Xứ Phù Tang từ lâu được du khách quốc tế khâm phục bởi những bản sắc văn hóa truyền thống được giữ gìn hết sức cẩn thận.
Xin giới thiệu một vài lễ hội cầu may tiêu biểu của người dân xứ Mặt trời mọc thường diễn ra vào dịp đầu năm.
Lễ hội Tamaseseri (Tranh bóng cầu may)
Đây là một trong ba lễ hội chính của đảo Kyushu (nằm ở phía Tây Nam Nhật Bản), được tổ chức hàng năm vào ngày 3/1 tại đền thờ Hakozaki (thành phố Fukuoka).
Hoạt động trung tâm của lễ hội là “tranh bóng cầu may”. Các thành viên tham gia đều là nam, mặc khố, chia thành 2 đội: một tượng trưng cho những người nông dân Nhật và đội kia đại diện cho những ngư dân.
Lễ hội bắt đầu diễn ra lúc 13 giờ, một quả bóng nặng tới 8 kg sẽ được tung ra sân để hai đội thi đấu giành lấy. Trong quá trình thi đấu, họ vừa phải cố gắng giành lấy bóng, vừa phải hướng quả bóng đi vào trong đền thờ giữa sự hò reo của khán giả.
Người Nhật quan niệm đội nào giành được bóng và dâng lên thần Shinto thì sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới, bởi vì thế họ phải trải qua nhiều khó khăn trên đường chinh phục.
Khi qua khỏi cổng torri (cổng vào của các đền thờ Thần Đạo tại Nhật Bản), họ sẽ bị dội rất nhiều nước lạnh từ trên xuống dù trời đang giữa mùa đông. Cùng với đó, họ cũng phải “thi đấu” với cả khán giả - những người hi vọng cũng chạm được vào bóng để lấy may.
Cuối cùng, đội nào giành được bóng và mang trao cho thầy tế Thần Đạo trong đền sẽ được coi là đội chiến thắng và sẽ làm ăn khấm khá trong năm mới.
Lễ hội Tamaseseri
|
Lễ hội Dezome-shiki (Diễu binh năm mới của lính chữa cháy)
Lễ hội này được tổ chức hàng năm vào ngày 6/1 nhằm cảnh bảo con người về những hiểm họa của lửa, cầu mong một năm yên bình. Lễ hội Dezome-shiki do Sở Cứu hỏa Tokyo tổ chức. Lễ hội này có sự tham gia của 100 xe chữa cháy và cả trực thăng.
Lễ hội Dezome-shiki bắt đầu bằng việc lính chữa cháy cầu nguyện trước đền thờ Toshogu trong công viên Ueno (phía Bắc Tokyo) để mong một năm mới khỏe mạnh và yên bình, tránh được các hiểm họa của lửa.
Tuy nhiên, điểm thu hút chính của lễ hội lại là “những nghệ sĩ nhào lộn trên thang”. Đó là những người đàn ông mang trang phục lính chữa cháy từ thời kỳ Edo (thế kỷ 17 - 19), xếp thành hình tháp trên một chiếc thang tre và biểu diễn các động tác nhào lộn.
Trong thời Edo, chiếc thang tre là phương tiện chữa cháy không thể thiếu, giúp những người lính có thể tiếp cận và ngăn chặn lửa cháy, lan rộng trên những tòa nhà cao, trên mái nhà… Lính chữa cháy vì thế phải có sự lanh lẹ, khéo léo.
Xe chữa cháy tham gia lễ hội Dezome-shiki
|
Lễ hội Usokae (Đổi chim sẻ)
Sự kiện này được tổ chức vào ngày 7/1 hàng năm tại đền Dazaifu Tenmangu (tỉnh Fukuoka) - nơi thờ thần Sugawara no Michizane.
Tương truyền, Sugawara no Michizane là một quý tộc, học giả, thi sĩ, chính trị gia dưới thời Heian), sau khi chết đi được người dân Nhật Bản tôn là vị thần của học thức. Truyền thuyết kể rằng, Sugawara no Michizane là một người trung thực, không bao giờ nói dối.
Tại lễ hội này, mọi người sẽ trao đổi cho nhau những hình khắc gỗ chim sẻ (uso), được biết đến là loài chim may mắn và cùng nhau cầu nguyện cho một tương lai tươi sáng. Trong tiếng Nhật, uso còn có nghĩa là “nói dối”, do đó người ta tin việc cho đi những hình chim sẻ gỗ cũ cũng là hành động bỏ lại hết những lời gian dối của năm cũ, mong một năm mới con người sống thật lòng với nhau hơn.
Một điều mà mọi người tới lễ hội này mong muốn là có thể tìm cho mình chú chim sẻ vàng trong hàng nghìn chú chim sẻ gỗ. Theo truyền thuyết, ai có được chú chim sẻ vàng thì người đó sẽ có cả một năm hạnh phúc chờ đón.
Đặc biệt với giới trẻ Nhật Bản, thời điểm diễn ra lễ hội trao đổi chim sẻ là vào đầu mùa thi nên họ thường đến đây cầu mong sẽ thi qua tất cả các môn.
Buổi tối cùng ngày, sẽ có hội đốt lửa để xua đuổi tà ma. Đây cũng là một trong ba lễ hội lửa lớn nhất tại Nhật Bản.
Một hình khắc gỗ chim sẻ được trao tặng nhau trong lễ hội Usokae
|
Lễ hội Daruma - ichi (Búp bê Daruma)
Lễ hội Daruma được tổ chức vào ngày 6 và 7/1 hàng năm trên toàn nước Nhật,là lễ hội búp bê đầu tiên và lớn nhất tại xứ sở Mặt trời mọc.
Trong thế giới tâm linh của người Nhật, búp bê Daruma được coi là biểu tượng của sự may mắn và sự kiên cường.
Loại búp bê này được làm từ giấy bồi nhiều lớp, rỗng, đáy nặng nên giống như con lật đật, vì thế không bao giờ ngã. Kiểu dáng của búp bê Daruma được biến tấu từ hình tượng các vị sư ngồi thiền trong tín ngưỡng Phật giáo.
Một quầy bày bán búp bê Daruma
|
Hàng năm, vào dịp tết, người Nhật tự mua búp bê Daruma cho mình hoặc tặng cho người thân, viết lên đó tên và ước nguyện của bản thân. Sau đó, khi bắt đầu kế hoạch thực hiện mong muốn, người ta sẽ tô đen một con ngươi của búp bê và đặt lên bàn thờ Phật hoặc vị trí trang trọng trong công sở để cầu mong may mắn. Đến khi ước nguyện thành hiện thực, người ta sẽ tô đen nốt con ngươi còn lại của Daruma.
Cuối năm, búp bê Daruma nếu được mua ở chùa thì sẽ được đưa về chùa và mọi người sẽ mua búp bê Daruma mới. Theo đó, năm cũ chấm dứt và một năm mới sẽ lại đến mang theo mơ ước và may mắn mới cho người dân.
Theo Thanh niên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét