Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

Không nói chuyện mafia ở Sicily

Không nói chuyện mafia ở Sicily
Du lịch Ý, ít người ra đảo Sicily, cho nên vừa nghe tôi nói sắp đi Sicily, một người bạn bảo: “Qua đó làm việc với mafia à?”. Dưới ánh nắng chói chang của biển trời Địa Trung Hải, mải ngắm cảnh đẹp thiên nhiên, kiến trúc, di tích lịch sử, thời trang và những gương mặt Ý ở Sicily, quả thật chẳng còn thời gian nghĩ đến mafia.
Chuyện ăn: Tuyệt hảo
Ẩm thực Ý xếp trên cả món ăn Trung Hoa và Pháp về độ phổ biến, chính người Ý cũng mê món ngon nước mình. Nhưng khi đến Rome và bây giờ là Sicily, tôi thấy không chỉ chất lượng món ăn mà cách người ta mời chào, thưởng thức ẩm thực kiểu Ý cũng rất khác biệt: tận hưởng như thể ngày mai chẳng còn được ăn nữa!

Chúng tôi bữa trưa rất đặc biệt ở nhà hàng Bella Blu. Đó là nhà hàng nằm sát biển, ở thị trấn cổ Taormina trên đảo Sicily, hòn đảo lớn nhất Địa Trung Hải. Người phục vụ duyên dáng đến tận bàn bổ đôi quả cam tươi rói cho tôi xem. Thế là chẳng thể khước từ một ly cam vắt nguyên chất.
Giở menu ra, món nào cũng được giới thiệu và giải thích dài dòng bằng nhiều tính từ hoa mỹ. Hải sản ở Sicily thật hảo hạng, tươi ngon và đẫm trong thứ nước sốt chỉ có thể nói rằng rất Ý.
Đã thế, bánh tiramisu và dầu ô liu lại luôn có trong mỗi bữa ăn, ngọt thanh và mát lạnh, béo bùi nhưng không ngấy ngá. Không thể gộp món ăn Ý vào ẩm thực châu Âu được, bởi vị nào ra vị nấy.
Ăn miếng pizza Ý mà xem, sốt cà chua có vị chua hơi gắt một chút nhưng rất hài hòa với lớp pho mát nóng chảy mềm như dòng nham thạch âm ỉ sưởi cho vỏ bánh giòn rụm và thơm nức mùi nấm, thịt hun khói, salami. Tất cả được nướng chín đúng độ.
Đi nước nào cũng có pizza, nhưng phải ăn ở Ý mới thấy pizza ngon khác thường thế nào. Chẳng trách Elizabeth Gilbert trong cuốn hồi ký thuộc loại bán chạy “Ăn, cầu nguyện, yêu” đã dành hẳn thời gian ở Ý chỉ để viết về chuyện ăn, còn đến Ấn Độ để cầu nguyện và tìm thấy tình yêu ở Bali.
Chuyện tham quan:  Chỉ có ngạc nhiên

Hôm tôi đến Sicily, Attilio Ruta, hướng dẫn viên địa phương, bảo đoàn của chúng tôi là những vị khách Việt Nam đầu tiên anh phục vụ. Chính vì thế anh băn khoăn không biết người Việt quan tâm nhất điều gì về hòn đảo này. Một người đi cùng tôi bật cười: “Lát nữa có gặp mafia không?”. Ruta còn cười to hơn: “Các anh chị không có cơ hội gặp mafia đâu, vì chỉ còn đủ thời gian để ngạc nhiên và thích thú”.
Ruta không đùa. “Bố già” giờ không còn, cả nhân vật trong phim Vito Corleone cho đến Marlon Brando - diễn viên thủ vai này đều đã trở thành huyền thoại. Nhưng cảnh quay tuyệt đẹp tại Sicily mà đạo diễn Coppola giới thiệu với khán giả thì vẫn còn đó.
Và Sicily đang hiện ra trước mắt tôi. Từ thị trấn cổ Taormina cho đến núi lửa Etna đều là những họa phẩm đẹp từ chi tiết đến đại cảnh. Mà tranh của các danh họa Ý chúng ta đều biết danh giá nhường nào rồi.
Ruta có nước da nâu đặc trưng của người vùng Địa Trung Hải và lúc nào cũng say sưa, nhiệt tình. Đúng là điển hình tính cách Ý - quá nhiều cảm xúc, trong khi người Anh cùng châu lục với họ lại quá lạnh lùng. Ruta đưa đoàn khách Việt Nam đến thẳng núi lửa Etna.
Trước khi leo lên độ cao 1.986m đã thấy khung cảnh đồi núi vô cùng ấn tượng. Đám xỉ đen phủ kín sườn núi, dấu tích dung nham của đợt phun trào gần đây nhất còn rải rác bên đường gợi nhớ thảm họa trước đây.
Nhìn kỹ vẫn thấy một số mái nhà nhô lên trong đống xỉ đen khổng lồ, chẳng dám hình dung nơi đây từng có sự sống. Giơ tay chỉ hai ngôi nhà cách nhau chừng dăm mét, nham thạch chảy xuống hủy hoại một ngôi nhà chỉ còn trơ khung nhưng nhà kế bên vẫn nguyên vẹn, Ruta bảo: “Đó là biểu tượng của may mắn và bất hạnh”.
Dĩ nhiên tôi đang đón nhận may mắn, vì leo khoảng hơn 500m nữa tôi đã đứng trước miệng núi lửa Etna, ngọn núi lửa cao nhất và lớn nhất châu Âu, mà không lo nó thức giấc lúc này.
Trước mắt tôi chỉ là những hố đen ngòm, lơ thơ vài bụi cây dại lá đã ngả vàng vì sắp vào Đông. Không thể tưởng tượng khi vài chục phút trước tôi được Ruta cho xem thước phim Etna nổi giận: nham thạch bắn thẳng lên không trung hàng ngàn mét cùng những tiếng nổ long trời lở đất.
Lẽ nào tôi bay đường xa vạn dặm, ngồi xe hàng tiếng đồng hồ đến đây chỉ để nhìn vào cái hố khủng khiếp này? Không đơn giản vậy! Etna, núi thiêng của người Sicily, ngay từ cái nhìn đầu tiên đã thách thức tôi, lôi cuốn tôi phải chinh phục nó: trong tiết trời chỉ khoảng 6 độ C, gió rít ù ù, gắng đứng vững giữa lớp đất đá lổn nhổn và nhiều hố sâu chỉ chực kéo tụt chân xuống, tôi hãnh diện phóng tầm mắt ra toàn đỉnh núi, ngửa mặt đón mây trời.
Giây phút ấy dường như tôi hiểu được cảm xúc của Niel Amstrong lần đầu lên Mặt trăng và khi trở về mặt đất đã nói câu bất hủ: “Đây là bước đi nhỏ bé của một người, nhưng là bước tiến khổng lồ của nhân loại”.
Lúc này, cảm giác như châu Âu đang ở dưới chân tôi. Với một người mắc chứng rối loạn tiền đình như tôi, cảm giác hạnh phúc mãnh liệt hơn vì đã chiến thắng nỗi sợ độ cao. Một vài người có sức khỏe tốt hơn thì hai tay giữ chặt vạt áo, cúi đầu thử đi hết một vòng miệng núi lửa.
Tôi nhìn họ mà thấy tiếc nuối vì biết mình khó lòng có cơ hội trở lại nơi này. Chính cảm xúc ấy giúp tôi thấu hiểu vì sao ngành du lịch Sicily lại có khẩu hiệu “Đến Sicily không thể không thăm núi lửa Etna”.
Chuyện mua sắm: Thiên đường 
Trong khi Etna ngủ trở lại, người Sicily cần mẫn dọn dẹp cuộc sống từ đống hoang tàn, làm lại đường sá sạch đẹp để đón du khách đến tham quan, thưởng thức ẩm thực, và dĩ nhiên cả mua sắm nữa. 

Thị trấn cổ Taormina nằm trên một ngọn đồi có tầm nhìn hướng ra biển. Ruta bảo Taormina hình thành từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên và trở thành điểm đến ưa thích của nhiều nhà thiết kế, họa sĩ, nhà văn. Dĩ nhiên Taormina là môi trường nghỉ dưỡng và sáng tác lý tưởng.
Mặc cho thế giới ngầm mafia còn hoạt động mạnh hay yếu, đời sống ở Sicily vẫn hết sức thanh bình, các góc phố tương đối tĩnh lặng và hơn thế, khí hậu nóng ẩm nhiệt đới khiến cho lá cọ xanh mướt, còn hoa giấy nở bung khoe màu rất rực rỡ. Ruta tự hào khoe Taormina sản sinh ra rất nhiều nhà thơ, họa sĩ, là vùng đất của những người đàn ông lãng mạn mang tính cách phóng khoáng đại dương.
Thích nhất là đi dạo ở Taormina, quẩn quanh cả ngày không biết chán giữa phố cổ với hàng trăm mặt hàng gốm sứ, sản phẩm thêu ren tinh xảo, đầy ắp những cửa hàng bán đồ cổ xinh xắn và sang trọng. Nhiều triển lãm của họa sĩ nằm lọt sâu trong những con hẻm nhỏ xíu.
Phải leo mấy chục bậc thang nhưng cũng bõ công khi được thỏa sức ngắm thế giới hội họa, từ tranh bột màu đến sơn dầu rất đa dạng trưng bày ở đây. Nhà phê bình văn học Anh Samuel Johnson quả nói hơi quá, nhưng tôi thấy đúng trong tình huống này: “Một người chưa bao giờ tới Ý sẽ luôn ý thức được sự thấp kém của mình”.
Không am hiểu về hội họa nhưng tôi cảm thấy được an ủi khi đã không bỏ lỡ cơ hội ngắm tranh ở Taormina. Ở Sicily dễ dàng ngắm tranh hơn ở Rome.
Nói như nhà báo Beppe Severgnini trong cuốn “Đầu óc người Ý” thì người Ý ngâm mình quanh năm suốt tháng trong cái đẹp nên không cần mua vé vào bảo tàng.
Thì đây, ngay cuối con đường trước mặt tôi bỗng hiện ra một nhà hát cổ có tuổi đời trên hai nghìn năm, đã bị đổ nát khá nhiều, nhưng các bức tường chính còn lại được giữ nguyên trạng rõ ràng đang biết kể chuyện giá trị lịch sử của mình.
Khách du lịch Việt bây giờ đi Ý để mua sắm hàng hiệu sánh ngang với nhu cầu tham quan. Ở Sicily có đầy đủ chi nhánh giới thiệu sản phẩm của Dolce&Gabbana, Salvatore Ferragamo, Gucci, Prada, Furla... Hơn thế, Sicily chính là quê hương của nhà thiết kế lừng danh Domenico Dolce.
Chẳng có dân tộc nào may mắn và biết hưởng thụ cuộc sống như người Ý. Không cần phải cổ vũ dùng sản phẩm nội địa, người Ý tự hào về sản phẩm của họ tạo nên đẳng cấp hoàn hảo và sang trọng từ đầu đến chân: một cô gái dừng xe Vespa, vào quán cà phê gọi cốc Espresso, thong thả lôi son Essence từ chiếc túi Gucci ra điểm trang và chỉnh lại nếp váy Valentino, bắt tréo chân nâng mũi giày Prada lên đung đưa tận hưởng một ngày nắng ấm. Cô gái đó có thể không phải người Ý, nhưng những sản phẩm cô đang mang trên người đều của Ý.
Nghe nói bộ sưu tập thời trang Xuân 2014 của Dolce&Gabbana lấy không ít cảm hứng từ Taormina cho thông điệp “Giấc mơ của Sicily”. Không sắm sản phẩm của Dolce&Gabbana nhưng tôi vẫn vui vì mua được một lọ hoa màu đen làm từ nham thạch của núi lửa Etna, thầm nghĩ cắm hoa vào chiếc bình này hẳn sẽ đẹp lắm - hoa nở từ đá núi lửa.
Hoàng hôn hôm ấy ở Sicily, giữa những cửa hiệu sang trọng bắt đầu lên đèn, tôi thấy núi Etna tự nó vẽ nên bức họa kiệt tác rất Ý: Mặt trời từ từ lặn xuống, chiếu tia sáng vào mây trông như những ngọn lửa váng đỏ úp vào đỉnh núi. Có lẽ nào dung nham đang tuôn trào? Không, đó chỉ là Etna thức giấc trong tranh.
ĐOÀN THỊ THANH TRÀ

Không có nhận xét nào: