Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Câu cá hồi ở Prince Rupert ngày hè

TTO - Nhận được lời mời đi câu cá hồi trên biển của người hàng xóm - ông Ray, người sở hữu chiếc thuyền dài 9m, chúng tôi háo hức chuẩn bị lên đường. Chuyến du ngoạn ba tuần bắt đầu từ thành phố Edmonton, Canada.
Chúng tôi dùng một chiếc xe tải để kéo chiếc thuyền của ông Ray đến bến tàu. Hành trình đi theo con đường màu tím dài hơn 1.500 km từ thành phố Edmonton đến thị trấn cảng Prince Rupert nằm ở bờ biển phía tây Canada, xuyên qua rừng quốc gia rộng lớn thuộc dãy núi Rocky Mountain tuyệt đẹp. Mất hai ngày lái xe nếu lái khoảng 9 tiếng/ngày, chưa kể thời gian dừng đổ xăng, ăn uống, ngủ nghỉ.
Không gì bằng cái thú câu cá hồi trên biển vào mùa hè ở Canada

Trên đường đi có rất nhiều phong cảnh đẹp, hoa dại mọc đầy hai bên đường, đẹp rực rỡ nhưng do đường cao tốc phải chạy 100-120km/g nên không thể dừng lại vãn cảnh. Sau một ngày lái xe qua vô số đồi núi sông suối thác, cuối cùng chúng tôi cũng tới được thị trấn Prince Rupert và tiến thẳng tới cảng Rushbrook.
Cuộc gặp gỡ bất ngờ
Chúng tôi để thuyền tại bến, vào thị trấn kiếm khách sạn ngủ qua đêm để lên đường ra biển vào sáng sớm hôm sau. Vào ăn tối ở một nhà hàng hải sản, gọi món xong mới biết chủ nhà hàng là một phụ nữ Việt Nam. Bà chủ cho biết có riêng một tàu chuyên đánh bắt hải sản để bán và cung cấp cho chính nhà hàng của mình, vì vậy hải sản ở đây rất tươi ngon. Nhà hàng tên “Cu’s”, lấy theo tên ông chủ quán Cư.
Ở thị trấn nhỏ này chỉ có vài trăm người Việt Nam sinh sống nên mọi người đều biết nhau và ai cũng biết nhà hàng hải sản người Việt này.
Sáng hôm sau, đang chuẩn bị ra khơi thì có thêm hai người bạn người bản địa ở thị trấn đòi gia nhập  phút chót. Nhóm vì vậy gồm sáu người và hai chiếc thuyền, trong đó mình tôi là phụ nữ. Các ông chuẩn bị đồ đạc cho chuyến ra khơi 3 ngày liền. Không gặp may vì trời mưa, mây mù, không nhìn rõ các hòn đảo phía xa nhưng trên tàu có thiết bị định vị GPS giúp chúng tôi lái đúng hướng và khám phá các quần đảo xung quanh.
Bến neo thuyền ở cảng Rushbrook

Đây là quần đảo mà chúng tôi đi câu cá và khám phá trong ba ngày

Thả cần không lâu, chúng tôi câu được chú cá rockfish đầu tiên trong ngày. Bruce Klassen, một thành viên trong đoàn, làm thịt ngay con cá làm bữa trưa, ăn lấy hên cho ngày đầu ra quân. Không lâu sau đó chúng tôi câu được hai con cá hồi, mỗi con nặng khoảng 4 kg. Tuy nhiên, cả buổi chiều hai thuyền chỉ câu thêm được 5 con, chúng tôi làm thịt một con cho bữa tối và kiếm một cái vịnh ít gió neo tàu lại ngủ qua đêm.
Thử tài câu cá
Ngày hôm sau thời tiết đẹp hơn rất nhiều, trời xanh, biển xanh biếc một màu trong veo. Dường như cá cũng thích ngày nắng đẹp nên trồi lên bơi lội tung tăng. Bù lại ngày hôm trước, chúng tôi còn có dịp thưởng lãm khá nhiều cá heo bơi theo bầy quanh tàu chơi đùa.
Nắng vàng rực rỡ nên ai cũng hào hứng hi vọng có một ngày câu cá thành công. Chúng tôi thả ba cần câu máy dưới độ sâu 30-40m. Hai tay câu cá lão luyện trên tàu, ông Bruce và Ray vừa uống rượu whisky vừa chờ cá cắn câu. Khi thấy chiếc cần câu máy giật giật, tất cả cùng reo lên và không khí nhộn nhịp bắt đầu. Người phụ kéo dây câu, người lấy lưới vớt cá, người lái tàu, người giữ cần câu lên cao để khỏi bị sổng cá…
Tất cả là một sự phối hợp nhịp nhàng, vì cách câu cá hồi khá đặc biệt là không đứng một chỗ mà phải lái tàu chầm chậm kéo theo mồi để cá đuổi theo đớp.
Buổi sáng ngày thứ hai của hành trình, chúng tôi câu được ba chú cá hồi, mỗi chú nặng khoảng 4 kg. Cứ mỗi lần câu được thêm một con cá, ông Ray lại sung sướng dùng bộ đàm liên lạc với chiếc thuyền kia khoe ầm ĩ.
Đây là con cá rockfish đầu tiên chúng tôi câu được trong ngày sau khi thả cần không lâu

Mike, một "phó ngư phủ" trong đoàn, trổ tài làm cá. Ở Canada đàn ông hầu như ai cũng biết làm cá vì phụ nữ... chẳng bao giờ làm! Những công việc nặng nhọc và tanh hôi được… ưu tiên cho đàn ông và họ không hề nề hà. Tôi dùng dao tách thịt cá ra để làm món cá shasimi theo kiểu Nhật, tức là ăn cá sống chấm với tương và mù tạt wasabi. Đây là món ăn chúng tôi mong đợi nhất trước khi đi câu, vì các nhà hàng bán khá đắt lại không tươi ngon thế này.
Bữa trưa tự nấu của chúng tôi trên tàu cũng khá thịnh soạn với những món ăn truyền thống của người dân Canada như khoai tây non chiên, bắp, cá hồi hấp hành và trứng cá hồi chiên. Cá hồi tươi cực kỳ ngọt, lần đầu tiên tôi được thưởng thức cá hồi tươi ngon như thế! Và vị cá hồi dường như càng ngọt hơn khi thưởng thức cùng với súp bắp, kiểu ăn đặc trưng của người dân vùng Bắc Mỹ.
Sau bữa trưa, chúng tôi tiếp tục đến các quần đảo khác với hi vọng sẽ câu thêm được nhiều cá hồi. Con cá đầu tiên câu được không lâu sau bữa trưa nặng đến gần 5 kg. Trong vòng 3 tiếng, chúng tôi câu được tới 6 con cá hồi. Hơn cả sự mong đợi! Chúng tôi làm thịt lần lượt từng con, đầu thì dùng để bẫy cua, sau đó bỏ vào thùng đá khô - một loại đá khó tan. Thùng đá khô có thể chứa hơn chục con cá hồi và trữ lâu đến khoảng 5 ngày.
"Phó ngư phủ" Mike trổ tài làm cá hồi

Thưởng thức món cá shasimi theo kiểu Nhật - tức là ăn cá hồi sống chấm với nước tương và mù tạt ngay trên thuyền

Thành quả "công nghệ"
Tổng cộng ba ngày thuyền chúng tôi câu được 10 con cá hồi, trong khi thuyền bạn câu được 7 con. Theo luật, mỗi người chỉ được phép giữ 8 con cá hồi trong một chuyến đi câu, không cần biết bạn đi câu trong bao lâu, vài ngày hay vài tuần. Sau 3 ngày, tất cả cập cảng và chuyển 17 con cá câu được đến công ty chuyên đóng gói chế biến cá hồi cho khách du lịch.
Sau vài ngày, người gửi cá có thể quay lại lấy số cá được chế biến theo bất cứ kiểu nào mình thích: đóng hộp, xông khói, cá hồi ngọt (candied salmon, kiểu chế biến này có thể mở ra ăn liền giống như cá hồi xông khói, không phải nấu nướng)… Cá hồi sau khi chế biến có thể để trong tủ đông ăn dần cả năm với nhiều kiểu nấu nướng như: chiên, nướng, đút lò, hấp…
Để được phép giữ cá phải mua giấy phép đi câu. Tốn hết 31 đô Canada cho một người và phải giữ giấy phép này trong trường hợp bị kiểm tra xem có giữ đúng số cá được quy định hay không. Trong khi chờ số cá được chế biến, chúng tôi tiếp tục đi câu trên biển thêm cả tuần nữa. Tổng cộng số cá sau khi chế biến cả chuyến đi khoảng 50 con với số cá đã chế biến đến cả 100kg. Chúng tôi chia đều cho các thành viên đoàn và bỏ vào tủ đông ăn dần.
Mất 5-6 đô Canada cho 1 kg cá hồi được chế biến tại công ty chuyên nghiệp. Trên túi đóng gói cá hồi thành phẩm có dán bao bì cẩn thận với nội dung: “Được chế biến riêng cho Bruce Klassen (tên một "ngư phủ" trong đoàn), cá hồi xông khói, sản phẩm thể thao, không dùng để bán lại, hãy thưởng thức thành quả của mình!”.
Một trong những chú cá hồi chiến lợi phẩm nặng tới 5kg

Chuyến đi câu cá lý thú dài ba tuần rồi cũng kết thúc trong sự tiếc nuối của riêng tôi. Kể cũng đáng khi đánh đổi những cơn say sóng lấy những ngày đi câu trên biển mùa hè vô cùng thú vị...
Bài, ảnh: HỒNG TIÊN - MICHAEL KLASSEN

Không có nhận xét nào: