TTO - Ở nơi xa nhất tây bắc Campuchia, có một nơi trong suốt thời gian dài, thế giới dường như không thể biết sự tồn tại. Vùng đấtdung thân cuối cùng của tàn quân Pol Pot, người ta gọi đó là tử địa cuối cùng - Anlong Veng.
Chúng tôi trở lại Anlong Veng, vùng đất khét tiếng năm xưa giờ là một nơi hoang vu ngay cả nhiều người Campuchia cũng chưa từng đến.
Có chút dè dặt, Som Vi (65 tuổi) - người đàn ông đi chân gỗ với nụ cười ngượng nghịu - chỉ chịu chia sẻ khi biết tôi không phải là người của tòa án đến tìm chứng cứ buộc tội các cựu lãnh đạo Khmer Đỏ tại phiên tòa xét xử nạn diệt chủng ở Phnom Penh.
Som Vi nói ông có mặt ở Anlong Veng cùng đám tàn quân vào năm 1990. Quê ở Kampong Speu, nhưng ông đã theo quân của "đồ tể" Tà Mok - một lãnh đạo quân sự của Pol Pot, tham gia nhiều trận đánh.
Tà Mok là người gốc Hoa ở Tà Keo (tỉnh giáp An Giang), khi Pol Pot xây dựng cứ địa ở Anlong Veng, hắn đã nắm mọi binh quyền. Thậm chí, có thời điểm, uy quyền của tên đồ tể này còn lấn át cả Pol Pot.
Trong một lần đi liên lạc ở khu vực dãy núi Dangrek, Som Vi đã đạp phải mìn do chính quân Khmer Đỏ giăng ra. Tai nạn đã lấy đi của tay súng này chân phải.
Sau thời gian trị thương, Som Vi bị loại ra khỏi toán quân kề cận Tà Mok để biên chế vào toán quân vác đá làm đường ra biên giới, xuống Siem Reap, sang Kampong Thom…
Som Vi nói rằng tính ra ông vẫn còn may mắn hơn nhiều bạn bè của mình. Họ cũng bị bắt đi lính Khmer Đỏ, cũng được tin cẩn trong thời gian đầu. Nhưng dần ông không thấy họ đâu nữa.
Có người ông biết bị dính phải mìn, người bị sốt rét mà chết, nhưng cũng có người bặt vô âm tính bất thường. Theo ông, rất có thể họ đã làm gì đó phật lòng cấp trên, rồi trở thành nắm xương tàn trong những ngôi mộ tập thể giữa vùng rừng núi lạnh lẽo của Dangrek.
Ông Leng Phaly, một người dân cố cựu am hiểu về Khmer Đỏ ở Anlong Veng, nói rằng trong thời gian đầu đến đây, Pol Pot đã thi hành chính sách mị dân để lôi kéo nhiều người gia nhập. Tuy nhiên, khi lực lượng binh sĩ đã phình ra, quân Khmer Đỏ lại gặp khủng hoảng lương thực trầm trọng.
Thiếu đói do bị mất viện trợ của các nước từng ủng hộ, nhiều toán lính Khmer Đỏ đã kéo vào rừng buôn gỗ, đá quý, hàng hóa, thậm chí cướp bóc… Không chỉ Anlong Veng, mà cả những vùng do chính quyền Phnom Penh kiểm soát, tận trong rừng sâu, lính Khmer Đỏ vẫn là một thế lực vũ trang đầy hắc ám.
Leng Phaly kể giữa những năm 1990, người dân Anlong Veng bắt đầu thấy được bộ mặt thật của Khmer Đỏ. Tài sản, lương thực của họ cũng bị chúng lấy đi hết. Dân tình đói khổ. Lòng tin của người dân với đám quân này dần mất đi.
Không chỉ người dân bất bình, mà cả nội bộ Khmer Đỏ cũng bất mãn. Tinh thần bệ rạc, hàng loạt binh lính đã bỏ trốn. Số thì trốn vào rừng theo các băng nhóm tội phạm, số thì ôm súng quy hàng quân chính phủ, số còn lại cũng không còn tinh thần chiến đấu.
Tình thế buộc chính quyền Khmer Đỏ lại tiến hành các cuộc "thanh trừng".
"Tôi may mắn là bị đạp mìn, chỉ mất đi một chân, không thì chắc cũng bị giết", Som Vi ngậm ngùi khi nghe hỏi đến những ngôi mộ tập thể trong rừng sâu.
"Tôi còn vợ con, lại là thương binh, đi làm đường nên không phải trốn. Sau này nhiều lính không bỏ vào rừng nữa mà nghe đi đánh trận là họ xung phong đi. Không phải xung phong để đi bắn giết, mà họ đi gặp quân chính phủ để… đầu hàng. Hồi trước, lúc quân Việt Nam còn, lính Khmer Đỏ quyết đánh sống đánh chết là vì lãnh đạo họ dọa 'nếu đầu hàng thì cũng bị chặt đầu'", ông Som Vi nhớ lại.
Trên đường ra biên giới Chaom giáp Thái Lan, Som Vi chỉ tôi tấm bảng màu nâu được dựng ven đường với dòng chữ "Địa điểm hỏa táng ông Son Sen và gia đình của ông ấy". Nhân vật khét tiếng có gương mặt nho nhã này là lãnh đạo cao cấp nhất của Khmer Đỏ bị chính quân của Pol Pot hành huyết. Son Sen từng là Bộ trưởng Quốc phòng trong bộ máy chính quyền Khmer Đỏ.
Chúng tôi cùng các cựu binh Khmer Đỏ thông thuộc đường bước lên khu rừng nằm giáp biên giới Campuchia - Thái Lan để tìm lại những dấu tích cuối cùng của Pol Pot. Lên ngọn đồi cao trên dãy núi Dangrek, tại biên giới Chaom giao giữa Campuchia - Thái Lan, là một thế giới đầy nhộn nhịp với các khu chợ tự phát và sòng bạc.
Ở bên phải, đối diện nơi mua bán nhộn nhịp, gần khu nhà trọ của các nhân viên casino, nếu chịu khó chú ý sẽ thấy bên con hẻm đất đỏ có một cái bảng hoen rỉ, với dòng chữ: "Nơi hỏa táng Pol Pot".
Nếu không có bảng chỉ dẫn và những cựu binh này, kỳ thật người lạ khó lòng biết được đó là khu mộ của kẻ đứng đầu đội quân từng gây ra cái chết của hàng triệu sinh linh chỉ trong thời gian 4 năm cầm quyền.
Một mô đất nhỏ che bởi tấm tôn thiếc đã rỉ sét, cái lư hương kê hờ bên vài cái dĩa cũ mèm, phía trong mái che, có tấm bảng nhỏ viết bằng tiếng Khmer chỉ đó là nơi chôn Pol Pot.
Dân địa phương kể rằng ngày trước, khi còn trốn trên đây, rất ít người tiếp xúc được với Pol Pot. Đến khi nghe tin ông ta chết, chỉ có "những người làm nhiệm vụ" mới tiếp cận được. Tang lễ cũng chỉ được thực hiện chóng vánh, chủ yếu là làm các thủ tục chứng thực đó là xác chết của trùm diệt chủng.
Vợ con của Pol Pot cũng chỉ được cho đến thấy mặt Pol Pot lần cuối trong thời gian ngắn. Sau đó, xác ông ta được đem đi đốt bằng vỏ bánh xe, mùng mền, cây gỗ tạp… Mộ phần cũng được lập ngay nơi hỏa táng.
"Mộ ông ấy phải lập ở đây, nơi hẻo lánh này. Vì ông ấy ít ân oán với dân ở đây, người ta không ghét ông ấy. Chứ đem tro cốt xuống vùng dưới là không yên đâu", một người ở gần đó lý giải với chúng tôi vì sao mộ của Pol Pot được lập ở Chaom này.
Khu mộ lạnh lẽo của lãnh đạo quân diệt chủng Pol Pot - Ảnh TIẾN TRÌNH
Các cựu binh đồng ý đưa chúng tôi theo con đường hẻo lánh dẫn vào rừng sâu, luồn sát nách biên giới Thái Lan để vào được tới khu vực cuối cùng mà Pol Pot từng ẩn náu. Địa hình rừng núi ngoằn ngoèo khiến không ít lần chúng tôi lạc lối. Theo đoạn đường dài tưởng chừng không có lối ra, cuối cùng chúng tôi cũng đến được nơi tận cùng của rừng và núi.
Sát bên vực sâu, nơi một bước có thể đặt chân lên đất Thái Lan. Các cựu binh thở phào chỉ cho tôi nơi ẩn náu của Pol Pot. Đó là những bức tường rong rêu phủ kín, trên phần đất vắt qua bởi một con suối, bao quanh bởi các tàng cổ thụ cô tịch. Khu nhà rộng không quá 100 mét vuông, trong đó không còn vật dụng gì. Góc trái nhà là miệng hầm từ đây trổ ra nhiều nơi.
"Ngày trước chúng tôi không được đến gần đây", các cựu binh vừa kể, vừa quẩn quanh tìm kiếm các miệng hầm còn lại thông vào khu nhà.
Thỉnh thoảng, lại có người reo lên phát hiện đường hầm mới. Một người còn đoán rằng sẽ có đường hầm ăn thông ra hướng Thái Lan "để có bị phát hiện thì ông ấy chạy sang Thái Lan trốn".
Giữa núi rừng lạnh lẽo, trong khu nhà ẩn chứa nhiều nỗi bất an, những người có mặt đều thấy rằng đây là nơi để ẩn trốn, chứ không phải nơi để ở.
Những năm đầu thập niên 1990, khi quân Pol Pot bị bộ đội tình nguyện Việt Nam và quân đội chính phủ Campuchia truy quét khắp nơi, bộ sậu đầu não của Khmer Đỏ đã rút về vùng rừng núi hiểm trở dọc biên giới Thái Lan, cùng với số binh lính mới được tuyển mộ kiểu cưỡng ép, có lúc quân số lên đến 50 ngàn.
Khi bộ đội Việt Nam hoàn thành việc rút quân về nước, giao quyền kiểm soát lại cho quân đội Chính phủ Campuchia vốn còn non yếu, quân Khmer Đỏ đã tiến hành các cuộc đột kích, gây nên hoảng loạn ở khắp nơi trên đất nước Campuchia. Thậm chí, quân Khmer Đỏ còn đẩy lùi được quân chính phủ ở hai tỉnh biên giới Tây bắc là Palin và Anlong Veng.
Tại Anlong Veng, Khmer Đỏ dựng biệt khu, với hầu như toàn bộ bộ máy lãnh đạo có mặt ở đây. Vùng bình nguyên tựa lưng vào dãy núi Dangrek được chính Pol Pot khoe khoang là người lạ đột nhập vào đây thì đến "99% là nhận lấy cái chết", bởi thiên la địa võng các trận địa mìn chống xâm nhập, và cũng để giam cầm người dân vào trong "tử địa" của chúng.
Từ đó, Anlong Veng gần như mất tích trên bản đồ và trong xã hội Campuchia. Nhiều năm sau, khi người lính cuối cùng của quân diệt chủng bỏ súng đầu hàng quân chính phủ (năm 1999), người ta lại phát hiện thêm những ngôi mộ tập thể với hàng ngàn người bỏ mạng trong các cuộc thanh trừng.
Cũng từ đây, bức màn bí mật về ngày tàn của một chế độ được ví là tàn độc bậc nhất lịch sử hiện đại của nhân loại dần được vén lên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét