Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

Những bảo tàng kỳ quặc ở Anh

(Toquoc)-Có những thứ như tầm thường như giấy gói cũ bỏ đi, bút chì, tivi, máy hát cũ, thậm chí là cả những món đồ ăn hàng ngày…v.v. tưởng chừng chẳng đáng để lưu trữ, lại chính là ý tưởng cho các bảo tàng được coi là “điên khùng” nhất nước Anh. Tuy nhiên, những bảo tàng này đã thu hút rất đông du khách đến thăm quan mỗi năm.
Dạo quanh các bảo tàng kỳ quặc nhất nước Anh trong dịp nghỉ hè này là một trải nghiệm thú vị cho những ai có thú vui sưu tập. Ở Anh, có đến 20 triệu người làm nghề sưu tập, trong đó không ít người sưu tập những đồ vật kỳ quặc, hiếm có. Họ mở hẳn những bảo tàng riêng để giới thiệu những thành quả dù là nhỏ bé mà con người làm ra trong quá trình tồn tại và phát triển. Nhiều người cho rằng họ điên khùng và kỳ quặc nhưng khi tận mắt chứng kiến quy mô và cách sắp xếp các bảo tàng này, người ta mới chợt nhận ra những ý tưởng đó không hề điên rồ chút nào.
Có lẽ, bảo tàng được đánh giá là ấn tượng, chuyên nghiệp và hoành tráng nhất là Bảo tàng Nhãn hiệu, Đóng gói và Quảng cáo (the Museum of Brands, Packaging and Advertising). Cái tên của bảo tàng đã nói lên tất cả. Ở đây có tất cả mọi thứ từ nhãn hiệu, giấy gói, áp phích quảng cáo cho tới đồ chơi và thời trang…v.v. Người sáng lập ra bảo tàng là anh Robert Opie. Anh có ý tưởng thành lập bảo tàng từ năm 1963 khi mới 16 tuổi và 40 năm sau, anh đã có 500.000 đồ gói các loại. Bảo tàng thu hút 30.000 khách mỗi năm.
Nhờ bảo tàng này mà người xem có thể biết được lịch sử của văn hoá tiêu dùng bộc lộ qua những nhãn hiệu được yêu thích, cách đóng gói, quảng cáo đầy sáng tạo cho thấy chúng liên quan đến đời sống và sự phát triển của cuộc sống con người như thế nào.
Những nhãn hiệu phổ biến được trưng bày
Nhưng bảo tàng hài hước nhất lại là Bảo tàng Đậu Nướng (Baked Beans Museum). Nhiều người cứ nghĩ nó chỉ là trò đùa hoặc chỉ tồn tại trên internet. Nhưng sự thực nó đã tồn tại. Bảo tàng nằm trên tầng cao nhất của một toà nhà, gồm 500 hiện vật trưng bày cho thấy lịch sử của đậu nướng. Chủ bảo tàng cũng là một người có cái tên mang đậm chất “đậu” là anh Captain Beany.
Chủ bảo tàng và bộ sưu tập đậu nướng
Và còn gì kỳ quặc hơn Bảo tàng Bút chì (The Pencil Museum)? Làm sao có thể có bảo tàng dành riêng cho một thứ nhỏ xíu như bút chì? Ý tưởng thành lập bảo tàng là do một công ty có tên Cumberland Pencil Company. Ở đây, trưng bày tất cả các loại bút chì từ sơ khai cho đến loại hiện đại. Tại đây cũng có rất nhiều các hoạt động dành riêng cho thiếu nhi như góc vẽ tranh, góc mua sắm…v.v. Bảo tàng thu hút 100.000 khách mỗi năm.
Bút chì trở thành hiện vật đáng lưu trữ
Tuy nhiên, bảo tàng khiến mọi người ngạc nhiên nhất lại là Bảo tàng Máy xén cỏ (The Lawnmower Museum). Đến đây, chắc chắn bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên bất ngờ. Bảo tàng có đến 5 phòng đặt phía trên tại một cửa hàng chuyên bán các máy làm vườn. Bảo tàng lưu trữ tất cả các loại máy xén cỏ từ cũ kỹ đến hiện đại, trong đó có cả máy xén cỏ bằng rô-bốt và máy xén cỏ mà Thái tử Charles và Công nương Diana đã được tặng trong lễ cưới của mình. Thậm chí bảo tàng còn trưng bày cả máy xén cỏ đua xe. Người sáng lập ra bảo tàng là anh Brian Radam.
Máy xén cỏ trưng bày trong bảo tàng
Một bảo tàng gây tò mò khác là Bảo tàng Tivi và các thiết bị điện tử (the British Vintage Wireless and Television Museum) với 13 phòng trưng bày các loại radio, ti vi, máy hát cũ phổ biến một thời…v.v, và cả các thiết bị điện tử trưng bày riêng biệt. Tất cả đều tái hiện lịch sử của ngành vô tuyến điện một thời.
 
Ti vi và các thiết bị điện được xếp đặt gọn gàng trong bảo tàng
Ngoài ra, ở Scotland, còn có 2 bảo tàng đặc biệt có tên The Mound Museum và the ClanArmstrong Museum. The Mount Museum mở cửa từ năm 2006, trưng bày các loại tiền xuất hiện ở Anh và những câu chuyện liên quan tới tiền bạc như nghệ thuật, thiết kế, công nghệ, tội phạm, thương mại, an ninh. The Clan Amstrong Museum là bảo tàng trưng bày và triển lãm tất cả tư liệu, hiện vật về vận động viên nổi tiếng Clan Amstrong được đặt ngay tại quê nhà nơi anh sinh ra./.
Lê Dung (Theo Daily Mail)

Không có nhận xét nào: