(Toquoc)– Vào trung tuần tháng tư, hiện tượng tro bụi núi lửa ở Ai Len đã gây ra không ít cản trở cho việc đi lại của người dân và gây thiệt hại đáng kể cho nhiều hãng hàng không trên thế giới.
Tuy nhiên, bạn đừng vì thế mà quên rằng núi lửa cũng là một trong những địa chỉ “không thể bỏ qua” với bất cứ ai ưa phiêu lưu, khám phá. Sau đây là danh sách 5 ngọn núi lửa ở châu Á mà bạn nên ghé thăm ít nhất một lần trong đời để tận mắt chứng kiến sự diệu kỳ của tự nhiên.
1. Núi lửa Bromo, Indonesia
Về tần suất hoạt động suốt ngày đêm và khung cảnh hùng vĩ, thì dãy núi lửa Bromo (thuộc phía đông đảo Java của Indonesia) không phải là ngọn núi đứng đầu bảng trên thế giới. Tuy nhiên, làn khói khổng lồ tỏa ra từ ngọn núi lửa đang hoạt động cao tới hơn 2.320m này cùng với sương mù đã khiến nơi đây trở thành một địa danh thu hút những ai ưa thích khám phá, đặc biệt là những buổi bình minh hay hoàng hôn.
Đặc biệt hơn, từ đỉnh Bromo, du khách có thể nhìn ra ngọn núi lửa cao nhất đảo Java có tên gọi núi lửa Semeru. Hiện núi lửa này vẫn đang hoạt động rất mạnh với tốc độ 20 phút/1 lần phun trào.
Bromo là ngọn núi có độ tuổi trẻ nhất trong quần thể núi lửa Tengger ở Indonesia đã tồn tại từ cách đây 820.000 năm. Tuy nhiên, trong những ngọn núi ở quần thể núi lửa Tengger, có thể nói Bromo là ngọn núi vinh dự đón nhiều du khách tới thăm hàng năm cao hơn cả và là địa điểm an toàn nhất trong khu vực. Để tới thăm ngọn núi này, bạn có thể đi bộ trong 45 phút hay nếu chạy bằng xe zeep thì thời gian sẽ ngắn hơn đáng kể.
2. Núi lửa Hallasan, Hàn Quốc
Núi Hallasan tọa lạc tại khu vực núi lửa của hòn đảo Hejudo còn có tên gọi khác là Yeongjusan, có nghĩa là núi cao chạm đến trời. Đây là ngọn núi lửa cao nhất của Hàn Quốc với chiều cao 1950m so với mực nước biển.
Không chỉ nổi tiếng với 1800 loại thực vật và 4000 loài động vật, ngọn núi này được biết đến với hồ nước được hình thành từ miệng núi lửa Baekrokkdam. Hồ được đặt với tên gọi là hồ Trăm nai (Hundred Deer Lake) bởi truyền thuyết về các nàng tiên từ thiên đình đã dạo bước xuống đây để chơi đùa cùng bầy nai trắng. Vào mùa xuân, ngọn núi còn thu hút đông du khách đến thưởng thức những bông đỗ quyên rực rỡ, tạo nên khung cảnh rất hữu tình.
Vì là núi lửa đã ngừng hoạt động, nên địa danh này tuyệt đối an toàn với du khách. Núi Hallasa tương đối dễ trèo. Bạn chỉ cần trải qua khóa học leo núi 10km là đã có thể leo lên đỉnh ngọn núi này chỉ trong một ngày.
3. Núi lửa Aso, Nhật Bản
Aso là ngọn núi lửa còn đang hoạt động lớn nhất của Nhật Bản và là một trong những ngọn núi lâu đời nhất trên thế giới. Tọa lạc trên tỉnh Kumamoto thuộc hoàn đảo Kyushu (một trong bốn hòn đảo lớn của Nhật Bản), ngọn núi này nay không còn phun trào nữa tuy nhiên nó vẫn tỏa ra đám khói trắng tạo cho khung cảnh núi đầy lãng mạn. Chính điều này đã thu hút những du khách vốn yêu thích những điều diệu kỳ của tự nhiên.
Núi Aso bao gồm 5 ngọn núi Neko, Taka, Naka, Eboshi và Kishima, tuy nhiên ngày nay chỉ có duy nhất một miệng núi lửa là Naka-dake còn đang hoạt động. Xung quanh núi lửa toàn đá nham thạch và không có sự xuất hiện của thảm thực vật. Miệng núi lửa rộng 600m, sâu 130m, và nhiệt độ bên trong luôn là 1000 tới 1200 độ.
Vì vậy, nơi đây đặc biệt thích hợp cho những ai thích mạo hiểm với những hoạt động như leo núi. Và món quà dành cho những ai leo tới đỉnh Aso là khung cảnh hùng vĩ của núi lửa hiện ra trong làn khói cuồn cuộn và du khách sẽ cảm nhận hơi nóng bốc ra từ dòng dung nham bên trong miệng núi. Nhưng bạn cũng sẽ phải cẩn thận với khí gas bốc lên từ miệng núi.
Ngoài ra, đến với khu vực này, du khách có thể lang thang qua những cửa hiệu mua đồ lưu niệm để mua những hòn đá dung nham về làm quà và thưởng thức những món ăn đặc trưng tại các nhà hàng địa phương cũng như có những giờ phút thư giãn trong các suối nước nóng tại những khu nghỉ dưỡng.
Để khám phá ngọn núi cùng với khu vực lân cận, bạn có thể đi bộ, đi bằng cáp treo hay đi theo đường ô tô. Tuy nhiên, thông thường du khách hay chọn cách đi cáp treo để đi lên, còn đi xuống thì là một trong hai cách còn lại.
4. Núi lửa Pinatubo, Philippines
Năm 1991, ngọn núi ở phía Bắc Philippines này phun trào đã gây thiệt mạng cho hơn 800 người và đưa đợt phun trào trở thành một trong những đợt phun trào lớn nhất của núi lửa trong thế kỷ 20.
Tuy nhiên, tai họa thảm khốc này đã khiến núi lửa Pinatubo được thế giới biết tới nhiều hơn. Và giờ đây, Pinatubo trở thành địa danh nổi tiếng dành cho khám phá như tới để bơi tắm, hoặc cưỡi xuồng kayak trên hồ nước rộng lớn ở miệng núi lửa này. Đây là kết quả của việc sau tai hoạ năm 1991, thành phố Angeles – thủ phủ của ngọn núi Pinatubo đã thực hiện chính sách kích cầu du lịch và đã mang lại thành công.
Hiện nay, thành phố Angeles vẫn đang đưa ra các chương trình leo núi hấp dẫn du khách bằng dịch vụ nhảy dù và du lịch trên không với giá chỉ khoảng 55 USD/người/chuyến hành trình.
5. Núi Phú Sỹ, Nhật Bản
Sẽ là thiếu sót nếu nói tới những ngọn núi lửa của châu Á mà không nhắc tới núi Phú Sỹ.
Nằm trên địa phận tỉnh Shizuoka và Yamanashi thuộc trung tâm đảo Honshu, đây là ngọn núi lớn nhất trong số 86 ngọn núi lửa vẫn đang âm ỉ ở Nhật Bản. Ngày nay những cơn địa chấn nhỏ thỉnh thoảng vẫn xuất hiện và Phú Sỹ có thể phun lửa trở lại bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên cả dân cư địa phương và du khách không ai vì thế mà tránh xa ngọn núi này. Bình quân mỗi năm, núi Phú Sỹ đón 25 triệu du khách trên thế giới đổ về đây chiêm ngưỡng sự kỳ vỹ của ngọn núi này.
Với chiều cao đáng nể 3.776m và vẻ đẹp hùng vĩ tráng lệ, ngọn núi với tuyết phủ quanh năm này đã trở thành biểu tượng của đất nước mặt trời mọc. Không chỉ là địa điểm lý tưởng để chụp ảnh, núi Phú Sỹ còn giúp du khách trải nghiệm môn thể thao mạo hiểm nhưng không kém phần thú vị, đó là leo núi. Mỗi năm có khoảng 25 triệu du khách leo lên đỉnh Phú Sỹ để khám phá. Vào mùa cao điểm hàng năm (tháng 7, tháng 8), hàng trăm nghìn người tập tụ để cùng nhau chinh phục ngọn núi này.
Tuy nhiên, đến với núi Phú Sỹ không phải bất cứ dịp nào bạn cũng may mắn có cơ hội ngắm mây phủ quanh núi và có những thước ảnh đẹp. Bù lại, bạn có thể tới thăm nhà trưng bày ảnh Hakone ở phía Đông Phú Sỹ, và hồ Fuji Five Lakes ở phía Bắc của núi lửa này.
Thụy Miên (Theo CNNGO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét