Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Những lý do để đến thành phố Prague xinh đẹp

Prague, thủ đô Czech, không chỉ là trung tâm quyền lực của nước này mà còn ẩn chứa nhiều nét quyến rũ và hấp dẫn ở góc độ lịch sử, kiến trúc, văn hóa và ẩm thực.
Hãy khám phá những lâu đài tuyệt đẹp, các bảo tàng ấn tượng và thưởng thức nhiều điều thú vị khi tới thành phố Prague.
1. Lâu đài Prague
Đây là một trong những lâu đài lớn nhất trên thế giới nằm trọn vẹn trên ngọn đồi nhìn về thành phố bên dưới. Bên trong lâu đài gồm nhiều công trình kiến trúc riêng biệt được xây dựng với nhiều chức năng. Nổi bật nhất là Vladislav Hall thuộc khu Cung điện Hoàng Gia cổ. Đây là sảnh dùng cho các buổi dạ yến với phần mái trần khiến bất cứ du khách nào cũng phải ngỡ ngàng trong lần đầu tiên ngắm nhìn.
H1-Nhung-ly-do-de-den-Prague-1627-139461
Lâu đài Prague chiếm trọn vẹn một ngọn đồi lớn. Ảnh: Europetravelculture
2. “Lối đi vàng”
Bên trong khu quần thể lâu đài có một lối đi khá nhỏ hẹp nơi những ngôi nhà đã được tu sửa nhằm mang đến cái nhìn sinh động nhất cho du khách về một thời sôi động. Bạn sẽ thấy các quán rượu, vài vị chiêm tinh học, cửa hàng rèn và phòng khách đang chiếu bộ phim sinh động diễn tả cuộc sống trước đây trong lâu đài. Đây cũng là một nơi mua sắm đồ lưu niệm lý tưởng như kính vẽ màu trang trí, sách cũ, đồ gốm và đồ chơi bằng gỗ.
3. Franz Kafka
Trên “Lối đi vàng” có một căn nhà từng là nơi sinh sống của tác giả nổi tiếng Franz Kafka. Nhưng để tìm hiểu những góc nhìn đầy nhạy cảm của ông về bộ máy quan liêu trong chính quyền và nỗi khổ đau của dân chúng là tại bảo tàng Kafka, bạn sẽ phải dành một chút thời gian (nhưng xứng đáng) để cảm nhận bên cạnh việc ngắm nhìn các hiện vật và tài liệu.
4. David Cerny
Phía ngoài bảo tàng Kafka trưng bày khá nhiều tác phẩm nghệ thuật thu hút mọi người dừng lại để chụp ảnh như hình hai người đàn ông vô tư “giải phóng cơ thể” trên chiếc hồ hình đất nước Czech. Đây chỉ là một trong số nhiều tác phẩm điêu khắc và sắp đặt có phần khác thường của nghệ sỹ David Cerny tại Prague như người cưỡi bò treo ngược hay người đàn ông nắm một tay lơ lửng trên cột cao trong khu phố cổ thuộc đường Husova.
H2-Nhung-ly-do-de-den-Prague_1394617999_
Tác phẩm hai người đàn ông vô tư giải quyết nỗi buồn của nghệ sỹ David Cerny. Ảnh: wikipedia
5. Khu Mala Strana
Khu vực nằm dưới bóng lâu đài Prague bên bờ Tây của dòng sông Vltava mang nét duyên dáng đến ngất ngây dù cho có khá nhiều du khách cùng tề tựu về một lục. Mala Strana tọa lạc những cung điện xa hoa, nhà thờ nguy nga và con đường rải sỏi cuội với các quán bar và nhà hàng hảo hạng mà bạn dễ dàng tìm thấy trong các hầm rượu kiểu trung cổ.
6. Các công trình kiến trúc  
Prague không chỉ là thủ đô hành chính của đất nước mà còn là nơi tập trung những công trình kiến trúc mang phong cách của nhiều thời đại. Nhà thờ Thánh Vitus theo trường phái gothic bên cạnh nhà thờ thánh George kiểu La Mã bên trong lâu đài Prague. Ngoài ra bạn sẽ còn thấy đâu đó bóng dáng của nhà hát kiểu tân cổ điển, nhà thờ kiểu baroque, các ngôi nhà kiểu Phục Hưng trong các khu phố cổ. Tất nhiên là không thể thiếu các khối kiến trúc hiện đại như tòa nhà Dancing Building với hình dáng như bị bóp méo khá kỳ lạ do Frank Gehry thiết kế nằm đối diện cầu Jirasek.
H4-Nhung-ly-do-de-den-Prague-6812-139467
Dancing Building, công trình kiến trúc hiện đại nổi bật tại Prague. Ảnh:dreabobea/wordpress
7.Các tác phẩm nghệ thuật ngoài trời
Trong các công trình theo nhiều phong cách kiến trúc khác nhau, những nét trang trí nghệ thuật chính là điểm nhấn để phân biệt. Khi đi dọc các con phố, chỉ cần ngước lên trên bạn sẽ thấy rất nhiều thức cột, phù điêu, hoa văn tiêu biểu. Khách sạn Europe hay Central đều là những ví dụ điển hình nhưng giàu sự biểu cảm nhất phải kể đến tòa nhà của hội đồng thành phố trên quảng trường cộng hòa.
8. Hộp đêm trong lòng đất
Khá nhiều công trình từ thời chiến tranh lạnh không còn được sử dụng trong đó có khoảng 350 boong-ke dười lòng đất để cho mọi người trú ẩn nếu có tấn công hạt nhân. Một trong số đó là “mê cung” Bunkr Parukarka nay đã trở thành quán bar và câu lạc bộ đêm. Nhờ nằm sâu dưới đất nên các DJ cũng có thể thoải mái chơi nhạc mà không sợ làm ảnh hưởng đến những khu nhà xung quanh.
9. Lễ hội mùa xuân ở Prague
Với hoạt động giải trí âm nhạc, Prague là thành phố có truyền thống tổ chức những lễ hội và tuần lễ âm nhạc cổ điển. Dàn nhạc giao hưởng thính phòng mang tên Rudofinium có trụ sở chính tại khu phố cổ nhưng họ di chuyển đến rất nhiều nơi trong thành phố để biểu diễn từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 6. Đó cũng trùng với dịp lễ hội mùa xuân của Séc và nếu đi du lịch vào thời điểm này, bạn hãy nhớ xếp thêm bộ vest và váy dạ hội trong hành lý.
10. Di sản của người Do Thái
Khu vực mang tên Josefov phía bờ bắc phố cổ là nơi tọa lạc của bảo tàng Do Thái. Được thành lập năm 1906 để gìn giữ những di sản của người Do Thái, sau thế chiến thứ hai, những hiện vật liên quan đến cuộc chiến đã được đưa về đây để làm phong phú hơn bảo tàng. Du khách được khuyên nên thuê một hướng dẫn viên để hiểu rõ hơn về các chi tiết cùng câu chuyện lịch sử.
11. Thịt heo và bánh bao
Ẩm thực tại Prague cũng phong phú không kém bất cứ thành phố nào tại châu Âu và đặc biệt là các món thịt heo rất phù hợp cho việc uống bia. Đùi hay sườn heo nướng, đều là các món cơ bản và phổ biến tại những quán rượu hay nhà hàng và dùng kèm với bánh bao.
12. Bảo tàng tí hon – Muzeum miniatur
Anatoly Koneno là một nghệ sỹ đã dành cả đời mình chỉ để tạo nên những tác phẩm siêu nhỏ như tháp Eiffel bên trong viên đá hay đàn lạc đà bên trong lỗ xỏ kim. Bảo tàng Miniatur là nơi trưng bày những hiện vật ấy và bạn sẽ thích thú với cảm giác ngắm nhìn những sáng tạo tí hon qua kính hiển vi đồng thời cảm phục “người đàn ông đã dành 7 năm rưỡi chỉ để đặt một chiếc móng ngựa vàng trên chân con bọ chét”.  
Hoài Nam (Theo smh.com.au)

Du ngoạn trên những mái nhà cổ tích Praha


TTO - Một trong những thành phố châu Âu gây ấn tượng nhiều nhất với tôi bởi nét cổ kính và êm đềm là thủ đô nước Cộng hòa Czech - Prague. Trái tim của Tiệp Khắc cũ hiện lên trên những công trình kiến trúc gothic kiêu hãnh, nổi bật giữa mái nhà màu đỏ, san sát nhau, đẹp như khung cảnh thần tiên trong những câu chuyện cổ tích.
Quảng trường Old Town - Ảnh: Na Hồ
Tôi đến Prague bằng xe khách đường dài từ thủ đô Vienna nước Áo. Con đường dài hơn 300km trôi qua bên ngoài khung cửa sổ là cảnh ngoại ô châu Âu với những đồng cỏ trải dài, thỉnh thoảng lại có vài ngôi nhà nằm lẻ loi trên sườn đồi.
1. Thành phố Prague là một trong những nơi hiếm hoi ở Đông Âu không bị tàn phá bởi chiến tranh nên đường nét cổ kính trên những công trình kiến trúc tồn tại hàng ngàn năm gần như còn được giữ nguyên vẹn. Bến xe trung tâm của thành phố giản dị với vài tấm biển chỉ dẫn bằng tiếng Czech xa lạ, chỉ có bàn thông tin ở cổng vào bày bán mấy cuốn sách hướng dẫn du lịch bằng tiếng Anh.
Cô bán hàng tuổi trung niên, má lấm tấm tàn nhang dù không nói được tiếng Anh nhiều nhưng vẫn nhiệt tình chỉ dẫn dựa vào địa chỉ trên tờ xác nhận đặt phòng, cuối cùng còn hào phóng tặng chúng tôi một tấm bản đồ thành phố.
Chúng tôi đi trên con đường nhỏ lát đá dẫn đến khu nhà nghỉ nằm khuất sau hai dãy phố, hoàn toàn yên tĩnh do cách xa đường lớn. Cả đoạn đường nhỏ với những ngôi nhà sơn tông màu sáng, có vài chậu hoa trên bậu cửa sổ, nơi chúng tôi đã đặt trước có phần hơi trội với giàn hoa giấy màu hồng leo trên tường.
Đây là một căn nhà lớn được chia thành các phòng riêng như ký túc xá của các trường đại học châu Âu, chỉ cách ga tàu điện gần nhất khoảng 5 phút đi bộ.
Những ngôi nhà xung quanh Old Town Hall nhìn từ trên cao - Ảnh: Na Hồ
Theo chỉ dẫn trên bản đồ, tôi đến quảng trường Old Town Hall nơi có nhà thờ Đức Bà Týn được xây bằng đá xám với mái chóp nhọn theo kiến trúc gothic châu Âu và tòa thị chính cũ có hình ảnh đồng hồ chiêm tinh học. Bên cạnh cây cầu Charles và tòa nhà Dancing House nổi tiếng, quảng trường là một trong những biểu tượng của Prague.
Theo suốt quá trình phát triển của thành phố, Old Town Hall đã chứng kiến những sự kiện lịch sử quan trọng nhất như lễ đăng quang của vua xứ Bohemia George năm 1458. Tòa nhà thị chính nằm đối diện nhà thờ Đức Bà Týn trước đây được công nhận là cơ quan chính quyền của Prague từ sau khi hợp nhất các quận của thành phố này.
Sau một trận hỏa hoạn lớn, phía đông và bắc của tòa Town Hall gần như bị hư hại hoàn toàn. Ngày nay, tòa nhà đã được khôi phục, trong đó có tháp đồng hồ chiêm tinh đã trở thành địa điểm tham quan thu hút du khách.
Tôi mua vé lên tầng cao nhất của tòa nhà Town Hall để có thể nhìn ngắm hàng loạt mái nhà đỏsan sát nhau từ phía trên cao. Những bậc thang gỗ cót két dưới chân làm du khách nào cũng phải bước nhẹ nhàng, nhiều người lười biếng xếp hàng dài đợi những chuyến thang máy ngắn ngủi đưa lên đỉnh tháp.
Một hành lang hẹp được thiết kế theo hình tròn, có lan can bằng gỗ để khách du lịch có thể đi xung quanh để phóng tầm mắt về bốn phía, tự do tưởng tượng ra khung cảnh cổ tích của Prague khi mùa đông đến, tuyết phủ trắng xóa trên những mái nhà kia.
Nhà thờ Prague buổi tối - Ảnh: Na Hồ
Quảng trường Town Hall buổi tối có vẻ nhộn nhịp hơn dưới ánh đèn vàng hắt lên những bức tường sáng màu và cả dãy dài các xe bán đồ ăn trên đường với đủ loại xúc xích, khoai tây lốc xoáy (khoai được cắt mỏng thành dây dài, xiên vào que rồi chiên lên), hạt dẻ cùng những đồ ăn nhanh của châu Âu khác.
Ánh đèn và mùi thơm của đồ ăn làm ấm lên không khí se lạnh của thời tiết cuối thu ở thành phố Đông Âu cổ kính.
2. Trong những ngày ở Prague, tôi cứ thích đi lại khu vực trưng bày mô hình đồng hồ chiêm tinh được thiết kế theo phong cách Trung cổ từ những năm 1410, đứng thứ ba trong bảng đánh giá những chiếc đồng hồ chiêm tinh cổ đại và lâu đời nhất trên thế giới.
Đây là chiếc đồng hồ thiên văn cổ nhất vẫn còn hoạt động cho đến nay. Mặt đồng hồ thể hiện vòng tuần hoàn của các chòm sao qua 12 cung hoàng đạo và thước đo thời gian của nước Czech trước đây. Hơn nữa, nếu để ý thật kỹ có thể thấy thời điểm bình minh và hoàng hôn trong ngày thông qua sự di chuyển của các biểu tượng mặt trời, mặt trăng và trái đất.
Chiếc đồng hồ thiên văn cổ nhất vẫn còn hoạt động cho đến nay - Ảnh: wanderfull.us
Chiếc đồng hồ nổi tiếng của thành phố Prague - Ảnh: erasmusorgasmusprague
Tôi hoàn toàn bị ấn tượng trước đường nét tinh xảo của những con số La Mã, biểu tượng các chòm sao bằng đồng nổi bật trên chiếc đồng hồ cỡ lớn phía bên ngoài tòa tháp, và cả những dòng chữ cổ chi chít trên vòng lịch hiện đại được thêm vào bên dưới chiếc đồng hồ từ năm 1870.
Những mô hình chiếc đồng hồ thiên văn được bày bán rất nhiều trong các cửa hàng lưu niệm ở khu phố thương mại, khéo léo khắc thêm chữ Praha (tên tiếng Czech của thành phố Prague) quả thật là một món quà đầy kỷ niệm về mảnh đất này.
3. Tôi đi theo con đường nhỏ bên hông tòa thị chính, qua khu thương mại và cây cầu Charles. Cây cầu gắn liền với tên vị vua Charles IV, người đã cho xây dựng cầu bắc qua con sông Vltava, nối liền khu phố cổ Staré Město (Old Town) và khu Malá Strana. Dọc hai bên cầu là nhiều bức tượng điêu khắc cầu kỳ với những dòng chữ Do Thái được mạ vàng sáng loáng.
Thời gian đẹp nhất được gợi ý để đến ngắm nhìn và chụp hình cầu Charles là buổi sáng sớm, trước bình minh khi chưa có nhiều người qua lại, có thể tùy ý chụp từ góc thẳng hay xiên hình ảnh cây cầu chìm trong màn sương màu xám mờ ảo.
Tự biết mình khó có thể thức dậy để chụp được những khung hình đẹp nhất, tôi đành hòa vào dòng người tấp nập trên cầu vào buổi chiều, giữa tiếng cười nói rôm rả và âm thanh từ đàn guitar của những nghệ sĩ đường phố.
Con đường cạnh bờ sông Vltava - Ảnh: Na Hồ
Ngược lên triền đồi phủ đầy cây xanh, tôi háo hức đến lâu đài Prague, nơi được sách kỷ lục Guinness ghi nhận là lâu đài cổ rộng lớn nhất thế giới. Nổi bật nhất bên trong lâu đài là nhà thờ St. Vitus lưu giữ các vương miện, trang sức và chôn cất những vị vua cùng hoàng thân quốc thích của giới quý tộc Tiệp ngày xưa.
Nhà thờ được xây dựng theo kiến trúc gothic nổi tiếng ở châu Âu với mái chóp nhọn, trần cao, xung quanh được sơn màu vàng nhạt bên cạnh những mảng tường lát đá, kiêu hãnh dưới ánh nắng hoàng hôn. Ngày nay, lâu đài Prague không những là lâu đài cổ nhất, là niềm tự hào của người dân Cộng hòa Czech mà còn là nơi lưu giữ những phòng tranh, bảo tàng nghệ thuật Bohemia và tổ chức các buổi hòa nhạc lớn.
Khi tôi đến đã quá 4g chiều, hầu hết các khu bảo tàng và nhà thờ đã đóng cửa, chỉ vớt vát được mấy bản nhạc cuối cùng của buổi hòa nhạc tổ chức muộn bên trong sảnh St. George.
4. Ngày cuối cùng ở lại Prague, tôi mừng rơn khi tìm được một nhà hàng của người Việt ngay gần khu trung tâm. Ngày ở nhà chẳng mấy khi tôi ăn phở, thế mà khi nhìn thấy tên “Phở Việt Nam” trên bảng hiệu cùng thực đơn liệt kê đầy đủ phở bò, phở gà, bún chả, cơm niêu ở Prague tự nhiên lại thấy thèm và nhớ nhà quá đỗi.
Trên đường trở về trước khi rời thành phố, tôi có ghé qua xem tòa nhà Nationale-Nederlanden (còn được gọi là Dancing House), được xây dựng trên khu đất cạnh bờ sông đã bị bom Mỹ hủy hoại năm 1945.
Trước đây, tòa nhà được kỳ vọng trở thành trung tâm văn hóa của thủ đô nước Czech, nhưng hiện nay chủ yếu là văn phòng của các công ty đa quốc gia, lúc nào cũng có bảo vệ trông coi nghiêm ngặt nên du khách thường chỉ ngắm nhìn và chụp ảnh phía bên ngoài.
Dancing House - Ảnh: Na Hồ
Không cần ồn ào và náo nhiệt, Prague vẫn làm mềm lòng du khách bởi những mái nhà đỏ sẫm san sát nhau, những chóp nhọn của nhà thờ trong thành phố, những đường ray xe điện, những giá trị lịch sử được lưu giữ hàng ngàn năm bên trong lâu đài cổ và cả sự hấp dẫn của vòng quay thời gian trên mặt đồng hồ chiêm tinh.
Tôi đặc biệt thích tên gọi Praha trong tiếng Czech, mỗi khi đọc lên đều có thể cảm thấy biết bao điều êm dịu và nhẹ nhàng mà thành phố này mang lại. Nhắc đến Praha, tôi vẫn mong có dịp được trở lại vào một ngày mùa đông, khi tuyết phủ trắng trên những mái nhà cổ tích kia.
NA HỒ

Không có nhận xét nào: