Những ngọn núi phía sau vùng ngoại ô rực rỡ Envigado của Colombia, nơi có thể phóng tầm mắt xuống thành phố Medellín - một đô thị nép mình trong thung lũng tròn như chiếc bát, một nơi nhấp nhô những tháp nhà màu đỏ và trắng. Vài năm trước, các thầy tu từ dòng Benedictine đã mua lấy một lãnh địa gọi là “La Catedral” (Chánh tòa) và biến nó thành một chủng viện cũng là nhà ở của các cư dân đứng tuổi.
Hiện nay La Catedral trông như chốn nghỉ mát nằm lơ lửng trong mây mù. Người hướng dẫn địa phương David Rendon chỉ tay về bức tranh tường có hình lãnh chúa ma túy Pablo Escobar.
“Di sản” của “bố già” Escobar
Nếu có một tội lỗi mà Medellín cảm thấy cần phải chuộc tội, thì đó chính là cái tên Escobar. Thời kỳ Escobar, La Catedral là “hoàng cung” yêu thích của “bố già”. Năm 1991, Escobar từng ngồi tù 5 năm ở đây. Địa điểm này còn khét tiếng với tên gọi “Khách sạn Escobar”.
“Sự tiến hóa” của La Catedral đã phản ảnh mối quan hệ khó hiểu giữa quá khứ của Colombia và những hoài nghi về tương lai của đất nước này. Hãng tin El Tiempo (Nhật báo Colombia) dẫn lời cha xứ Gilberto Jaramillo Mejia tuyên bố: “Sự hiện diện của chúng tôi ở đây là nhằm nhấn mạnh đến việc “thay máu” cho Envigado, xin lỗi quá khứ không chỉ cho thành phố này mà còn cho cả đất nước Colombia”.
Bảo tàng nhà hoài niệm - nơi triển lãm các nạn nhân bị bạo lực dưới thời Escobar. Ảnh: Sergio Gomez. |
Mặc dầu vậy nhiều người vẫn cảm thấy thoải mái trong cái bóng của “hoàng đế ma túy”; nhất là những người được hưởng lợi từ di sản của “bố già”: người ngoại quốc thường chụp ảnh “selfie” tại ngôi mộ của Escobar.
Những thanh niên sinh sau cái chết của Escobar (năm 1993) vẫn thường hay tới gặp Jhon Jairo Velásquez Vásquez (vệ sĩ của “bố già”) để xin chữ ký. Và hoạt động buôn bán cocaine vẫn còn tồn tại, dù đã bị phân mảnh và rút lui vào thế giới ngầm. Sản xuất cocaine tăng đều đặn kể từ năm 2012, tình hình này khiến cho cử tri dồn lá phiếu để bầu nên Tổng thống Iván Duque, người nhấn mạnh đến luật pháp và trật tự.
Không thể biết chính xác tương lai của Medellín sẽ như thế nào, song có vẻ như 2 thành phố chồng lên nhau. Có một tuyến đường mà bất kỳ ai đi ngang qua đều “sởn tóc gáy”: tòa dinh thự Monaco, nơi khi trước Escobar và gia đình đã cư ngụ, tầng áp mái là nơi “bố già” bị bắn hạ sau khi “đào tẩu” khỏi La Catedral; cùng những tuyến phố của bản thân Envigado, nơi “hoàng đế ma túy” tương lai đã lớn lên.
Có một căn phòng dùng làm bảo tàng bên trong dinh thự Monaco, nơi có những chiếc áo sơ mi có hình ảnh của Pablo với nụ cười quyến rũ chết người, được bán với giá 10 USD.
Chốn này được hiểu theo một thuật ngữ là “du lịch hắc ám”. Theo bà Anne-Marie Van Broeck, một học giả về “du lịch hắc ám” tại Đại học công giáo Leuven (Bỉ) thì “luôn có một nỗi quan tâm ám ảnh tới các cá nhân sống ngoài vòng pháp luật”. Escobar, Ma Barker và Al Capone là 3 tội phạm có quá khứ “bất hảo” nổi tiếng cả thế giới.
Ba Lan cũng đang đứng trong mâu thuẫn bởi việc duy trì các đài tưởng niệm các nạn nhân Do Thái thời kỳ Đức Quốc Xã. Một số trại tập trung như Auschwitz đã được bảo quản tốt, nhưng Chelmno lại bị quên lãng. Còn ở Campuchia, sự phát triển của “Cánh đồng chết” Choeung Ek đã gây khó chịu cho nhiều người.
Một số bài báo nói rằng các hướng dẫn viên thỉnh thoảng đào hài cốt các nạn nhân bị giết bởi Khmer Đỏ để bán cho du khách. Trong khi đó, số nạn nhân chết bởi “đế quốc ma túy” của Escobar có thể lên tới hàng ngàn. Chỉ riêng năm 1990, đã có 4.367 cư dân Medellín bỏ mạng trong các vụ thanh toán “xã hội đen”.
Chuyên gia du lịch Anne-Marie Van Broeck nói rằng quá khứ kiêu hùng và giảo quyệt của Escobar đã dẫn lối cho nhiều du khách đặt chân tới thành phố này. Bà nói: “Colombia là một điểm dừng chân kỳ thú. Nhìn về quá khứ, người ta sẽ thấy nó đẹp đến thế nào”.
Khách đến Medellín có thể dừng chân ở Bảo tàng nhà hoài niệm (Museo Casa de la Memoria). Khai trương từ năm 2013, bảo tàng muốn giải thích nạn nhân của các vụ bạo lực hơn là thủ phạm của các vụ án.
Chuyển mình thành trung tâm văn hóa
Dù vậy, hướng dẫn viên du lịch David Rendon vẫn nhen nhóm niềm lạc quan. Bằng chứng điển hình là cộng đồng dân cư Comuna 13, nơi từng là địa điểm tuyển mộ “sát thủ” của Escobar. 30 năm trước, “đạn bay vèo vèo trong khu dân cư. Mỗi khi ra đường, người dân thường giơ tờ giấy trắng như một dấu hiệu của hòa bình”, David Rendon kể…
Những ngày này Comuna 13 đã biến mình thành một trung tâm văn hóa. Pháp luật yêu cầu EPM (nhà phát triển chính của thành phố Medellín) phải nộp lại ¾ lợi nhuận cho chính quyền thành phố. Có tiền là có thêm nhiều sáng kiến dân sự, bao gồm một trung tâm văn hóa gọi là Casa Kolacho (được đặt theo tên của một nghệ sĩ hip hop bị giết hại).
Trên các ngọn đồi dốc của Comuna 13 là những bức họa đường phố được các họa sĩ địa phương điểm tô rất sinh động. David Rendon kể: “Chúng tôi đang có phong trào nghệ thuật mạnh mẽ từ bây giờ. Mở cửa hàng ngày cho bọn trẻ tha hồ ngắm các tuyến phố”.
Hội họa đa sắc ở Comuna 13, một trong những nơi từng khét tiếng nguy hiểm ở Colombia. Ảnh: Sergio Gomez. |
Tranh đấu với quá khứ đang trở nên nan giải hơn lúc nào hết. Ở Đức, chính phủ nước này cấm biểu tượng chữ thập ngoặc có từ thời Chiến tranh thế giới thứ II. Ở Tây Ban Nha trong thời kỳ nội chiến, các lực lượng của trùm phát xít Francisco Franco đã giết hại hơn 100.000 người, cho mãi đến năm 2008, Tây Ban Nha đã tuyên bố Franco phạm tội chống lại loài người, nhưng lại thiếu một nỗ lực quốc gia tiến tới hòa giải những mâu thuẫn trong quá khứ.
Tại những nơi như LaCatedral, Comuna 13, toàn bộ không gian ngoài trời đã được phủ xanh cây cối và tương đối yên tĩnh. Không có động cơ xe hơi ồn nào, không có tiếng loa inh tai ngoại trừ tiếng nói con người. Ngay giữa bầu không khí thanh bình đến vậy, quả thật khó để tưởng tượng lại quá khứ khủng khiếp ở chốn này.
Khi Pablo Escobar đặt chân tới Comuna 13 vào năm 1991, ông ta nhìn thấy nơi này quả là chốn trú ẩn tuyệt vời, tránh ánh mắt cú vọ của các băng đảng giang hồ và điệp viên Cục phòng chống ma túy Mỹ (DEA). Nhưng bản tính của “bố già” thì không thay đổi, chẳng mấy chốc ông ta đã tạo ra những vụ bạo lực tàn bạo hơn. Tại La Catedral, 2 thuộc hạ bị cho là thiếu trung thực tên là Fernando Galeano và Gerardo Moncada, đã bị cận vệ của Escobar tra tấn và giết hại.
Hành động giết người man rợ của Escobar đã buộc Chính phủ Colombia phải tiếp quản La Catedral, nhưng “bố già” đã đánh hơi sớm và lẩn mất. Ngày nay, những địa điểm từng có hơi hướng Escobar đã được tái xây dựng hình ảnh mới thay vì theo đuổi mục đích sức mạnh và lợi nhuận, và chúng đã tạo ra những thứ động lực lan tỏa khắp nơi. Mầm sống mới đã hồi sinh mạnh mẽ, thoát ra khỏi cái bóng của nhân vật phản diện một thời.
Hải Thanh (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét