Vào
dịp năm mới, Australia đang là mùa hè. Nói đúng hơn thì là giữa hè. Vì
vậy, người dân nơi đây đón năm mới theo đúng lẽ tự nhiên: Chào đón tương
lai và nghỉ hè tránh nóng. Tương lai được đánh dấu bằng một ngày bản
lề, ngày 1/1 hàng năm, còn mùa nóng thì kéo dài tới ba tháng...
Người ra đi...
Với nhiều người dân Australia thì đi du lịch vào dịp Giáng sinh và năm mới là kế hoạch lý tưởng nhất. Học sinh, sinh viên tại Australia được nghỉ hè khá dài, vì vậy kế hoạch đi du lịch hay về thăm quê hương, gia đình trong dịp này là tương đối hợp lý. Người lao động Australia thường dành một tháng phép trong năm chủ yếu là cho dịp nghỉ lễ này với việc lên chương trình cho một chuyến đi du lịch hoàn hảo.
Người Australia thích đi du lịch mạo hiểm ở những nơi hoang sơ.
|
Người Australia rất thích kiểu du lịch khám phá. Có lẽ địa hình đồi núi nơi đây đã góp phần tạo nên thói quen đó của họ. Thăm thú các đảo, công viên (tại Australia có rất nhiều công viên rộng và hoang sơ), leo núi, vượt rừng, mục tiêu của họ là rèn luyện sức khỏe, sự nhẫn nại và tinh thần vượt khó cho bản thân và cho con em mình. Không phải ngẫu nhiên mà Sydney hay Melbourne, Perth, Brisbane, Adelaide lại trở thành những thành phố đắt đỏ, đặc biệt là trong đêm “Giao thừa”, với điển hình là giá thuê phòng lên tới 600 AUD/đêm (1 AUD tương đương hơn 18.000 VND). Bởi đó là những địa chỉ lựa chọn của không chỉ du khách quốc tế.
Giá đồng AUD cao đã khuyến khích người dân Australia đi du lịch ra nước ngoài. Có một thực tế là dân Australia “nghiện” đi du lịch quốc tế. Họ có thể chưa kiếm được nhiều tiền để trang trải cho chuyến đi, nhưng họ luôn có ngân hàng hỗ trợ. Đi du lịch bằng thẻ tín dụng là “chuyện thường ngày ở huyện”, món nợ này chưa trả hết đã đến món nợ kia là việc hết sức bình thường. Kết quả một cuộc khảo sát mới đây cho thấy 36% số người được hỏi nói rằng sẽ đi du lịch tiếp dù chưa trả hết nợ tín dụng từ năm ngoái. Có lẽ ở Australia không có nhiều người tự tử vì nợ, chỉ có nhiều con nợ đi du lịch hưởng thụ.
Điểm đến lựa chọn của người dân nơi đây trong dịp này là những nước đang trong mùa lạnh. Các nhà nghiên cứu khẳng định Australia sẽ chẳng bao giờ được đón một Noel có tuyết, vì vậy ngày càng nhiều người dân muốn được thưởng thức một Giáng sinh thực sự lạnh. Hơn nữa, cùng gia đình, người thương đón năm mới trong không khí lạnh chắc chắn sẽ khiến họ cảm nhận rõ nhất sự ấm áp.
...Và người ở lại
Trong dịp Giáng sinh, người dân Australia được nghỉ lễ hai ngày, còn đón năm mới thì trong một ngày. Vậy nên có lẽ người ta chuẩn bị cho dịp Giáng sinh còn chu đáo hơn là dịp năm mới. Một nhân viên tại cửa hàng thủy sản gần nhà cho chúng tôi biết lần đầu tiên trong nhiều năm qua, họ có thể đóng cửa hàng lúc 6 giờ chiều trước đêm Giáng sinh do sức mua của người dân quá lớn, hàng tiêu thụ hết sạch. Các cửa hàng thực phẩm cũng thường chật cứng người mua trong ngày cuối cùng của năm. Một bữa cơm ấm cúng trong gia đình cùng bạn bè tuy không phổ biến trong năm, nhưng lại thường thấy vào dịp cuối năm này ở Australia.
Đường phố ngày Tết vắng hẳn so với ngày thường.
|
Mỗi khi ra đường vào trước đêm Giáng sinh và năm mới, tôi lại nhớ nhà da diết. Không khí ngoài đường giống y như ở Việt Nam những ngày Tết cổ truyền: Vắng, tĩnh lặng và sạch sẽ. Tôi thường đùa “do nhiều người về quê”. Ấy thế mà đến đêm Noel và đêm “Giao thừa”, và cả ngày Boxing Day (ngày đại hạ giá tại các cửa hàng) nữa, đầy những người là người. Màn bắn pháo hoa đón mừng năm mới tại Australia luôn được chia làm hai đợt trong đêm Giao thừa, ấy vậy mà đợt nào cũng đông. Để có được chỗ ngắm pháo hoa đẹp, nhiều người phải vật vờ cả ngày quanh điểm bắn để giữ chỗ. Thế nhưng những điểm công cộng đó chưa phải là chuẩn cho những người làm công tác nghệ thuật hay nghiệp vụ, cần những bức hình đẹp. Mọi chỗ chuẩn đều mất phí và mức phí luôn dao động từ vài trăm đến vài nghìn AUD.
Trong dịp nghỉ lễ này, rượu, đặc biệt là rượu vang, không thể thiếu đối với các gia đình. Phải thừa nhận người Australia uống nhiều rượu vang. Đến đâu cũng thấy dùng rượu vang; bữa tiệc, buổi gặp gỡ nào cũng thường có rượu vang. Tôi có dịp tiếp xúc với nhiều bậc trung, lão niên ở Australia và nhận thấy họ uống rượu vang như uống... nước.
Xu
hướng này lan sang cả người trẻ, để tới giờ cứ một trong 8 người chết
trẻ ở Australia là do liên quan tới rượu. Đáng báo động khi 2/3 số đối
tượng tuổi đời từ 18 - 29 muốn thử cảm giác mạnh khi say rượu và cũng
gần ngần ấy phần trăm phải nhập viện do tai nạn liên quan tới rượu. Thói
quen uống rượu của người Australia đang khiến nước này mất gần 14 tỷ
AUD mỗi năm cho các dịch vụ khắc phục hậu quả của ma men.
Giới chức Australia đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng “túy lúy”, trong đó có thắt chặt các quy định liên quan tới đồ uống có cồn, đặc biệt là ở đối tượng trẻ, và tăng mức phạt nếu vi phạm. Nếu chỉ nhấm nháp đủ một chút hơi men, người Australia sẽ có một kỳ nghỉ hoàn hảo, dù chỉ ở nhà nghỉ ngơi và hưởng thụ cuộc sống theo cách riêng của mình.
Bài và ảnh:Đỗ Vân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét