Dù hành trình khá vội vàng với nhiều kế hoạch nhưng chuyến đi Bulgari của chúng tôi vẫn có những giờ thong thả ở Plovdiv, thành phố lâu đời bậc nhất châu Âu, lâu đời hơn cả Rome, Athens hay Constantinople.
Những con đường sáu ngàn năm tuổi
Xe bus từ thủ đô Sofia đi Plovdiv không phải là chậm mà sao hành khách cứ thấy cảnh vật lâu thay đổi. Những vườn nho, ruộng lúa mì hay cánh đồng hướng dương tuy đẹp nhưng quá bạt ngàn, làng xóm thưa thớt hiếm hoi khiến thiên nhiên đôi lúc trở nên đơn điệu. Cũng phải thôi, Bulgary đất nông nghiệp rộng lớn trù phú nhưng ít dân, đã vậy nông dân phần lớn đang muốn rời bỏ quê nhà đi tìm một cuộc sống sôi động hơn.
Từng lưu lại nhà một người quen ở đồng quê nước này, chúng tôi lúc đầu thì thích, sau đó có phần ngán cách mà họ tiêu khiển để quên ngày dài. Đó là những bữa ăn kéo lê thê từ 7 giờ tối đến 3, có khi là 4 giờ sáng hôm sau. Thức ăn từng đĩa lớn dọn ra thơm phức, rượu rót đều đều, khói thuốc tỏa mù mịt. Đàn ông cũng như phụ nữ trò chuyện rôm rả, khiêu vũ say sưa đến tàn canh mà chẳng biết mệt. Trong khi chúng tôi chỉ đến 12 giờ là mắt mở không lên.
Con đường lát đá nhỏ chạy giữa các tòa nhà tuyệt đẹp |
Cứ mặc định rằng ở những thành phố nhỏ của Bulgari khái niệm thời gian chẳng quá quan trọng. Vì vậy mà chúng tôi đã phải ngạc nhiên khi thấy Plovdiv có khá nhiều cột đồng hồ cổ xưa, trong đó có cái tuổi đời lâu bậc nhất châu Âu mà vẫn chạy tốt đến bây giờ. Plovdiv 300 ngàn dân êm đềm ngày nay thật ra đang nằm lọt thỏm giữa thành Philibe rộng lớn, đông đúc, náo nhiệt ngày xưa. Sự phồn hoa đã bắt đầu hình thành từ 6.000 năm trước.
Dưới thời Ottoman, Philibe là thành phố lớn nhất và giàu có nhất trong mười thành phố của đế chế – ngang ngửa với Istanbul. Trước đó nữa, dưới thời thống trị của La Mã và Hy Lạp, Philibe cũng nổi tiếng là đô thị quan trọng. Không quan trọng sao được khi từ trước Công nguyên, người Thrace đã ra sức xây dựng thành quách này làm điểm trung chuyển lớn trên con đường từ Á sang Âu, từ Đông sang Tây và từ biển Đen sang biển Adriatic. Nếu có dịp đi xuyên suốt Balkan, du khách sẽ thấy nhiều tàn tích từ chuỗi mười đô thị cổ huy hoàng của người Thrace – nhóm bộ tộc định cư ở Tây Bắc bán đảo này – ngày nay là một phần của Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgari.
Khu vực trung tâm ăn uống, mua sắm náo nhiệt nhất của Plovdiv |
Không chỉ được “nể vì” nhờ tuổi tác, Plovdiv thu hút nhiều du khách yêu lịch sử bởi thành phố như một bảo tàng sống mở ra nhiều chương hồi của sử thi các nền văn minh. Từ mùi hương, cảnh vật, người dân, đường phố… tất cả đều có thể kéo người ta trở lại quá khứ. Ngồi giữa ban công khi nắng đã nhạt, nhấp ly trà thơm pha kiểu Thổ Nhĩ Kỳ rồi nhìn ra những kiến trúc cổ trải dài đến ngút tầm mắt, nhiều người thấy mình rơi vào trạng thái phi thời gian. Dù luôn tự nhắc mình rằng cuộc sống hiện đại vẫn đang diễn ra đằng sau bức tường các nhà thờ Chính thống giáo, Công giáo, Hồi giáo… nhưng cứ đặt chân lên những đoạn đường lát đá đã lên nước nhẵn bóng là tâm trí du khách lại lạc vào khúc phim lịch sử sống động cảnh giao thương, truyền giáo, tranh giành ảnh hưởng của các triều đại. Hai bên đường, từ những dinh thự nhiều cửa sổ kiểu Ottoman hay một giếng nước cũ thời Byzantine đều nhắc người ta nhớ lại những thời kỳ vô cùng rực rỡ.
Nhà thờ kiến trúc đặc trưng Bulgari ở gần Plovdiv |
Sáu ngọn đồi và phố bên sông
Plovdiv vốn được hình thành và mở rộng dần trên vùng đất có bảy quả đồi thoai thoải (nay chỉ còn sáu vì một ngọn đồi đã bị san phẳng cách đây chưa lâu). Uốn lượn giữa những ngọn đồi là dòng sông Maritsa mảnh mai màu xanh thẫm. Đi qua cây cầu có mái che, chúng tôi cố kìm lòng trước các quầy hàng lưu niệm bày kín hàng thủ công đẹp mắt. Đồ thủ công mỹ nghệ phong cách Bulgari, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ tinh xảo sáng tạo lạ lùng. Tuy nhiên kiến trúc cổ hai bên bờ sông có quá nhiều thứ phải nhìn ngắm trước khi mặt trời lặn. Dấu vết của đô thị Thrace vẫn còn trên đồi với các nền nhà và chân tường bên cạnh bậc thang rải sỏi.
Kiến trúc thường thấy trong phố cổ Plovdiv |
Phố cổ thời Thổ Nhĩ Kỳ dọc theo thung lũng bảo tồn khá tốt các tòa dinh thự pha trộn nhiều phong cách kiến trúc. Không phải nhà nào cũng còn người ở nhưng vẻ hoang tàn chưa chạm đến được Plovdiv. Hoa vẫn nở tràn trề, từng ô biệt thự nằm dọc phố dốc thoai thoải vẫn ngay ngắn, gọn gàng. Nhìn kỹ sẽ thấy các ngôi nhà tuy xây kiên cố nhưng cái đẹp luôn được đặt hàng đầu với hàng cột và lan can chạm khắc tinh xảo, khung cửa và hành lang được chăm chút, đó là chưa kể tượng, phù điêu trang trí sống động.
Một khúc sông Maritsa dưới nắng trưa |
Trung tâm phố cổ khá tấp nập với khách sạn, quán ăn, quán cà phê… Lướt qua mặt tiền phố đông vui, chúng tôi dừng chân ở quảng trường Dzhumaya vốn là một đấu trường La Mã cổ đại. Dzhumaya rộng lớn, nằm vắt giữa hai quả đồi, sức chứa lên đến 30 ngàn người. Dù bị đổ nát và chôn vùi khá nhiều nhưng phần sân và 14 tầng khán đài phía Bắc còn lại vẫn nguyên. Di sản từ thời La Mã còn phải kể đến nhà hát có sức chứa 7 ngàn người ở gần đó. Nhà hát cũng có 14 tầng khán đài, sân trình diễn ba tầng được trang trí bằng những hàng cột, phù điêu và tượng tuyệt đẹp, vẻ xa hoa thời trước Công nguyên còn lưu giữ được nhờ lớp đá hoa cương trắng óng ánh.
Chúng tôi đi được một vòng tàm tạm quanh các di tích lớn thì mặt trời chỉ còn một mảnh rực đỏ phía sau ngọn đồi. Thành phố chợt mát dịu, những con đường lát đá rợp bóng cây trông tươi tỉnh trở lại. Từng vạt nắng loang dần trên bức tường cổ xưa. Giờ này, các gia đình ở Plovdiv đang chuẩn bị cho bữa tối dài nhiều món, chúng tôi thì cố gắng đi thăm một bãi di vật lớn như bảo tàng lộ thiên. Rất nhiều phù điêu ngàn năm tuổi còn sắc nét phác họa lại từng mảng đời sống thời Thrace. Điều ngạc nhiên là những di vật quý giá ấy dù được bảo vệ sơ sài nhưng chẳng hề bị trộm cắp. Người dân Plovdiv không cần phải mang vài món về nhà trưng bày làm gì. Bởi vì họ như vẫn còn ôm cả quá khứ trong tay.
Theo Deplus
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét