Đầu đội mũ giấy, tay nắm con tôm đồng to bằng đôi ngón tay, miệng nghêu ngao hát những ca khúc về tôm đồng trước khi úp bụng con tôm vào miệng hút một hơi dài để vị mặn của muối, vị ngọt của tôm đượm kín cả vòm họng… Đấy là một vài chi tiết trong “nghi thức” ăn tôm đồng của người Thuỵ Điển, một phong tục độc đáo ra đời từ cách đây hơn 210 năm.
Con tôm đồng – crayfish, hay kraftskiva theo tiếng Thuỵ Điển, là một món khoái khẩu mà dân Thuỵ Điển mê tơi mỗi khi nói về nó. Nếu có dịp đến xứ Bắc Âu này vào độ cuối thu, sẽ thấy các tờ báo địa phương, các nhà hàng, siêu thị lớn nhỏ đều quảng cáo về sự xuất hiện của tôm đồng. Truyền hình cũng có cả những chương trình mời các nhân vật nổi tiếng ăn và bình chọn giống tôm đồng nào trong năm có khẩu vị ngon nhất. Tất cả các món ẩm thực khác của Thuỵ Điển trong mùa này đều nhường chỗ cho sự hấp dẫn của con tôm, và bữa tiệc tôm đồng đầu tiên trong đời với những người bạn Thuỵ Điển cùng những thông tin thú vị về tôm đồng đã lần lượt dẫn dắt tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Mùa tôm đồng
Từ hơn trăm năm trước, người Thuỵ Điển đã có luật chỉ cho phép đánh bắt tôm đồng tối đa trong hai tháng mùa thu, khi ấy, khắp vùng sông hồ của Thuỵ Điển phủ đầy một màu đen của tôm đồng, được dân bản địa ví von là thứ vàng đen trời ban, thế nên món sản vật lần lượt được xuất cảnh sang các nhà hàng sang trọng ở Paris, London, hay Berlin… và phải đến cuối thu, dân bản xứ mới bắt đầu tập trung thưởng thức sau khi đã xuất đi một cơ số tôm đồng đáng kể, và vô tình hình thành một thói quen ăn tôm đồng mùa cuối thu.
Một bữa tiệc tôm đồng của người Thuỵ Điển
Thực sự từ năm 1800, giới trung lưu ở Thuỵ Điển đã để ý đến món tôm khoái khẩu này và hình thành những bữa tiệc với món chính là tôm đồng. Vào năm 1907, một đại dịch lớn khiến tôm đồng Thuỵ Điển biến mất hàng loạt, nhưng phong tục ăn tôm đồng mùa thu vẫn tiếp tục duy trì, và đến những năm 20 của thế kỷ 20, bữa tiệc tôm đồng với các thứ màu mè đi kèm khác như người tham dự ăn tôm sẽ phải đội nón giấy có vẽ tôm đồng trông rất ngộ nghĩnh, hát những bài hát dân ca có liên quan đến tôm đồng, nhà cửa treo đèn lồng, bàn ăn trang trí bắt mắt với khăn trải bàn và chén đĩa sang trọng… mới xuất hiện. Kích thước tối thiểu của mỗi con tôm đồng khi thu hoạch được quy định rất rõ ràng, với chiều dài từ đuôi đến chóp càng phải đạt 10cm.
Tham dự vào bữa tiệc tôm đồng cùng gia đình người bạn ở thành phố Ystad miền cực nam Thuỵ Điển, trình tự cho bữa tiệc thật đơn giản, gia chủ sau màn giới thiệu đủ thứ thông tin và lịch sử tôm đồng như kể trên, liền đánh xe đưa tôi đến siêu thị ở trung tâm thành phố, thẳng tiến đến quầy đông lạnh. Trước mắt tôi ngập một màu đỏ của những con tôm đồng mình to bằng hai ngón tay, đôi càng mập mạp giương ra phía trước, đã được luộc qua nước muối, để đông lạnh, xếp trong các hộp giấy với trọng lượng 1kg. Trong lúc chọn và quan sát những người bản địa mua tôm đồng, tôi nhận ra hễ ai mua tôm cũng đều chọn mua thêm các hộp giấy để ngay quầy tính tiền, mãi khi vào tiệc ăn tôm tôi mới hiểu ra đấy là những chiếc mũ trang trí và các tờ giấy in các bài hát liên quan đến tôm đồng dùng hát trong bữa tiệc.
Phong tục ăn tôm đồng
Tôm đồng đông lạnh, đem về không cần phải chế biến, chỉ cần để rã đông trước khi vào tiệc 24 giờ, đem bày ra mâm, và bữa tiệc bắt đầu. Tôi chẳng thể hát được tiếng Thuỵ Điển dù có lời ghi sẵn trên các tấm giấy, nhưng nhìn từng khuôn mặt những người bạn bản địa, với chiếc mũ chóp trông thật hài hước, mặt đầy hứng khởi, say sưa hát hò những ca khúc chỉ ngắn gọn 4 – 6 dòng nhạc, đủ đem lại cho tôi những cảm nhận đầy hứng khởi với bữa tiệc tôm đồng thú vị.
Sau vài bài hát vui nhộn, gia chủ trịnh trọng tuyên bố bữa tiệc tôm đồng bắt đầu, và khai tiệc bằng việc hướng dẫn tôi ăn tôm theo đúng trình tự truyền thống của người Thuỵ Điển. Tay trái cầm đầu tôm, tay phải cầm đuổi, bụng úp vào phía trong đặt môi ngay phần nối giữa cổ và thân tôm hút một hơi mạnh cho ráo nước để cảm vị ngọt của tôm trước, sau đó bóc đôi tôm ra và ăn phần đầu, tiếp đến là phần thân. Kỳ thực chuyện ăn hải sản với đủ thứ tôm to nhỏ ở hàng quán khắp Việt Nam chẳng có gì lạ, nhưng ăn tôm cho phải phép theo kiểu Thuỵ Điển cũng khiến tôi bỡ ngỡ và loay hoay mãi để xử lý món tôm đồng này.
Ăn kèm với tôm đồng còn có vài món phụ khác như phô mai dậy mùi, bánh nấm, cùng các loại đồ uống có độ cồn cao để tạo thêm hứng khởi và phấn khích. Mâm tôm vơi dần, cũng là lúc những bài hát, những câu chuyện rôm rả được đẩy lên cao trào, khiến cho bữa tiệc tôm đồng trở nên huyên náo và vui nhộn hơn đến tối muộn.
Ăn kèm với tôm đồng còn có vài món phụ khác như phô mai dậy mùi, bánh nấm, cùng các loại đồ uống có độ cồn cao để tạo thêm hứng khởi và phấn khích. Mâm tôm vơi dần, cũng là lúc những bài hát, những câu chuyện rôm rả được đẩy lên cao trào, khiến cho bữa tiệc tôm đồng trở nên huyên náo và vui nhộn hơn đến tối muộn.
Cho đến nay, giống tôm đồng nguyên thuỷ của các vùng nước ngọt tại sông hồ Thuỵ Điển không còn do trận đại dịch cách đây hơn thế kỷ, dù sau đó đã nhiều cố gắng lai tạo, du nhập những giống tôm đồng vào nuôi cấy nhưng đều không thành công, thế nhưng những bữa tiệc tôm đồng vẫn được duy trì thành một phong tục thú vị trong ẩm thực, và tôm đồng ăn tại Thuỵ Điển ngày nay đến từ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Mỹ… khiến cho Thuỵ Điển trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về nhập khẩu và tiêu thụ tôm đồng ở mỗi mùa thu.
Thiên An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét