TTO - Mỗi năm từ đầu mùa xuân, khoảng thời gian lễ Phục sinh, cho tới đầu mùa thu, khoảng tháng mười, thì người Đan Mạch có thú ra chợ trời. Gọi là 'ra' vì đây là thú vui cho cả người mua lẫn người bán.
Người dân Bắc Âu nói chung trọng sự khiêm tốn, thích lối sống giản dị, tiết kiệm, không khoa trương, nên không ngại dùng các mặt hàng second-hand. Chuyện tái sử dụng còn được khuyến khích vì mục đích bảo vệ môi trường.
Thế nên khi có những món đồ không cần dùng nữa mà còn tốt thì người ta đem tặng Hội Chữ thập đỏ, Lion Club, để các tổ chức này đem cứu trợ hay bán lại cho người cần dùng với giá tượng trưng, hoặc đem bán cho các cửa hàng đồ cũ hay ra chợ trời.
Các thành phố lớn nhỏ tại Đan Mạch đều có các cửa hàng bán đồ cũ, từ quần áo, giày dép túi xách "hàng hiệu" thứ thiệt, tới đồ gỗ, đồ trang trí nội thất của các nhà thiết kế nổi tiếng thế giới như Hans Wegner, Arne Jacobsen… và không thể thiếu các khu chợ trời.
Chợ trời tại đây được họp trên những khu đất trống dành cho các hoạt động ngoài trời của địa phương, theo lịch được định sẵn. Ai muốn tham gia thì đăng ký thuê mặt bằng với Ban Quản lý.
Giá thuê thay đổi theo địa phương và quy mô của chợ nhưng nói chung là rẻ so với mức sinh hoạt bình thường vì lợi nhuận thu vào chẳng là bao. Tiền cho thuê thì sau khi trừ những chi phí tối thiểu, sẽ được dùng vào các hoạt động công ích.
Người Đan Mạch gọi chợ trời là "Loppemarked", như "Flea market" trong tiếng Anh, "Loppe" hay "Flea" - nghĩa là "con rệp", có lẽ do nhiều người bán hay chuyển từ chợ này qua chợ khác. Nhiều người không phải là dân bán hàng chuyên nghiệp như chị Inga tôi gặp tại chợ Vig, do trong nhà có quá nhiều đồ đạc không cần dùng nên đem ra chợ bày bán.
Lại có những người ra chợ bán hàng như một thú tiêu khiển trong những ngày hè đẹp trời Các cơ sở sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ thì ra chợ trời để tiếp thị sản phẩm. Các mặt hàng do vậy, rất phong phú và đa dạng.
Tại đây người ta có thể tìm thấy tranh, ảnh, sách cũ, đĩa nhạc cũ, đồ cổ (thật), nữ trang, hàng lưu niệm được mang về từ các chuyến du lịch xa, đồ kỷ niệm, hàng gia dụng, thủ công mỹ nghệ, quần áo giày dép cả cũ lẫn mới… Chợ trời cũng là nơi tốt nhất để tìm các món bổ sung cho các bộ đồ sứ, đồ bạc, đồ pha lê trong nhà bị hao hụt theo thời gian.
Nhiều khu chợ trời có quy mô lớn như chợ Hillerød, có tới hơn 350 quầy, thỉnh thoảng còn có văn nghệ giúp vui cho khách, có gốc gác từ các "Tuskemarked" - phiên chợ trao đổi tại các vùng nông thôn khi xưa, nơi người trong vùng tụ họp để trao đổi hàng hóa.
Chợ trời Vig, họp hai lần một tuần trong suốt mùa hè trên một cánh đồng rộng mênh mông, người đi như trẩy hội, có bán cả cây giống, rau trái củ quả, mật ong của các nông trại trong vùng, mứt trái cây nhà làm, hàng len sợi đan tay…
Bán đảo Jylland có nhiều trang trại lớn, thì chợ trời nơi đây có nhiều nông cụ, đồ phụ tùng máy móc các loại. Một số nơi lại có "chợ trời xe hơi" họp trên các khu phố đi bộ. Mỗi người tham gia đem tới chợ số hàng hóa chất vừa trong một xe du lịch.
Đối với nhiều người thì chợ trời còn là nơi cho mọi người gặp gỡ, tụ họp như các phiên chợ của người nhập cư Hồi giáo tại Copenhagen hay Aarhus, những nơi có nhiều người nhập cư sinh sống,
Nơi tôi ở hiện nay, Rørvig, có rất đông du khách cả, trong nước lẫn quốc tế, trong mùa hè, nên tất nhiên có chợ trời. Chợ trời Rørvig có thâm niên hơn 30 năm, tuy nhỏ, chỉ có chừng hơn 50 quầy, nhưng rất thú vị.
Ngoài những quầy bán hàng thủ công mỹ nghệ của các nghệ nhân trong vùng như hàng len đan tay, đồ gốm, nữ trang, đồ lưu niệm, còn có những quầy trưng bày tác phẩm của một số họa sĩ, nhiếp ảnh gia trong tỉnh.
Họa sĩ Tom Asmussen, 75 tuổi, cho biết thu nhập của ông chủ yếu đến từ các galleries, tiền tác quyền từ các bức tranh được dùng làm bưu thiếp, ông ra chợ vì thích tiếp xúc, trao đổi về nghệ thuật với khách tham quan. Chị Anne Lise thì bày ảnh nghệ thuật để mọi người ngắm cho vui chứ không bán.
Tại chợ trời Rørvig tôi được gặp hai người rất dễ mến là chị Mette, giáo viên mầm non và ông Niels, công nhân viên hưu trí. Hai vị bỏ công đi gom sách truyện, truyện tranh thiếu nhi cũ trong họ hàng, bạn bè, đem ra chợ bán rẻ cho các cháu.
Theo ông Niels thì đây cũng là một cách khuyến khích trẻ em đọc sách. Sách báo tại Đan Mạch rất đắt, nên khi có thể mua 4-5 cuốn với giá chỉ bằng một cây kem thì các bé rất vui, mà người bán cũng vui nữa!
Một số hình ảnh chợ trời Rørvig - Ảnh: Q.V
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét