Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

Những vệt màu tương phản ở Myanmar

Với những ai chưa bao giờ đặt chân đến mảnh đất nằm bên rìa còn lại của châu Á như Myanmar, thật khó để hình dung có bất cứ mối tương quan nào giữa những trái dâu tây đỏ mọng mướt mát với những người Shan cả đời chẳng bao giờ ra khỏi làng.
Những vệt màu tương phản ở Myanmar
Hàng dài khách du lịch xới tung cánh đồng Bagan.
Mọi thứ trở nên mâu thuẫn khi những đỉnh tháp chùa có thể nằm cùng dưới một bầu trời với nhà máy rượu vang thơm nức mùi men ở xứ này.
Nằm lọt thỏm giữa những dãy núi, thị trấn Hsipaw (bang Shan, Đông Bắc Myanmar) dường như là chốn buồn tẻ nhất trên bản đồ du lịch Myanmar. Trưa hè, những con đường nho nhỏ, bụi phủ mờ dẫn ra triền sông đang bị thiêu đốt trong cái nắng cau có mặt người, lượn vòng quanh những nếp nhà lợp lá và cánh đồng dưa hấu đang ra trái. Lúc ngồi trong căn nhà sàn cổ lỗ, nghe vị đắng ngang phè của cà phê đen trôi xuống họng, tôi nghĩ Hsipaw hệt như một cô gái thôn quê ngái ngủ đang che vội vàng khuôn miệng xinh xắn khỏi những cái ngáp vặt. Nhịp sống ở đây trôi chầm chậm hệt như tiếng quệt hồ lên chiếc lá quấn điếu thuốc trong tiệm tạp hóa bé con con bên kia đường. Đến Hsipaw để đi bộ đường dài qua những cánh đồng thơm mùi lúa, hay ngủ đêm dưới chái nhà của người Shan, hay chỉ đơn giản ngả mình xuống một phòng khách sạn rẻ tiền và tránh xa khỏi những phố thị ồn ào ở Yangoon, Mandalay…là tất cả những gì người ta có thể làm ở cái thị trấn này.
Cầu nguyện ban đêm trên chùa Shwedagon, Yangon, trái tim Phật giáo của Myanmar
Từ khi Myanmar mở cửa, khách du lịch rầm rập đổ vào để thỏa mãn cơn tò mò kéo dài hàng chục năm về một đất nước đã khép cửa trong một thời gian rất dài. Những con đường nhựa vốn chẳng đủ rộng cho hai chiếc xe tránh nhau trở nên hỗn loạn khi một tai nạn chắn lối cua đường vòng. Ở bến xe khách nồng nặc mùi bụi và nước thải, những người phụ nữ Shan mặc chiếc áo vải bạc màu, bán cho khách du lịch từng giỏ dâu tây căng mọng với giá 250 kyat (khoảng 6.000 VND.) Những trái dâu đỏ tươi, tan dịu dàng trong cái nắng oi nồng đang chuẩn bị nổ tung trên đầu những gã Tây balô vốn quen sống xứ lạnh. Ở Hsipaw, có một quán nước tôi đặc biệt yêu thích có cái tên lãng mạn Valentines. Nằm khiêm tốn trong góc nhỏ nơi hai con đường Sabal và Aung Tha Pyay giao nhau, quán nước có cô bé phục vụ với đôi mắt đen láy bán thứ sữa dâu ngon nhất mà tôi từng uống trong một chiều nắng cháy mặt người.
Những làng nổi nghèo trên hồ Inle.
Tôi cố gắng để tìm chút gì đó đồng điệu giữa những giỏ dâu căng mọng với những người dân tộc thiểu số Shan cả đời chẳng đi đâu ra khỏi ngôi làng, nhưng có lẽ cái nắng gay gắt cũng không thể giúp ích được gì hơn. Màu đỏ tươi của những trái dâu dường như tương phản hoàn toàn với cái màu buồn bã của cơn nghèo cứ vồ vập lấy những ngôi làng chẳng có gì hơn là những mái nhà tranh. Nó gợi tôi nhớ đến cái nhà máy rượu vang ở thị trấn Nyaung Shwe (bang Shan) với thứ vang màu hồng cá hồi Rose D’Inle hay màu vàng tươi của Chardonnay, chúng tương phản hoàn toàn với những người đánh cá trong cái nắng bàng bạc trên hồ Inle, càng không có chút gì liên quan đến những chiếc thuyền chở bí về nhà từ khu ruộng nổi mà trên đó, những người sống dưới mức nghèo lấy chân đẩy đẩy mái chèo đầy điệu nghệ.
Những cô gái Myanmar với đôi má óng ánh bột Thanaka, vừa làm duyên vừa để chống lại cái nắng gay gắt
Sự vồn vã của những người khách Tây phương lại càng khiến mọi thứ trở nên tương phản hơn. Những chiếc quần ngắn, áo hai dây lạc lõng khi lướt qua những vạt longyi thậm thượt trên phố. Tôi thấy yêu sao cái vẻ đầy nữ tính khi một cô gái Miến nép dưới chiếc dù che nắng, nhón từng bước chầm chậm dọc theo con đường bụi, hay cái vẻ nam tính phong trần của anh chàng Myanmar vừa mặc longyi vừa đánh roi lên đàn bò đang dẫn ra ruộng. Mai đây khi Myanmar mở cửa đủ rộng, những dòng thác lũ phương Tây sẽ đổ vào, tôi ước sao sẽ vẫn được thấy những đôi môi đỏ thắm cơi trầu, hay đơn giản là đôi má ánh vàng bột Thanaka của các cô nàng Miến, hoặc cái nếp hiền lành của những người cứ đến chiều tối thì lại cầm hoa lên chùa Shwedagon ở Yangoon mà đốt nến, cầu nguyện dưới bóng bảo tháp vàng ròng nặng cả mấy chục tấn, mà chẳng mảy may bận lòng nghĩ đến việc chiếm nó làm của riêng.
Hai phụ nữ Myanmar trong chiếc longyi truyền thống
Chiều Bagan, tôi đi chầm chậm phía sau ba nhà sư trẻ đến từ Yangoon đang thăm thú những ngôi chùa cổ. Chúng tôi đi bộ điềm nhiên giữa cái nắng miết mải đổ xuống đầu, nói thứ tiếng Anh vừa đủ để hiểu. Ngoài kia trên những con đường mòn, hàng dài xe du lịch chở khách đang xới tung dải đồng trơ gốc rạ, để lại sau lưng đám bụi mù trời.
Hiện Vietnam Airlines đã có đường bay thẳng đến Myanmar. Muốn tiết kiệm chi phí, du khách có thể đi đường vòng với một chặng dừng cùng Air Asia (chuyển chuyến bay tại Kuala Lumpur hoặc Bangkok), Thai Airways (chuyển chuyến bay tại Bangkok)…
Các điểm du lịch nổi tiếng nhất tại Myanmar có thể kể đến như: Yangon, Kyaiktiyo, cánh đồng Bagan, hồ Inle, Mandalay và vùng phụ cận như Inwa, Amarapura, Sagaing, Mingun… Để di chuyển giữa các nơi trong nội địa, bạn có thể sử dụng máy bay của Air Bagan, Air KBZ, Myanma Airways hay Air Mandalay… Bình dân hơn thì có tàu hoả, xe buýt và thuyền. Các loại xe buýt được dùng tại Myanmar hầu hết là đời cũ, ban ngày hiếm khi chạy máy lạnh, nhưng ban đêm có thể bật máy lạnh rất mạnh. Nếu đi xe đò ban đêm, nhớ mang áo hoặc chăn đắp cho đủ ấm.
Tại Yangon có thể tìm được các khách sạn/nhà nghỉ giá rẻ trong khu Chinatown. Ở Mandalay các khách sạn có sẵn gần cung điện Mandalay. Viếng thăm Bagan, thị trấn Nyaung U gần đó là nơi lý tưởng nhất (vị trí gần, giá cả phải chăng). Còn ở hồ Inle, lựa chọn cho khách sẽ đa dạng hơn: những khách ưa nghỉ dưỡng và ngân sách rủng rỉnh có thể chọn các resort ngay giữa hồ, còn nếu ngân sách vừa phải thì có thể tìm khách sạn ở thị trấn Nyaung Shwe và thuê thuyền đi thăm viếng lòng hồ.
Bài và ảnh: Đinh Hằng

Không có nhận xét nào: