Rất nhiều du khách lầm tưởng Vạn Lý Trường Thành tại Trung Quốc là công trình độc nhất trên thế giới, tuy nhiên Ấn Độ cũng sở hữu một "Vạn Lý Trường Thành" vô cùng độc đáo.
Nằm cách mực nước biển khoảng 1.098 mét, "Vạn Lý Trường Thành" của Ấn Độ và là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận. Công trình này nằm ở miền tây Rajasthan của Ấn Độ. Được cho là bức tường lớn thứ hai trên thế giới, công trình này bao gồm pháo đài hùng vĩ và những công trình lịch sử nổi tiếng như: cung điện, khu bảo tồn động vật hoang dã, các ngôi đền cổ từ ngàn đời.
Một trong những công trình nổi bật của “Vạn Lý Trường Thành” phiên bản Ấn Độ chính là pháo đài Kumbhalgarh nằm uy nghi trên 13 đỉnh đồi của dãy núi Aravalli. Pháo đài này bao gồm 7 cổng lớn, giếng nước, gần 360 Jain và đền thờ cổ Hindu từ các giai đoạn lịch sử khác nhau. Kèm theo đó là khoảng 700 hầm pháo, tháp đồng hồ khổng lồ và cả những bức tường thành rộng đến 15 mét bao bọc kiên cố.
Để có thể đi bộ khám phá pháo đài này thực sự là một thách thức không nhỏ đối với du khách. Tuy nhiên, khi đã vượt qua một chặng đường khá dài, du khách sẽ được “trả công” xứng đáng.
Được xây dựng vào thế kỷ 15 và mở rộng vào thế kỷ 18, pháo đài Kumbhalgarh do Rana Kumbha, người cai trị vương quốc Mewar của miền tây Ấn Độ. Tuy nhiên, đây chỉ là 1 trong 32 pháo đài đã được Rana Kumbha xây dựng trong thời kỳ ông cai trị.
Pháo đài này được xây dựng để bảo vệ vương quốc khỏi kẻ thù và truyền thuyết kể rằng, pháo đài này không bao giờ bị khuất phục bởi kẻ thù. Ngoài ra, đây còn là nơi sinh của Maharana Pratap, một vị vua huyền thoại của Mewar.
Kiến trúc nơi này cho chúng ta hiểu về một nền văn minh phát triển mạnh mẽ hàng thế kỷ trước.
Đặc biệt trong pháo đài Kumbhalgarh có một bể sâu 32 mét, được gọi là Lakhola Tank.
Theo Nam Phương/Petrotimes
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét