Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

Nắng đổ trên thành Fatehpur Sikri

Chiếc xe bus cũ kỹ từ thủ đô New Delhi thả chúng tôi tại đầu ngôi làng nhỏ khi mặt trời vừa bắt đầu gay gắt. Vậy là phải cuốc bộ một đoạn trên con đường gập ghềnh thì cả nhóm mới lên đến đỉnh đồi, nơi có tòa thành Fatehpur Sikri – di sản văn hóa được UNESCO công nhận ngự trị hơn năm trăm năm qua. Len lỏi qua khu chợ quê với các quầy hàng nhỏ xíu đủ màu sắc, sau khi mỏi miệng vì từ chối các lời mời mọc chúng tôi cũng đứng trước cổng thành cổ kính. Sau cánh cổng kỳ vĩ ấy, một loạt công trình kiến trúc nguy nga vẫn còn nguyên vẻ đẹp tuyệt vời dù đã trải qua nhiều thế kỷ hoàn toàn bị quên lãng.
Nắng đổ trên thành Fatehpur Sikri
Fatehpur Sikri sau bốn thế kỷ bị lãng quên
Phế đô lộng lẫy
Được xây dựng chủ yếu bằng sa thạch, dưới ánh nắng miền Bắc Ấn, tòa thành Fatehpur Sikri rộng ba cây số vuông như chiếc vương miện hồng ngọc tọa lạc trên một vùng đồi cằn cỗi. Điều đáng ngạc nhiên là quần thể những cung điện, đền đài, tòa án, nhà thờ Hồi giáo đồ sộ có kiến trúc phức tạp này chỉ mất 15 năm để xây dựng. Hoàng đế Akbar, vị vua lỗi lạc trong lịch sử Ấn Độ đã để lại dấu ấn cá nhân một cách đậm nét lên phong cách mỹ thuật đặc sắc của thành Fatehpur Sikri. Đích thân nhà vua đôn đốc xây dựng, tham gia thiết kế để tạo nên một kinh đô lộng lẫy nhất chào mừng cậu con trai mới ra đời.
DN575_DDDT190914_Fatehpur-Sikri-6
Phế đô trong nắng chiều
DN575_DDDT190914_Fatehpur-Sikri-8
Một góc phòng họp của nhà vua
DN575_DDDT190914_Fatehpur-Sikri-5
Hành lang lộng lẫy trong cung điện
DN575_DDDT190914_Fatehpur-Sikri-6
Phế đô trong nắng chiều
DN575_DDDT190914_Fatehpur-Sikri-8
Một góc phòng họp của nhà vua 
Chuyện kể rằng Akbar có ba hoàng hậu, một bà theo Ấn Độ giáo, một bà theo đạo Hồi và một người theo đạo Thiên Chúa, vì vậy mà kiến trúc các tòa hậu cung pha trộn phong cách của ba tôn giáo đó. Các vườn thượng uyển dành cho mấy bà hoàng dạo chơi cũng được tạo hình rất cầu kỳ. Hoàng đế còn tâm lý đến mức thiết kế hẳn một phòng riêng để các bà vợ chơi… bịt mắt bắt dê! Trung tâm của tòa thành là một hồ nước lớn, giữa hồ có sân khấu ca nhạc.
DN575_DDDT190914_Fatehpur-Sikri-3
Lăng mộ bằng cẩm thạch trắng
Chúng tôi leo lên lầu Daulat Khana, nơi để hoàng đế xem các buổi biểu diễn. Từ đây nhìn thấy được toàn bộ thành cổ. Được hoàn thành vào năm 1585, cách thức xây dựng và quy hoạch của Fatehpur có ảnh hưởng lớn đến quy hoạch của các thành phố khác tại Ấn Độ. Còn muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp chi tiết cũng như óc sáng tạo của người xưa thì du khách phải đi qua từng căn phòng, qua từng sảnh hành lang dài hun hút với gam màu đỏ đậm nhạt thay đổi theo con nắng. Cả nhóm bắt đầu từ Diwan-i-Khas, phòng họp tối cao của nhà vua với lối thiết kế thể hiện rõ quyền lực nhưng vẫn có những góc uốn lượn thanh thoát. Bên cạnh Diwan-i-Khas là căn phòng lưu giữ các bảo vật của hoàng gia, nghe nói báu vật được cất giấu trong những hốc bí mật trên tường, trên xà nhà chạm khắc nhiều thú dữ đang nhe răng đe dọa trông sinh động như thật.
DN575_DDDT190914_Fatehpur-Sikri-7
Hồ nước trung tâm, nơi biểu diễn ca nhạc phục vụ hoàng gia
DN575_DDDT190914_Fatehpur-Sikri-9
Kiến trúc ở hậu cung
 
DN575_DDDT190914_Fatehpur-Sikri-7
 
 
Hồ nước trung tâm, nơi biểu diễn ca nhạc phục vụ hoàng gia
 
DN575_DDDT190914_Fatehpur-Sikri-9
Kiến trúc ở hậu cung 
Nơi làm việc của hoàng đế ngăn cách với hậu cung bằng khu vườn thượng uyển. Nổi bật nhất trong chốn ở của các mỹ nhân có thể kể đến cung Rumi Sultana, viên ngọc lấp lánh nhất của kinh đô xưa. Akbar thật là một ông vua lãng mạn khi dành tặng cho người đẹp của mình một tuyệt tác điêu khắc độc nhất vô nhị. Toàn bộ cung điện được xây bằng đá sa thạch và chạm khắc kín các họa tiết hoa lá, phong cảnh từ mái nhà đến các bức tường, các khung cửa. Cũng giống như các lâu đài thành quách ngoài kia, dù sắc đá sa thạch đã phai màu theo thời gian nhưng vẫn còn ánh lên sắc hồng ấm áp dưới ánh mặt trời.
Những báu vật bị lãng quên
Làm cho người ta choáng ngợp nhất ở Fatehpur Sikri có lẽ là giáo đường Hồi giáo Jama Masjid với cánh cổng khải hoàn môn Buland Darwaza cao tới 54m. Làm bằng đá sa thạch màu cam, được chạm khắc tô điểm bằng cẩm thạch trắng và những phù điêu điêu khắc, những mái vòm trắng tinh tế… cổng thành thật rực rỡ, nhất là trong ráng chiều tím đỏ. Cổng này mang ý nghĩa chiến thắng vì nó được xây dựng để mừng một chiến thắng quân sự lớn của Akbar. Phải leo lên hàng trăm bậc thang du khách mới có thể chạm tay vào cánh cổng được cho là vĩ đại nhất châu Á.
DN575_DDDT190914_Fatehpur-Sikri-2
Cánh cổng Buland Darwaza cao tới 54m
Bị bỏ hoang trong bốn trăm năm, Buland Darwaza vẫn còn nguyên vẻ kỳ vĩ và tinh xảo ở từng chi tiết nhỏ. Đằng sau cánh cổng có một tòa lăng mộ được tạc từ cẩm thạch trắng toát thờ một nhà hiền triết đã giúp hoàng đế có thái tử nối dõi. Ngày nay, các gia đình hiếm muộn vẫn tìm tới đây, gửi lời cầu nguyện vào những sợi chỉ đỏ buộc lên các khung cửa cẩm thạch. Độc đáo nhất của lăng mộ này phải kể đến những tấm “rèm cửa” cũng làm bằng đá cẩm thạch mài thật mỏng và đục lỗ vô cùng sắc sảo. Du khách ai nấy trầm trồ thán phục người xưa kỳ công mài các tảng cẩm thạch nguyên khối trở nên mỏng như tấm rèm cửa. Được dùng để bao quanh toàn lăng mộ, những rèm đá này có tác dụng để ánh sáng bên ngoài chỉ lọt vào vừa đủ. Vậy nên ánh sáng trong lăng luôn rất dịu và huyền ảo, đủ để người ta chiêm ngưỡng từng chi tiết hoa văn được chạm chắc bởi đá màu và xà cừ óng ánh trên tường.
DN575_DDDT190914_Fatehpur-Sikri-4
Kiến trúc còn nguyên vẹn sau thời gian dài hoang phế
Đi đã mỏi chân, ngắm nhìn đã mỏi mắt, vậy mà lòng ai nấy còn tiếc nuối vì rất nhiều các tinh hoa kiến trúc của Fatehpur Sikri vẫn còn nằm ẩn mình sau những cánh cổng đá nơi chúng tôi chưa kịp đặt chân vào. Du khách đến thăm phế đô này thường chỉ tham quan di tích trong một ngày vì tìm được nơi nghỉ lại qua đêm không dễ. Xung quanh kinh đô xưa làng mạc cũng rải rác nhưng điều kiện sinh hoạt sơ sài đến mức khó tin.
Dù muôn phần lộng lẫy nhưng Fatehpur Sikri vẫn chỉ là một thành tựu nhỏ trong sự nghiệp lừng lẫy của Hoàng đế Akbar. Ngay khi kinh đô vừa được hoàn tất thì nhà vua rời bỏ nó để đến một tòa thành mà ông vừa giành được sau trận chiến với các bộ tộc người Afghanistan. Cho đến khi được người Anh tìm ra vào cuối thế kỷ XIX, Fatehpur Sikri đã trải qua bốn thế kỷ hoàn toàn bị quên lãng. Những tuyệt tác sa thạch không biết đã bao nhiêu lần rực lên màu cam nhức mắt lúc ban trưa, và thẫm đỏ dịu dàng trong ánh chiều muộn, dù không còn một ông hoàng bà chúa nào ở đó ngắm nhìn… 
Thùy Trang/doanhnhancuoituan

Không có nhận xét nào: