Henna từng được sử dụng trong thời cổ đại như một chất liệu để nhuộm màu cho vải, da và lụa. Cùng với sự phát triển của con người, henna còn phát huy những công dụng như vẽ hình xăm tạm thời trên da.
Henna đã không còn xa lạ với du khách từ khắp nơi khi đến các quốc gia Trung Đông như Dubai, Abu Dhabi và Nam Á như Ấn Độ, Pakistan hay xa hơn một chút tới châu Âu là Thổ Nhĩ Kỳ. Cứ sau mỗi chuyến đi đến những miền đất của henna các bạn nữ và cả nam lại tranh thủ khoe bộ hoa, dây leo, họa tiết màu vàng nâu trên cánh tay, cổ, chân.
Henna đang được truyền bá ngày một rộng rãi ra khắp thế giới. Ảnh: Khadija Dawn Carryl/ Flickr.
|
Trên những bức tranh tường cổ đại được khám phá trong quá trình khai quật khu di chỉ Akrotiri thuộc đảo Santorini, Hy Lạp (từng bị phá huỷ bởi núi lửa năm 1627 Tr. Công nguyên) đã cho thấy hình ảnh người phụ nữ trang điểm với hình vẽ henna trên móng tay, lòng bàn tay và chân. Truyền thống ấy vẫn được duy trì và phát triển, thậm chí du khách từ khắp nơi trên thế giới khi đến Ấn Độ và các nước Trung Đông còn góp phần truyền bá rộng rãi cho môn nghệ thuật này.
Không ai biết chắc rằng henna được sử dụng trang trí cơ thể từ khi nào. Người ta cho rằng phong tục này xuất hiện ở nhiều nơi và trong cùng một thời điểm rồi lan rộng ra từ những ngôi chợ ở thành Rome đến những con thuyền ngược xuôi trên sông Nile, từ “Sừng châu Phi” (Somali ngày nay) đến bán đảo Ả Rập rồi san tận vùng Trung Đông, Nam Á.
Henna từng được sử dụng để trang trí và trang điểm cho cơ thể trong những dịp quan trọng như lễ và cúng tế tôn giáo. Ngoài ra, vào đêm hôn lễ, cô dâu chú rể được trang điểm bằng những nét vẽ henna vẫn là truyền thống tại nhiều nơi.
Henna đã không còn là lối trang điểm trong những dịp đặc biệt mà hiện bạn có thể vẽ bất cứ khi nào mình thích. Ảnh: Nina May/ Flickr.
|
Bạn thắc mắc ai là người sáng tạo ra nghệ thuật này? Đã có nhiều công trình nghiên cứu nhưng tài liệu ghi chú về henna không có nhiều. Henna là một loại cây có tên khoa học Lawsone Inermis. Còn được biết đến với nhiều cách gọi như Hina, cây Mộc Tê hay cây Thủy Lạp Ai Cập, những chiếc lá henna có chứa chất lawsone cho ra chất nhuộm màu đỏ cam, đen hay xám. Lá cây được phơi khô, nghiền thành bột, sau đó trộn với nước trà đặc hay nước cốt chanh cho đến khi được chất giống như kem đánh răng. Thế là bạn đã có thể sẵn sàng sáng tạo theo cách riêng của mình.
Qua thời gian, không ai khẳng định được công thức và quy trình phát triển của henna là do một hay nhiều người sáng tạo nên và liệu có phải được truyền qua thế hệ theo đúng nguyên bản. Điều mọi người quan tâm nhất là khả năng sáng tạo bất tận mà các nghệ sĩ gửi gắm vào những nét vẽ. Sau khi lớp henna được vẽ lên da, khoảng nửa tiếng đồng hồ sẽ khô đi, người ta chỉ cần phủi đi và tác phẩm cuối cùng sẽ xuất hiện. Kết quả thường khiến mọi người ngạc nhiên bởi ngoài đường cong mĩ miều, mang đậm hơi thở nghệ thuật henna còn chở cả một nền văn hóa trải trên diện tích rộng từ Tây sang Đông.
Hiện tại có khá nhiều công cụ để vẽ henna trong đó phải kể đến khuôn hình nón giống dụng cụ viết chữ trên bánh sinh nhật. Để màu có thể thẩm thấu và in đậm trên da, người được vẽ phải kiên nhẫn chờ đợi hàng giờ và phải hết sức cẩn thận để tránh làm nhoè khi henna còn ướt.
Ban đầu hình vẽ sẽ có màu cam sau đó chuyển sang đen dần vài ngày tiếp theo. Lòng bàn tay và chân là nơi lớp da dày nhất, nhờ thế chất lawsone có thể thấm sâu giúp giữ màu lâu nhất. Sau một thời gian, henna sẽ từ từ nhạt dần và phai hẳn.
Vài dấu vết tại các khu di chỉ và tài liệu nghiên cứu cho thấy henna được sử dụng như một cách trang điểm cho người phụ nữ trước khi gặp chồng từ ba ngàn năm trước. Cũng vì thế mà người ta có cụm từ “The night of the henna” (tạm dịch là đêm trang điểm henna) để chỉ thời điểm quan trọng của một cô gái trẻ trước khi lập gia đình. Người theo đạo Do Thái, Hồi Giáo, Sikh, Hindu, Thiên Chúa, Zoroastrian (đạo thờ lửa), tất cả đều có thể trang điểm cho ngày lễ trọng đại của đời người không chỉ cô dâu mà chú rể cũng có thể vẽ henna. Đây vẫn là phong tục được nhiều người giữ gìn ở những nơi mà truyền thống vẽ henna đã xuất hiện một cách tự nhiên.
Ngày nay henna không nhất thiết phải xuất hiện trong các trường hợp quan trọng hay theo những lối truyền thống. Henna đã và đang được sử dụng trong các dịp lễ tôn giáo như Edi, Diwali và Passover.
Việc sử dụng henna trong trang trí còn áp dụng với các loài thú nuôi như ngựa và lừa. Người ta vẽ henna tại phần bụng của chúng.
Người vẽ henna cũng như một nghệ sỹ, có thể thoải mái sáng tác, bay bổng theo ý tưởng của mình. Ảnh: Nyantha/ Flickr.
|
Xu hướng sử dụng henna được gọi là bridal mehndi (phổ biến tại Pakistan và Ấn Độ) đang được lan rộng và trở thành cách làm đẹp đặc trưng của phụ nữ Trung Đông, Nam Á. Được sự đón nhận của nhiều người, henna đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ và hưng thịnh nhất. Lối vẽ xăm mình tinh tế nay đã là của tất cả những ai yêu làm đẹp theo cách vừa nghệ thuật mà cũng rất cá tính.
Cây henna và lá được sử dụng để tạo màu. Ảnh: wiki.
|
Sau khi vẽ henna bạn phải rất kiên nhẫn chờ mực khô. Ảnh: Mehlam78/ Flickr.
|
Bạn có thể tự do để các nghệ sỹ vẽ henna sáng tạo ngay cả trên bụng bầu. Ảnh: ChristyScherrer.
|
Những dụng cụ đơn giản dùng để vẽ henna hiện nay. Ảnh: Khadija Dawn Carry/ Flickr.
|
Sau khi henna đã khô, lớp màu nâu vàng như hòa vào nền da rất quyến rũ. Ảnh: Kenzillocious/ Flickr.
|
Cô dâu chuẩn bị về nhà chồng sẽ được trang điểm bằng henna. Ảnh: Marien Speers/ Flickr.
|
Ngày trọng đại của các phụ nữ Trung Đông và Nam Á luôn gắn với henna. Ảnh: Aamer Javed/ Flickr.
|
Không chỉ có sắc nâu, Henna còn được pha trộn để tạo ra những màu khác nổi bật hơn. Ảnh:Nyhenna/ Flickr.
|
Hoài Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét