TTO - Ở Buenos Aires người ta vẫn còn rất ngưỡng mộ và kính trọng Evita Peron. Bà đã mang báu vật của Argentina phân phát cho người nghèo và mang lại quyền bầu cử cho phụ nữ nước này. Đến thăm Buenos Aires, thế nào bạn cũng gặp Evita ở mọi góc phố, kể cả khi... nhảy tango.
Tango với người Argentina cũng giống như bánh mì baquette đối với người Pháp. Người ta không thể tưởng tượng được đất nước Nam Mỹ này mà không có điệu nhảy tango nóng bỏng.
Montevideo, một trong những trung tâm của tango |
Tango không thể thiếu trong cuộc sống của người Argentina |
Buenos Aires ngày nay là một thành phố hiện đại với những ngôi nhà chọc trời, những bức tường kính khổng lồ và những văn phòng có máy điều hòa hoạt động cả ngày lẫn đêm. Mặc dù vậy, sau hơn nửa thế kỷ kể từ cái chết của Evita, người ta vẫn không thể nào quên được bà, ngay cả ở trong một thành phố hiện đại như Buenos Aires.
Gần như ở mọi mơi, trên mỗi góc phố ở đây người ta vẫn kể về “nàng tiên của những người nghèo”, dù ân nhân của họ đã qua đời từ năm 1952 vì ung thư.
Câu chuyện về một huyền thoại
Ở khu cảng La Boca, nơi ngày nay người ta nhảy tango cho khách du lịch xem, tượng bà vẫn đứng đó bên cạnh tượng Diego Maradona và thần tượng tango Carlos Gardel. Trong các hiệu sách có vô vàn sách viết về cuộc đời và sự nghiệp của gia đình Peron, ở các kios thì đầy rẫy những huy hiệu có hình Evita được bày bán.
Cội nguồn của tango là ở trên đường phố của Buenos Aires |
Đây là một biến đổi lớn, bởi cho đến những năm 1980, chính quyền quân đội ở Argentina vẫn cấm tiệt việc bán và trưng bày ảnh cũng như bất kỳ kỷ vật nào có liên quan đến Evita.
Năm 1955, quân đội Argentina đã bắt chồng bà - tổng thống Juan Domingo Peron - phải rời khỏi đất nước của mình. Vì sợ mộ của Evita trở thành nơi hành hương, chính quyền quân đội sau khi lật đổ Juan Domingo Perón đã chuyển hài cốt của bà sang châu Âu chôn tại nghĩa trang Cimitero Monumentale ở Milano (Ý). Mãi đến năm 1974, hài cốt bà mới được đưa về Argentina. Từ năm 1976, bà đã nằm tại nghĩa trang Recoleta ở Buenos Aires.
Evita có biệt tài ăn nói hơn người, lời nói ăn sâu vào tâm trí người nghe. Sinh năm 1919, là con ngoài gia thú của một địa chủ với một cô hầu bếp ở Los Toldos, Eva María Duarte đã trốn khỏi sự tẻ nhạt của quê hương mình khi mới 15 tuổi. Cô mong đổi đời và muốn leo lên những bậc thang vinh quang nhất.
Đi theo ca sĩ tango Agustín Magaldi, cô đến Buenos Aires. Tại đây cô đã làm vũ nữ tango ở nhiều nhà hàng, trên những sân khấu hạng xoàng và kiêm cả nghề diễn viên trong những bộ phim tẻ ngắt. Sau đó cô làm việc cho một nhà đài và đã gặp tướng Perón - lúc này đang đứng đằng sau vụ bạo động vừa diễn ra.
Evita Peron - Ảnh: mrdowling.com |
Họ gặp nhau năm 1944 và một năm sau thì cưới. Năm 1946, khi Peron thật sự lên nắm chính quyền ở Argentina, Evita đã được ủy quyền phụ trách Bộ Lao động và xã hội. Những người nghèo thì yêu quý, ngưỡng mộ và kính trọng cô, còn người giàu có thì khinh bỉ và ghét cô đến thậm tệ. Hàng mấy chục năm họ là những người có quyền và có tiền, còn từ khi Peron lên nắm quyền họ mất tất cả và vợ ông ta lại đem chia chác của cải đất nước cho những người nghèo khó.
Sau hơn 50 năm kể từ ngày Evita mất, Buenos Aires vẫn còn bị chia rẽ.
Du lịch ăn theo tiếng tăm của Evita
Ngành du lịch đã phát hiện khả năng hái ra tiền với cái tên Evita. Có vô số tour dẫn khách tới Casa Rosada, nơi từ bancông của ngôi nhà Evita đã có những bài phát biểu hùng hồn. Qua đại lộ Avenida 9 de Julio nơi năm 1951 hàng triệu người đã được chứng kiến sự kiện Evita công bố sẽ ra tranh cử chức phó tổng thống. Rồi đến công viên nhỏ ở cạnh đại lộ Avenida del Libertador nơi tượng Evita bằng đồng được dựng trước cửa thư viện quốc gia...
Ngay gần đó trước đây vài năm Bảo tàng Evita đã được khai trương tại ngôi nhà Calle Lafinur. Từ năm 1948, ngôi nhà này đã thuộc một tổ chức phi lợi nhuận của Eva Peron. Một thời gian dài đây là chốn ra vào của những người phụ nữ nghèo khổ cũng như những trẻ mồ côi.
Ngày nay, tại đây người ta trưng bày các hiện vật liên quan đến Evita cũng như những video chiếu về cuộc đời và sự nghiệp của bà, quay đi quay lại lễ tang hoành tráng năm 1952 khi hàng trăm ngàn người đổ về Buenos Aires dự lễ tang Eva Peron.
Buenos Aires với hơn 11 triệu dân và những quảng trường rộng lớn |
Cuộc sống sôi động kể cả ở những con phố nhỏ |
Du khách tới đây được thưởng thức nhạc và tango |
Nghệ sĩ đường phố |
Và cũng không ở đâu người ta có thể gần hơn với huyền thoại - với một Evita vĩnh hằng như trong nghĩa trang Recoleta. Ngày ngày trước khu mộ của gia đình Duartes có hàng trăm người đến viếng.
Ngôi mộ của Evita bằng đá cẩm thạch đen bóng loáng giống như phần lớn những ngôi mộ ở đây. Với người dân thường, Evita vẫn chiếm một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống, nhưng với giới thượng lưu thì đó là điều quá chướng tai gai mắt.
Nghĩa trang Recoleta |
Mộ của Evita |
Còn nữa, ở Buenos Aires người ta kể rất nhiều những câu chuyện huyền thoại về Evita - chuyện tốt nhiều nhưng chuyện xấu cũng không ít. Và những câu chuyện lạ lùng cũng không hiếm như việc danh ca và diễn viên người Mỹ Madonna đã bị tổng thống Argentina cấm không cho đứng trên bancông của Casa Rosa khi đóng phim Evita, do đạo diễn Alan Parker thực hiện năm 1996 với lý do tránh sự phật lòng của người dân đất nước này!
NAM HẢI (Theo báo Di Welt, Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét