Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

10 điều bạn không biết về món ăn nổi tiếng nhất Nhật Bản

Nhắc tới văn hóa ẩm thực Nhật Bản, không thể không nhắc tới sushi. Xoay quanh món ăn tạo nên diện mạo đặc trưng cho phong cách ăn uống cầu kì của người Nhật còn có vô vàn điều thú vị.


Trước kia, cơm chỉ giúp lên men cá chứ không để ăn
Vào thế kỉ thứ 8, một phương pháp bảo quản cá mới đã được phát triển tại Đông Nam Á: cá được ướp muối và bọc trong một lớp cơm gạo lên men, với mục đích chính là để ngăn cá không bị hỏng. Nhưng về sau, thời gian lên men cá giảm xuống và mọi người bắt đầu ăn cơm cùng cá.
Sushi là hình thức sơ khai của đồ ăn nhanh kiểu Nhật
Vào đầu những năm 1800, sushi được biết tới như một dạng đồ ăn nhanh ở Tokyo. Đầu bếp Hanaya Yohei là người tiên phong trong việc chế biến các món sushi giá rẻ, bán làm thức ăn cho người đi đường. Mặc dù sushi giá rẻ thường không dùng nguyên liệu tươi mà dùng thực phẩm nấu chín để ngăn sự hư hỏng, nhưng đây cũng là loại đồ ăn nhanh rất được ưa chuộng thời bấy giờ.
Sushi cá hồi chỉ thực sự xuất hiện từ năm 1980
Một trong những loại sushi phổ biến nhất thế giới - sushi cá hồi lại chỉ bắt đầu được chế biến từ năm 1980. Nguyên nhân là bởi cá hồi không có nguồn gốc từ Nhật Bản, giống cá này được người Na Uy đưa tới Nhật vào khoảng năm 1980, và người Nhật cũng bắt đầu sáng tạo món sushi cá hồi từ thời điểm đó.
Kiểu sushi dùng cơm cuốn bên ngoài không phổ biến ở Nhật Bản
Hầu hết các loại sushi thường gặp trong các nhà hàng Nhật Bản ở Mỹ thường có hình tròn, trong đó phần nhân và rong biển nằm ở giữa, phần cơm giấm được bao bên ngoài. Đây thực sự là cách ăn sushi được phát minh cho người Mỹ bởi đầu bếp Ichiro Masahita. Ở Nhật Bản, phần cơm thường nằm dưới lớp rong biển. Có lẽ bởi điều này, mà kiểu sushi cơm cuộn ngoài rong biển được gọi tên là "California roll" tức món cuộn kiểu California.
Bạn chắc chắn không thể biết tất cả "hình dáng" của sushi
Thực tế, có hàng chục cách trình bày sushi cơ bản và hàng trăm biến tấu khác nhưng hầu hết các loại sushi chúng ta thường ăn đều nằm trong một trong hai hình dáng quen thuộc là nigiri và maki. Nigiri được mô tả là việc đặt một lát cá lên trên cơm giấm, còn maki là cách làm sushi bằng cơm cuộn rong biển và cắt thành nhiều miếng nhỏ. Sushi còn có một vài dạng khác như chirashi (một bát cơm có cá đặt phía trên) hay Temaki (cơm cuộn rong biển hình chóp nón)...
Chế biến cơm giấm cho Nigiri sushi cầu kì tới "không tưởng"
Như đã nói ở trên, Nigiri sushi là hình thức làm sushi phổ biến nhất, gồm một miếng cơm giấm và cá nguyên liệu đặt phía trên. Dù vậy, phần cơm giấm phải được chế biến cầu kì tới mức ngạc nhiên. Cụ thể, các đầu bếp phải thao tác thật khéo léo để cơm giấm vừa đủ dính để không vỡ nát khi vừa chạm tay vào, lại phải tan ra ngay lập tức khi đưa vào miệng. Điều này được thực hiện bằng cách tác động lực khéo léo sao cho lớp cơm gạo bên ngoài có kết cấu dính hơn so với lớp cơm bên trong.
Thay vì dùng đũa, hãy dùng tay để ăn sushi
Trong khi sashimi (từ chỉ các món cá hoàn toàn tươi sống) phải được ăn bằng đũa, thì tất cả các loại sushi khác nên được ăn bằng tay không, và nên ăn hết ngay trong một lần cắn. Đây là điều thường được nhắc nhở trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản.
 
Sushi kiểu Mỹ sử dụng quả bơ để "bắt chước" vị béo của cá ngừ
Các cuộn sushi kiểu Mỹ (California rolls) do đầu bếp Ichiro Mashita sáng tạo ra đã thử nghiệm thay thế thịt cá ngừ đắt đỏ bằng quả bơ. Sau đó, dưa chuột và thịt cua cũng được thêm vào. Kết quả, chúng ra có món sushi kiểu Mỹ "huyền thoại" ở thời điểm hiện tại.
Người ta không dùng thịt cá tươi để làm sushi ở Mỹ
Để tiêu diệt kí sinh trùng, cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ FDA đã yêu cầu tất cả các loại cá dùng để làm sushi phải được làm đông lạnh trước khi chế biến. Mặc dù người Nhật không ủng hộ điều này, nhưng nhiều lần kiểm tra hương vị đã chỉ ra rằng việc làm đông cá không thực sự gây nhiều ảnh hưởng tới hương vị thành phẩm, hoặc chất lượng của cá. Thậm chí ngày nay một số quán sushi tại Nhật cũng đang sử dụng phương pháp này cho nguồn cá tươi của mình.
Cá phải được xử lý với giấm hoặc muối trước khi thái lát
Cũng giống như cơm gạo, cá phải được xử lý trước khi được thái lát và phục vụ. Mùi "tanh" thường được trung hòa bằng giấm rưới lên cá trước khi nó phục vụ (cá sơ chế bằng dấm được gọi là su-jime). Nếu thịt cá quá mềm và ẩm ướt, muối cũng có thể được thêm vào để làm giảm độ ẩm (được gọi là shio-jime). Kết quả cuối cùng, miến thịt cá sẽ tươi sáng, săn chắc, sáng bóng, không nhờn hoặc ẩm ướt, và sạch sẽ để thưởng thức. 
Theo Mask Online

Bếp trưởng người Nhật mách cách ăn sushi đúng điệu

Nắm rõ những điều nên và không nên khi thưởng thức sushi sẽ giúp bạn có bữa ăn theo đúng phong cách Nhật Bản.


Không nên chấm phần cơm vào nước tương khi ăn sushi

Nó sẽ làm bạn trở thành người kém sành khi thưởng thức món ăn tinh tế này. Trên thực tế, bạn nên chấm phần nhân vào nước tương mới đúng cách.
Không ăn quá nhiều wasabi 

Thường thì đầu bếp sẽ để một chút wasabi vào sushi để đánh thức vị giác của thực khách, tuy nhiên nếu sử dụng quá nhiều thì sẽ phản tác dụng và làm mất đi vị tươi ngon của cá. 
Đừng ngạc nhiên khi đầu bếp nói lớn
Khi bước vào bất kỳ nhà hàng sushi nào ở Nhật Bản, bạn đều nghe thấy người đầu bếp hô lớn “irasshaimase”, thực ra thì đây là một câu chào kiểu như “ chào mừng quý khách đến với nhà hàng”, và âm lượng lớn là cách họ thể hiện sự nhiệt tình và vui mừng khi bạn tới mà thôi.
Không tùy tiện thay đổi lượng cơm trong sushi

Lượng cơm trong mỗi phần sushi không quá nhiều cũng không quá ít. Chúng được kết hợp vừa vặn với mỗi miếng cá. Học cách để lấy lượng vừa đủ cơm cũng là một trong những kỹ năng đánh giá khả năng của người làm sushi.
Không nên ăn ở nơi tanh mùi cá
Nếu như bạn vào một quán sushi và ngửi thấy mùi cá tanh nồng nặc, đừng ngại ngần mà hãy bước ra và đi tìm một quán ăn khác. Nhiều người lầm tưởng rằng sushi sẽ có vị tanh của cá, nhưng điều đó không đúng. Đối với người Nhật, mỗi miếng sushi thực sự phải là một tác phẩm nghệ thuật chỉnh chu và sạch sẽ, đồng thời bạn sẽ cảm thấy vị của đại dương bao la khi thưởng thức món ăn đẹp đẽ này.
Đừng cọ đũa vào nhau
Một lời khuyên đối với bất kỳ ai khi thưởng thức món sushi, đó là bạn không nên cọ hai chiếc đũa vào nhau. Đối với người Nhật Bản, hành động cọ đũa được cho là thô lỗ vì nó có nghĩa là những đôi đũa của họ kém chất lượng.
Không ăn sushi với gừng

Những miếng gừng ngâm có tác dụng làm sạch miệng của bạn, nhưng hãy nhớ rằng không ăn sushi với những lát gừng, bởi chúng sẽ làm mất đi vị của sushi.
Không nên ăn những món quá “nặng nề” vào đầu bữa

Hãy bắt đầu một bữa tiệc sushi bằng những món khai vị nhẹ nhàng như sashimi (thường là hải sản tươi sống ăn kèm với củ cải bào) hay nigiri (gồm một miếng cơm nhỏ và hải sản bên trên). Nếu như bạn quá “tham lam” ăn những món nhiều chất với lượng thức ăn lớn làm căng đầy dạ dày ngay từ đầu bữa thì bạn khó mà có thể trải nghiệm đầy đủ hương vị của những món sushi tiếp theo. 
Không nên mang sushi đi xa, hãy thưởng thức ngay tại quán
Nhiều nhà hàng và đầu bếp Nhật bản khuyên hãy thưởng thức thức sushi ngay tại quán khi vừa mới được chế biến để cảm nhận đầy đủ và trọn vẹn nhất hương vị tươi mới của món ăn này.
Đừng đổ quá nhiều nước tương

Không nên đổ quá nhiều nước chấm ra bát khi bạn không có ý định sử dụng chúng. Đó là lãng phí và được coi là có thái độ khiếm nhã đối với người đầu bếp. Hãy lấy một lượng vừa đủ nước tương với miếng sushi để tăng hương vị khi đưa vào miệng. 
Nên sử dụng đũa khi ăn sashimi

Sashimi thường gồm nhiều lát cá được lọc ra từ những con cá lớn còn tươi sống ăn kèm với nước tương và một chút wasabi. Vì vậy, để ăn sashimi đúng cách nhất, bạn hãy dùng một đôi đũa để gắp.
Hãy ăn ngay khi món ăn được dọn ra đĩa

Khi một đầu bếp sushi đưa bạn một phần ăn, đây là thời điểm miếng sushi tuyệt nhất, do vậy đừng chần chừ mà hãy đưa miếng sushi vào miệng và thưởng thức ngay.
Hãy đặt lòng tin vào người đầu bếp
Gọi món ngẫu nhiên và để người đầu bếp lên thứ tự thực đơn là cách bạn có thể làm ở quán sushi. Người làm món sushi sẽ biết món ăn nào phù hợp cho bắt đầu, món nào nên để cho cuối bữa và họ biết cách dẫn dắt vị giác của bạn một cách khéo léo nhất.
Hãy bước ra khỏi “vùng an toàn”

Nếu bạn chỉ ăn các món quen thuộc thì thật là một điều đáng tiếc. Hãy thử món sushi nhím biển để cảm nhận sự tươi ngon từ loài động vật có lớp vỏ gai góc. Món cá chày sống hay sứa biển chắc chắn cũng sẽ làm bạn ngạc nhiên nếu được một lần nếm thử.
Dùng mắt để kiểm nghiệm độ tươi ngon

Hãy dùng đôi mắt của bạn để xem độ tươi hồng của cá, xem miếng cá đã bị oxy hóa hay đã chuyển màu do ươn hoặc kém tươi không?
Chú ý đến vấn đề vệ sinh
Một nhà hàng sushi phải được thường xuyên vệ sinh nhiều lần trong ngày. Đây thực sự là điều quan trọng để mang tới món ăn hoàn hảo cho thực khách. Nếu bạn vào nhà hàng bừa bộn và bẩn thỉu, liệu bạn có nghĩ đến việc người ta đã làm gì với những con cá tươi khi chế biến món sushi cho bạn.
Hãy ăn nigiri bằng tay

Khác với sashimi, đối với món nigiri thì ăn bằng tay là cách ăn đúng điệu nhất. Hãy xoay miếng sushi để phần cá tiếp xúc với nước tương, tránh cho cơm chạm vào nước chấm. Sau đó đưa cả miếng nigiri vào miệng và trải nghiệm cảm giác tươi ngon khi miếng cá chạm vào những dây thần kinh vị giác làm rung lên cảm nhận nơi đầu lưỡi.
Hãy lau tay thật sạch trước khi ăn

Ngoại trừ món sashimi, thì khi thưởng thức sushi bạn sẽ phải dùng tay để cầm trực tiếp món ăn. Hầu hết các nhà hàng sushi đều chuẩn bị sẵn khăn tay cho bạn sử dụng trước mỗi bữa ăn. Hãy rửa và lau tay thật kỹ trước khi ăn để giữ vệ sinh và tránh những bệnh có thể đi vào từ đôi tay có nhiều vi khuẩn.
Hãy tỏ ra thân thiện
Trò chuyện với người đầu bếp, hỏi anh ta về những con cá, cách cầm dao là cách bạn làm cho không khí thoải mái hơn, và biết đâu bạn điều này sẽ làm bạn thấy ngon miệng hơn nhiều đấy.
Theo Ngọc Anh / Trí Thức Trẻ

10 sự thật thú vị nhưng ít người biết về sushi


Ngày này, món sushi của Nhật đã trở nên phổ biến trên toàn cầu, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều điều thú vị xung quanh món này mà có thể bạn chưa biết tới.

1. Món ăn có tính "thành thị"
Sushi là món ăn có tính "thành thị", trên thực tế sự phát triển của món này gắn liền với Tokyo. Bởi vậy loại sushi phổ biến nhất là Nigiri-zushi còn có tên gọi khác là Edomae-sushi, dựa trên tên cổ của Tokyo - Edo.
2. Động đất khiến sushi thoát "kiếp" đồ ăn đường phố
Trước đây, sushi chỉ đơn thuần là một món ăn đường phố. Tuy nhiên sau trận động đất năm 1923, bất động sản giảm mạnh đã cho phép các đầu bếp sushi có thể mua đất và kiến tạo nên những nhà hàng sushi.
3. Vị sushi cổ nhất của Nhật Bản có vị pho mát
Gần hồ Biwa ở miền Nam Nhật Bản có món sushi làm từ cá chép. Loại cá này bảo quản trong gạo dấm có thể sử dụng được trong 3 năm. Cách bảo quản này tạo nên món sushi lên men đặc biệt mang tên funazushi, các chuyên gia cho rằng loại sushi này có mùi vị giống như pho mát của phương Tây.
4. Cá ngừ vây xanh từng rất rẻ
Ngày nay cá ngừ vây xanh là một trong những món sushi đắt nhất ở Nhật Bản. Có những con cá được bán với giá lên đến 1,8 triệu USD. Thực ra trước đây, giá cá ngừ xanh không quá đắt như vậy nhưng do sự đáng bắt không kiểm soát của ngư dân với loài cá này trong một thời gian dài đã khiến loài cá ngừ ngày càng ít kéo theo mức giá của chúng ngày càng cao.
5. Cách mài dao thái sushi rất khác biệt
Không giống các con dao nấu ăn phương Tây, dao làm sushi chỉ được mài sắc một bên. Các đầu bếp Nhật thường cắt đồ bằng lực kéo nhiều hơn là lực đẩy.
6. Khi ăn sushi không nhất thiết phải bắt đầu bằng súp miso
Miso là loại súp thường được sử dụng trong bữa sáng của Nhật Bản còn món ăn truyền thống thường được sử dụng để "khai vị" trong bữa sushi là tamago, một món trứng tráng kiểu Nhật. Món ăn này cũng từng được sử dụng làm thước đo về kỹ năng của một đầu bếp Nhật Bản.

7. Sushi bán sẵn ở các cửa hàng tạp hóa thường có vị chua
Cá tươi sử dụng trong các món sushi có khả năng bị oxi hóa rất nhanh, chính vì vậy chúng cần được thưởng thức ngay sau khi chế biến. Đó cũng là lý do sushi bán sẵn ở các hàng tạp hóa thường có vị chua và kém ngon hơn khi ăn ở nhà hàng.
8. Nhiều loại sushi có sẵn mù tạt
Nhiều người ăn sushi thường cho thêm mù tạt để tăng cường hương vị mà ít ai để ý rằng có rất nhiều loại sushi đã có sẵn mù tạt trong quá trình chế biến. Với những loại sushi này, các đầu bếp thường cho một lớp mỏng mù tạt giữa cá và cơm trước khi dọn cho khách.
9. Cỏ nhựa trong hộp sushi là có mục đích

Cỏ nhựa trong hộp sushi mang đi có tác dụng ngăn cách các món ăn trong hộp. Trước đây, thay vì dùng cỏ nhựa, người ta dùng lá để ngăn đồ ăn. Ngoài công dụng phân chia không gian bên trong khay sushi, các loại lá trước đây còn có tính kháng khuẩn nhằm giữ cá tươi lâu hơn.

sushi
10. Màu hồng của gừng muối là màu nhuộm
Những củ gừng tự nhiên có màu vàng nhạt nhưng đối với loại gừng sử dụng trong món sushi thường có màu hồng. Màu sắc này là do gừng dùng cho sushi được nhuộm bằng nước củ cải đường.

Theo Trí thức trẻ

Sushi - sự kết hợp của hương đồng và vị biển


    Vào đầu thế kỷ 19, Hanaya Yohei đã tạo một bước đột phá rất lớn cho món ăn tuyệt vời này. Thay vì cuộn cá trong cơm, ông đã đặt miếng cá lên cơm. Người ta gọi nó là nigiri shushi được bán trong các cửa hàng nhỏ và chỉ được xem như một loại sack hoặc một loại thức ăn nhanh. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, những quầy bán sushi bị đóng cửa và loại thực phẩm này bắt đầu được mang vào bán trong cách quán ăn sang trọng hơn, lịch sự hơn và sushi chuyển từ thức ăn nhanh thành một món ăn chính đúng nghĩa.
    Linh hồn của ẩm thực Nhật
    Vào những năm 1980, khi người ta bắt đầu xem ăn uống không chỉ là nhu cầu nuôi sống bản thân mà còn là nhu cầu sức khỏe thì sushi cũng bắt đầu được chú ý đến. Sushi hoàn hảo không chỉ với những người cần nhiều calo mà cả với những ai đang tuân theo một quy tắc ăn uống nghiêm ngặt, không chỉ "đồng hành" với những ai đang cần tăng năng lượng mà còn tỏ ra "ủng hộ" cả những chị em cần giảm cân nữa. Các quán sushi mọc lên như nấm khắp các quốc gia trên thế giới. Đồng thời với sự phát tán rộng khắp đó, sushi cũng dần dần được biến thế để phù hợp với khẩu vị của từng địa phương và do vậy, ngày càng có nhiều loại sushi mới hơn ra đời.
    Bây giờ thì họ hàng nhà sushi đã có đến cả trăm loại. Tokyo nổi tiếng với loại Nigiri Sushi nhân hải sản thật tươi. Người Osaka thì lại tôn thờ một thương nhân buôn gạo đã phát minh ra Oshi Sushi nén bằng khuôn độc đáo... Nhiều người khi nhắc đến Sushi là nghĩ đến hải sản tươi sống, nhưng trên thực tế đó là sashimi, còn sushi là sự kết hợp tuyệt vời của cơm gạo, rau củ (mọc trên đồng) với nhân tôm, cua, lươn, mực, bạch tuộc (từ biển)... Dù có gói bằng tay, nến bằng khuôn hay cuộn với hải sản thì khi ăn một món sushi đúng nghĩa không thể thiếu nước tương cũng phải chú ý để không làm ảnh hưởng đến hương vị vốn có. Nên chấm phần mặt thức ăn vào nước tương, không nên chấm vào phần cơm, vì nó sẽ hút lấy nhiều nước tương làm cho sushi bị mặn. Đừng cắn nát miếng sushi, hãy cho trọn vào miệng, nhắm mắt lại để cảm nhận được vị cay, thơm nồng của món ăn độc đáo này.
    Kiệt tác trên đĩa gốm
    Khi người phục vị dọn ra trước mặt bạn một đĩa sushi, việc đầu tiên bạn nên làm không phải là cầm đũa mà là ngắm thật kỹ dĩa thức ăn trước mặt. Không như một số loại thực phẩm khác, sushi là sự thưởng thức của cả 5 giác quan. Trên chiếc đĩa gốm thô mộc, thậm chí xù xì, "đóa hoa" sushi dường như hé nở, nhỏ xinh và tinh tế.
    Mỗi một đĩa sushi lại được trình bày theo một cảm hứng sáng tạo riêng của người đầu bếp, như là những sắc màu được người họa sỹ "vẩy" lên trên tấm toan: màu cam lóng lánh của trứng cá hồi, máu trắng của cơm trộn dấm, màu hồng phớt của tôm, màu xanh của rau củ, màu đen thẩm của lớp rong biển bọc ngoài... bạn thậm chí sẽ ngần ngừ không muốn ăn, vì sợ phá hỏng một tác phẩm nghệ thuật đẹp nhường ấy. Nhưng hãy mạnh dạn, dùng những ngón tay của mình cầm miếng sushi đưa lên miệng, bạn sẽ thấy vẻ đẹp chỉ là sự khởi đầu.
    Dụng cụ để ăn sushi không phải là dao hay dĩa mà là đũa, gọi là hashi. Không giống như ở Trung Quốc hay Việt Nam, hashi được làm từ gỗ không qua mài bóng nên trông thô ráp. Sự thô ráp của đĩa gốm cũng như của hashi là một sự "xuề xòa" cố ý, nhằm tôn lên những sắc màu trong trẻo và tươi tắn của miếng sushi. Hashi phải để dính liền hai chiếc với nhau, khi ăn thực khách sẽ tự tách chúng làm đôi, như là một nghi thức để chuẩn bị cho việc các giác quan sẽ cùng lúc vỡ òa.
    Vị chua ngọt rất thanh của lớp cơm trắng như quện lấy cảm giác tinh khiết, béo mà thanh của cá ngừ, mực, bạch tuộc hay tôm sống. Độ dẻo dính vừa phải của gạo mới của mùa gặt quyến luyến, chút hương vị của biển cả đặc trưng một lẫn nữa được nâng lên, được nhấn mạnh, được ghi dấu bằng chút xíu mù tạ màu xanh lá. Tất cả những điều tuyệt vời ấy sẽ không chỉ xua tan đo những e ngại ban đầu về món cá sống mà còn đem lại cảm xúc khó phai như thể nụ hôn của mối tình đầu.
    Cho dù miếng sushi có hơi to một tí thì bạn cũnng nên ăn một lần cá miếng sushi, đừng bao giờ cắn miếng sushi như vậy, thứ nhất sẽ làm vỡ miếng cơm đã được nặn rất khéo và sau nữa, miếng sushi còn lại dẽ bị hỏng vị tươi. Và bây giờ, hãy để vị giác của bạn thưởng thức bữa đại tiệc này đi.
    Theo Băng Hảo

    Độc đáo sushi



      Chưa có món ăn nào “thiên hình vạn trạng” như sushi, về hình thức có cách cuộn, nắm, gói hoặc dùng khuôn, về “nội dung” thì có đủ loại thực phẩm tùy theo sở thích người ăn: tôm, mực, cá hồi, cá ngừ, trứng cá, thanh cua kani, sò điệp; rau củ thì có dưa leo, cà rốt, bơ, ớt chuông… Nhưng cho dù bạn thích nhân gì hay cuốn kiểu gì thì quan trọng nhất là phải có một nồi cơm sushi thật ngon. 
      Muốn vậy, bạn phải chọn gạo Nhật dùng riêng cho sushi, loại gạo hạt trắng và tròn. Hạt cơm sushi vừa săn vừa dẻo mềm lại không nát, đủ để các thực phẩm khác kết dính lại. Vo gạo vài lần đến khi nước trong, ngâm khoảng 30 phút rồi mới cho vào nồi cơm điện nấu. Nếu không có giấm sushi pha sẵn, bạn cho giấm gạo, đường và muối vào chảo bắc lên bếp khuấy cho tan đường và muối rồi để nguội (không nên để sôi vì sẽ làm mất mùi vị của giấm). Cơm vừa chín tới xới ra trộn đều với giấm, vừa đảo vừa quạt đến khi cơm nguội, hạt cơm bóng và ướt.
      Sushi cuộn rong biển
      Ngoài cơm, bạn cần chuẩn bị thêm phần nhân gồm dưa leo, bơ, thanh cua kani trụng qua nước sôi, trứng tráng dày, tất cả cắt thành thanh dài cỡ ngón tay. Sau đó trải mành tre ra, đặt miếng rong biển Nori lên, phết một lớp cơm mỏng, nhớ chừa lại một khoảng rong ở mép ngoài, nếu không, khi cuộn cơm sẽ tràn ra ngoài. Xếp lần lượt thanh cua, bơ, trứng, dưa leo rồi cuộn chặt tay. Cuộn xong để khoảng 15 phút cho cơm dính chặt vào rong biển, sau đó dùng dao thật bén cắt sushi thành từng khoanh. Dọn sushi ăn kèm mù tạt, nước tương và gừng muối Gari. Nếu thưởng thức nhiều loại sushi cùng lúc, sau mỗi loại nên ăn lát gừng muối để khử mùi và thưởng thức hương vị riêng biệt của từng loại.
      Sushi cua lột chiên giòn
      Cũng là một kiểu sushi, nhưng phần nhân của món này được chiên giòn và cơm được cuộn ra ngoài. Chọn cua lột ngon, rửa sạch để ráo, dùng khăn giấy lau thật ráo. Đem cua tẩm bột Tempura rồi chiên giòn, để nguội cắt làm hai. Dưa leo cắt thanh. Xà lách rửa sạch. Thêm một ít trứng tôm muối. Chuẩn bị xong bắt tay vào cuộn. Trải tấm mành ra, sau đó phủ một lớp ni lông để khi cuộn cơm không bị dính vào mành rồi mới đặt lá rong biển lên, trải đều cơm, cho trứng tôm lên mặt. Lật ngược lại để cơm trứng tôm bao ngoài. Xếp xà lách, dưa leo và cua chiên giòn lên rồi cuộn chặt lại. Cắt khoanh và dọn ra dùng. Sushi nên ăn ngay khi vừa cuốn để giữ được độ tươi ngon.
      Sushi chiên xù
      Để thay đổi khẩu vị, thay vì chỉ chiên nhân, bạn chiên cả cuốn sushi. Cá hồi, cá ngừ, cà rốt, bơ đem cắt thanh. Xếp tất cả lên cơm đã trải lá rong phía dưới. Cuộn chặt tay. Trứng gà đánh tan. Lăn sushi qua bột chiên, trứng gà và cuối cùng bột chiên xù. Chiên vàng dọn ra dùng. Với loại sushi này, bạn có thể không cần trộn giấm đường vào cơm tùy khẩu vị và ăn kèm nước tương, xốt mayonnaise nếu muốn khám phá cách thưởng thức mới.
      Sushi dưa leo cuốn
      Cách cuộn sushi này cũng là một sáng tạo, rất thích hợp cho những người không thích mùi tanh của rong biển. Dưa leo cắt miếng mỏng theo chiều dài, cắt đều hai đầu. Đặt khuôn hình trụ lên trên lá xà lách, nén cơm vào trong cho chặt rồi tháo khuôn ra, bao miếng dưa leo bên ngoài, dùng tăm ghim lại. Bên trên cơm đặt miếng cá ngừ tươi, tôm tươi hoặc đơn giản cho một ít trứng cá hồi muối là đã có những cuốn sushi ngon lành. Dùng với nước tương và mù tạt.
      Sushi cuộn bánh mì sandwich
      Ăn mãi món sushi cơm truyền thống cũng ngán, dùng bánh mì sandwich thay cơm cũng là một kiểu sushi không giống ai nhưng... dễ ghiền. Nguyên liệu gồm ớt chuông, dưa leo, xúc xích hoặc dăm bông và trứng chiên, tất cả cắt thanh. Bánh mì sandwich cắt bỏ rìa rồi cán mỏng để dễ cuộn. Phết một lớp xốt mayonnaise mỏng rồi đặt một lát phô mai lên, sau đó xếp lần lượt các nguyên liệu vào rồi cuộn chặt, bao lớp ni lông bên ngoài giữ cho bánh không bị khô, khi ăn cắt khoanh để dùng.
      Theo PNO

      Không có nhận xét nào: