Dân Tây từng xơi thịt chó
TTO - Văn hóa phương Tây xem hành vi ăn thịt chó là độc ác, trong khi thịt chó lại được sử dụng như thực phẩm tại một số nước châu Á. Phe bài bác và phe tán thành xơi “cầy tơ” đều có lý lẽ riêng, song xu thế ăn thịt chó đang lùi vào dĩ vãng…
Theo Tổ chức Nhân đạo quốc tế (tổ chức quốc tế bảo vệ động vật có trụ sở chính ở Mỹ), hiện nay mỗi năm có hơn 30 triệu con chó bị giết thịt.
Thật ra lề thói ăn thịt chó đã có từ xa xưa. Nhà nghiên cứu Claire Czajkowski người Mỹ ghi nhận chó là động vật đầu tiên được thuần dưỡng với mục đích ban đầu là cung cấp thịt.
Xưa kia chó sói thường lân la đến gần nơi con người cư trú để ăn cơm thừa cá cặn và con người đã bắt chúng để nuôi ăn thịt.
Tổ tiên của chó ở Trung Quốc
Các nghiên cứu phân tích di truyền ty thể của hơn 1.500 con chó ở khu vực Âu - Á - Phi cho thấy chúng đều có chung tổ tiên ở phía nam sông Dương Tử và được thuần dưỡng cách đây tối thiểu 16.300 năm.
Như vậy quá trình thuần dưỡng chó sói chỉ xảy ra tại một địa điểm và một thời điểm nhất định. Bằng chứng là nhiều mẩu xương chó được tìm thấy tại các di chỉ ở miền nam Trung Quốc.
Sau quá trình thuần dưỡng, chó nuôi được phát tán khắp thế giới làm chó thịt hay kéo xe, giữ nhà. Tại di chỉ hang động El Mirador ở Tây Ban Nha, nhà nghiên cứu Patricia Martín đã tìm thấy nhiều xương chó thuần dưỡng.
Trên xương có dấu vết cắt xẻ, dấu răng người và nhiều dấu vết nấu nướng, điều này chứng tỏ cư dân khu vực này đã từng ăn thịt chó.
Các tài liệu về thời đồ đá mới (từ năm 6000 đến năm 2200 trước Công nguyên) và thời đại đồ đồng (từ năm 2200 đến năm 800 trước Công nguyên) đã ghi nhận thói quen ăn thịt chó nuôi.
Thói quen này diễn ra tùy lúc nhưng thường xuyên lặp đi lặp lại, từ đó các nhà nghiên cứu suy đoán con người thời ấy đã từng ăn thịt chó vào lúc đói kém.
Tại châu Á, trong lăng mộ vương quốc Goguryeo ở tỉnh Nam Hwanghae (CHDCND Triều Tiên) có bức tranh tường thuộc thế kỷ 4 vẽ chó bị giết treo trên móc cạnh heo rừng, nai, cừu trong nhà bếp.
Còn tại châu Phi, hai nhà nghiên cứu Achilles Gautier và Wim Van Neer người Bỉ ghi nhận tục ăn thịt chó đã tồn tại ở Tây Phi từ cuối thời tiền sử. Các bộ tộc bản địa người Berber ở Bắc Phi thời trước khi Hồi giáo phát triển (thế kỷ 7) đã biết ăn thịt chó.
Món ngon thời loạn lạc
Ở châu Âu, học giả người Mỹ Mark Derr ghi nhận người tiền sử từng thường xuyên xơi thịt chó nhưng sau đó không ăn nữa, trừ những lúc đói "đầu gối phải bò" hay vào thời chinh chiến loạn lạc.
Tại miền bắc nước Pháp, các nhà khảo cổ đã tìm thấy xương chó ở thời đại đồ sắt (từ năm 1100 đến năm 800 trước Công nguyên) có dấu vết chặt xẻ. Tuy nhiên, tỉ lệ các loại xương được tìm thấy chứng tỏ thịt chó chỉ chiếm chưa tới 10% thức ăn có thịt của cư dân thời đó.
Nhiều tác phẩm văn học vào thế kỷ 19 của các văn hào Pháp như Victor Hugo hay Gustave Flaubert đã mô tả những bữa ăn có món... thịt cầy.
Theo nhà nghiên cứu nhân học người Pháp Jacqueline Milliet, vào thế kỷ 19 các công nhân người Ý cư trú tại miền nam nước Đức và Bỉ ăn thịt chó phà phà. Báo L’Illustration (Pháp) ngày 10-9-1892 đã đăng bài viết phản ánh các lò mổ chó mọc lên như nấm ở Munich (Đức) sau khi các công nhân Ý đến đây làm việc.
Trong giai đoạn chiến tranh và đói kém, dân châu Âu không từ món cầy tơ. Báo Pháp đã từng đăng ảnh cửa hàng bán thịt chó, thịt mèo và thịt chuột trên đường phố Paris bị vây hãm trong chiến tranh Pháp - Đức (1870-1871).
Người ta còn tổ chức nấu thịt chó và thịt mèo trong các chảo lớn để phân phát cho người nghèo.
Thời nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Hitler đã ra lệnh cấm bán thịt chó tại Paris.
Tại Đức, dù phát xít Đức ra lệnh cấm nhưng dân Đức vẫn tìm cách ăn thịt chó. Cửa hàng bán thịt chó cuối cùng ở Đức đóng cửa vào năm 1943. Ngoài ra, thịt chó còn là món ăn thời khó của người dân ở Nga, Ukraine, Ba Lan...
Luận án tiến sĩ về ăn thịt chó
Trong luận án tiến sĩ với đề tài "Diễn tiến chế độ ăn thịt chó trên thế giới" (năm 2017), nghiên cứu sinh Galassi Valérie Noëlle ở Đại học Paris-XII (Pháp) ghi nhận thịt chó vẫn đang được ưa chuộng ở nhiều nước.
Tại châu Á có Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Thái Lan. Tại bốn quốc gia và vùng lãnh thổ cấm giết mổ chó hay cấm ăn thịt chó gồm Philippines, Singapore, Đài Loan và Hong Kong, người dân vẫn tìm cách ăn thịt chó.
Tại châu Phi, người dân ở Nigeria, Cameroon, Chad, Niger, CHDC Congo, Togo, Burkina Faso, Benin và Tunisia đều xem thịt chó là món ngon không thể bỏ.
Hiện vẫn còn Thụy Sĩ, 44 bang của Mỹ cùng các dân tộc bản địa châu Mỹ nghiện món thịt chó. Ở Syria (Trung Đông), Bắc cực, Nam cực và Polynésie (lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp), thịt chó vẫn được ưa chuộng.
Nếu tính theo số lượng chó bị thịt trên 1.000 người mỗi năm, Hàn Quốc là quốc gia tiêu thụ thịt chó nhiều nhất, kế đến lần lượt là Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Indonesia và Nigeria.
Còn tính theo số lượng chó bị ăn thịt, Trung Quốc đứng đầu với 10 triệu con/năm, kế đến là Việt Nam (5 triệu con), Hàn Quốc (từ 2-5 triệu con), Indonesia (vài trăm ngàn con), Philippines (500.000 con), Thái Lan (200.000 con), Nigeria (200 con mỗi ngày). Tại Thụy Sĩ có khoảng 3% dân số ăn thịt chó
Người Nhật đã bỏ ăn thịt chó
Trò thi bắn chó (inu-ômono) ở Nhật - Ảnh: Bảo tàng Lịch sử và văn hóa Nhật
Các nhà khảo cổ tìm thấy dấu vết ăn thịt chó ở Nhật tối thiểu từ thời kỳ Yayoi (thế kỷ 3 trước Công nguyên đến thế kỷ 3). Sau khi Phật giáo du nhập vào Nhật từ thế kỷ 6, người dân vẫn dùng thịt chó lúc mùa màng thất bát.
Vào thế kỷ 15, thịt chó được xem như bài thuốc, kể cả giới quý tộc Nhật cũng không chê.
Đến khi tướng quân thứ năm Tsunayoshi Tokugawa (1646-1709) ban sắc lệnh bảo vệ chó, thịt chó mới không còn là món khoái khẩu của dân Nhật nữa.
Ăn thịt chó ở Hàn Quốc và Trung Quốc
TTO - Hàn Quốc là quốc gia tiêu thụ thịt chó nhiều nhất thế giới tính theo đầu người. Tổ chức "Hỗ trợ quốc tế cho động vật Hàn Quốc" (IAKA) ghi nhận mỗi năm tại Hàn Quốc có 2 triệu con chó bị giết thịt.
Hàn Quốc là quốc gia duy nhất nuôi chó thương phẩm quy mô lớn.
Tổ chức “Cơ hội cuối cùng cho động vật” ở Mỹ
Thịt chó mang lại mỗi năm 2 tỉ USD cho hơn 20.000 nhà hàng chế biến thịt chó và 9.000 cửa hàng bán nước ép thịt chó.
Độc đáo các món thịt chó!
Theo Tổ chức "Bảo vệ quyền động vật Hàn Quốc" (KARA), hầu hết người ăn thịt chó ở Hàn Quốc thuộc tầng lớp trung lưu và ở độ tuổi trung bình. Số người từng ăn thịt chó tối thiểu một lần chiếm từ 30-60% dân số.
Xã hội Hàn Quốc phát triển nhanh trong thập niên 1980 cũng là nguyên nhân thúc đẩy thị trường thịt chó. Cuối thế kỷ 20, trong hai tháng đã có 10 nhà hàng phục vụ thịt chó ra đời.
Các nhà hàng lấy tên McDog quảng bá ẩm thực truyền thống để cạnh tranh với chuỗi McDonald's bán thức ăn nhanh kiểu Mỹ.
Tháng 10-2003, Hàn Quốc từng tổ chức lễ hội thịt chó tại Seocheon. Năm 2011, festival thịt chó cũng được tổ chức tại chợ Moran ở Seoul, chợ thịt chó lớn nhất nước. Ngoài thịt chó còn có nhiều sản phẩm chế biến từ chó như rượu, kem, tinh dầu, nhũ tương.
Giáo sư - tiến sĩ Ann Yong Geun thuộc khoa dinh dưỡng Đại học Chungcheong có biệt danh là "tiến sĩ thịt chó". Ông đã nghiên cứu sử dụng nguyên liệu thịt chó để cho ra nhiều sản phẩm độc đáo như nước tương, kim chi, xốt mayonnaise, thịt hộp, kẹo.
Xốt mayonnaise thịt chó là mayonnaise thông thường trộn với giấm, dầu ăn, trứng và thịt chó thủy phân.
Các món thịt chó thường được dùng với rượu soju (rượu gạo). Tài liệu Hàn Quốc từ năm 1670 đến năm 1943 mô tả có tổng cộng 22 gia vị dùng cho thịt chó.
Thịt chó còn được chế biến thành nước ép dinh dưỡng (gae soju) gồm thịt chó sống cùng với gừng, hạt dẻ, táo tàu và nhiều loại gia vị nấu trong nồi áp suất lớn trong nhiều giờ rồi ép lấy nước.
Một con chó 20kg cho ra từ 100-120 túi nước ép gae soju.
Chó trộm, chó chết đều mua
Ở Hàn Quốc, thịt chó có nhiều nguồn. Đầu tiên là chó nuôi thương phẩm. Dân Hàn Quốc phân biệt hai loại: chó ăn được (nureongi) và chó nhà.
Chủ tịch Tổ chức "Quyền cùng tồn tại của động vật trên trái đất" (CARE) tại Hàn Quốc Park So Youn nhận xét ngành công nghiệp thịt chó ở Hàn Quốc phân biệt hai loại chó như thế chỉ nhằm khuyến khích ăn nhiều thịt chó vì người ta cứ tưởng chỉ ăn chó thương phẩm nureongi chứ không phải ăn thịt chó nhà.
Thật ra khoảng 10 chợ chó ở Hàn Quốc đều bán cả chó nhà, chó bị bắt trộm, chó đi lạc hoặc chó bị chủ bỏ. Tại Hàn Quốc, bỏ chó ngoài đường sẽ bị phạt tiền nên chủ muốn bỏ chó cứ việc dẫn chó ra chợ bán.
Trong thập niên 1980, người dân Hàn Quốc đồn rằng phải coi chừng bọn đi xe đạp chở lồng chó sau yên xe vì bọn này sẵn sàng bắt trộm chó nhà bán cho các quán ăn.
Năm 2012, trang web của Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã đăng lời khai của một bác sĩ thú y thú nhận đã bán xác chó chết vì bệnh ung thư hay bệnh phổi cho các nhà hàng vì chủ chó không đến nhận. Nhà hàng mua chó chết rẻ hơn chó sống và không hề quan tâm chó chết vì sao.
Tóm lại tại Hàn Quốc, loại chó nào cũng có thể bị cho vào nồi.
Thịt chó đông lạnh ở Trung Quốc
Nếu tính theo số lượng, Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ số lượng chó nhiều nhất thế giới. Thói quen ăn thịt chó ở nước này phổ biến trong 30 năm gần đây. Phần lớn người ăn là nam giới.
Thịt chó hiếm khi được dùng trong các bữa ăn bàn công việc. 60% ăn với bạn bè, 20% ăn trong gia đình hay dịp lễ hội và 15% nấu món thịt chó tại nhà.
Trái ngược với Hàn Quốc, thịt chó ở Trung Quốc thuộc loại rẻ nhất, chỉ bằng 50% giá thịt bò.
Tổ chức "Động vật châu Á" ở Hong Kong ghi nhận 95% chó đông lạnh ở Trung Quốc đều kém chất lượng vì đã chết trước khi giết mổ và có thể là chó bị hạ độc. Chó đông lạnh thường được cắt thành mảnh cho vào bao bì bán ở siêu thị.
Quảng Châu được xem là thủ phủ thịt chó, nhưng lễ hội bị chỉ trích nhiều nhất là lễ hội thịt chó ở Ngọc Lâm (khu tự trị Quảng Tây).
Lễ hội hằng năm kéo dài 10 ngày từ ngày 21-6 với hơn 10.000 con chó và 4.000 con mèo bị hạ thịt. Dân chúng đổ xô về đây ăn thịt chó với trái vải và uống rượu gạo.
Ngoài thời gian lễ hội, mỗi ngày tại Ngọc Lâm có 300 con chó được giết mổ để cung cấp cho các quán ăn, nhà hàng.
Từ xì đồng đến thuốc chó
Dân Trung Quốc phân biệt một số giống chó là chó nhà, số khác là chó thịt và một số giống vừa là chó nhà vừa là chó thịt.
Tân Hoa xã ngày 19-6-2016 khẳng định tại Trung Quốc không có trang trại nuôi chó thương phẩm vì chi phí nuôi và tiêm chủng cho chó cao so với các vật nuôi khác và chó lớn chậm hơn heo.
Như vậy chó giết thịt có thể đến từ các nguồn khác. Đó là chó nhà bị mất trộm và chó hoang. Đa số chó của những người mua bán dạo là chó hoang.
Tổ chức "Động vật châu Á" cho biết trộm chó là chuyện xảy ra như cơm bữa ở Trung Quốc. Theo khảo sát năm 2015, khi chó bị mất thì 76% số người Trung Quốc được hỏi nghĩ ngay đến việc chó bị bắt trộm.
74% chó bị bắt trộm vào mùa đông và 31% vào mùa thu. Số liệu này cho thấy dân Trung Quốc thích nhắm thịt cầy lúc trời lạnh.
Giới trộm chó thường ra tay từ 4-6 giờ sáng. Chúng sẽ đập chết chó hoặc dùng dây thòng lọng thít cổ chó. Bọn cao tay hơn dùng ống xì đồng bắn kim có tẩm thuốc mê hoặc thảy cho chó miếng thịt nướng tẩm thuốc mê cực mạnh diethyl ether.
Bọn sử dụng xe bán tải thường hành sự từ 5-10 giờ sáng lúc chủ dẫn chó đi dạo. Một tên lái xe chầm chậm, đồng bọn ngồi ở cửa xe canh me tròng sợi dây thép dài 1m vào cổ chó. Tên lái xe tăng tốc, thế là xong. Quy trình bắt chó chỉ tốn 5 giây.
Trộm chó ở Việt Nam, Philippines và Indonesia
Thịt chó bày bán ở Việt Nam - Ảnh: AFP
Các tổ chức bảo vệ động vật ghi nhận nạn bắt trộm chó xảy ra tại Việt Nam như sau: "Những người bán hàng rong đi xe đạp hoặc xe máy đến nông thôn đổi dụng cụ gia đình lấy chó. Khi nhu cầu ăn thịt chó gia tăng, giá chó cũng tăng và bọn trộm chó ngày càng lộng hành".
Còn tại Philippines, chó hoang hay chó có chủ đều có nguy cơ bị bắt. Tại Indonesia, bọn bắt chó dùng cá tẩm chất độc xyanua để thuốc chó.
Món chó ở châu Phi và Thụy Sĩ
TTO - Tại Thụy Sĩ, pháp luật cấm kinh doanh chứ không cấm tiêu thụ thịt chó, mèo vì mục đích cá nhân, bởi vậy một số địa phương như Lucerne, Appenzell, Bern, Jura vẫn ăn thịt chó. Ở châu Phi hiện một số khu vực vẫn thường xuyên ăn thịt chó.
Thịt chó sấy khô thì chẳng ai biết là thịt chó. Đây là loại bánh snack khoái khẩu nhấm nháp lúc nghỉ ngơi.
Nông dân ở vùng Appenzell, Thụy Sĩ
Thời Trung cổ, ở Tunisia và Algeria đã có nhiều bộ tộc ăn thịt chó dù các giáo sĩ Hồi giáo cấm đoán (Hồi giáo phát triển ở Bắc Phi từ thế kỷ 7).
Ăn thịt chó để chung thủy và cường dương
Giáo sư Mabrouk Mansouri (Tunisia) giải thích tục ăn thịt chó ở Tunisia nhằm thể hiện lòng dũng cảm, lòng tốt và thái độ hiếu khách, chứ không hẳn để chống đói hoặc dùng thay các thứ thịt khác. Nhà có khách quý, chủ nhà mới đãi khách bằng thịt chó.
Cử chỉ hiếu khách này hàm ý chủ - khách cùng dùng chung thịt của một con vật trung thành, "con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo". Đến giờ, thành phố Gabes vẫn duy trì tục ăn thịt chó.
Người dân Tunisia tin rằng vị hôn thê phải ăn thịt chó tơ để tăng cân, giữ dáng và bảo đảm hôn nhân xây dựng trên lòng chung thủy, lòng tốt và sự tôn trọng - ba đức tính thể hiện quan hệ giữa người và chó.
Phụ nữ Bắc Phi tin rằng ăn thịt chó đều đều mỗi ngày trong 60 ngày trước đám cưới, người chồng sẽ chung thủy suốt 60 năm cuộc đời. Thịt chó còn được sử dụng làm thuốc trừ tà ma trong thời gian đính hôn.
Tại Casablanca (Morocco), phụ nữ gặp vấn đề vô sinh chỉ cần cúng chó con còn bú, thịt chó được dùng sau lễ cúng.
Tại Burkina Faso, chó được dùng để cúng và chỉ nam giới ăn thịt chó. Trong tiệc, thịt chó hết trước trong khi thịt cừu, thịt heo vẫn còn. Một số người cho rằng ăn thịt chó trừ được ma quỷ.
Dân Hồi giáo hay dân Công giáo ở Burkina Faso đều không kiêng thịt chó. Tại Nigeria cũng thế, mọi lứa tuổi, mọi giới tính và mọi tầng lớp đều thích thịt cầy. Chuyện chó bị bắt trộm xảy ra hằng ngày.
Tại chợ chó Bukuru, phần lớn chó bán là chó bắt trộm hoặc do chủ chó kẹt tiền. Miền bắc Nigeria là nơi có nhiều chợ chó lớn. Dân buôn chó để dành ngầu pín chó cho khách hàng với giá cao ngất ngưởng.
Dân sành ăn thịt chó tin rằng ngầu pín chó có công dụng cường dương, bổ thận và trị chứng "trên bảo dưới không nghe".
Người dân vùng núi Mandara giữa Cameroon và Nigeria cũng thường xuyên ra chợ mua thịt chó về nấu. Trong những dịp lễ quan trọng, họ giết luôn chó nhà.
Chó Thụy Sĩ trị... thấp khớp
Vài thập niên trở lại đây, văn hóa châu Âu không chấp nhận lề thói ăn thịt chó nữa. Song tại Thụy Sĩ, pháp luật cấm kinh doanh chứ không cấm tiêu thụ thịt chó, mèo vì mục đích cá nhân, bởi vậy một số địa phương như Lucerne, Appenzell, Bern, Jura vẫn ăn thịt chó.
Báo Tages-Anzeiger (Thụy Sĩ) giải thích ăn thịt chó là điểm tương đồng giữa Thụy Sĩ và Việt Nam.
Tại Thụy Sĩ không có nhà hàng bán thịt chó, ai ăn cứ tự nấu ở nhà. Nông dân thích ăn thịt chó biện bạch: "Thịt nào chẳng là thịt", "Hồi xưa thịt chó dọn lên bàn có ai nói gì đâu".
Bà Tomi Tomek, chủ tịch sáng lập Tổ chức SOS Chats ở Noiraigue, nhận xét không có số liệu số chó, mèo bị giết thịt nhưng ước tính 3% dân số Thụy Sĩ ăn thịt chó, mèo.
Cao trào là lễ lạt cuối năm với các món ưa thích như xúc xích chó hay mèo giả thỏ. Một số người còn cho rằng ăn thịt chó để trị bệnh thấp khớp.
Trong khi đó ở Pháp, các tiệm bán thịt chó dần dần biến mất nhưng dân ở Polynésie (lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp) vẫn ăn thịt chó.
Nhà nhân học Pháp Christophe Serra Mallot giải thích tục ăn thịt chó là hành vi thể hiện ta đây là dân bản địa (maohi).
Từ xa xưa, chó được dùng làm lễ vật cúng bái. Chó được làm chết ngạt để giữ nguyên thân mình, sau đó quay trong lò và cúng thần linh. Cúng xong, những người dự lễ ăn thịt. Một buổi lễ có khi cần đến 400 con chó quay.
Phụ nữ bị cấm ăn thịt chó, thịt heo, rùa, cá biển khơi. Thịt chó còn thể hiện đẳng cấp xã hội vì thời xưa thịt là của hiếm, dân Polynésie phải nhập chó, heo, gà, vịt từ nơi khác.
Vào nửa đầu thế kỷ 19, các linh mục thừa sai đến Polynésie đã cố gắng buộc dân bản địa bỏ tục ăn thịt chó. Năm 1959, Polynésie từng cấm ăn thịt chó với lý do đây là thịt bẩn, nhưng đến năm 1977 cho phép ăn thịt chó trong gia đình chứ không được bày bán công cộng.
Hiện nay, một số gia đình dân bản địa vẫn còn giữ tục ăn thịt chó. Họ thường ăn vào cuối tuần.
Theo khảo sát của nhà nhân học Mallot, 10-25% nam giới được hỏi cho biết họ ăn thịt chó thường xuyên, số lượng thịt chó chiếm 30% tổng số thịt tiêu thụ trong gia đình.
Trên đảo Tahiti, người bán thịt chó chế biến đi từng nhà mời mua. Không ai ăn thịt chó ở Polynésie thừa nhận nuôi chó để giết thịt.
Cách nấu món chó rút xương
Dân Polynésie thường dùng thịt chó rút xương. Cho thịt vào nồi nấu, hớt bọt và lấy nước thịt ra để riêng. Sau đó cho thêm gừng, lá chanh, vỏ chanh, cam phơi khô và tí muối. Nấu khoảng một tiếng đổ nước ban nãy vào trở lại và thêm chút hoa hồi giã.
Khi nồi thịt sôi, giảm lửa rồi đổ tiết chó vào cho nước quánh lại, nêm nếm gia vị tùy ý thích. Hiện nay ở Polynésie, thói quen ăn thịt chó đang ngấm ngầm phát triển.
Người bán thịt trên xe lưu động chỉ cần rỉ tai với người quen nói có món ragu thịt chó, người ta truyền tai nhau kéo đến mua, người chậm chân có khi chẳng còn. Nói chung, giá món chó cao hơn các món thịt khác nên món chó được xem như món sang dành cho lễ lạt.
Thịt chó là sơn hào hải vị
Bộ tộc Oglala Lakota (Mỹ) nuôi chó nhà và cả chó thịt - Ảnh: Aaron Huey
Tại Mỹ, đầu thế kỷ 20 người ta vẫn ăn thịt chó vào thời điểm thiếu thịt. Năm 2018, có 43 bang không cấm ăn thịt chó.
Các bang cấm ăn thịt chó gồm California, Georgia, Hawaii, Michigan, New Jersey, New York và Virginia. Tuy nhiên, Mỹ cấm lò mổ giết mổ chó và cửa hàng bán thịt chó.
Theo học giả chuyên nghiên cứu về chó Mark Derr ở Mỹ, một số bộ tộc da đỏ Bắc Mỹ xem thịt chó tơ là sơn hào hải vị. Họ chỉ ăn thịt chó trong ngày lễ hoặc khi có khách đặc biệt.
Tại khu bảo tồn thổ dân Pine Ridge ở hạt Oglala Lakota (Nam Dakota), bộ tộc Oglala Lakota nuôi chó nhà, đặt tên cho chó và không bao giờ ăn thịt, song cũng nuôi chó thịt dùng để cúng và không đặt tên.
Họ xem ăn thịt chó là dấu hiệu đặc trưng phân biệt giữa họ với người da trắng.
Người dân ở Trung Mỹ và Nam Mỹ xem thịt chó là nguồn cung cấp chất đạm quan trọng, đặc biệt là thổ dân Aztec ở Mexico. Họ thiến chó và nuôi béo để sử dụng thịt.
Nguy cơ nhiễm bệnh từ thịt chó
TTO - Những người thích xơi thịt chó ở Hàn Quốc, Trung Quốc hay Việt Nam đều tin rằng thịt chó có công dụng tráng dương, cường thận.
Nhà nghiên cứu Rakhyun E. Kim (Úc) nhận xét dù không có chứng cứ khoa học nhưng 33% số người ăn thịt chó ở Hàn Quốc vẫn tin thịt chó tốt cho nam giới. Theo Tổ chức Hỗ trợ quốc tế cho động vật Hàn Quốc (IAKA), con buôn đã bơm steroid vào thịt chó hoặc bỏ thuốc vào canh hầm và nước ép thịt chó.
Tại Việt Nam, nhiều người vẫn tin rằng ăn thịt chó giúp cường dương bổ thận, tăng cường sinh lực
Nhà nhân học NIR AVIELI ở Israel
Món ăn truyền thống?
Ngành công nghiệp thịt chó ở Hàn Quốc rất tích cực quảng bá với người cao tuổi rằng thịt chó giúp phục hồi thể lực, bồi bổ sức khỏe và điều hòa thân nhiệt. Bởi vậy tại Hàn Quốc, món lẩu thịt chó được gọi là "bosintang", nghĩa là "món hầm cải thiện sức khỏe".
Vào ba ngày nóng nhất trong năm cuối tháng 7, đầu tháng 8, dân Hàn xơi thịt chó rất kinh để cân bằng âm dương. Dân Indonesia ăn tim chó những mong trị được hen suyễn, dân Nigeria nghĩ thịt chó trị được bệnh sốt rét, còn dân Thụy Sĩ tin rằng thịt chó ngăn ngừa bệnh thấp khớp.
Về chất lượng dinh dưỡng của thịt chó, thông tin rất mâu thuẫn. Tổ chức IAKA nhận xét chất lượng thịt chó không hơn các thú nuôi khác, thậm chí còn nhiều mỡ hơn. Ngược lại, theo hai tiến sĩ Katarzyna J. Cwiertka và Boudewijn C. A. Walraven (Hà Lan), thịt chó chứa protein dễ tiêu, giàu acid béo không bão hòa dạng đa thể, chứa nhiều vitamin A, B1, B2 và ít cholesterol.
Dân Hàn Quốc cho rằng khi bị hạ thịt, chó đau đớn tiết adrenalin khiến thịt ngon hơn và tốt cho sức khỏe hơn. Dân Trung Quốc và Việt Nam cũng tin chó chết càng đau, thịt càng ngon và cường dương hơn. Song báo The Korean(Hàn Quốc) khẳng định chó bị stress trước khi chết sẽ làm thịt kém ngon hơn.
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của nhà nhân học Nir Avieli (Israel), nguyên nhân ăn thịt chó liên quan đến thể lực và nam tính, đồng thời thể hiện thái độ phóng khoáng. Song cũng như ở Indonesia, nhiều người Việt nghĩ rằng ăn thịt chó sẽ bị xui.
Thịt chó có phải là món truyền thống hay không? Tại Hàn Quốc, nhiều người khẳng định thịt chó là biểu tượng văn hóa, vì dân Triều Tiên vào thế kỷ 1 trước Công nguyên đã ăn thịt chó. Nhưng ở quốc gia này, các món ăn được đặt tên theo thành phần chủ chốt, còn các món thịt chó không dùng từ "chó", mà chỉ gọi văn vẻ là món hầm bốn mùa, món hầm dinh dưỡng, món hầm phục hồi thể lực. Văn hóa Hàn Quốc cũng không chấp nhận đối xử tàn ác với động vật.
Tại Trung Quốc, phe ủng hộ thịt chó là món ăn truyền thống khẳng định lễ hội thịt chó Ngọc Lâm có nguồn gốc lâu đời, và là một phần văn hóa Trung Quốc. Ngược lại, theo nhà nghiên cứu Quách Bàng ở Đại học Sơn Đông, lễ hội này mới hoạt động cuối thập niên 1990. Ông giải thích dân làng quanh Ngọc Lâm chỉ làm thịt chó lúc đói kém, còn lễ hội Ngọc Lâm được tổ chức lúc hạ chí trong khi người Trung Quốc chỉ ăn thịt chó vào mùa đông.
6 nguy cơ nhiễm bệnh từ thịt chó
Trong luận án tiến sĩ về đề tài "Diễn tiến chế độ ăn thịt chó trên thế giới", nghiên cứu sinh Galassi Valérie Noëlle ở Đại học Paris-XII (Pháp) ghi nhận có 6 nguy cơ gây bệnh từ thịt chó.
Đầu tiên là thịt chó nhiễm thuốc và chất kháng sinh. Lồng nhốt chó vừa chật hẹp vừa mất vệ sinh và cơm thừa canh cặn nuôi chó đã tạo điều kiện lây nhiễm bệnh. Để phòng bệnh, chủ nuôi tại Hàn Quốc cho chó dùng kháng sinh liều cao. Viện Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và môi trường ở Seoul đã từng kiểm tra và nhận thấy thịt chó bán ở chợ chó Moran có dư lượng kháng sinh vượt tiêu chuẩn.
Điều kiện nuôi nhốt và bối cảnh chờ giết mổ đã gây stress cho chó. Khi đó, chó tiết ra steroid, adrenalin và corticoid liều cao trong thịt. Theo tiến sĩ Irwin H. Putzkoff, ăn thịt chó bị stress sẽ yếu sinh lý chứ không cường dương bổ thận như nhiều người lầm tưởng.
Kế đến là nguy cơ thịt chó nhiễm khuẩn như vi khuẩn đường ruột Salmonella, tụ cầu khuẩn, xoắn khuẩn Leptospira, vi khuẩn Brucella. Tại Hàn Quốc, biết chó chết vì bệnh nhiễm, người nuôi chó vẫn giết chó rồi đông lạnh chờ bán và ngây thơ tin rằng thịt đông lạnh an toàn. Có người mua chó xà mâu với giá rẻ giết thịt và thui da để người mua không biết.
Tại Trung Quốc, một số lò mổ vất thịt chó bừa bãi dưới đất bẩn. Chó không được treo thòng đầu xuống để máu chảy nhanh tránh vi khuẩn chuyển dịch. Một số nhà hàng bán thịt chó cũng không bảo đảm vệ sinh.
Tại Nigeria, khảo sát của Đại học Calabar cho thấy trong 8/9 bệnh nhân mắc bệnh dại liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với thịt chó; 28% số chó bị giết để ăn thịt nhiễm bệnh dại nhưng không có thợ giết mổ nào tiêm chủng.
Theo nhà nghiên cứu Philip Paul Mshelbwala, trong 8 lò mổ chó ở Nigeria, 5% trong 100 mẫu nước bọt và óc của chó nhiễm virút bệnh dại và 95% thợ đã từng bị chó cắn khi giết mổ. Tương tự Nigeria, nguy cơ lây nhiễm bệnh dại khi giết mổ chó cũng tồn tại ở Việt Nam, Trung Quốc, Philippines. Tại Trung Quốc, nơi tổ chức lễ hội thịt chó thuộc nhóm 10 thành phố có số ca bị nhiễm bệnh dại nhiều nhất nước.
Ăn thịt chó chưa nấu chín còn là nguyên nhân gây bệnh giun xoắn Trichinella. Ngoài ra, ăn thịt chó còn có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng giun chỉ Dirofilaria immitis. Muỗi hút máu chó có thể truyền ấu trùng giun chỉ cho người. Các điểm nuôi chó và chợ chó ở Hàn Quốc đều rất ít phòng ngừa bệnh này.
Cuối cùng, ăn thịt chó có nguy cơ nhiễm các kim loại nặng gồm chì, asen, cadmium. Kim loại nặng tích tụ trong thịt chó từ thức ăn thừa và đồ phế thải dành cho chó. Chưa kể thịt chó bị bắt trộm bằng cách đánh thuốc như ở Trung Quốc hay Việt Nam cũng có thể gây chết người.
Trên bãi biển Bali (Indonesia) người bán dạo mời du khách mua thịt chó xiên que - Ảnh: Animals Australia
Không thể đối xử tàn nhẫn với chó
Tháng 8-2018, Tổ chức Dog Meat-Free Indonesia đã công bố hình ảnh ngược đãi chó, mèo tại chợ Tomohon ở miền bắc Indonesia. Chó, mèo bị nhốt trong lồng chật hẹp, nhiều con có dấu vết bị đánh. Chúng bị siết cổ, bị đập bằng gậy cho đến chết rồi bị thui bằng đèn xì.
Tổ chức Animals Australia (Úc) đã mở cuộc điều tra trên đảo Bali để tố cáo cách giết mổ chó quá tàn nhẫn và trái phép ở Indonesia. Người buôn chó còn mua cả chó bị thuốc bằng xyanua hoặc chó trong vùng có dịch bệnh dại.
Thịt chó thoái trào
TTO - Hiện nay, xu thế ăn thịt chó ngày càng giảm. Do sức ép của các tổ chức bảo vệ động vật, các nước và vùng lãnh thổ còn giữ thói quen ăn thịt chó đã sử dụng khuôn khổ pháp luật để hạn chế ăn thịt chó hoặc bắt buộc giết mổ chó nhân đạo hơn.
Chừng nào Trung Quốc chưa xây dựng luật bảo vệ động vật, ít có khả năng mọi người thay đổi thái độ
Peter Li (phụ trách chi nhánh Tổ chức Nhân đạo quốc tế ở Trung Quốc)
Không có luật chuyên ngành
Theo tiến sĩ Anthony L. Podberscek (Úc), người đầu tiên phản đối ăn thịt chó tại Hàn Quốc là phu nhân tổng thống Lý Thừa Vãn. Kết quả mọi người vẫn ăn, chỉ có tên món lẩu thịt chó là "gaejangguk" (lẩu chó) được đổi lại thành "bosintang" (món hầm tăng lực) vào năm 1945. Từ thập niên 1980, dân Hàn mới xem xét lại thói quen ăn thịt chó do các tổ chức bảo vệ động vật chỉ trích nhiều quá.
Năm 1988, Hàn Quốc từng cấm bán các món ăn từ chó trong nhà hàng nhưng chẳng ai quan tâm. Tại Hàn Quốc, thịt chó không nằm trong danh sách thực phẩm dành cho người, song Hàn Quốc không có luật chuyên ngành về chó nên không có luật điều chỉnh việc nuôi nhốt, giết mổ, kinh doanh hay kiểm tra an toàn thực phẩm đối với chó. Trước các sự kiện quốc tế lớn, cơ quan chức năng thường vận dụng pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm và luật bảo vệ động vật để dẹp bớt các điểm mua bán thịt chó. Luật bảo vệ động vật năm 2007 cấm giết động vật tàn nhẫn như siết cổ, giết nơi công cộng, giết trước con vật khác, gây đau đớn. Luật quy định thế nhưng các nhà hàng vẫn giết chó bằng nhiều cách dã man như siết cổ, chích điện, nấu sôi, thui lông, chọc tiết, đập chết. Hai cách phổ biến nhất là treo cổ và chích điện.
Khác với Hàn Quốc, Trung Quốc cho phép mua bán thịt chó và mở lò mổ chó nhưng cấm lưu thông chó không rõ nguồn gốc. Song Tổ chức "Động vật châu Á" ở Hong Kong ghi nhận 90% là chó bị giết trong các lò mổ lậu hoặc như giết ở chợ, nhà hàng, điểm thu mua chó, ngoài đường sá. Thịt chó bán ở chợ có nguồn gốc loạn xạ, bao gồm chó không tiêm chủng, chó bị đánh thuốc, chó bị bắt trộm...
Cấm giết mổ, kinh doanh, chứ không cấm ăn
Năm 1998, Philippines cấm giết mổ chó. Người vi phạm bị phạt tù từ 2 tháng đến 2 năm và bị phạt tiền. Dù vậy, luật có cũng như không. Mỗi năm có 0,5 triệu con chó bị giết thịt. Một số chính trị gia sẵn sàng xơi thịt cầy. Người bán thịt chó lậu đưa ít tiền, cảnh sát dễ dãi cho qua. Nếu bị bắt, người vi phạm chỉ phải trả món tiền phạt nhỏ. Tại châu Á, giết chó ăn thịt cũng bị cấm tại Singapore, Hong Kong, Đài Loan, Thái Lan.
Pháp chỉ cấm giết mổ và kinh doanh thịt chó chứ không cấm ăn chó, tuy nhiên rất khó ăn thịt chó tại Pháp vì phải tìm lò mổ đúng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Tương tự Pháp, Thụy Sĩ cấm kinh doanh thịt chó chứ không cấm ăn tại nhà. Luật không quy định cách giết mổ chó.
Tại Mỹ, hầu hết các bang không cấm giết chó, mèo để cá nhân ăn thịt hay bán trực tiếp thịt cho người khác. Mới đây, ngày 12-9-2018, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật mang tên "Luật cấm kinh doanh thịt chó và thịt mèo 2018" (HR 6720) thay cho luật bảo vệ động vật. Dự luật cấm giết mổ, vận chuyển, giao nhận, sở hữu, mua bán, tặng cho chó, mèo và các bộ phận chó, mèo để ăn thịt, trừ các bộ tộc thực hiện các hành vi trên vì mục đích nghi lễ tôn giáo. Người vi phạm sẽ bị phạt đến 5.000 USD cho mỗi hành vi vi phạm. Dự luật đã được chuyển cho Thượng viện xem xét.
Bảo vệ phúc lợi động vật
Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, Polynésie thuộc Pháp, chiến lược của các tổ chức bảo vệ động vật là kêu gọi bảo vệ phúc lợi của chó. Tại Trung Quốc, chó bị chích điện, siết cổ, bị giết trước mặt đồng loại như ở Hàn Quốc. Trong lễ hội thịt chó Ngọc Lâm, có lúc chó bị giết nơi công cộng, bị đánh đến chết hoặc bị cho vào chảo nước sôi khi chưa chết hẳn. Tổ chức "Bảo vệ phúc lợi động vật" (AWI) ở Mỹ ghi nhận cảnh hành hạ chó bằng cách siết cổ, thui lông cũng xảy ra tại Philippines, Việt Nam, Indonesia, Nigeria. Còn tại Polynésie thuộc Pháp, luật chỉ cho phép ăn thịt chó trong gia đình và chỉ được giết chó sau khi gây choáng để khỏi làm đau chó. Dù vậy, các tổ chức bảo vệ động vật vẫn cho rằng cách giết chó như thế ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh Polynésie trong mắt du khách.
Tổ chức AWI nhận xét hiện nay ở Hàn Quốc có hai lối suy nghĩ trái ngược về ăn thịt chó. Người nhiều tuổi vẫn muốn ăn trong khi các bạn trẻ xem chó là người bạn tốt. Một cuộc khảo sát năm 2011 cho thấy 70% trong 1.000 người được hỏi nghĩ rằng chó thịt hay chó cưng đều phải được bảo vệ như nhau. Ý thức này hình thành từ giáo dục và thông tin của giới trẻ.
Tại Trung Quốc, năm nào cũng có kiến nghị quốc tế phản đối lễ hội thịt chó Ngọc Lâm. Do sức ép của các tổ chức bảo vệ động vật, năm 2014 số lượng giảm còn 2.000-3.000 con và năm 2015 chỉ còn 1.000 con bị giết thịt so với 10.000 con trước đó. Tại Thụy Sĩ, người dân vẫn kiến nghị cấm ăn thịt chó. Kiến nghị năm 2014 thu thập hơn 16.000 chữ ký so với năm 1993 chỉ được 6.000 chữ ký.
Đài Loan là vùng lãnh thổ đầu tiên ở châu Á cấm ăn thịt chó. Năm 2001, Đài Loan sửa đổi luật bảo vệ động vật 1993 xác định mọi loài chó đều là chó nhà và cấm hạ thịt để ăn hay bán. Ngày 11-4-2017, Đài Loan tiếp tục sửa luật với quy định cấm tiêu thụ, mua bán, sở hữu thịt chó, mèo và ngược đãi chó, mèo. Người vi phạm có thể bị phạt tù đến 2 năm và phạt tiền đến 2 triệu Đài tệ. Danh tính và hình ảnh người vi phạm sẽ được công bố.
Giết chó là hành vi trái pháp luật
Năm ngoái, Tổ chức "Quyền cùng tồn tại của động vật trên trái đất" (CARE) tại Hàn Quốc kiện một chủ trại ở Bucheon giết động vật vô cớ, vi phạm luật về vệ sinh an toàn thực phẩm và quy định xây dựng. Tháng 4-2018, tòa tuyên phạt bị đơn 3 triệu won. Đây là lần đầu tiên tòa án Hàn Quốc phán quyết giết chó ăn thịt là hành vi trái pháp luật. Hai tháng sau, nghị sĩ Pyo Chang Won đã trình dự luật sửa đổi luật bảo vệ động vật với quy định cấm giết động vật, trừ phi động vật đó bị giết căn cứ luật về quản lý vệ sinh gia súc hay phải xử lý thú y.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét