩa là “thả trôi”. Loy Krathong nghĩa là thả trôi những chiếc bát lá theo dòng nước.
Có nhiều cách giải thích khác nhau về nguồn gốc của lễ hội này. Phổ biến nhất là giả thuyết cho rằng đây là một lễ hội có xuất xứ từ Ấn Độ với tín ngưỡng thờ phụng nữ thần sông Ganga. Người ta cho rằng, vị thần này mang lại cuộc sống sung túc và sự sinh sôi. Tín ngưỡng này đã được du nhập vào Thái Lan dưới Vương triều Shukhothai từ khoảng 700 năm trước, trong đó, tên sông Ganga được phiên âm thành Khongkha. Vào đời Vua Ramkhamhaeng của Vương triều Shukhothai, có một cô gái tên là Nang Nopamas – con gái của một thầy tu Bà la môn trong hoàng cung.
Thường, vị thầy tu này hay làm lễ cúng thần sông khi mùa mưa kết thúc. Nàng đã bắt chước tục lệ trong đạo Bà la môn của cha mình, làm một chiếc khay đựng đồ cúng để dâng lên Mee KhongKha tức Mẹ Nước. Nàng lấy thân và lá cây chuối kết chiếc bát lá đựng đồ cúng có hình dạng một bông sen đang nở. Sau đó, với lòng thành kính, nàng dâng chiếc Krathong đầu tiên này cho đức vua, Người đã nhận và thả xuống sông. Cách thức mới lạ và ý nghĩa của chiếc bát lá đã cuốn hút người dân Shukhothai và họ đã sáng tạo ra lễ hội này.
Những chiếc Krathong cổ truyền vẫn có kiểu dáng hoa sen đang nở, làm bằng thân hoặc lá cây chuối và được trang trí bằng các loại hoa. Những cuộc thi bình chọn Krathong đẹp nhất đã được tổ chức trong dịp lễ hội này. Đến nay có thêm nhiều kiểu dáng Krathong mới xuất hiện như Krathong hình chim, thuyền và các hình tượng khác. Các vật liệu trang trí nhiều màu sắc được sử dụng để Krathong có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt. Tuy nhiên, trong Krathong luôn phải có 3 thứ là nến, hương và hoa. Có khi, cờ giấy cũng được gắn vào Krathong, chúng bay phất phơ theo những cơn gió nhẹ.
Vào ngày thứ ba của lễ hội, một nhóm vũ công không chuyên cùng các nhạc công vừa đi vừa múa các điệu múa truyền thống ngay lối dẫn vào một ngôi chùa để dâng lễ Thotkathin.
Lễ dâng y Thotkathin xuất phát từ một điển tích trong Phật giáo. Theo truyền thuyết, lúc Đức Phật còn sống, Người thấy các sư tăng ăn mặc thường rách rưới. Hàng ngày, các vị ấy đi khất thực dưới những cơn mưa, nắng nên quần áo rất mau hỏng. Từ đó, Đức Phật cho phép các sư nhận quần áo sạch do các tín đồ dâng cúng, nhưng vị nào giữ đúng giới luật trong ba tháng nhập hạ – tức 3 tháng tu tập trong năm – mới đủ tư cách nhận lễ vật dâng y. Cả tín đồ dâng y lẫn vị sư nhận y đều được phước.
Vào ngày cuối cùng của lễ hội nổi tiếng này, rất nhiều người tập trung tại công viên lịch sử Sukhothai, ước tính có đến 4 ngàn người nối đuôi nhau thả những chiếc bát lá xuống sông. Trong quá trình thả Krathong, người ta còn cắt một ít móng tay, tóc bỏ vào Krathong cùng với một đồng xu vì họ tin rằng làm như thế sẽ xua đuổi được mọi điều xấu xa, từ đó những điều may mắn cũng sẽ đến nhiều hơn với họ trong dịp năm mới.

Không có nhận xét nào: