Với diện tích vỏn vẹn 21 km2, đây là đảo quốc nhỏ nhất ở phía nam Thái Bình Dương và cũng là nước nhỏ thứ ba trên thế giới.
Nauru là một đảo quốc nhỏ giữa Thái Bình Dương, với diện tích vỏn vẹn 21 km2. Về diện tích, đây là đảo quốc nhỏ nhất ở phía nam Thái Bình Dương và cũng là nước nhỏ thứ ba trên thế giới. Người Micronesia và Polynesia định cư trên đảo trong ít nhất 3.000 năm. Họ không tiếp xúc người phương Tây, trừ những thủy thủ đào tẩu hay phạm nhân trốn tù. Tới cuối thế kỷ 19, Đế quốc Đức thôn tính Nauru và tuyên bố đảo là thuộc địa của họ.
Chẳng bao lâu sau người châu Âu phát hiện những mỏ phốt phát và quốc đảo nhỏ trở thành mỏ khoáng sản để các cường quốc ngoại bang khai thác. Sau khi Nauru giành độc lập vào năm 1968, hoạt động khai thác phốt phát càng phát triển cho tới khi phần lớn phốt phát biến mất và hoạt động kinh tế của đảo dịch chuyển về phía nam.
Trong quá trình công nhân khai thác phốt phát để tăng cường độ màu mỡ của những cánh đồng bên ngoài lãnh thổ, đất đai của Nauru lại trở nên cằn cỗi. Ngày nay, đảo là một vùng đất trống với những tảng đá vôi lởm chởm bao phủ 80% lãnh thổ.
Những mỏ phốt phát trên đảo Nauru là kết quả của việc chim xả chất thải (guano) trong vài nghìn năm. Do phốt phát nằm gần mặt đất nên con người có thể tách chúng một cách dễ dàng. Người Đức khai thác nguồn tài nguyên quý trước khi chính phủ Nauru ký thỏa thuận chuyển giao quyền khai thác cho nước Anh. Sau Đại chiến Thế giới lần thứ nhất, Anh, Australia và New Zealand trở thành những nước bảo hộ Nauru. Ba nước thành lập Ủy ban Phốt phát Anh để quản lý quyền khai thác phốt phát.
Sau khi Nauru trở thành quốc gia độc lập, chính phủ mua quyền khai thác phốt phát từ Australia và nền kinh tế của họ phát triển nhanh chóng. Lợi nhuận từ hoạt động khai mỏ giúp thu nhập bình quân đầu người của Nauru tăng lên mức cao nhất so với mọi quốc gia độc lập trên thế giới. Nhưng trong lúc ngành khai mỏ phát triển, đất lại bị phá hủy một cách hệ thống. Để lấy phốt phát, công nhân phải bóc toàn bộ đất bề mặt và tách phốt phát ra khỏi những cột san hô cổ. Vì thế, sau khi phốt phát biến mất, người ta chỉ còn thấy những vỉa san hô cao và các khoảng đất lõm giữa chúng - kiểu địa hình mà con người không thể sống hay trồng cây. Hoạt động khai mỏ cũng ảnh hưởng xấu tới hệ sinh thái biển xung quanh đảo do chất phù sa và phốt phát gây ô nhiễm nước. Những cột san hô là thứ còn sót lại sau khi con người lấy phốt phát.
Dần dần phốt phát trên đảo cạn kiệt. Trị giá của quỹ đầu tư quản lý tài nguyên của đảo cũng giảm. Quỹ cũng thực hiện nhiều khoản đầu tư sai lầm vào hãng hàng không Air Nauru và các khách sạn ở nước ngoài. Những khoản đầu tư ấy chẳng bao giờ sinh lời và thậm chí còn kìm hãm nền kinh tế trong nước. Để tạo thêm nguồn thu, chính phủ Nauru bắt đầu bán hộ chiếu cho công dân nước ngoài và cho phép người tị nạn từ nước khác cư trú. Chính sách ấy dẫn đến sự ra đời của trại giam của Australia trên đảo Nauru vào năm 2001. Trại giam chẳng những cung cấp nguồn thu cho chính phủ, mà còn tạo việc làm cho người dân địa phương.
Hoạt động khai thác phốt phát không chỉ tàn phá đất và nền kinh tế. Người dân Nauru là một trong những dân tộc yếu và béo nhất thế giới. Họ là nạn nhân của bệnh tiểu đường và chứng huyết áp cao. Rất ít người sống qua tuổi 60.
Trước khi giành độc lập, người dân Nauru trồng trọt và bắt cá. Họ ăn cá tươi, trái cây, rau. Do thu nhập từ phốt phát quá dễ dàng, người dân ngừng canh tác và bắt đầu nhập khẩu thực phẩm đóng hộp. Do đó, tỷ lệ người dân béo phì và mắc bệnh tiểu đường ở Nauru đạt mức cao nhất thế giới. 94% dân số trên đảo thừa cân, còn 72% chung sống với tình trạng béo phì. Hơn 40% dân số mắc tiểu đường loại 2 và các hội chứng liên quan tới chế độ ăn như bệnh thận và bệnh tim.
Ngày nay Nauru vẫn xuất khẩu một lượng phốt phát nhỏ, song thu nhập từ tài nguyên không đủ lớn để nuôi 10.000 dân. Viện trợ nước ngoài, chủ yếu từ Australia, đảo Đài Loan và New Zealand, là yếu tố giúp người Nauru tồn tại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét