Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

Nước có dân số trẻ nhất thế giới

Ảnh: Wikimedia Commons
Niger (tên chính thức Cộng hòa Niger) là quốc gia ở Tây Phi, giáp Nigeria, Bénin, Burkina Faso, Mali, Algérie, Libya và Tchad. Diện tích Niger là 1.267.000 km2, dân số tính đến năm 2018 là 22,5 triệu.
World Population Review năm 2018 thông tin, Niger có tuổi trung bình thấp nhất thế giới, ở mức 15,3 (15,2 tuổi đối với nam giới và 15,4 tuổi đối với nữ giới).
Khái niệm tuổi trung bình có nghĩa độ tuổi này chia dân số đất nước thành hai nhóm bằng nhau, một nửa già hơn và một nửa trẻ hơn độ tuổi đó. Tuổi trung bình chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, chẳng hạn tỷ lệ sinh, phát triển kinh tế xã hội và tuổi thọ trung bình của từng quốc gia.
Ảnh: World Atlas
Ảnh: World Atlas
Phần lớn quốc gia có tuổi trung bình dưới 20 đều thuộc châu Phi. Điều này phản ánh thực tế rằng tình trạng nghèo đói, bệnh tật và xung đột liên tục khiến tuổi thọ của người dân nhiều nước châu Phi thấp hơn các nước phát triển.
Tuy vậy, Niger có tuổi thọ trung bình là 61,8, khá cao so với một số quốc gia châu Phi khác. Chẳng hạn, Sierra Leone có tuổi trung bình là 19 và tuổi thọ trung bình chỉ 50,1.
Các nước phát triển mạnh có tuổi trung bình cao gồm Nhật Bản (46,9) và Đức (46,8). Monaco - quốc gia nhỏ bé ở châu Âu đứng đầu danh sách tuổi trung bình - 52,4. Tuổi thọ ở các nước này cũng rất cao. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, Nhật Bản xếp thứ nhất với 83,7 (số liệu thống kê này không bao gồm Monaco).

Quốc kỳ Niger có hình tròn ở trung tâm

Quốc kỳ Niger có ba sọc ngang màu cam - trắng - xanh lá cây với một hình tròn màu cam ở trung tâm (trên sọc trắng), theo Britannica.
Khi hiến pháp của Đệ ngũ Cộng hòa Pháp được thông qua năm 1958, Niger (một trong những lãnh thổ Tây Phi thuộc Pháp thời đó) trở thành nước cộng hòa tự trị thuộc Cộng đồng Pháp. Tuy nhiên, chỉ có cờ tam sắc của Pháp tung bay ở Niger vào ngày 19/12/1958, một ngày sau khi giành quyền tự trị. Lá cờ mới được Niger chọn vào ngày 23/11/1959, tiếp tục được sử dụng sau khi đạt được nền độc lập hoàn toàn vào ngày 3/8/1960.
Ba sọc ngang của quốc kỳ Niger không bao gồm các màu sắc của chủ nghĩa liên châu Phi (xanh lục, vàng và đỏ) như quốc kỳ nhiều nước láng giềng.
Quốc kỳ Niger. Ảnh: The Flag Shop 
Quốc kỳ Niger. Ảnh: The Flag Shop 
Trên cờ Niger, màu cam đại diện cho phía bắc và phía đông đất nước, chủ yếu được bao phủ bởi sa mạc Sahara, cũng như thể hiện những nỗ lực của dân tộc để khắc phục điều kiện môi trường khắc nghiệt. Màu trắng được cho là biểu trưng của sự thanh khiết, hồn nhiên cũng như ý thức và trách nhiệm của công dân. Màu xanh lá cây đại diện cho phía tây nam Niger và những vùng đất màu mỡ của nền nông nghiệp trù phú.
Quốc kỳ Niger có một số điểm tương đồng với một vài quốc kỳ khác. Chẳng hạn, cờ Ireland và Bờ Biển Ngà cũng sử dụng ba màu cam, trắng và xanh lá cây, nhưng là sọc dọc; cờ Ấn Độ có ba sọc ngang màu tương tự, chỉ khác về sắc độ. Có lẽ vì vậy mà biểu tượng mặt trời nhiệt đới màu da cam được thêm vào sọc trung tâm của lá cờ Niger để tạo sự khác biệt.

Tên nước Niger bắt nguồn từ con sông

Nước Niger lấy tên từ sông Niger, chảy qua phía tây nam lãnh thổ. Đây là con sông quan trọng ở Tây Phi, dài 4.180 km. Cái tên Niger bắt nguồn từ cụm từ gher n-gheren trong ngôn ngữ Tuareg, có nghĩa “dòng sông giữa các dòng sông”.
Theo Interesting Africa Facts, sông Niger có dòng chảy bất thường bậc nhất trong số sông lớn trên thế giới. Thượng nguồn cách Đại Tây Dương khoảng 240 km, nhưng thay vì chảy vào Đại Tây Dương, nó hướng vào đất liền, cách xa biển và đâm thẳng vào sa mạc Sahara. Sau đó, nó quay ngoặt gần thành phố Timbuktu và đổ vào vịnh Guinea.
Làng ven sông Niger. Ảnh: Reddit
Làng ven sông Niger. Ảnh: Reddit
Sông Niger rất sạch vì nguồn của nó chứa rất ít bùn. Khoảng giữa Segou và Timbuktu, độ dốc của con sông giảm mạnh và hình thành vùng châu thổ nội địa sông Niger. Vùng châu thổ này có kích thước xấp xỉ nước Bỉ. Độ dốc giảm làm cho dòng chảy của sông giảm, tạo ra nhiều hồ và suối. Vào mùa mưa, khu vực bị ngập, tạo điều kiện tuyệt vời để đánh bắt cá và canh tác nông nghiệp.
Mungo Park, nhà thám hiểm Scotland là người châu Âu đầu tiên nhìn thấy sông Niger vào năm 1796.

Biệt danh của Niger là chảo lửa của thế giới

Facts King thông tin, Niger có khí hậu cận nhiệt đới, phần lớn diện tích đất bị ảnh hưởng bởi môi trường sa mạc khô cằn, đặc điểm chính là rất nóng và khô. Đây là một trong những quốc gia nóng nhất, nổi tiếng với biệt danh “chảo lửa của thế giới”. Không khí ở khu vực sa mạc Sahara có thể nóng đến mức làm cho hạt mưa bốc hơi trước khi rơi xuống đất.
Những phụ nữ ở làng Lawaye Hayi Himo, Niger đang trồng kê. Ảnh: PBS
Những phụ nữ ở làng Lawaye Hayi Himo, Niger đang trồng kê. Ảnh: PBS
Theo Weather and Climate, ở phía đông Niger, lượng mưa hàng năm chỉ 20 mm. Mùa mưa rơi vào tháng 5 đến tháng 10, chủ yếu là tháng 7 và tháng 8. Tại thủ đô Niamey, nhiệt độ cao nhất trong ngày dao động từ mức trung bình 31 độ C vào tháng 8 lên mức 41 độ C vào tháng 4. Ban đêm thường mát hơn, dưới 20 độ từ tháng 11 đến tháng 2.

Cây keo Ténéré từng được xem là cây cô độc nhất thế giới

Cây keo Ténéré ở vùng Ténéré của sa mạc Sahara, phía đông bắc Niger từng được mệnh danh là “cây cô độc nhất thế giới”. Trong bán kính 400 km tính từ cây keo này, người ta không thể tìm thấy bất cứ cái cây nào khác. Do đó, đây là một trong những cột mốc quan trọng nhất ở khu vực trong suốt thế kỷ 20, nằm ven cung đường giao thương của đoàn lữ hành buôn muối trên sa mạc.
Theo Telegraph, bộ tộc du mục Tuareg luôn tìm kiếm cây Ténéré trên những hành trình bất tận, nhưng không bao giờ lấy cành làm củi đốt hay cho phép gia súc ăn bất kỳ một chiếc lá nào của nó.
Cây keo Ténéré. Ảnh: Telegraph
Cây keo Ténéré. Ảnh: Telegraph
Khi ngày càng nhiều nhà thám hiểm sa mạc tìm đến Sahara, sự tồn tại của cây keo Ténéré khiến họ kinh ngạc. Không chỉ trở nên nổi tiếng, nó thậm chí còn được đánh dấu làm cột mốc trong những bản đồ quân sự của quân đội châu Âu vào những năm 1930.
Tới khi một chiếc giếng được đào lên gần cây keo, bí mật về sự sống kỳ diệu của cây keo Ténéré được phát hiện. Vì mặt đất của sa mạc hoàn toàn khô cằn, cái cây đã vươn bộ rễ sâu tới hơn 30 mét để tìm đến nguồn nước ngầm. Người ta ước tính nó khoảng 300 tuổi.
Tuy nhiên, vào năm 1973, cây Ténéré đã bị một chiếc xe tải đâm gục, kết thúc sứ mệnh quan trọng của mình. Xác cây được đưa vào bảo tàng quốc gia Niger. Một cái cây kim loại được đặt vào chỗ cũ của cây keo như để tưởng nhớ đến sự tồn tại của nó trên sa mạc Sahara.

Thùy Linh - Tổng hợp

Không có nhận xét nào: