Trung Quốc là một quốc gia cực kỳ rộng lớn và đa dạng với hằng hà sa số danh lam thắng cảnh, nhưng không phải chỗ nào cũng dành cho người yếu tim.
Sau đây là 10 điểm du lịch 'đáng sợ' nhất ở Trung Quốc
Làng cổ La Dương
Nằm ở huyện miền núi xa xôi cách trở Vĩnh Gia, thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiếc Giang, làng cổ La Dương là một vùng phong cảnh đẹp như tranh vẽ với lịch sử 500-600 năm.
Làng cổ La Dương ngày nay được gọi là "làng ma" (Ảnh: Baidu) |
Vì giao thông lên đây rất khó khăn, ngôi làng vẫn còn nguyên những căn nhà cổ, bầu không khí trong lành và đời sống rất truyền thống. Đây từng là điểm đến ưa thích của rất nhiều du khách.
Nhưng từ năm 2000, hàng chục người dân làng đã thiệt mạng không rõ nguyên do và hai cơn cuồng phong đã quét sạch hơn 80 căn nhà cổ trong làng. Ngôi làng giờ được gọi là “làng ma”.
Hồ nước “mê hồn”, núi Ngõa Ốc
Công viên quốc gia núi Ngõa Ốc nằm ở huyện Hồng Nhã, thành phố Mi Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, cách thủ phủ Thành Đô 180 km. Hồ nước mê hồn trên núi được coi là một “tam giác Bermuda” trên đất liền. Kết cấu địa chất kỳ lạ và là một vùng nước phủ sương mù gần như quanh năm. Một khi lạc ở đây, bạn có thể không bao giờ tìm được lối ra.
Hồ nước được gọi là "Bermuda trên đất liền" (Ảnh: Baidu) |
“Quỷ môn quan” ở núi Lục Bàn
Lưu vục sông Nhị Long ở công viên quốc gia núi Lục Bàn, thuộc miền nam khu tự trị dân tộc Hồi-Ninh Hạ, là một vùng cảnh quan tú mỹ cho tham quan và thám hiểm.
Là nơi cư ngụ của hàng trăm loại động, thực vật hoang dã, bạn sẽ được chụp ảnh thỏa thích những chú hươu nai, chim trĩ và thỏ rừng ở đây.
Tuy nhiên, khu vực “Quỷ môn quan” tại vùng này lại đóng cửa cho khách du lịch, trừ khi có người hướng dẫn. Nơi đây, bạn có thể bị báo gấm và các loài thú dữ xé xác vào buổi tối nếu đi lạc.
Khu vực thắng cảnh Quỷ môn quan ở núi Lục bàn (Ảnh: Baidu) |
“Cổng địa ngục” ở núi Côn Lôn
Được tô điểm bởi những cánh đồng cỏ xanh và những hồ nước trong vắt như pha lê, thung lũng Côn Lôn gần núi Côn Lôn ở cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng là thiên đường cho các loài động vật hoang dã trong một diện tích rộng 3.500 km vuông.
Tuy nhiên, trong vùng có một địa điểm tiềm ẩn nhiều nguy hiểm: “Địa ngục chi môn”, tức Cổng địa ngục. Những người chăn gia súc sống ở vùng núi Côn Lôn thà để cừu và dê chết khát ở sa mạc Gobi thay vì mạo hiểm đưa chúng vào ăn cỏ ở cổng địa ngục, nơi đây lông chó sói, xương gấu và những nấm mộ khổng lồ.
Các nhà khoa học cho biết từ tính trong thung lũng rất cao khiến nó thường xuyên hứng chịu sấm sét ngay cả khi trời không mưa.
Người Trung Quốc gọi khu vực này là "Cổng địa ngục" (Ảnh: Baidu) |
Tam giác quỷ, hồ Bà Dương
Nằm ở tỉnh Giang Tây, hồ Bà Dương là hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc. Hồ là một thắng cảnh tuyệt đẹp, nhưng cũng là nơi chứng kiến nhiều thảm họa.
Vùng nước gần miếu Lão Gia, nằm ở phía bắc hồ, được coi là “tam giác Bermuda của Trung Quốc”. Trong hơn 60 năm qua, hơn 200 tàu thuyền đã bị đắm ở đó khiến hàng nghìn người thiệt mạng.
Ngay cả một chiếc tàu Nhật Bản với trọng tải hơn 2.000 tấn cũng bị đắm ở vùng nước này năm 1945. Nhiều người tin rằng ở hồ có ma quỷ.
Nhiều trường hợp tàu thuyền bị chìm, mất tích đã được ghi nhận trên hồ Bà Dương (Ảnh: Baidu) |
Hồ La Bố
La Bố từng là hồ lớn nhất ở tây bắc Trung Quốc trước khi khô cạn vào năm 1972. Biệt danh “biển chết”, hồ La Bố nằm ở đông nam khu tự trị Tân Cương-Duy Ngô Nhĩ. Hồ giờ là một phần của sa mạc Gobi với cỏ dại, những dòng nước lờ đờ và nhiệt độ mùa hè có thể lên tới 70°C. Vùng hồ nay đã cạn đầy những bí ẩn, với nhiều vụ mất tích và những cái chết tang thương.
Năm 1980, nhà khoa học Trung Quốc Bành Gia Mộc (Peng Jiamu) đã mất tích ở đây trong một cuộc thám hiểm. Thi thể ông không bao giờ được tìm thấy và cho tới giờ vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất của Trung Quốc.
16 năm sau, năm 1996, nhà thám hiểm Trung Quốc Dư Thuần Thuận (Yu Chunshun) cũng thiệt mạng khi đang tìm cách vượt hồ.
Hồ La Bố đã khô cạn cách đây hơn 40 năm (Ảnh: Baidu) |
Làng Phong Môn
Nằm ở ngoại thành thành phố Thấm Dương, tỉnh Hà Nam, làng Phong Môn nổi tiếng là một “làng ma”. Bao quanh ngôi làng là những ngọn núi và một dòng sông. Có tất cả 39 căn nhà với 200 phòng trong làng này được xây theo kiểu kiến trúc Minh, Thanh, nhưng không có ai sống ở đó. Điều bí ẩn nhất là câu chuyện đằng sau một chiếc ghế gỗ. Người ta kể ai ngồi lên chiếc ghế đó đều chết một cách đầy bí ẩn.
Khung cảnh "làng ma" Phong Môn ở thời điểm năm 2014 (Ảnh: Baidu) |
Hồ Rakshastal (Lạp Ngang Thác)
Hồ Rakshastal nằm ở khu tự trị Tây Tạng. Biệt danh “Quỷ hồ”, tên của nó theo tiếng Tây Tạng có nghĩa là “hồ đen nhiễm độc”. Hồ nằm ở phía tây hồ Manasarovar (Mã Bàng Ung Thác), hồ thiêng của người Tây Tạng.
Nhưng không giống Manasarovar, nước ở hồ Rakshastal là nước mặn không thể uống được. Ở hồ không có một loại động thực vật nào tồn tại nổi. Đáng sợ hơn nữa, hình dáng của hồ giống như một tấm da người vừa được lóc ra.
Hình dáng hồ Lạp Ngang Thác trông giống một tấm da người vừa được bóc ra (Ảnh: Baidu) |
Bắc Kinh linh dị quỷ địa
Ma quỷ đã luôn đồng hành với con người từ thời xa xưa. Trong rất nhiều căn nhà cổ ở khu vực gần Tử Cấm Thành Bắc Kinh, người ta tin rằng vào buổi đêm có thể nghe rõ tiếng người than khóc, tiếng nhạc cụ và cả tiếng độc thơ. Đôi khi bạn có thể thấy các cung nữ bị đày vào cung cấm hay các thái giám bị xử trảm đi lại ở khu vực này.
Một lối đi nhỏ bên trong Tử Cấm Thành (Ảnh: Baidu) |
Khu bảo tồn thiên nhiên Khương Đường
Khương Đường, được người Tây Tạng gọi là “cao nguyên phía bắc”, là một trong những cao nguyên cao nhất của hệ thống Thanh-Tạng ở khu tự trị Tây Tạng. Khu bảo tồn thiên nhiên Khương Đường rộng hơn 200.000 km vuông và là nơi có hơn 100 loài động vật hoang dã.
Với những đồi núi chập trùng và các hồ nước trong vắt, đây là một khu du lịch tuyệt vời, nhưng cũng đầy rủi ro. Ở độ cao hơn 5.000 mét so với mực nước biển, khí hậu tại đây rất khắc nghiệt và khó đoán, với mùa Đông lạnh không thua gì Bắc Cực.
Khương Đường ở độ cao 5.000 mét so với mặt nước biển (Ảnh: Baidu) |
Chiêu Văn / VnTinnhanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét