Từ TP. Hồ Chí Minh, chuyến bay đêm của hãng hàng không Emirates đã đưa đoàn chúng tôi đến với thành phố Dubai sau bảy giờ bay. Khi đoàn đến, Dubai còn chìm trong màn đêm.
Từ trên cao nhìn xuống, hàng triệu ánh sáng đèn lung linh của thành phố làm ai nấy càng háo hức khám phá và trải nghiệm ở một vương quốc được xem là giàu có nhất thế giới.
Khi nhắc đến Dubai ngày nay, đa phần du khách đều nghĩ đến đây là thành phố siêu giàu có với những tòa cao ốc chọc trời, những khách sạn bảy sao với kiến trúc độc đáo, hiện đại, hay những hòn đảo nhân tạo khổng lồ với công nghệ kỹ thuật cao tưởng chừng như không thể thực hiện được. Nhưng người dân Dubai vẫn không quên quá khứ nghèo khó của mình, họ đã xây dựng bảo tàng Dubai để nhắc nhở cháu con không quên nguồn cội. Để tìm hiểu về cuộc sống của người dân Dubai khi xưa như thế nào, chúng tôi đã đến tham quan bảo tàng Dubai, một nơi trưng bày sống động về cuộc sống của người dân bản xứ trước kia.
Vào thập niên 1970, ông hoàng Sheikh Rashid Bin Saeed Al-Maktoum (1912-1990) đã quyết định chọn pháo đài Al Fahidi Fort (do người Anh xây dựng từ năm 1817) để làm bảo tàng Dubai. Tuy không hào nhoáng, đồ sộ như các bảo tàng ở phương Tây nhưng bảo tàng Dubai vẫn thể hiện đầy đủ quá trình sáu thập niên vươn lên của các cư dân Ả Rập để có được ngày hôm nay. Bước qua cổng bảo tàng, hình ảnh đầu tiên là con thuyền Al Banoush, một phương tiện chuyên chở người và hàng hóa xuôi ngược trên con lạch Dubai Creek nối với vịnh Ba Tư. Bên cạnh đó là một ngôi nhà truyền thống của người Ả Rập với phên dậu làm từ gỗ và lá cọ. Phía trước là một giếng nước – thứ quý hơn vàng ở vùng hoang mạc. Ngôi nhà của đại đa số người dân Dubai ngày xưa nhìn sơ qua cũng khá giống ngôi nhà tranh ở làng quê Việt Nam. Đồ đạc, giường ghế trong nhà được mô phỏng lại một cách chân thật.
Có lẽ không gian tầng hầm của bảo tàng mới là nơi khiến chúng tôi cảm thấy thú vị và ngạc nhiên nhất. Ở đây, người ta tạo những lối đi và bài trí những căn nhà liền nhau như một con phố và đặt các tượng sáp, một cách khoa học và sống động không thua kém bất cứ bảo tàng sáp nào trên thế giới. Toàn bộ các gian trưng bày tái hiện sinh động cuộc sống thường ngày, đặc biệt là những bức tượng với màu sắc, kích cỡ và trang phục như người thật, khiến chúng tôi ngỡ mình đang bước vào thế giới của người Ả Rập xưa. Cảnh ngư dân kéo thuyền, đánh cá, làm cá, lặn bắt ngọc trai. Cảnh cửa hàng tạp hóa truyền thống bên cạnh một ông thầy đang dạy trẻ con học chữ. Rồi cửa hàng may và cửa hiệu kim hoàn. Màu sắc nhất là phiên bản chợ gia vị Dubai từ thế kỷ XIX, ở đó, các loại gia vị và đồ ăn như tiêu, ớt, gừng, tỏi, thảo mộc, chà là, vừng… được bày bán trong các bao tải đặt bên cửa sổ hoặc trên bàn nằm bên ngoài cửa tiệm. Ngoài ra, bảo tàng còn dành một góc để tái hiện nghề đóng ghe thuyền truyền thống ở Dubai. Những con thuyền Al Banoush có khả năng ngược xuôi từ Dubai Creek đến các nước thuộc vùng Vịnh.
Mặc dù không có nhiều thời gian ghé thăm nhưng bảo tàng Dubai đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn phần nào về cuộc sống, đất nước và con người thời xưa của vùng đất kỳ diệu này.
Huỳnh Nguyễn (DNSGCT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét