Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Babi guling - ăn để nhớ Bali

TTO -  Buổi sáng cuối cùng ở Ubud. Tôi không đi chợ như mọi lần. Hôm nay tôi cầm theo máy ảnh. Tôi muốn ghi lại những hình ảnh đã trở nên quá quen thuộc với mình trong 1 tháng qua vào khuôn hình...
Du khách nếu ở Ubud lâu thường đến hàng của Iluk để mua babi guling - Ảnh: Giang Nguyên
1. Góc chợ có một quầy hàng nhỏ bán babi guling, món heo sữa quay nổi tiếng của đảo Bali - Indonesia.
Vào quãng 7g sáng, tôi luôn nhìn thấy một người đàn ông ngoại quốc cao lớn, da trắng, tóc bạc ngồi trên băng ghế trước quầy hàng, quan sát các gánh hàng rau cỏ bận rộn xung quanh. Đằng sau những gói gia vị các loại xếp thành chồng là hai mẹ con người bán hàng luôn tay luôn chân gói đồ ăn sáng.
Chú heo sữa quay vàng ruộm thơm nức nghếch mũi trên khay ăn trong khi một người đàn ông chăm chú chặt thịt thành những miếng nhỏ vừa ăn. Tôi thấy nhiều người dừng lại trên lối đi, trả tiền và nhận về một, hai hay nhiều gói đồ ăn hình chóp nón rồi vội vã đi, nhường chỗ cho người khác mua hàng. Hối hả và tấp nập vô cùng.
Babi guling là món lợn sữa được nhồi hỗn hợp gia vị như nghệ, hạt rau mùi, lá chanh, hạt tiêu đen, tỏi… rồi nướng quay trên than củi. Là một món ăn được nhiều người Bali yêu thích, các nhà hàng babi guling có mặt khắp nơi trên đảo dọc theo trục đường quốc lộ, đặc biệt ở gần các điểm du lịch nổi tiếng như khu vực hồ Bratan, Seminyak, các bãi biển như Sanur hay Legian.
Tại thị trấn Ubud, một trong những nhà hàng nổi tiếng nhất chính là Ibu Oka, nơi thực khách có thể thưởng thức nhiều món ăn ngon miệng và đậm chất Bali từ heo sữa quay với chi phí khá phải chăng (khoảng 100.000 đồng/người/phần ăn). Ibu Oka phục vụ nhiều món ăn khá đặc biệt như dồi lợn, thịt quay, bì lợn chiên giòn, thịt rán tẩm bột, súp xương sụn nấu với rau củ quả.
Các món ăn được phục vụ trong đĩa mây và giấy gói thức ăn, hình thức mộc mạc, ăn kèm với cơm trắng và rau trộn truyền thống làm từ đậu đũa, giá hay rau muống, tất nhiên không thể thiếu thứ nước sốt đặc biệt, thơm, ngọt, cay chỉ có thể có ở món babi guling.
Quầy hàng của Iluk trong chợ Ubud - Ảnh: Giang Nguyên
2. Buổi sáng cuối cùng ở Ubud. Tôi thong thả dạo bước qua những chiếc xe bán trái cây: đu đủ, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, mãng cầu, dưa hấu và quả salak. Tôi len lỏi giữa những chiếc xe chở đầy rau và gà. Tôi lướt qua những người bán hoa và đồ cúng, hít căng lồng ngực mùi hương hoa ngọc lan, lẫn đâu đó có cả mùi hoa dẻ.
Người bán hải sản hôm nay không có cá ngừ loại lớn nên mời tôi mua tôm. Người phụ nữ bán mít đang ngồi nạy những trái dừa. Chiếc ghế dài hôm nay rỗng không. Không thấy người đàn ông ngoại quốc vẫn ngồi chơi mỗi sáng.
Tôi dừng lại. Hôm nay là buổi chợ không vội vã cuối cùng ở Ubud. Tôi ngồi vào chỗ người khách ngoại quốc vẫn ngồi, mắt nhìn quanh quan sát chợ. Những gian hàng đã trở nên thân quen với tôi qua nụ cười thân thiện và câu mặc cả quen miệng “Balinese price” (giá cho người Bali). Sau lưng tôi là “bức tường” gia vị.
Mùi babi guling nướng vẫn còn nóng hổi thơm quá, xốn xang cả dạ dày. Tiếng dao chặt vào thớt. Tiếng người mua gọi người bán. Những câu chuyện lao xao bằng tiếng địa phương mà tôi không hiểu. Tất cả tạo thành một bản hợp âm rất chợ in hình vào trong ký ức tôi.
3. Giống như một người Bali thực thụ, tôi hỏi mua một gói thức ăn hình chóp nón. Người Bali thường dùng một loại giấy dai, không ngấm nước để trải lên đĩa đựng thức ăn hoặc gói thức ăn. Khi gói, giấy sẽ được cuộn lại thành hình phễu, cho cơm và thức ăn vào cùng nhau, gói lại thành hình chóp, rồi mang đi ăn khá cơ động, ăn xong bỏ giấy gói đi mà không cần mất công rửa bát.
Iluk, cô chủ quán xinh đẹp gói cho tôi một suất đặc biệt gồm có cơm, thịt heo quay, lòng lợn (dồi), miếng bì chiên giòn khá to, một khúc xương ninh nhừ và một chút hỗn hợp gia vị cay cay ngọt ngọt đã được nhồi vào con lợn sữa khi nướng. Khoảng 30.000 đồng.
Tôi mượn một chiếc thìa và ngồi vắt vẻo trên ghế bắt đầu bữa sáng. Đó là món babi guling ngon nhất mà tôi đã từng được thưởng thức ở Bali, giữa chợ Ubud, trong câu chuyện mà những người bán hàng quanh đó háo hức hỏi tôi bằng vốn tiếng Anh ít ỏi của mình.
Hàng ngày, Iluk phải dậy từ 2g sáng để chuẩn bị món heo sữa quay. Hỗn hợp gia vị đã được chuẩn bị từ tối hôm trước, sau khi tẩm ướp thì chú heo được nướng quay trên than củi khoảng 3 giờ. 6g chợ mở cửa là Iluk sẽ chở chú heo quay đến chợ bằng xe máy, cắt miếng bán kèm cơm trắng để ăn sáng đến chừng 10g là hết. Sau đó thì trông gian hàng bán các loại gia vị đến 5g chiều mới về. Thành ra “luôn buồn ngủ, thèm ngủ” - Iluk chia sẻ.
Lúc đông khách mua quá, cả chồng và con gái Iluk làm việc liên tay, người chặt thịt, người gói cơm, tíu tít rộn ràng, chú heo quay nằm trên khay cứ “teo” dần. Iluk tô son đỏ, mắt sắc lẻm, nhanh nhẹn và chắc hẳn rất đảm đang, tranh thủ hỏi chuyện chợ ở Việt Nam và hóm hỉnh trêu đùa rằng muốn mang món babi guling đến quê hương tôi.
Đôi khi, giữa những phút dừng không phải bán hàng, Iluk chăm chú nhìn tôi và nói đi nói lại, rằng, tôi trông giống người Bali quá, chỉ cần mặc sa rông là thành người Bali luôn!
Khách du lịch khám phá chợ Ubud - Ảnh: Giang Nguyên
4. Tôi đã ăn hết bữa sáng của mình từ bao giờ. Tôi muốn ăn thêm một gói thức ăn hình chóp nón nữa, 20.000 đồng hay 10.000 đồng Iluk cũng bán, chỉ là sẽ ít thịt đi thôi. Iluk bảo tôi thế.
Đã hơn 8g sáng. Người bản địa đi chợ đã bớt đông, những nhóm khách du lịch với hướng dẫn viên bắt đầu nhiều lên. Iluk ra ghế dạy tôi chơi trò nháy mắt, chúng tôi cùng phá ra cười.
Đó thực sự là một buổi sáng tuyệt vời với món babi guling truyền thống 100% theo cách của người Bali. Chỉ tiếc, đến khi rời Ubud, tôi mới biết có một nơi bán babi guling đặc biệt đến thế. Nếu có dịp dừng chân ở Ubud, bạn đừng quên rẽ qua chợ sáng, và một lần thưởng thức món ăn này…
THUY OCG

Không có nhận xét nào: