Anh chàng trẻ tuổi Oliver Mutasa và 2 bà vợ tại Harare - Ảnh: Đỗ Hùng |
Oliver Mutasa hỏi: “Cậu mấy vợ rồi?”. Tôi đáp: “Một”. Anh ta nói: “Tớ mới có 2 thôi”. Cha anh ta có 5 vợ, 15 con trai và 8 con gái.
Tôi từng nghe rất nhiều chuyện thú vị về tục đa thê ở Nam Phi. Có vụ bà Nompumelelo Ntuli, người vợ thứ hai của Tổng thống Jacob Zuma, bị phạt một con dê vì đã có “hành vi xấu”. Hành vi xấu ở đây là việc bà phàn nàn về kế hoạch cưới thêm vợ nữa của ông Zuma. Ngài tổng thống Nam Phi đã 5 lần cưới vợ, trong đó một người đã chết và một người ly dị. Hiện ông có 3 bà vợ và 20 người con, chưa kể những người con ngoài hôn nhân. “Vụ án” bà Ntuli được báo chí Nam Phi khai thác triệt để với tờ quảng cáo được dán khắp Johannesburg.
Về chuyện vợ con của ông Zuma, tôi nhớ báo Sowetan từng viết: “Nếu chúng ta tráo vài đứa con của ngài tổng thống thì chắc ông cũng không phát hiện ra”.
Đó là chuyện nghe được ở Nam Phi. Giờ đây, khi đến Zimbabwe, tôi được tận mắt chứng kiến cũng như trực tiếp nghe những người đàn ông nhiều vợ kể về tục đa thê, về lý do tại sao họ khoái cưới vợ.
Cậu có mấy vợ?
Câu hỏi này, ở Việt Nam, nghe rất buồn cười. Thậm chí, kiểu diễn đạt không có gì sai như: “Tôi có một vợ và hai con” cũng dễ dàng gây ra những trận cười sôi nổi. Đó là bởi “một vợ” là điều đương nhiên ở ta, cũng như nhiều nơi khác.
Nhưng với Zimbabwe thì khác hẳn. Đang lái xe chở tôi chạy loanh quanh Harare, anh chàng Oliver Mutasa chợt hỏi: “Cậu có mấy vợ rồi?”. Tôi suýt phì cười, nhưng kịp nhận ra đó là một câu hỏi bình thường ở xứ này. “Một thôi”, tôi đáp. Chàng tài xế người Shona nói: “Tớ mới có 2 thôi, và 5 con”. Rồi anh kể cha mình có 5 vợ, 8 con gái và 15 con trai.
Xu hướng nhiều vợ ở Zimbabwe, theo thời gian, cũng có những biến chuyển như xu hướng sinh con ở Việt Nam. Tức là, ngày trước ông bà, cha mẹ chúng ta sinh dăm bảy con, thậm chí hơn một chục đứa là thường. Giờ đây, các đôi vợ chồng trẻ chỉ sinh từ một đến hai con là “khóa sổ”. Ở Zimbabwe, cách đây vài chục năm, chuyện một ông lấy dăm bảy bà, thậm chí 20 bà, rất phổ biến. Ngày nay, các đấng mày râu ngoài 20 thường dừng lại ở 2 hoặc cao lắm là 3 vợ.
Tôi hỏi Mutasa: “Cậu tính lấy thêm vợ nữa không?”. Anh chàng đáp: “Chắc ngưng thôi. Lấy thêm nữa không có tiền nuôi”. Tôi vặn vẹo: “Thì lấy thêm một cô cũng có nghĩa là gia đình thêm một lao động chứ. Vợ chứ có phải trẻ con đâu mà nuôi!”. Anh ta giải thích: “Không hẳn vậy. Kinh tế gia đình ở đây thường dồn lên vai đàn ông. Phụ nữ làm các công việc có thu nhập rất thấp. Thế nên anh nào muốn lấy nhiều vợ thì trước tiên phải kiếm thật nhiều tiền cái đã”. Tôi vẫn chưa chịu: “Trước kia cha ông các cậu còn khổ hơn nhưng vẫn dăm bảy vợ đấy thôi”. Anh ta cự nự: “Trước kia khác, giờ khác. Giờ nhu cầu rất nhiều. Lấy vợ thì phải sinh con. Mà sinh một đứa là tốn đủ thứ: tiền học, áo quần, thuốc men, đâu phải như ngày trước, thời bọn tôi còn nhỏ ấy, chẳng cần học hành gì, đau ốm cũng không cần mua thuốc. Mỗi thời mỗi khác, nói chung bây giờ muốn lấy nhiều vợ thì anh cần phải có nhiều tiền”.
Tôi hỏi: “Ở xứ này kỷ lục về số vợ là bao nhiêu?”. Mutasa dông dài: “Nói chung là anh muốn có bao nhiêu cũng được. Pháp luật không giới hạn. Hiện người nhiều vợ nhất có tới 60 bà. Tất nhiên là không phải tất cả đều còn sống với ông ta lúc này”. Ôi, 60 bà vợ, nếu thông tin này mà chính xác thì thật là... khủng khiếp! Tôi đùa: “Chắc tớ xin nhập tịch Zimbabwe quá!”. Mutasa cười ha hả: “Nhập tịch đi. Nhưng cậu phải có nhiều tiền mới cưới nhiều vợ được”.
Nhiều vợ thì như thế nào?
Một con gà rán (full chicken) cùng với khoai tây chiên mua từ tiệm Chicken Inn, hai gã trai thi nhau xé ăn một hồi thì no lặc lè. Tôi hỏi: “Bây giờ xử lý cái này thế nào?”. Mutasa bảo: “Để yên đấy!”.
Đang chạy ngon trớn, Mutasa phanh xe cái két, đoạn chỉ tay về phía 2 cô gái đang đi bên lề đường: “Vợ tớ đấy!”. Tôi hỏi: “Cô nào?”. “Cả hai!”. Tôi trố mắt. Họ chắc còn rất trẻ, tôi đoán thế, vì thực sự rất khó đoán tuổi dân châu Phi.
Mutasa giới thiệu tôi với 2 cô vợ, trỏ từng cô: “Đây là Rita, đây là Irene”, rồi đưa hộp gà rán và khoai tây cho họ. Họ ngồi ở băng sau, cùng ăn và trò chuyện líu lo như chim hót. Tôi nghệch mặt ra ngắm họ. Chẳng phải là tôi mê 2 cô vợ của Mutasa, mà do lần đầu tiên gặp 2 phụ nữ có chồng chung, muốn quan sát xem họ đối xử với nhau thế nào. Tôi hỏi Rita: “Oliver thế nào?”. “Rất tốt. Anh ấy là một gã trai tốt”, cô đáp. Irene thêm vào: “Chúng em rất yêu anh ấy”, rồi cả hai cùng cười. Tiếc là tôi không có dịp trò chuyện với 2 phụ nữ lấy chồng chung này lâu hơn, vì Mutasa để họ xuống ngay cổng một nhà máy sản xuất giày của hãng Bata.
“Họ sống với nhau ra sao?”, tôi tò mò. “Rất tốt. Họ như chị em gái vậy. Rất thương yêu nhau. Hồi nãy chắc anh cũng thấy rồi đấy”, Mutasa nói một hồi. “Còn cậu đối với họ như thế nào?”. “Hai cô ấy rất yêu tớ. Tớ cũng rất yêu họ. Nói chung cuộc sống khó khăn nhưng chúng tớ rất yêu thương, hòa thuận”. “Thế cậu... phân phối chuyện ấy ra làm sao?”, tôi chưa buông tha. Mutasa cười phá lên. Tôi cũng cười theo. Chuyện chăn gối quả là không có biên giới. Đông cũng như Tây, châu Phi cũng như châu Á, nhắc đến nó là người ta lại có thể cười sảng khoái.
“Tớ yêu hai nàng ngang nhau. Đêm nay tớ ngủ với Rita thì đêm mai ngủ với Irene, cứ thế. Họ cũng rất vui về điều đó”, anh chàng giải thích. “Nhưng sức khỏe cậu thế nào? Ban ngày vặn vô lăng suốt hơn 10 tiếng, không mệt sao?”, tôi lại hỏi. “Ôi, lao động giúp người ta khỏe lên cậu ạ. Chuyện ấy cũng giúp tớ thoải mái hơn, giải tỏa bao căng thẳng”, Mutasa nói, rồi anh cười.
Còn tôi thì ngắm anh vặn vô lăng, đoạn giơ ngón tay cái lên và nháy mắt bày tỏ sự ngưỡng mộ. Anh chàng người Shona đáp lại bằng một cái nheo mắt. Ôi, những chàng trai châu Phi mới khỏe làm sao!
Đỗ Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét