Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

(THVL) Gà và trứng gà – thực phẩm thiết yếu của người Nhật

Gà vườn đã xuất hiện tại Nhật Bản từ rất lâu nhưng mãi đến thời Edo, thế kỷ XVII, người Nhật mới bắt đầu dùng nó để làm thực phẩm trong các bữa ăn hàng ngày. Hiện nay, ở Nhật có khoảng 17 giống gà bản xứ thuần chủng.
Một trong số đó là gà Chabo hay còn gọi là gà tre Nhật, đặc điểm của giống gà này là chân ngắn và nhỏ con. Gà chabo sở hữu chiếc đuôi dựng đứng độc đáo, người Nhật ví hình dáng của giống gà này như chậu bonsai di động.
Chapo là một giống gà tre Nhật
Khác với dáng vẻ nhỏ nhắn của gà chabo, gà Shamo có thân hình bệ vệ, là đại diện nổi tiếng của giống gà chọi Nhật Bản.
Shamo có thân hình bệ vệ
Gà Ukokkei có bộ lông trắng mượt rất đáng yêu và là giống gà kiểng rất được ưa chuộng. Tuy có lông trắng, nhưng da, thịt và xương của gà Ukokkei lại có màu đen.
Gà Ukokkei có bộ lông trắng mượt 
Khi nói đến gà kiểng Nhật Bản, không thể bỏ qua giống gà đuôi dài Onagadori nổi danh khắp thế giới. Gà Onagadori có chiếc đuôi dài rất ấn tượng. Độ dài của đuôi gà trung bình khoảng 5 mét, nhưng có lúc lên đến 10 mét.
Những loại gà vườn có đặc điểm là thay lông mỗi năm 1 hoặc 2 lần. Thế nhưng, gà đuôi dài Onagadori của Nhật Bản không thay lông. Đó là nhờ phương pháp lai tạo mà các nhà chăn nuôi Nhật Bản đã thực hiện thành công cách đây 200 năm. Giống gà Qnagadori không thay lông này được người Nhật gìn giữ thuần chủng cho đến tận ngày nay.
Đặc điểm không thay lông là một trong những yếu tố giúp gà Onagadori có chiếc đuôi dài độc nhất vô nhị. Đây là giống gà quý được coi như Bảo vật sống trong văn hóa Nhật Bản và không được phép đưa ra khỏi đất nước.
Gà đuôi dài Onagadori
Bên cạnh các giống gà có diện mạo khác thường, Nhật Bản cũng có những giống gà kiểng sở hữu tiếng gáy rất dài. Chúng được gọi là gà Nagana ki dori. Người chơi gà kiểng thường xuyên tổ chức các cuộc thi để xem chú gà trống nào có tiếng gáy dài nhất. Mỗi cuộc tranh tài như thế luôn thu hút rất đông người xem.
Gà Totenko được xem là đại diện tiêu biểu cho những giống gà kiểng có tiếng gáy dài. Tiếng gáy của giống gà này trong trẻo, âm lượng cao, mỗi tiếng gáy kéo dài đến 30 giây.
Totenko sở hữu tiếng gáy dài đến 30 giây
Một đối thủ của gà Totenko trong lĩnh vực này là gà Tomaru. Gà Tomaru còn có điểm nổi bật là bộ lông đen tuyền từ đầu đến đuôi.
Gà Koeyoshi là 1 trong số 3 giống gà thuần chủng của Nhật Bản có tiếng gáy dài. Khác với tiếng gáy trong trẻo và âm lượng cao của gà Totenko, tiếng gáy của gà Koeyoshi trầm và khàn. Mỗi tiếng gáy kéo dài khoảng 15 giây. Nó thể hiện sự mạnh mẽ và nam tính. Koeyoshi là giống gà được thừa hưởng gen của gà chọi Shamo và gà có tiếng gáy dài Tomaru. Ngoài tiếng gáy, nó còn là giống gà to con, trọng lượng trung bình của gà trống là 4,5 kg và gà mái là 4 kg. Năm 1937, chính phủ Nhật đã đưa gà Koeyoshi vào danh sách các báu vật sống của quốc gia.
Mặc dù có thân hình to lớn nhưng gà Koeyoshi không được xem là gà chọi, chúng chỉ là giống gà kiểng để người chơi thưởng thức tiếng gáy.
Nhật Bản là đất nước hiện đại nhưng một bộ phận người dân vẫn duy trì thói quen nuôi gà vườn như cách để thư giãn. Thói quen mang tính nông nghiệp này đã giúp duy trì những giống gà quý, tạo nên tên tuổi cho gà kiểng Nhật Bản. Mặc dù nhiều thế kỷ đã trôi qua và quá trình toàn cầu hoá ngày càng diễn ra mạnh mẽ, nhưng các giống gà bản xứ giá trị của Nhật Bản vẫn không bị lai tạp. Điều đó là nhờ chính sách bảo vệ của chính quyền và ý thức của người dân.


Không có nhận xét nào: