Nauru (tên chính thức Cộng hòa Nauru) là đảo quốc nhỏ nhất thế giới với diện tích 21 km vuông, thuộc châu Đại Dương. Đây là quốc gia nhỏ thứ ba thế giới sau Vatican và Monaco. Hòn đảo phân chia thành 14 quận và có khoảng 11.300 người sinh sống tính đến năm 2018.
Theo Pacifical, người Micronesia và Polynesia đã định cư ở Nauru từ ít nhất 3.000 năm trước. Nguồn gốc tên gọi của đất nước có thể là từ Anáoero trong tiếng Nauru, có nghĩa “Tôi đi đến bãi biển”.
Ảnh: Time
|
Năm 1798, thuyền trưởng Anh John Fearn, thợ săn cá voi, trở thành người phương Tây đầu tiên ghé thăm Nauru, gọi nơi đây là đảo Pleasant. Khoảng năm 1830 trở đi, người Nauru liên lạc với người châu Âu thông qua các tàu đánh bắt cá voi và các thương nhân đã cung cấp nhiều mặt hàng thiết yếu cho hòn đảo, gồm nước ngọt. Cũng trong thời gian này, những kẻ đào tẩu từ các tàu châu Âu bắt đầu lên sinh sống trên đảo. Dân đảo đổi thức ăn để lấy rượu cọ và súng cầm tay, sử dụng trong cuộc nội chiến giữa các bộ tộc Nauru kéo dài 10 năm từ 1878.
Nauru bị thôn tính và trở thành thuộc địa của Đức vào cuối thế kỷ 19. Sau Thế chiến thứ nhất, nó thuộc quyền quản trị ủy thác của Australia, đồng quản trị là New Zealand và Vương quốc Anh. Trong thế chiến thứ hai, Nauru lại bị quân đội Nhật chiếm đóng. Kết thúc chiến tranh, hòn đảo được Liên Hợp Quốc thiết lập chế độ ủy thác lần nữa dưới sự quản trị của Australia, New Zealand và Anh quốc.
Nauru giành quyền tự trị năm 1966 và trở thành quốc gia độc lập năm 1968.
Dường kẻ ngang trên quốc kỳ Nauru tượng trưng cho đường xích đạo
Nauru là một hòn đảo được bao quanh bởi rặng san hô, nằm ở Micronesia (tiểu vùng của châu Đại Dương), phía đông nam Thái Bình Dương, cách 25 dặm (40 km) về phía nam của đường xích đạo. Vị trí địa lý thể hiện rõ trên quốc kỳ được chính thức thông qua vào ngày giành quyền độc lập, 31/1/1968.
Ảnh: The Flag Shop
|
Theo World Atlas, nền xanh đại diện cho Thái Bình Dương bao quanh hòn đảo và bầu trời trong xanh. Đường kẻ ngang màu vàng đậm ở chính giữa, chia đôi lá cờ là biểu tượng của đường xích đạo, cho thấy Nauru (hình ngôi sao màu trắng) nằm ngay dưới đường xích đạo. Ngôi sao có 12 cánh, đại diện cho 12 bộ lạc sinh sống trên hòn đảo.
Nauru không có thủ đô chính thức
Mỗi quốc gia thường có một thành phố thủ đô, tuy nhiên cũng có ngoại lệ. Một số quốc gia như Bolivia có hai thủ đô. Nam Phi là quốc gia duy nhất có ba thủ đô, gồm: Pretoria - thủ đô hành chính, Cape Town - thủ đô lập pháp, Bloemfontein - thủ đô tư pháp.
Trong khi đó, Nauru không có thủ đô chính thức. Một số nguồn thông tin cho rằng Yaren là thủ đô của đảo quốc này, nhưng trên thực tế Yaren chỉ là một quận tập trung các cơ quan chính phủ, có diện tích 1,5 km2. Sân bay quốc tế Nauru cũng nằm ở Yaren.
Nauru nhỏ đến nỗi đường băng của sân bay trải dài nối hai mép đảo. Ảnh: Wikipedia
|
Nauru cũng là một trong 16 quốc gia không có lực lượng vũ trang, chỉ có cảnh sát nhỏ. Australia chịu trách nhiệm giữ an toàn cho hòn đảo.
Nauru từng là quốc gia giàu nhất thế giới
Telegraph thông tin, GDP của Nauru hiện thấp thứ hai thế giới, chỉ 102 triệu USD (thấp nhất là Tuvalu với 34 triệu USD). Số tiền này thậm chí còn không thể giúp câu lạc bộ bóng đá Manchester City mua hai hậu vệ mới.
Vì vậy, nhiều người có thể bất ngờ khi biết Nauru từng là quốc gia giàu nhất thế giới ở thời điểm mới giành độc lập. Theo Unbelievable Facts, phần lớn thu nhập của chính phủ khi đó đến từ việc bán phosphate cho các quốc gia khác. Hòn đảo này chứa trữ lượng lớn đá phosphate chất lượng cao, hình thành từ phân chim biển tích tụ qua hàng nghìn năm. Năm 1975, Nauru kiếm được 2,5 tỷ USD, giúp cư dân có thu nhập bình quân cao nhất thế giới.
Khai thác mỏ phosphate ở Nauru. Ảnh: Alluring World
|
Mức thu nhập khổng lồ cho phép chính phủ không thu thuế và cung cấp các dịch vụ thiết yếu miễn phí, gồm chăm sóc sức khỏe, chăm sóc răng miệng, vận chuyển xe buýt và giáo dục. Nếu một người Nauru cần chữa trị mà dịch vụ y tế trên đảo không đáp ứng, chính phủ sẽ trả tiền để đưa anh ta đến Australia. Ngoài ra, những ai đủ tiêu chuẩn theo quy định có thể đến Australia học đại học miễn phí, nhà ở do chính phủ sắp xếp có mức giá dưới 5 USD một tháng.
Tuy nhiên, việc khai thác quá mức dẫn đến nguồn tài nguyên phosphate cạn kiệt, tài chính đất nước bắt đầu lao dốc.
Năm 2016, tác giả Jonathan Liew từng viết trên Telegraph: “Đến cuối thế kỷ, Nauru đã gần như phá sản. Toàn bộ trung tâm hòn đảo đã bị tàn phá bởi việc khai thác dải (hình thức khai thác bằng máy đào theo tuyến). Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 90%. Nạn tham nhũng và rửa tiền trở nên thối nát. Biến đổi khí hậu đang phá hoại ngành công nghiệp đánh cá
Phần lớn người dân Nauru bị béo phì
Chỉ số khối cơ thể (BMI) liên quan đến chiều cao và cân nặng của một người, dùng để đánh giá mức độ thiếu hay thừa cân. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người lớn có BMI 18,5-25 là bình thường, dưới 18,5 là thiếu cân, 25-30 là thừa cân và trên 30 là béo phì.
Dữ liệu của WHO năm 2014 cho thấy chỉ số BMI trung bình của Nauru là 32,5. Theo nghiên cứu của Forbes năm 2007, 94,5% dân số đất nước bị thừa cân, 71,7% béo phì. Trọng lượng cơ thể trung bình của người dân là 100 kg.
Nauru được xem là "quốc gia béo nhất thế giới". Ảnh: The Independent
|
World Atlas thông tin, trước khi giành độc lập, người Nauru sống phụ thuộc vào rau củ, cá, dừa và hoa quả. Sau thời điểm độc lập năm 1968, nhờ số tiền thu được từ quặng phosphate, thu nhập bình quân đầu người tăng vọt, họ bắt đầu sa đà vào lối sống ít vận động và không có động lực làm việc.
90% diện tích đất của Nauru hiện không thể dùng để trồng trọt, khiến quốc gia này phải nhập khẩu thực phẩm đã qua chế biến. Sự gia tăng thực phẩm nhập khẩu từ phương Tây, chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, nhiều chất béo và đường khiến tình trạng sức khỏe chuyển biến theo chiều hướng xấu.
Thừa cân ở Nauru được xem như dấu hiệu của sự giàu có. Do số lượng người béo phì rất lớn, tình trạng tiểu đường cũng đang ở mức báo động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét