Nằm liền kề Việt Nam, đất Lào không còn xa lạ với người dân Việt với những chuyến du lịch từ sang trọng đến “bụi” xuyên qua vùng đất được mệnh danh xứ Chùa. Bên cạnh vẻ đẹp thiên nhiên tráng lệ, Lào còn chinh phục du khách bằng nền văn hóa ẩm thực độc đáo
Bài: Kiwii
Đa dạng… chùa
Với diện tích 236.800 km nhưng dân số của Lào chỉ 6 triệu người với 68 dân tộc anh em. Đến với Lào, bạn sẽ có cảm giác đi vào thế giới Phật giáo bởi hàng ngàn ngôi chùa được xây dựng khắp nơi. Chùa gắn liền với trường học, gắn cả với đời, sư sãi ăn uống bình thường như dân dã và đến nơi đâu bạn cũng dễ dàng nhận ra chiếc áo cà sa vàng óng ánh, những đôi chân trần bước nhẹ trên con đường rợp bóng cây bò cạp nước cùng các loại gỗ quý… Lào có nhiều điểm tham quan du lịch có thể phân ra thành 7 vùng chính như Vientiane, Xiengkhoang, Luang Phabang, Thakhek, Savanakhet, Pakse và Champasak. Thủ đô Viêng Chăn luôn là điểm đến đầu tiên và thú vị của du khách. Do đặc thù văn hóa đậm chất Phật giáo nên cảnh quan nổi tiếng ở Lào là những ngôi chùa hàng trăm năm tuổi. Đến đây, bạn phải ghé thăm ThatLuông hay (Pha) ThatLuang, biểu tượng của Lào. Chùa này được xây từ năm 1566 dưới triều vua Xệt-thả-thi-lạt, theo hình một nậm rượu. Ngôi chùa với một tháp chính và các tháp phụ, cao tới 45m, màu vàng rực nổi bật giữa trời xanh. Bên ngoài ngôi chùa được dát vàng. Phía trước có tượng vua Settathirath, người khởi công xây dựng ThatLuang vào năm 1566 năm dời đô từ Luangrabang về Vientiane.
Bên cạnh chùa ThatLuang, Lào còn có công viên SuanXiengKhuan, còn gọi là công viên bãi Phật với hàng trăm quần thể tượng được tạc theo theo Phật thoại. HoPhaKeo, điện thờ của Phật Ngọc Lục Bảo, nơi thờ cúng linh thiêng của vua, được xây dựng cùng năm ThatLuang. Chùa Sisakhet xây dựng từ 1818 với hơn 6.800 hình Phật và thư viện lớn chứa nhiều sách cổ viết bằng tay trên lá cọ. Chùa Simuong - chùa cổ với truyền thuyết nàng Si, một kiến trúc tuyệt hảo với nhiều hình tượng Phật thoại chạm khắc trên gỗ và kính… Cố đô Luangrabang xây dựng từ đầu thế kỷ 14, gắn liền với tên tuổi vua FaNgum, được công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1996 tọa lạc ở Bắc Lào. Cố đô có chùa XiengThong nghĩa là “thành phố vàng” được xem là chùa đẹp nhất của Lào, cả về vị trí và kiến trúc. Chùa Mai (chùa mới) là kho báu của nghệ thuật kiến trúc với chiếc mái đỏ 5 tầng đặc sắc những dãy phù điêu nổi, chạm vàng sắc sảo lấy cốt truyện từ sử thi Ramayana và Naga. Từ đỉnh tháp trên núi Phousi nhìn xuống dòng Nam Khan và Luangrabang là cả bức tranh lộng lẫy…
Nam Lào có chùa That Ing Hang nằm cách Savanakhet 15km. Được xây dựng vào giữa thế kỷ 16, đến với That Ing Hang bạn sẽ được nghe câu chuyện về vị sư già thiền định ở cây Hang cổ thụ. Một hôm vị sư già thăng thiên trong tư thế ngồi tọa thiền. Chỗ nhà sư tịch người ta dựng lên tháp chứa xá lợi của nhà sư. Dân địa phương cho rằng đây là mảnh đất thiêng, Phật giáng. Khuôn viên chùa tháp có dạng hình vuông, có bốn mặt tường rào bao quanh. Ở giữa khuôn viên chùa là tháp xá lợi cao khoảng 10 mét hình chóp nón…
Đặc sản Nộm chay
Không chỉ có kiến trúc Phật giáo độc đáo, xứ Lào còn có nền ẩm thực phong phú đủ sức hút du khách. Đến đây, bạn sẽ được thưởng thức món Nộm chay hay còn gọi là món Tam Maak Hung. Món này gồm dưa muối, đu đủ, đậu đũa, cà dĩa giã rồi trộn chung với cùng hàng chục gia vị ăn rất lạ. Chính những hương vị dân dã mà không kém phần hấp dẫn đã tạo nên một sức hút đặc biệt. Bạn sẽ không dễ quên cái dòn dòn của dưa muối, ngòn gọt của đu đủ, dai dai của đậu đũa… tất cả tạo nên hương vị vừa lạ vừa quen thuộc như khơi gợi thời thơ ấu xa xưa. Bên cạnh đặc sản Tam Maak Hung, Lào còn khá nhiều món ngon như gà nướng, lạp, lạp xưởng, thịt heo hấp măng (hoặc cá hấp lá chuối), gà (cá) nấu me, cơm (xôi)…
Người Lào ăn gạo là chính; đặc biệt thích ăn gạo nếp (khao nyao). Các thành viên trong gia đình ăn cơm từ một cái thố chung hoặc dùng riêng mỗi người một bát. Cơm nếp thì người ta ăn bốc bằng tay. Gạo là thức ăn được trân trọng nhất ở Lào và cũng vô cùng hữu dụng thông qua việc dùng làm nguyên liệu chính để làm bánh, món tráng miệng và điểm tâm. Du lịch xứ Lào, chắc chắn bạn sẽ có dịp thưởng thức cơm trộn với khoai sọ, nước cốt dừa, và ngó hoa súng. Cái hương vị vừa béo vừa bùi của khoai, nước cốt kết hợp với cái thanh tao của ngó hoa pha lẫn tạo một cảm giác thú vị, giảm bới đi cái ngan ngán thường có ở thức ăn vị béo. Bên cạnh đó, điểm tâm của Lào còn món Khao tom gồm cơm trộn với chuối, gói vào lá chuối rồi đem hấp; Tom nam hua bua, được làm bằng cách trộn cơm với nước cốt dừa và hoa sen. Điểm đặc biệt ở ẩm thực xứ Chùa chính là vị cay từ ớt khô. Vị chính trong các món ăn hầu hết các món ăn đều có rất nhiều ớt. Chỉ riêng ớt có hàng chục món: từ ớt chiên giòn, ớt muối chua, ớt sa tế , ớt hầm, ớt luộc…
Bên cạnh nét lạ về phần thực, phần ẩm cũng phong phú với đặc sản dừa nướng. Dừa để nguyên trái nướng vừa phải, lột vỏ rồi ướp lạnh. Dừa nướng nước có vị ngọt, thơm rất lạ, cơm dừa dẻo ăn rất ngon. Ngoài dừa nướng, thức uống của Lào có LauLao, Fanthong (gần giống với rượu cần), NamSa (trà pha nhạt), cà phê…
Nếu muốn đi du lịch Lào, bạn có thể tham gia tour của các công ty du lịch như công ty du lịch Saigon- tourist (ĐC: 49 Lê Thánh Tôn, quận 1, TPHCM. ĐT: (84.8) 38 279 279. Fax: (84.8) 38 224 987). Thời gian: 5 ngày 4 đêm . Giá USD: 160 USD/ khách. Công ty du lịch Fiditour (ĐC: 129 Nguyễn Huệ, P. Bến Nghé, Q.1, TP.HCM. ĐT: (84. 8) 3914 1414). Giá: 380 USD. Thời gian: 7 ngày 6 đêm
Nếu đi bụi có thể đi bằng đường máy bay từ TP. HCM đi Vientiane. Cũng có thể kết hợp bay từ Bang- Kok hoặc SiêmRiệp. Ngoài ra, bạn cũng có thể đi bằng đường bộ. Các tỉnh từ KonTum đến Lai Châu đều có đường bộ qua Lào. Phổ biến nhất là từ quốc lộ 1 hoặc đường Hồ Chí Minh rồi theo đường 8 đi Lào. Từ thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) qua Đức Thọ, Hương Sơn, ngược sông Ngàn Phố (phụ lưu của sông Lam) khoảng 100 km là đến cửa khẩu Cầu Treo. Bên kia Cầu Treo là cửa khẩu Nam Phao, có thác nước cùng tên là nơi sông Nam Tuong đổ ngược về Lào. Từ Nam Phao ( tỉnh BoliKhamxai) đến Vientiane khoảng 360 km. Dọc đường có thể ghé tham quan đèo Đất, đèo Đá, thủy điện Nam Thon….
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét