Bố thí cho người ăn xin là hành vi phạm pháp
Quốc hội Vương quốc Na Uy đã đưa vào nghị trình của phiên họp thường kỳ trong tháng 2/2015, nhất trí thảo luận để thông qua dự luật do Chính phủ của Thủ tướng Erna Solberg vừa đệ trình. Theo đó sẽ tiến hành phạt nặng, thậm chí truy tố bất cứ ai bố thí cho người ăn xin nhằm xóa bỏ các hành vi mất mỹ quan chốn công cộng, cũng như chặn đứng đà nhập cư bất hợp pháp vào nước này để hành nghề cái bang.
Cụ thể sẽ tăng mức tiền phạt lên gấp 3 lần đối với hành động cho tiền, đồ ăn thức uống, chăn nệm… nếu tái phạm có thể lĩnh mức án tối đa là 1 năm tù giam. Tuy nhiên, dự luật phạt tù hành vi bố thí cho người xin ăn cũng vấp phải sự phản bác từ phe đối lập.
Hành động cho tiền người ăn xin ngoài đường sẽ bị xem là phạm pháp tại Na Uy. |
Bà Karin Andersen, một nghị sĩ tên tuổi của đảng Xã hội (SV) cánh tả, đã viết trên trang tài khoản cá nhân thuộc mạng xã hội Twitter, chống lại việc hình sự hóa hành động trợ giúp người ăn xin vô gia cư: "Thật là nực cười khi một trong những quốc gia cường thịnh nhất Âu lục, lại rắp tâm trừng phạt những người châu Âu nghèo khổ nhất. Giới nghị sĩ thuộc SV sẽ tiến hành phủ quyết dự luật phi nhân bản này".
Tính đến thời điểm hiện tại, Vương quốc Na Uy cùng với Đan Mạch và Anh là 3 quốc gia đầu tiên thuộc Liên minh châu Âu (EU) cấm tuyệt đối tệ nạn ăn xin trên đường phố. Riêng ở vùng đô thị Arendal, phía nam Na Uy, chính quyền địa phương đã áp dụng biện pháp phạt tù đối với hành vi bố thí cho người ăn xin từ cuối năm 2013, góp phần chặn đứng dòng người nhập cư phi pháp đổ đến hành nghề ăn xin tại miền đất trù phú này.
Thủ đô Nauy cấm ôtô động cơ diesel
Kể từ ngày 15-1-2016, lệnh cấm xe hơi có động cơ chạy bằng nhiên liệu diesel trên các con đường ở thành phố Oslo, thủ đô của Na Uy bắt đầu có hiệu lực. Bất cứ tài xế nào vi phạm, kể cả các phương tiện giao thông mang biển số nước ngoài, ngoài khoản tiền phạt cực cao, sẽ bị cảnh sát dùng xe chuyên dụng "trục xuất" phương tiện vi phạm ra khỏi địa bàn Oslo.
Theo lời bà Marianne Borgen, Thị trưởng thủ đô Na Uy cũng là người ký ban hành quyết định trên, nhằm hạn chế mức độ ô nhiễm trên đường phố gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, nhất là các loại xe dùng nhiên liệu diesel xả khói mùi mịt chứa nhiều khí thải độc hại.
"Tòa thị chính Oslo căn cứ vào quyền tự chủ của địa phương để áp dụng luật cấm, nhưng chỉ có hiệu lực trong phạm vi địa giới hành chính thuộc khu vực thủ đô, ngoại trừ các tuyến quốc lộ dẫn vào thành phố do chính quyền trung ương quản lý", Thị trưởng M. Borgen giải thích với báo giới.
Nhập rác thải xử lý thành nguồn năng lượng
Mỗi ngày cả nghìn tấn rác sinh hoạt được nhập về qua các cảng biển ở Oslo, thủ đô của Vương quốc Na Uy để xử lý thành nguồn năng lượng hữu ích, cung cấp cho nhu cầu của gần 1 triệu dân thành phố.
Lượng rác khổng lồ từ các đô thị nước ngoài đóng trong các container chuyên dụng, được vận chuyển về Khu Liên hợp xử lý chất thải Klemetsrud nằm ở vùng ngoại ô Oslo. Trước lối vào tổng kho đồ sộ của Nhà máy Klemetsrud là từng đoàn xe tải nối đuôi nhau chờ dỡ hàng. Sau đó các container được cần cẩu xếp dỡ đổ xuống hệ thống băng chuyền, rồi chạy qua khu phân loại sàng lọc lấy những gì có thể tái chế, trước khi đưa vào lò đốt để cho ra thành phẩm mới là năng lượng tái tạo.
Phân loại rác có thể tái chế tại nhà máy Klemetsrud. |
"Hãy tạm thời quên đi những nguồn năng lượng khai khoáng gây ô nhiễm môi trường như than đá và dầu mỏ, ngay cả điện hạt nhân tưởng chừng là "năng lượng sạch" nhưng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ - ông Pal Mikkelsen, Giám đốc Khu Liên hợp xử lý chất thải Klemetsrud cho biết - Chỉ riêng cơ sở tái tạo rác của chúng tôi hằng năm đã đáp ứng nhu cầu năng lượng của tất cả các trường học, cũng như 56.000 ngôi nhà khác trên địa bàn Oslo".
Vẫn theo lời ông P. Mikkelsen, sau khi phân loại những thứ có thể tái chế như giấy vụn, kính vỡ, đồ gỗ... số rác còn lại chiếm phần đáng kể sẽ được thiêu hủy ở lò đốt chuyên dụng, với nhiệt lượng luôn được duy trì ở mức ban đầu là 800oC để bảo đảm rác được phân hủy hết. "Trong thời gian đốt, nhiệt lượng tương ứng sẽ tự tăng lên tới hàng ngàn độ C, chủ yếu do rác thải bốc cháy tạo ra. Chính việc tận dụng sự chênh lệch nhiệt độ đáng kể này đã biến thành nguồn năng lượng tái tạo hữu ích", Giám đốc P. Mikkelsen giải thích.
Đưa rác thải sinh hoạt vào lò đốt biến thành năng lượng hữu ích. |
Agnar Andersen, Trưởng phòng Kỹ thuật của Nhà máy Klemetsrud, thì lượng nhiệt cao "xê dịch" nêu trên sẽ được dùng để đun sôi trữ lượng nước khổng lồ chứa trong những chiếc bồn thiết kế bên cạnh lò đốt. "Hơi nước bốc lên sẽ đẩy cánh quạt các tua-bin phát điện quay hết công suất. Số nước nóng còn lại theo đường ống ngầm cách nhiệt dẫn từ nhà máy, tỏa về sưởi ấm các trường học và nhà dân ở Oslo. Song song là việc xử lý lượng khói thải ra trong quá trình đốt. Chúng được nén trong những bể ngầm chôn sâu dưới lòng đất, rồi dần triệt tiêu theo thời gian mà không gây tác hại đến thổ nhưỡng cũng như môi trường sinh thái nói chung" - ông Andersen cho biết.
Được biết, 4 tấn rác thải sẽ cung cấp năng lượng ngang với 1 tấn dầu mỏ, đáp ứng việc sưởi ấm của một hộ gia đình trong suốt 6 tháng mùa đông. "Vả lại vận chuyển và xử lý rác thải vẫn rẻ hơn gấp nhiều lần, nếu so với việc chuyên chở dầu mỏ rồi đem tinh lọc vốn rất tốn kém. Trong khi rác đưa về để tái tạo năng lượng không bị đánh thuế nhập khẩu, chưa kể nhiều nơi còn "biếu không" vì họ đỡ được diện tích lưu trữ rác" - Trưởng phòng A. Andersen nhấn mạnh.
Một phần điện thắp sáng đường phố Oslo là từ rác thải. |
"Nếu ở đâu rác sinh hoạt cũng được xử lý và tái tạo tốt như ở Oslo, tôi tin rằng vấn đề năng lượng sạch tại các quốc gia khác sẽ được giải quyết căn bản, nhất là xét theo góc độ bảo vệ môi trường tự nhiên - ông Lars Haltbrekken, Chủ tịch Hiệp hội Những người bạn của trái đất (NNV), tổ chức bảo vệ môi trường ở Na Uy khẳng định - hiện thời chỉ có khoảng 5% lượng rác trên hành tinh được xử lý".
Năm qua, ngoài nguồn rác đô thị tại chỗ, chính quyền Oslo đã cấp quota nhập hơn 1 triệu tấn rác sinh hoạt từ các nước láng giềng, thậm chí tại các quốc gia xa xôi như Italia, Anh và Bắc Ireland... Hàng triệu hộ gia đình đâu ngờ rằng những thứ mà mình "đang tâm" vứt đi, đã được tái tạo thành nguồn năng lượng thay thế hữu ích, đáp ứng nhu cầu thắp sáng và sưởi ấm của đông đảo người dân Oslo. Sử dụng triệt để năng lượng từ rác thải là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Na Uy, góp phần thực hiện mục tiêu đề ra là giảm phân nửa lượng khí thải carbon dioxide (CO2) độc hại trong vòng 20 năm tới, cũng là chỉ tiêu cắt giảm cao nhất so với tất cả các quốc gia trên thế giới.
Cọng rác ở thiên đường
Vừa rồi, trong hành trình lái ô tô dọc 12 quốc gia châu Âu, số phận đã dành cho tôi những đêm trắng hoặc lạc "mộng kê vàng" giữa thiên nhiên đẹp và tuyệt đích hoang sơ. Dựng lều, cắm trại, bốn bề núi tuyết, ngọn lửa nấu mỳ đòi tìm hơi ấm cứ leo lét rồi chìm nghỉm giữa bốn bề lạnh cóng. Đôi lúc tôi đã nghĩ mình không sống sót nổi đến khi vừng dương nổi lên ở chân trời đằng đông…
Sau hai ngày đi bộ, leo núi, vượt qua những hồ nước đẹp như miền tiên cảnh, dang tay thấy mình cao bằng cả những dãy băng đăng vĩnh cửu cận kề Bắc Cực - chúng đang vàng rực lóng lánh lên trong ráng bình minh hoặc lúc hoàng hôn, tôi đã thấy mình nghẹn giọng khi xúc giác "biết ơn cuộc đời", "bõ công bác mẹ sinh thành ra ta" tràn đến. Thắng cảnh lừng danh thiên hạ: Lưỡi Quỷ (Troll's Tongue) của đất nước Na Uy - miền cực Tây Bắc của bán đảo lớn nhất châu Âu Scandinavia - hiện ra.
Chiếc "lưỡi quỷ" lè ra từ 10 nghìn năm trước
Chắc chắn tôi sẽ có một bài viết riêng về Lưỡi Quỷ, nó là điểm đến gian khổ bậc nhất mà vẫn thu hút khách bậc nhất của miền "địa đàng" của núi, thác, các fjord đẹp nhất thế giới Na Uy. Rộng mênh mông, án ngữ, ôm ấp toàn bộ nửa phía Tây của bán đảo Scandinavia dài hơn 1.900km và rộng 800km (!), nhưng Na Uy chỉ có dân số khoảng 5 triệu người.
Nếu căng tấm bản đồ châu Âu lên, thấy miền Tây Nam Na Uy là cái "lưỡi" dài nhất, xa đất liền gần hai nghìn cây số của bán đảo kỳ vĩ huyền thoại, ba bề bốn bên là biển. Bắc Băng Dương vời vợi. Đại Tây Dương lạnh giá. Ở đó, mùa đông, băng phủ kín mít, nhìn từ trên trời qua google map, thấy Scandinavia trắng toát lăm dăm như một tấm dư đồ rách phủ kín đá vụn. Cái lăm dăm đó là do núi non cao vời, thác dài hàng trăm mét vắt vẻo. Lại thêm hiện tượng băng tan đồng loạt kỳ thú từ hơn 10 nghìn năm trước, khi mà nhiệt độ trái đất đột ngột nóng lên ở khu vực này, Kỷ Băng Hà có dấu hiệu thoái trào.
Các dòng sông băng vĩnh cửu dần dà tan thành nước tinh khiết tràn ra đại dương. Chúng để lại các khoảng trống lớn giữa các khe hẹp của núi cao vực sâu. Nước biển chỉ chờ có thế, tràn lấn, ăn lẹm, cắt lìa, khoét rỗng mãi "xâm lược" vào trong lục địa. Thêm các hiện tượng thiên nhiên dữ dằn, phong hoá, bão tố tiện đứt nhiều miền đá mềm nữa. Thế rồi, từ đó, Mẹ Trái Đất đã có thể kiêu hãnh ban tặng cho Na Uy và loài người mơ mộng một ưu việt rất lớn: các fjord đẹp kinh điển. Chúng trở thành một chuẩn mực cảnh quan khiến thiên hạ phát điên lên!
Theo tiếng Việt, fjord - tạm dịch là Các Vịnh Hẹp. Núi cao, vực sâu hun hút ngót nghìn mét, vịnh hẹp như vết chém xước dài có khi cả trăm cây số theo bìa núi. Na Uy có hơn một nghìn cái vịnh hẹp nổi tiếng, có cái dài tới 150km từ mép biển vào trong đất liền. Nhiều vịnh đã được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, trở thành niềm hãnh diện của thiên nhiên Bắc Âu. Thành "điểm đến trước khi chết" của tất cả loài người. Nước biển xanh tinh khiết, thêm hương rừng sắc núi dọc các vịnh hẹp mà nó bào mòn, ăn lấn vào trong lục địa, từ đó tạo ra các cảnh quan kỳ thú, quyến rũ và có sức truyền cảm hứng đặc biệt, khiến cho người chiêm bái như "đứng tim - dừng hình" liên tục. Một trong những fjord lừng danh khắp hành tinh đó đã sinh ra địa danh Lưỡi Quỷ Troll's Tongue mà tôi sắp kể ra đây.
Sau nhiều nghìn cây số phiêu du từ Bỉ, trung tâm của lục địa già, chúng tôi đã có mặt ở bán đảo lớn nhất châu Âu và cũng gần như là cực Bắc của địa cầu, nơi lý tưởng để ngắm Bắc cực quang huyền ảo. Nhưng đích đến ám ảnh hơn lại là "vòng" về phía Tây Nam, đến thị trấn nổi tiếng thế giới có tên gọi Odda, thuộc hạt Hordaland, xứ Na Uy huyền thoại.
Ở đó có những hồ nước Ringedalsvatnet ma quái khét tiếng, sáng như gương, xanh đến ảo diệu, nối cả ra biển xanh và có thể đổi màu sắc theo mỗi cữ sáng trưa hay mưa nắng. Ở đó có một vịnh biển hẹp với vô số hòn đảo nhỏ "đốn tim" bất cứ ai từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng hơn hết, dù kẽo kẹt đi bộ, leo từng gờ núi có dây chằng hoặc bậc thang sắt để vịn bò quăng quật hay đi trực thăng hoặc cưỡi du thuyền dọc vịnh hẹp mướt xanh lên miền tuyết trắng, thì người ta không thể tránh nổi cảnh vắt cạn mồ hôi mình mà bạc mặt leo núi.
Đích đến sau gần 30km đi bộ là một mỏm đá bé xíu, nó có gì đó giống như khái niệm "điểm sống ảo" hay "Tuyệt tình cốc" theo cách gọi của teen và cư dân mạng Việt Nam hiện nay. Đúng nghĩa chỉ là một mỏm đá bé tẹo. Đi vất vả đến đứt hơi, đến mức tôi và rất nhiều người lắm lúc đã thấy ân hận vì sao mình lại đem thân vàng ngọc ra "bón" cho các hiểm nguy và khổ sở ngần ấy! Mùa hè còn đỡ, mùa đông băng giá tuyết phủ như bọt biển trắng mênh mang thì việc chinh phục Lưỡi Quỷ để check-in còn vất vả gấp hàng chục lần.
Một sinh viên tên là Kritis Kfcaloudis, 24 tuổi, sinh viên trường đại học Monash, khi chinh phục đến sát mỏm Lưỡi Quỷ đã trượt chân tử vong dưới đáy vực sâu bảy trăm mét, khiến báo chí thế giới tốn không biết bao nhiêu giấy mực. Chúng tôi đi bộ từ chiều hôm trước, 22 giờ đêm, "không gian Bắc Cực" lúc ấy trời mới tối hẳn, buộc phải dựng lều ở lưng chừng núi tuyết mà ngủ. Bốn bề là thiên la địa võng đá. Đá xếp từ đỉnh trời xuống đáy vực, nhiều viên to như toà nhà ba tầng. Hôm sau đi tiếp từ khi ông mặt trời thức dậy đến khi vừng dương đứng bóng mới gặp được mỏm đá Lưỡi Quỷ. Đi tiếp năm sáu tiếng nữa, cuối ngày mới về đến thị trấn.
Mỏm đá ấy là cái gì mà dăm năm qua, số du khách tìm đến tăng vọt gấp 10 lần? Họ đến từ khắp nơi của địa cầu, đi tàu bay, tàu hoả, tàu thuỷ, ô tô và lội bộ hàng chục tiếng đồng hồ, vô cùng công phu. Họ xếp hàng ở bìa vực, xếp hàng câm lặng, trực chờ 4 tiếng đồng hồ mới đến lượt mình được đi hai chục bước chân ra "lưỡi quỷ" chụp một vài cái ảnh tự sướng. Rồi hoan hỉ trở về. Lòng cảm khái rưng rưng như là mình vừa được thần linh chứng ngộ phiêu phiêu vậy.
Nói thật, trắng phớ ra, Lưỡi Quỷ đích thị chỉ là một cục đá không có cả chức năng để nung vôi bán lấy vài chục nghìn như ở Việt Nam. Nó dài vài chục mét. Nó có hình giống cái lưỡi hơn cả cái lưỡi. Có chân, có bọng, có họng dính vào trong núi, còn lưỡi thì lè ra mép vực cao khoảng 700m so với mặt hồ. Cũng chả thợ nung vôi nào đi bộ hai ngày rồi có gan hùm gan beo mà bò ra chặt mỏm đá ấy, quá nguy hiểm và số đá thu được không đáng để đánh đổi.
Chuyện kể rằng, cách đây chưa lâu, có người đi lạc vào khu vực mà ngày nay thiên hạ đặt tên là Lưỡi Quỷ; đói khát, kiệt cùng đường sống. Đang tuyệt vọng, toan trẫm mình xuống vực thẳm, trong khoảnh khắc quay lại nhìn mặt trời lần cuối, bỗng nhìn sang mỏm đá bên cạnh, anh ta nhận ra nó rất ngộ nghĩnh. Giống hệt lưỡi của con quỷ lùn Troll. Vị thần này ai trông thấy cũng có cảm giác vui nhộn, đáng yêu, trong tâm thức của người ta, nó còn là hiện thân của may mắn. Nó luôn trợn mắt, phồng mang, cái mũi dài và nhọn. Mỏm đá đẹp, gợi cảm và có gì đó thật khôi hài. Tự dưng có cảm giác quỷ lùn may mắn sẽ cứu được mình, người đi lạc bèn hét lớn, đi theo vẻ đẹp của không gian vùng Lưỡi Quỷ.
Và họ tin rằng Troll đã phù trợ để họ tìm được về với ngôi làng thương yêu của mình. Từ đó, vùng Lưỡi Quỷ còn có một giá trị tâm linh đặc biệt trong tâm thức cư dân vùng Bắc Âu rộng lớn.
Về địa chất và cảnh quan, khoa học đã chứng minh, từ hơn 10 nghìn năm trước, sau khi băng tan, các dòng sông đông cứng đồng loạt tan chảy để lộ ra nhiều vịnh hẹp, nước biển nhân đó mới thúc mãi vào bờ, nhiều mỏm đá có kết cấu mềm cùng rơi rụng, làm vịnh hẹp ngày càng ăn sâu vào bán đảo khổng lồ Scandinavia. Có một sự ngẫu nhiên lạ kỳ, đá rơi thùm thũm tứ bề, để lộ trơ lơ ra một mỏm nhọn cứng như thép. Nó như đang lơ đễnh lè ra mép vực, đâu đó, vừng trán núi non ẩn tàng trong mây mù và tuyết trắng, người ta còn thấy lấp ló gương mặt hài hước và cái mũi dài nhọn của Quỷ lùn Troll.
Cứ thế, Lưỡi Quỷ đã trơ gan cùng tuế nguyệt hàng chục nghìn năm. Cái đẹp nhất của nó, chính là "hậu cảnh" của biển xanh, vịnh hẹp đặc trưng và núi tuyệt tinh khiết, các ngọn thác đổ lắt lẻo xuống từ Thiên đường. Dọc đường đi bộ hàng chục tiếng ròng, du khách sẽ được chìm đắm trong miên man đá các chất liệu, kết cấu và muôn hình vạn dạng có từ thuở tạo sơn. Ngay bìa núi, bước khẽ là đến mép vực sâu, vịnh biển xanh, hồ nước biến hóa, hệ thực vật phong phú, kỳ hoa dị thảo phô sắc, dường như thiên nhiên đã bày ra cả một bảo tàng vô tận của các kiến tạo vỏ trái đất lạ lùng đủ hình khối.
Chuyện lạ về những người giàu cõng rác!
Giữa gió núi mây ngàn, giữa căm căm gió lạnh gần "độ âm", giữa cảnh dựng lều ven núi phần phật gió, ăn bờ ngủ bụi theo đúng nghĩa hơn ba chục tiếng đồng hồ, các cặp đôi còn cõng cả lều, cả cuồn cuộn chăn chiếu, cả đồ ăn thức uống lỉnh kỉnh, dắt cả con chó có áo quần giữ ấm theo. Nhiều đoạn, người đa quốc gia chào nhau kìn kìn, có khi lều bạt dựng sáng như sao sa cả một thung lũng. Vậy nhưng, tôi hết sức ngạc nhiên, đi gần hai ngày không nhìn thấy một cọng rác. Không dám hỏi ai, tôi cứ đi và chụp hàng nghìn bức ảnh. Cũng không thấy thùng rác, biển "xin hãy cho tôi rác" hoặc "xin đừng xả rác". Càng không thấy nhân viên thu gom rác.
Suốt bao năm lang thang, gần đây nhất là lái xe xuyên Việt Nam, đứng ở thắng cảnh nào chụp ảnh, cái khó nhất của tôi vẫn là loại các nilon, rác rưởi "tơ hơ" chềnh ềnh đi vào khung hình. Chỗ nào cũng rác, đấy là chưa kể cái đáng sợ hơn, cái này không dùng sự chụp ảnh mà thấy được: mùi thối tha của xú uế. Họ chọn view đẹp, để ngắm cảnh và luôn thể... để đại tiểu tiện, bất kể đêm ngày. "Đi" tập thể và đầy kiêu hãnh giữa thiên nhiên đèm đẹp. Thế rồi cứ chỗ nào đẹp là mùi hôi thối và bị xả rác xanh đỏ tím vàng kinh dị. Bây giờ, ở Na Uy, khách du lịch đông như kiến, mà bốn bề rêu đen kịt, địa y vàng óng, nhiều loài hoa như lông chim đính vào bìa rừng xanh, cứ phất phơ tinh khiết sặc sỡ bảy sắc màu, như ở cõi thiên đường. Đi hai ngày không thấy một cọng rác. Vì sao nhỉ?
Vì như tôi đây. Anh bạn đi cùng có quốc tịch Bỉ, từng học ở Thụy Điển, tức là nước láng giềng của Na Uy, cũng văn minh, mức sống cao (giá cả đắt) và dự trữ quốc gia cũng như các giá trị đáng sống đứng hàng đầu thế giới này. Anh ta nấu nướng xong, cõng bếp theo. Bếp đốt củi mang từ nhà, củi đốt sinh nhiệt, nhiệt làm quay cánh quạt mô tơ trong bếp, sản sinh ra điện thắp sáng và để xạc các thiết bị định vị, điện thoại, máy ảnh.
Lều dựng xong, chúng tôi bàn nhau: xếp vào một góc núi để đỡ phải "mua việc" cõng nó đi tiếp rồi cõng quay về chính chỗ đó. Có lẽ vì xuất phát quá sớm, trời còn tối đen, lúc dựng lều cũng tối, nên chúng tôi đã gấp lều qua quýt bỏ vào một khe núi hẹp. Ai ngờ, lúc về mới biết khe núi đó là lối mòn quan trọng để vượt đỉnh núi tuyết.
Và người quản lý khu thắng cảnh đã gấp cẩn thận cái lều của chúng tôi vào, vẽ mũi tên chỉ nó vào vách đá mà họ cất giữ hộ. Họ cũng không quên dùng vít giữ lều để đóng xuống nền đất đá, đề phòng gió thổi làm bay mất tài sản của chúng tôi. Hóa ra, sự tử tế vẫn có ở khắp mọi nơi. Hóa ra bàn tay quản lý vẫn để mắt hết, chứ không phải chúng tôi đang đi vào miền hoang vắng.
Một kỳ quan "hót" bậc nhất Na Uy, mỏm đá được check-in và đưa lên mạng xã hội nhiều bậc nhất thế giới Troll's Tongue, đêm ngày đều nườm nượp du khách cõng đủ thứ đồ sinh tồn để chinh phục, vậy mà không thấy một nhân viên quản lý nào xuất hiện suốt hơn 20 tiếng tôi có mặt và leo núi đến mòn chân bạc mặt. Dọc đường, họ cũng khênh đá lát một cách ý nhị vào vài chỗ để du khách khỏi phải lội bùn. Họ buộc vài cái dây thừng ném ơ hờ bên mép vực để ai sợ ngã thì bám.
Họ cắm vài cái cọc bé mà cao để khi tuyết phủ đến ba chục xăng ti mét, thì người ta cứ theo dấu cọc mà đi đúng đường mòn, kẻo ngã xuống vực. Thế thôi. Đến cái dấu sơn màu đỏ hình mũi tên, vẽ lên vài mỏm đá ở các ngã ba, đánh dấu đường đến Troll's Tougue, hoặc đường về lại thị trấn, họ cũng vẽ rất khiêm tốn, cố gắng để nó không lộ liễu, để rồi trở thành chướng tai gai mắt khi khách đến từ nghìn trùng đang đắm đuối với cảnh sắc thiên nhiên.
Thảng hoặc có một trạm ghi rõ không được vào, trừ trường hợp khẩn cấp liên quan đến tính mạng con người. Nếu vào đó kêu cứu, tức là trực thăng phải xuất hiện để cứu mạng ai đó. Tôi đã chứng kiến trực thăng bay vè vè, luồn lỏi như con chuồn chuồn bé xíu giữa mênh mông các hẻm vực nghìn thước cao dọc các kỳ quan vịnh biển hẹp dài cả trăm cây số. Chắc là có gì trầm trọng rủi ro lắm.
Không một nhà hàng, quán ăn hay bất cứ dịch vụ gì, mái lều của khách ngủ lại với non cao cũng trong vắt để nằm ngửa ngắm ngàn sao. Với cách quản lý tinh tế và cách bảo tồn cảnh quan tuyệt hảo đó, câu chuyện cọng rác ở Lưỡi Quỷ đã ám ảnh tất cả chúng tôi, nhất là mấy anh bạn người Việt đang khổ sở tuyệt vọng với các "điểm đến" bị rác ngự trị và thói quen xả rác làm cho héo mòn điêu đứng ở quê mình.
Bạn tôi bảo, giở đùa giở cực kỳ nghiêm túc: Nhìn người ta làm mà làm, ông nhé. Ngắn gọn. Tôi không nghĩ mình đủ bản lĩnh để vượt qua bài toán liêm sỉ rồi cõng cả mớ vỏ lon thịt hộp, lũ chai thuỷ tinh dày nặng đựng pa-tê gan ngỗng mua hôm ghé qua thăm nước Pháp, đấy là chưa kể bao nhiêu là túi nilon của bánh mỳ, táo, vỏ mỳ Ý nấu vội trong đêm tuyết trắng giữa ngàn sao. Tất cả, cả vỏ típ kem đánh răng hết sạch. Không dám vứt cái gì, dù chúng đều là rác thải và đều trở nên nặng như đá đeo sau hơn hai mươi tiếng leo núi đến bở hơi tai.
Đến khi "bước đã mỏi mà trông càng thấy mỏi" rồi muốn "ta dừng chân nhắm mắt một đêm nay" như thơ Vũ Hoàng Chương. Tôi đã đấu tranh tư tưởng như kiểu "ăn đi vài con cá/ năm bảy cái chột nưa/ có ai biết ai ngờ/ thế vẫn tròn danh dự". Lén cất bớt một túi nilon rác vào khe núi. Rồi sẽ có nhân viên đi thu gom. Chẳng hại gì, ai biết nấy là đâu. Mình có xả rác vào kỳ quan nhân loại đâu. Vả lại, ai bảo họ không làm thùng rác. Tôi sẵn sàng trả tiền thông qua vé tham quan, để họ thuê nhân công thu gom rác từ các thùng mà, tại sao không?...
Cuối cùng, tôi đã quyết giữ sự tử tế còn lại của mình, quyết không để anh bạn gốc Việt phải xấu hổ vì sự bừa phứa của tôi. Cõng rác trên vai gần 30 tiếng đồng hồ, trong khi hai ba lô đã đè đến tím rịn sưng tấy hai vai, bắp chân thì cứng như đá vì leo lên các đỉnh trời rồi lại xuống vực thẳm. Sáng lạnh căm, trưa nắng nỏ. Tôi cõng rác, vì xung quanh tôi, toàn người giàu có đẹp đẽ, người ta còn cõng ngất ngưởng đồ đạc, ôm cả chó cún theo, mà ai cũng đeo rác, xả về cái thùng cao mấy mét ở thị trấn.
Ngoài vé giữ xe qua đêm hơi đắt, tương đương khoảng 1,5 triệu đồng tiền Việt/đêm, thì người quản lý ở Odda đã không hề thu vé thắng cảnh. Cũng không cần nhân viên quản lý nhiều. Càng không tác động làm phiền gì đến cảnh quan cũng như du khách. Mà họ âm thầm kêu gọi sự tự nguyện của mỗi người. Kêu gọi bằng cách giữ cho không gian thanh khiết, đẹp tuyệt bích ở mọi góc nhìn, mọi khoảnh khắc. Đẹp đến mức, bạn sẽ nghĩ, nếu mình xả rác hay làm gì đó vấy bẩn không gian kia, thì Chúa hoặc Phật hoặc Thánh thần sẽ trừng phạt hoặc lương tâm của bạn, sẽ cắt dứt rồi cắn đứt chính bạn.
Phải vậy không?
Ghi chép của Đỗ Doãn Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét