Ở Nhật Bản, những ngày nghỉ lễ được chia làm 2 loại: thứ nhất là các kỳ nghỉ mang tính tâm linh và thứ hai là dịp để mọi người đi du lịch, tham quan. Kỳ lễ tâm linh quan trọng nhất đối với người dân Nhật Bản là những ngày đầu Năm Mới, đặc biệt là ngày giao thừa. Vào dịp này, người lao động được nghỉ làm việc cả tuần để ăn tết. Họ thường đi chùa, đến đền thờ để cầu được may mắn, hạnh phúc.
Người Nhật rất thích đi du lịch vào những ngày nghỉ lễ
Theo thông lệ, ngày tết cũng là lúc đoàn tụ gia đình. Mọi người cùng quây quần bên mâm cơm năm mới. Các món ăn được chế biến trong những ngày này cũng rất đặc biệt, chúng mang ý nghĩa cầu chúc sức khoẻ và gia đình hòa thuận.
Vào tháng 8 hàng năm, người Nhật bước vào mùa lễ Vu Lan báo hiếu. Đây là dịp mọi người đi viếng mộ người thân, trẻ em thường được cha mẹ dẫn đi cùng như mộtcách để giáo dục các em về lòng hiếu thảo.
Bên cạnh việc viếng mộ, lễ Vu Lan còn là dịp để người dân tổ chức ca hát, nhảy múa. Hoạt động này nhằm thể hiện sự vui mừng chào đón linh hồn của tổ tiên quay về với người thân. Người Nhật gọi các buổi ca hát, nhảy múa trong mùa Vu Lan là Bon Odori. Lễ hội Bon Odori được tổ chức trên khắp cả nước.
Lễ hội kết thúc cũng là lúc mọi người tiễn đưa linh hồn người đã khuất bằng nghi thức thả lồng đèn giấy trên sông. Những chiếc lồng đèn giấy trôi bồng bềnh trên sóng nước tựa nhưng những con thuyền hướng ra biển. Những người còn sống thường gửi gắm theo đó vô số điều ước tốt đẹp.
Nếu Năm Mới và lễ Vu Lan tiêu biểu cho kỳ nghỉ lễ mang tính tâm linh thì “Tuần lễ vàng” là đại diện cho kỳ nghỉ lễ mà người Nhật dùng để đi du lịch. Tuần lễ vàng kéo dài trong 6 ngày, bắt đầu từ ngày 29 tháng 4 đến ngày 5 tháng 5 hàng năm. Kỳ nghỉ lễ dài ngày này là sự kết hợp của 4 dịp lễ cấp quốc gia ở Nhật Bản.
Đây là cơ hội để người Nhật đi du lịch dài ngày; tắm biển hay thực hiện các chuyến dã ngoại ở vùng núi là lựa chọn phổ biến nhất của họ.
Do lượng người đi lại tập trung nhiều vào những ngày này nên Tuần lễ vàng là thời điểm mà các sân bay và nhà ga xe lửa luôn chật ních khách. Không những thế, đường phố cũng trở nên quá tải bởi những dòng xe hơi cá nhân nối đuôi nhau không ngớt. Tuần lễ vàng là thời điểm ăn nên làm ra của các công ty lữ hành Nhật Bản.
Do lượng người đi lại tập trung nhiều vào những ngày này nên Tuần lễ vàng là thời điểm mà các sân bay và nhà ga xe lửa luôn chật ních khách. Không những thế, đường phố cũng trở nên quá tải bởi những dòng xe hơi cá nhân nối đuôi nhau không ngớt. Tuần lễ vàng là thời điểm ăn nên làm ra của các công ty lữ hành Nhật Bản.
Trên bản đồ xếp hạng những địa điểm trong nước mà người Nhật đến tham quan, nghỉ dưỡng nhiều nhất, thì đứng đầu là tỉnh Hokkaido. Vào mùa đông, Hokkaido là điểm trượt tuyết lý tưởng, còn mùa hè, khí hậu ở đây mát mẻ thích hợp cho các hoạt động cắm trại và dã ngoại, xếp thứ 2 là tỉnh Chiba, nằm gần thủ đô Tokyo, Chiba có nhiều điểm du lịch mang tính văn hóa và lịch sử nổi tiếng của nước Nhật và điểm đến thứ 3 mà du khách trong nước rất thích thú chính là đảo Okinawa – thiên đường cận nhiệt đới ở xứ sở ôn đới như Nhật Bản.
Hokkaido là điểm du lịch được người Nhật yêu thích nhất. Mỗi năm, nơi đây đón tiếp khoảng 15 triệu lượt khách trong nước và quốc tế. Hokkaido nằm ở cực Bắc của nước Nhật, nhiệt độ ở đây thường thấp hơn các vùng khác, vào mùa hè, nhiệt độ trung bình trong ngày chỉ 20 độ C, do đó, Hokkaido là điểm đến lý tưởng để trốn cái nóng oi bức.
Không chỉ phục vụ khách du lịch vào mùa hè, Hokkaido còn là sự lựa chọn hấp dẫn cho những chuyến du lịch mùa đông. Những triền núi dốc thoai thoải tuyết phủ trắng xoá của Hokkaido là nơi trượt tuyết không chê vào đâu được.
Vào tháng 2 hàng năm, tại Hokkaido diễn ra Lễ hội băng tuyết Sapporo. Lễ hội thường quy tụ hơn 250 tác phẩm điêu khắc bằng băng và tuyết khổng lồ. Các tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp này là sự phản ánh những nét văn hoá, kiến trúc đặc sắc của Nhật Bản và thế giới.
Nếu không thích khí hậu lạnh giá của Hokkaido, người Nhật có thể đi tránh đông tại đảo Okinawa, hòn đảo nằm ở cực nam nước Nhật, tách biệt với đất liền. Ngay từ tháng 3, trong khi nhiều nơi trên nước Nhật không khí lạnh vẫn còn bao trùm thì khí hậu của Okinawa lại rất ấm áp, dễ chịu.
Do nằm ở khu vực cận nhiệt đới nên vùng biển Okinawa là thế giới phong phú của các loài tôm cá và san hô. Đến với công viên thủy cung Okinawa, du khách có thể tìm hiểu về cuộc sống của đại dương được thu nhỏ trong bể kính.
Ngoài biển và các loại hải sản, Okinawa còn chứa đựng nhiều di tích văn hoá, lịch sử ghi dấu ấn của những con người đã khai phá và phát triển vùng đất này.
Nếu không thích lặn ngụp trong làn nước biển trong xanh, du khách có thể thư giãn ở các bể tắm suối nước nóng. Nhật Bản nổi tiếng là một trong những quốc gia có nhiều suối nước nóng nhất trên thế giới. Khắp cả nước có khoảng 22 ngàn suối nước nóng lớn nhỏ.
Những bữa tiệc hải sản cũng là điểm hấp dẫn du khách nữa của Okinawa. Đến với vùng đất này, mọi người sẽ được thưởng thức nhiều loại hải sản tươi ngon vừa được đánh bắt từ biển.
Thức ăn bổ dưỡng, thơm ngon cùng những sản phẩm du lịch biển đặc trưng đã khiến Okinawa là điểm đến không thể thiếu trong các kỳ nghỉ của nhiều người dân xứ sở Mặt trời mọc.
Đi viếng chùa và đền thờ Thần Đạo vào các dịp nghỉ lễ cũng là cách kết hợp giữa du lịch và hành hương của đa số người Nhật.
Trên khắp Nhật Bản có tổng cộng 160 ngàn ngôi chùa và đền thờ. Điều này đã phản ánh nét tín ngưỡng sâu đậm trong cuộc sống hàng ngày của dân chúng.
Người Nhật còn nhiều cách khác để giải trí trong các kỳ nghỉ và chụp lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp của tự nhiên cũng là sở thích của họ. Cảnh bình minh, khi mặt trời vừa ló dạng trên đỉnh núi là những hình ảnh được nhiều người chờ đợi nhất.
Leo núi ngắm cảnh là một lựa chọn thú vị khác. Đây là hình thức du lịch mang tính truyền thống. Đi du lịch trong các kỳ nghỉ là cách để mọi người thư giãn, tái tạo sức lao động, ngoài ra, nó còn là dịp để học hỏi thêm nhiều điều.
Với ý nghĩa trên, những năm gần đây, ở Nhật phát triển loại hình du lịch rất đặc biệt. Khách hàng tham gia chương trình này được trải nghiệm nhiều điều mà trước đó họ chưa từng biết đến.
Du khách sẽ được đưa về vùng nông thôn, sống cùng một gia đình nông dân, tham gia vào việc đồng áng để đổi lấy chỗ ở và bữa ăn hàng ngày. Hình thức du lịch về nông thôn không tốn kém nhiều kinh phí, nó chỉ đòi hỏi người tham gia có nhiều thời gian. Đây là cơ hội để những cư dân thành thị hòa mình với tự nhiên đồng thời thiết lập thêm các mối quan hệ cộng đồng.
Xét về lịch sử, người Nhật đã có thói quen đi du lịch từ cách đây nhiều thế kỷ. Từ thời Edo trở về trước, người lao động ở Nhật Bản không có ngày nghỉ hàng tuần. Trong suốt cả năm, họ chỉ được nghỉ vào 2 dịp lễ lớn là Năm Mới và lễ Vu Lan.
Sau một thời gian dài làm việc, khi có dịp nghỉ ngơi, mọi người rủ nhau đi du ngoạn đây đó. Vào thời điểm này, phổ biến nhất là các chuyến đi du lịch ngắm cảnh và hành hương đến chùa và đền thờ Thần Đạo. Đền thờ Ise là nơi hành hương, lễ bái nổi tiếng nhất. Nếu đi bộ từ di tích kinh thành Edo, phải mất từ 2 đến 3 ngày mới đến được đền thờ Ise, tuy nhiên, đối với các tín đồ Thần Đạo lúc bấy giờ, viếng đền Ise là việc làm quan trọng hàng năm. Vào mùa hành hương, hàng đoàn người nối nhau không ngớt hướng về ngôi đền linh thiêng này.
Đến thời Minh Trị, cuối thế kỷ 19, Nhật Bản bắt đầu áp dụng một ngày nghỉ mỗi tuần, đó là ngày Chủ Nhật, giống các nước phương Tây.
Thời Minh Trị, Nhật Bản chủ trương học tập văn minh phương Tây và mở rộng giao lưu với nước ngoài. Đây cũng là thời điểm các khách sạn mọc lên khắp nơi trên cả nước. Tuy nhiên, khách sạn chủ yếu phục vụ người nước ngoài vì người Nhật lúc bấy giờ quan tâm đến công việc hơn là nghỉ ngơi, du lịch.
Sau Chiến tranh Thế giới Thứ 2, bắt đầu từ năm 1947, luật lao động của Nhật Bản cho phép người làm công ăn lương có thêm 1 ngày nghỉ nữa, ngoài Chủ Nhật.
Thời gian nhàn rỗi nhiều, cuộc sống của người dân cũng dư dả nhờ sự tăng trưởng kinh tế thần tốc. Từ thập niên 1960, người Nhật bắt đầu có xu hướng đi du lịch vào ngày nghỉ.
Để đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi của mọi người, hàng loạt công ty du lịch lữ hành ra đời, nhiều hình thức du lịch mới mẻ cũng được áp dụng. Giai đoạn này, phổ biến nhất là du lịch trong nước, tỉnh Fukushima là một trong những điểm đến nổi tiếng. Nơi đây có suối nước nóng, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và cung cách phục vụ lại chuyên nghiệp. Cư dân thủ đô Tokyo là số khách du lịch đông nhất tại Fukushima.
Từ thập niên 1970, ngành du lịch nội địa Nhật Bản đã có sự phát triển bùng nổ. Các tour du lịch theo đoàn lớn trở nên thịnh hành. Đối tượng khách tham quan chủ yếu là nhân viên của các xí nghiệp, công ty.
Đến thập niên 1980, ngành công nghiệp chế tạo của Nhật Bản tăng trưởng mạnh, hàng hoá chủ yếu xuất khẩu ra nước ngoài. Thu nhập của người lao động được nâng lên đáng kể, họ bắt đầu mua xe hơi. Từ đó, hình thức du lịch tự túc bằng xe hơi cá nhân xuất hiện.
Ngày nay, đi du lịch đã trở thành sở thích của người Nhật. Theo nhận định của các công ty lữ hành quốc tế, không có nhiều quốc gia ở châu Á nào mà người dân thích đi du lịch như Nhật Bản.
Đi du lịch, đặc biệt là đi du lịch nước ngoài hiện trở thành xu hướng của người dân xứ sở Phù Tang. Theo Hiệp hội các Hãng lữ hành Nhật Bản, JATA, mỗi năm có khoảng 16,5 triệu lượt người Nhật đi du lịch nước ngoài. Điểm đến ưa thích của họ là châu Âu, Mỹ và một số nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan.
Nhiều người thường nghĩ rằng du lịch là sở thích của giới trẻ nhưng kỳ thực đối với người Nhật thì sở thích đó không có giới hạn về tuổi tác và giới tính.
Nhật Bản nổi tiếng là đất nước của những con người say mê công việc. Có một điều mà ít ai biết rằng, Nhật Bản là nước có nhiều ngày lễ cấp quốc gia nhất trong số các nước công nghiệp phát triển trên thế giới. Người lao động được khuyến khích sử dụng những ngày nghỉ này để đi thư giãn nhằm tái tạo sức lao động và giảm stress. Hiện nay, các công ty ở Nhật luôn tạo những điều kiện thuận lợi để công nhân của họ đi du lịch, nghỉ ngơi.
Bị công việc cuốn hút trong một thời gian dài, giờ đây, người Nhật có tâm lý tận hưởng cuộc sống bằng những chuyến đi xa. Đối với họ, du lịch là liệu pháp giảm căng thẳng, tích lũy thêm kinh nghiệm sống và tạo mối quan hệ. Đó là lợi ích bản thân, còn đối với xã hội, du lịch thúc đẩy chi tiêu, tạo động lực phát triển kinh tế. Xét về mọi khía cạnh, du lịch là hoạt động bổ ích, đó cũng chính là lý do Nhật Bản là đất nước của những con người thích chu du đây đó.
Bị công việc cuốn hút trong một thời gian dài, giờ đây, người Nhật có tâm lý tận hưởng cuộc sống bằng những chuyến đi xa. Đối với họ, du lịch là liệu pháp giảm căng thẳng, tích lũy thêm kinh nghiệm sống và tạo mối quan hệ. Đó là lợi ích bản thân, còn đối với xã hội, du lịch thúc đẩy chi tiêu, tạo động lực phát triển kinh tế. Xét về mọi khía cạnh, du lịch là hoạt động bổ ích, đó cũng chính là lý do Nhật Bản là đất nước của những con người thích chu du đây đó.
Thanh Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét