Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

Kenya hoang dã

Kỳ lạ ngôi làng sống bằng... máu


Ky la ngoi lang song bang... mau
Theo chân đoàn du khách Việt Nam đầu tiên do Công ty du lịch Thanh niên xung phong (VYC Travel) tổ chức, tôi đã được khám phá một thế giới hoang dã ở miền biên giới hai nước Kenya và Tanzania.

Cuộc sống thuở hồng hoang
Ngoài sức tưởng  tượng, khi từ thủ đô Nairobi của Kenya xuôi về biên giới phía nam giáp với Tanzania, chúng tôi đã ghé thăm một ngôi làng sống như thuở hồng hoang thuộc bộ lạc Maasai.
Làng có tên là Kasoe thuộc hạt Narok. Cả làng có 87 nhân khẩu nhưng đều thuộc huyết thống của trưởng làng Kasoe và con trai ông là Soyianjet.  Đón chúng tôi, trong trang phục truyền thống màu đỏ sặc sỡ của người Maasai, Soyianjet cho biết cha anh qua đời cách đây mấy năm, để lại 7 bà vợ và 42 đứa con, trong đó anh là con của bà vợ đầu tiên, nên giờ anh nghiễm nhiên trở thành trưởng làng. Bản thân anh hiện giờ mới chỉ có... 2 vợ và 5 đứa con.
Gọi là làng và có tên hẳn hoi, nhưng tất cả đường đi, những ngôi nhà đều làm từ phân bò, chỉ duy nhất “cổng” làng  và “thành” làng là làm bằng những nhánh cây khô chất cao khoảng nửa thân người lớn, mà theo Soyianjet, để tránh thú dữ tấn công về đêm vì chỉ cần đứng từ ngôi làng này cũng có thể nhìn thấy hàng đàn thú với nhiều loại đang nhởn nhơ chạy nhảy xung quanh.
Chúng tôi bước vào cổng làng lúc mặt trời đã ngả về tây, tất cả mùi phân bò, mùi da thú như xộc thẳng vào mũi. Những đứa bé lòng thòng mũi dãi, ruồi bu đầy mặt mũi tóc tai khóc ré lên chạy trốn khi tôi đưa máy ảnh lên và ngoắc tay muốn chụp cùng các bé một tấm hình. Cuối cùng thì cũng có cái để “dụ” các bé, như bao đứa trẻ trên thế giới này: kẹo. Những bàn tay thật nhỏ bé, những thân hình thật nhỏ bé giữa trời đất bao la của châu Phi sao nghe như lòng mình có chút gì đó rưng rưng…
Ngôi làng chu vi khoảng chừng 500m và có khoảng 40 căn nhà. Gọi là nhà nhưng thật ra nhìn giống như những hộp diêm khổ lớn được lợp và trát bằng phân bò, theo lời Soyainjet thì mưa không thấm, nắng không nóng và chống được cái lạnh vào mùa đông. Tất cả những ngôi nhà và kể cả chuyện chăn nuôi gia súc (chủ yếu là bò, cừu, dê) đều do những người phụ nữ Maasai đảm trách.
Soyianjet dẫn tôi vào ngôi nhà của anh. Lách qua song cửa hẹp, tôi phải nhắm mắt rất lâu mới mở ra mà vẫn không thấy gì. Hóa ra có 2 lỗ thông ánh sáng nhỏ như nút chai bia mà Soyianjet chưa kịp mở. Hai cái lỗ bé xíu này sẽ được mở để lấy ánh sáng vào ban ngày và được bịt lại vào ban đêm để ngăn không cho muỗi bay vào.
Những miếng da bò, da cừu, da dê ghép lại thành chăn, mền, giường chiếu. Một bếp lửa và những vật dụng sơ sài như thời tiền sử. Đến đây thì tôi càng ngạc nhiên hơn khi cái làng này vẫn chưa chịu xài lửa từ những chiếc hộp quẹt, mà vẫn dùng một mảnh sắt, một cái cây và bùi nhùi của vỏ cây để tạo lửa. Tôi đã vò nát cả cái cây và hai bàn tay đỏ lự mà không có tí lửa nào, đến khi một chàng trai của làng chỉ cần 2 phút đã “đánh” lên ngọn lửa xanh rực rỡ!
Lấy máu làm thức uống
Một ngạc nhiên nữa, đó là phần lớn người ở ngôi làng này chỉ ăn thịt và uống máu thú vật pha với sữa bò chứ không dùng bất cứ thứ ngũ cốc nào. Thịt bò, dê và cừu là thức ăn chính của họ hằng ngày, nhưng  họ thường uống máu của những con thú này ít nhất là 3 lần một tuần.
Và cũng đừng nghĩ là họ sẽ giết bò, dê, cừu để lấy máu mà uống. Một phương pháp chắc chỉ có người Maasai mới nghĩ ra, đó là dùng một vật sắc bén cứa vào phần thân hoặc cổ của con bò để lấy máu, sau đó dùng phân của chính con vật đó đắp lên vết thương chữa lành cho nó. “Máu này khi hòa với sữa sẽ làm no cái bụng được mấy ngày và người rất khỏe”, Soyianjet cho biết.
Câu chuyện với Soyianjet chưa dứt thì cơn mưa bất chợt ập đến, nên chúng tôi nhanh chóng rời khỏi ngôi làng bởi vì không thể tìm đủ chỗ để tránh mưa, và dưới chân chúng tôi hàng hàng lớp lớp phân bò đang sắp bị chảy nhão ra vì nước mưa.
Khi chúng tôi lên xe, Soyianjet và một vài thanh niên trong làng còn chạy theo nói rằng anh rất muốn “chiêu đãi” đoàn du khách từ Việt Nam một bữa... máu bò nếu có thời gian. Chúng tôi hứa sẽ quay lại. 
Sáng hôm sau tôi và anh Trần Văn Trường, Tổng giám đốc VYC Travel quyết định trở lại làng Kasoe để xem cách “xin tí huyết” bò như thế nào. Thật đơn giản khi họ dùng một con dao bé, sắc nhọn rồi một tay vỗ vỗ vào đầu bò, tay kia nhanh như cắt cứa lên thân bò và thế là máu chảy ra có vòi. Họ dùng những cái chén bằng gỗ hứng máu rồi đổ sữa vào, uống ngon lành. Thật ái ngại vô cùng khi cả hai chúng tôi đều đành từ chối vì cái tội… nhát máu của mình.
Thật là khó có thể hình dung với chúng ta, nhưng biết đâu đó chính là niềm hạnh phúc của những con người ấy. Hay như Soyianjet nói: “Chúng tôi không muốn sống khác hơn những gì ông cha chúng tôi đã từng sống!”.
Theo Cao Minh Hiển ( Nguồn: ihay.thanhnien.com.vn)

Câu chuyện thú vị về bộ lạc đa thê


Kenya hoang da - Ky 2: Cau chuyen thu vi ve bo lac da the
Trở lại câu chuyện những người đàn ông được lấy nhiều vợ thuộc bộ lạc Maasai, có vô số những điều mà chắc đàn ông Việt Nam phải thán phục.
Lấy được nhiều vợ nhờ có nhiều bò
Trong những ngày thám hiểm khu bảo tồn thiên nhiên Masai Mara lớn nhất Kenya, hầu như tất cả những người đàn ông chúng tôi gặp, từ lái xe, nhân viên phục vụ đều có 2 vợ trở lên, trong đó không ít người mới chỉ đôi mươi.
Những người đàn ông này đều thuộc bộ lạc Maasai, mặc dù họ đã thoát khỏi đời sống nơi hoang dã nhưng vẫn duy trì truyền thống ngàn đời của cha ông là phải lấy được nhiều vợ, có nhiều con mới xứng danh là con cháu của bộ lạc Maasai.
Họ có thể đi làm tận Nairobi hay trong khu nghỉ dưỡng cao cấp Mara Simba Lodge thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Masai Mara, rồi cũng trở về những ngôi làng của mình để lấy vợ và sinh con như một niềm hãnh diện với bộ lạc. Tuy nhiên, để lấy được nhiều vợ thì người đàn ông Maasai cũng phải có chút vốn liếng lận lưng.
Anh Edward, nhân viên làm việc tại Mara Simba Lodge, cho biết lúc anh chuẩn bị lấy người vợ đầu, anh có 10 con bò và đã dùng 5 con để làm sính lễ nhà vợ, còn lại 5 con anh tiếp tục chăm sóc cho đến khi đàn bò sinh sôi được 15 con, lại dùng tiếp 5 con lớn để làm sính lễ cưới vợ thứ hai. Hiện tại 2 bà vợ của anh đang nuôi 10 con bò còn lại và anh định khi đàn bò tăng lên 20 con thì anh sẽ lấy vợ ba.
Nhưng không phải ai cũng suôn sẻ trong việc lấy nhiều vợ, như trường hợp của Daniel, tài xế đưa đoàn chúng tôi tham quan là một ví dụ. Năm nay, anh chuẩn bị bước sang tuổi 30 nhưng đã có 2 vợ và 5 con. Anh kể, khi phải lòng người vợ thứ hai, do không có đủ số bò cần thiết để làm lễ cưới, nhưng anh không muốn chờ đợi, vì vậy anh đã thực hiện một chuyện tày đình là dắt nàng của mình trốn sang làng khác sinh sống.
Gia đình cô gái vô cùng tức giận, họ đưa cả trưởng làng đến nhà gặp ba mẹ anh đòi lại con gái. Biết được “nỗi lòng” của con trai, nên ba mẹ anh đều lắc đầu xem như không biết chuyện gì. Hai tháng sau, anh và người vợ trở về làng thì mọi việc đã rồi. Đợi đến khi đứa con được 1 tuổi, anh mới có đủ 5 con bò để làm sính lễ nhà vợ.
Kể đến đây anh không giấu nổi niềm tự hào về “thành tích” của mình và cho chúng tôi biết sẽ phấn đấu cưới cho được 4 vợ, bởi vì cha của anh năm nay ngoài 50 tuổi nhưng có 3 người vợ và 16 người con, anh muốn được hơn cha mình 1 vợ, vì… “con hơn cha là nhà có phúc” (!?).
Giới trẻ muốn thay đổi tục đa thê
Đàn ông đa thê của bộ lạc Maasai này cũng như nhiều nơi ở châu Phi không còn là chuyện lạ, nhưng không phải ai thuộc bộ lạc này hay đàn ông Kenya đều thích thú chuyện đó.
Naisola, hiện là trưởng tiếp tân của khu Mara Simba Lodge cũng là người thuộc bộ lạc Maasai, cho biết ba cô đã thoát ly khỏi đời sống hoang dã của người Maasai ở vùng Narok, ông học hành đến nơi đến chốn và cũng lấy mỗi mẹ của cô.
Bản thân Naisola cũng đã tốt nghiệp cao đẳng ở Nairobi, có thể nói được 3 ngôn ngữ: Anh, Pháp và tiếng Swahili. Theo Naisola, là một người có học thức thì khó mà chấp nhận người chồng của mình có nhiều vợ. Vì thế nên tuy Naisola đã 30 tuổi nhưng  cô vẫn chưa lấy chồng.
Bên cạnh đó, cũng có những người đàn ông Kenya thuộc những bộ lạc khác, hay những người theo đạo (Kenya có 62% dân số theo Công giáo) cũng không lấy nhiều vợ. Anh Ongoto, 21 tuổi, sinh viên Trường cao đẳng Nhà hàng khách sạn Nairobi, thuộc bộ lạc Kish, theo đạo Tin Lành và đang là thực tập sinh tại khu Mara Simba Lodge khẳng định là mình sẽ chỉ lấy một vợ.
Theo Naisola và Ongoto, Kenya còn nghèo nên hạn chế việc nhiều vợ và nhiều con thì mới mong đất nước phát triển. Trong mắt của 2 bạn trẻ này khi trò chuyện với chúng tôi, ánh lên một khát vọng về sự thay đổi tập tục để không còn những em bé ra đời trong khốn khó như các bé ở làng Kasoe, cách không xa nơi họ làm việc.
Câu chuyện nghèo đói và dân số là bài toán chưa có lời giải của không riêng Kenya mà của cả lục địa đen này.
Chuyện “trả bài” của cánh đàn ông Maasai cũng là điều đáng tò mò. Đàn ông Việt luôn “khoe” chiến tích của mình còn thực chất đến đâu thì chỉ có... trời mới biết. Đàn ông Maasai rất thực tế, nên khi chúng tôi hỏi vui Edward về khoản...  “trả bài”, anh cười đầy sung sướng: “Chuyện nhỏ mà, cứ luân phiên từng vợ thôi”.
Anh cũng cho biết đàn ông Maasai rất khỏe một phần là nhờ thường xuyên uống máu bò pha với sữa. Dẫu vậy, đôi khi họ cũng không “hoàn thành nhiệm vụ” vì như Edward cả tháng trời mới về thăm nhà một lần, mà 2 bà vợ thì bà nào cũng muốn được gần gũi trước. Thế là đành “van xin” mỗi bà bớt mặt ủ mày ê rồi từ từ sẽ tính.

Theo Cao Minh Hiển/ ihay.thanhnien.com.vn

Cuộc chiến sinh tồn trên thảo nguyên


Kenya hoang da - Ky 3: Cuoc chien sinh ton tren thao nguyen
Cuộc chiến sinh tồn của ngựa vằn, linh dương với bầy sư tử hung dữ hiển hiện ngay trước mặt chúng tôi ở Khu bảo tồn thiên nhiên Masai Mara của Kenya.
Miền hoang dã - Kỳ 3: Cuộc chiến sinh tồn trên thảo nguyên
Đàn ngựa vằn nhởn nhơ ăn cỏ - Ảnh: C.M.H
Khám phá thế giới hoang dã trên khinh khí cầu
Sau một ngày ngồi trên xe đặc chủng để xuyên rừng và thảo nguyên đi vào những bộ lạc của người Maaisa ở Narok - Masai Mara, cách thủ đô Nairobi 240 km về phía nam, chúng tôi bắt đầu bước vào cuộc khám phá thế giới hoang dã của một trong những khu bảo tồn động vật lớn của châu Phi bằng 2 phương tiện: khinh khí cầu và xuyên rừng bằng xe cam nhông. 
Có thể nói chưa bao giờ chúng tôi được tận mắt chứng kiến một buổi bình minh trên thảo nguyên đẹp đến vậy. 4 giờ 30 rời nhà nghỉ, 5 giờ 30 đến điểm tập trung. Và đúng 6 giờ, những luồng lửa phừng phực của khinh khí cầu đưa chúng tôi lên độ cao 300 m để phóng tầm mắt nhìn mặt trời đang chói đỏ từ đằng đông trên thảo nguyên mênh mông.
Khu bảo tồn thiên nhiên Masai Mara rộng 1.672 km2 dường như nhỏ lại trong tầm nhìn của chúng tôi. Hàng đàn linh dương, ngựa vằn, hươu cao cổ đang bắt đầu bước vào một ngày mới khi đua nhau về hướng có nhiều cỏ xanh nhất. Cạnh bờ suối, 2 con heo rừng đang cố gắng kéo xác một con linh dương mà trước đó có thể đã bị sư tử tấn công rồi nó cố gắng chạy thoát và gục ngã tại đây.
Trên thảo nguyên, phía sau sự bình yên tưởng như rất thanh bình ấy luôn ẩn chứa những điều nguy hiểm nhất. “Ở khu bảo tồn này có tất cả những loài động vật hoang dã của châu Phi và 5 con vật điển hình (Big five) của Kenya và Tanzania là voi, báo, sư tử, tê giác, trâu rừng nhưng mùa này nhiều nhất là sư tử.
Các loại động vật khác đã di chuyển về sát biên giới hoặc sang khu bảo tồn thiên nhiên của Tanzania, rồi khoảng tháng 7 đến tháng 9 mới quay về đây khi đồng cỏ xanh hơn. Mùa này là mùa rất nguy hiểm cho linh dương và ngựa vằn vì sư tử, báo đốm rất nhiều và háu ăn do nắng nóng”, người lái khinh khí cầu cho biết.   
Ngựa vằn là món “khoái khẩu” của sư tử
Đó là điều chúng tôi được kiểm chứng khi buổi trưa vượt khoảng 30 km đi sâu vào khu bảo tồn, nơi mà tài xế Wilson quá quen thuộc khi anh tin là sẽ có hàng đàn sư tử đang chờ ở đó. Xa xa trên thảo nguyên là những bụi cây thấp, nhiều gai như đặc trưng của vùng đất châu Phi này.
Những con sư tử nằm lim dim, vài “ông” đang hau háu nhìn về phía đàn ngựa vằn và linh dương trong khi chúng không hề hay biết số phận mình có thể bị “định đoạt” trong tích tắc. Có đàn sư tử đông đến 9 con, chia 2 “phe” nằm rất phè phởn.
Wilson vừa định quay đầu xe thì bất ngờ một con sư tử “tỉnh bơ” đi từ từ ra chiếc xe của chúng tôi. Wilson tắt máy xe và “suỵt” để mọi người nín thở im lặng. Chúa sơn lâm hình như chưa biết hơi người, nên cứ đi từ từ qua đầu xe và thẳng tiến vào bụi cây bên kia đường. Wilson cho biết: “Sư tử rất háu ăn, mỗi ngày chúng có thể một mình “xơi tái” cả con ngựa vằn, nhất là sư tử cái vừa sinh con.
Còn báo đốm lại thích tấn công linh dương vì khỏi phải tìm kiếm, rình rập. Trên thảo nguyên này linh dương như… châu chấu, có khắp mọi nơi”. Anh vừa nói, vừa chỉ tay vào những đống xương trắng và đầu lâu nằm khắp nơi trên thảo nguyên. “Xương và đầu của các con thú bị ăn thịt đó”, Wilson cho biết. Thi thoảng, chúng tôi còn bắt gặp cả đầu lâu cùng những cái xương to đùng của voi và trâu rừng. Không biết chúng bị tai nạn chết hay cũng bị sư tử tấn công như những chú ngựa vằn kia?
Chưa kịp lắng lại để nghĩ ngợi về những con ngựa vằn dễ thương, những con linh dương vô tư chạy nhảy vì sao phải làm mồi mỗi ngày cho bầy sư tử, báo đốm thì Wilson đã ra hiệu nhìn về phía bên trái. Một báo đốm đang nhai đùi một con linh dương, miệng của con báo đỏ lờm máu me. Con thú dữ không hề biết có người, lâu lâu nó ngừng cắn xé như vội tận hưởng mùi thịt tươi mặc cho con linh dương mở to đôi mắt đầy đau đớn. 5 phút sau, chúng tôi kịp quay xong đoạn clip thì cũng là lúc con linh dương đã không còn động đậy.
 
Theo Cao Minh Hiển/ ihay.thanhnien

Bức tranh hồng hạc ở Tanzania

Đăng Bởi  
 Kenya hoang da - Ky 4: Buc tranh hong hac o Tanzania
Ngoro Ngoro thuộc Arusha nằm ở miền bắc Tanzania, giáp với Kenya, được mệnh danh là 'thủ đô của hồng hạc'.
Từ tiếng bò kêu
Từ Nairobi (Kenya), chúng tôi theo quốc lộ Meserani dài 270 km đến biên giới Tanzania. Thủ tục nhập cảnh khá đơn giản (giống như cửa khẩu 2 nước cũng chỉ có một cái hàng rào bằng gỗ): 50 USD một người, lăn tay, chụp hình, đóng dấu là có thể tự do trên đất Tanzania. Từ đây, chúng tôi lại tiếp tục hành trình 250 km để đến khu bảo tồn Ngoro Ngoro. Cũng từ đây, người tài xế của chúng tôi là một chàng trai Tanzania có cái tên rất dễ mến: Yohana.
Yohana, 28 tuổi, không thuộc bộ lạc Maasai (vì bộ lạc này gần như sống bao trùm miền biên giới giữa Kenya và Tanzania nên cũng có cụm từ gọi là nền văn hóa Maasai). Yohana chỉ có một vợ và một cô con gái 15 tháng tuổi. Gia đình Yohana thuộc hàng trí thức ở Tanzania khi có anh là bác sĩ, chị gái là kỹ sư xây dựng, bố và mẹ đều làm trong ngành du lịch. Bản thân Yohana cũng đã tốt nghiệp trường du lịch ở Arusha, có 8 năm lái xe đưa hàng ngàn du khách đến với vùng Ngoro Ngoro và vùng hồ Manyara (cũng là công viên quốc gia, cạnh Ngoro Ngoro).
Giải thích vì sao khu bảo tồn có cái tên Ngoro Ngoro mà không là Ngo Ro, Yohana cười hiền bảo: “Vì con bò nó kêu như thế”. Nói xong, Yonaha giả tiếng bò kêu từ trong cổ họng để phát ra tiếng “ngo... ro... ngo... ro”.  Quả là tiếng bò kêu thật. “Ngày xưa người Maasai đến vùng đất này chăn bò, rồi theo ngày tháng họ lấy tiếng bò kêu đặt tên cho vùng này luôn”, Yohana giải thích.
Anh cho biết rất vui vì làm việc giống như  “một đại sứ du lịch” của đất nước mình, dù chỉ với đồng lương 130 USD/tháng. Anh cũng không quên “khoe” chiến tích là có lần đã cứu được 6 du khách người Đức bị đàn voi tấn công vì đi lạc đường trong khu bảo tồn.
“Đang đi thì gặp đàn voi 5 con đứng ngang con đường độc đạo, tiến thoái lưỡng nan. Giữa lúc ấy, con voi mẹ tự dưng chạy đến tấn công trực diện vào đầu xe. 6 du khách hoảng hốt định tông cửa xe bỏ chạy, tôi đã kịp bảo họ ngồi xuống ghế và im lặng. Con voi tấn công khoảng 10 phút mà không thấy động tĩnh gì nên cả đàn bỏ đi. Hậu quả là đầu xe bị dập nát, tôi phải dùng bộ đàm gọi xe khác đến cứu”, Yohana hào hứng kể. Anh rất tự hào khi nói 6 du khách đó vẫn còn giữ liên lạc với mình, dù câu chuyện đã xảy ra cách đây 2 năm rồi.
Nơi sinh sống của triệu con hồng hạc
Buổi sáng sớm ở Ngoro Ngoro thật bình yên. Khác với khu Masai Mara ở Kenya chỉ là bình nguyên với các loài cây thấp, nhiều gai và đồng cỏ úa vàng, Ngoro Ngoro có nhiều loại cây to của rừng nhiệt đới, đồng cỏ vẫn còn xanh như tiết trời xuân. Cũng có thể do Ngoro Ngoro nằm trên độ cao hơn 2.500 m so với mặt nước biển.
Điều đặc biệt là ở khu bảo tồn này có nhiều suối và một cái hồ rộng cả cây số vuông được hình thành từ miệng núi lửa đã ngừng hoạt động. Hồ có nhiều thủy sinh nên cũng là nơi lý tưởng cho những con hồng hạc khắp nơi ở châu Phi di trú về đây kiếm ăn khi các vùng khác trở nên khô cằn vào mùa nắng.
Yohana dặn chúng tôi rằng sáng hôm sau nên đi sớm để thấy hàng triệu con hồng hạc mà không phải ai cũng có thể nhìn thấy một lần trong đời. Quả là không sai. Cả đoàn chúng tôi như cùng thảng thốt ồ lên khi chứng kiến triệu triệu con hồng hạc phủ kín mặt hồ. Đẹp như một bức tranh.
Cận cảnh là hàng ngàn con ngựa vằn, linh dương đang nhởn nhơ gặm cỏ, xa xa mặt hồ chỉ còn một màu hồng của những cánh hạc chấp chới bay lên đậu xuống. Anh Lê Trí, người đã đi hơn 50 nước, cùng đồng hành với VYC Travel hàng chục năm nay với những đường tour độc và lạ, cũng là người giúp chúng tôi rất nhiều khi thực hiện các clip, hình ảnh cho loạt ký sự này, cũng phải kêu lên: “Có một không hai!”. Có lẽ chính vì thế mà Ngoro Ngoro được Yohana rất tự hào là “thủ đô của hồng hạc”.
Ngoài hồng hạc thì ở Ngoro Ngoro, các loài thú khác không là bầy nhỏ, lẻ tẻ như tại Masai Mara mà có thể nói là “rừng thú”. Trâu rừng, sơn dương, heo rừng, ngựa vằn... khi có một tín hiệu từ thú ăn thịt đang ẩn núp gần đó thì chạy ngộp cả trời đất.
Khu bảo tồn quốc gia Ngoro Ngoro của Tanzania có diện tích 8.292 km2, cách trung tâm tỉnh lỵ Urusha 180 km về hướng tây. Một núi lửa đã ngưng hoạt động, đường kính miệng núi lửa khoảng 20 km, là nơi sinh sống của nhiều loại động vật hoang dã như sư tử, ngựa vằn, linh dương. Đặc biệt nơi đây còn có một hồ nước lợ, là nơi sinh sống của hàng triệu con chim hồng hạc. Với hệ sinh thái độc đáo cùng nhiều loài động vật đa dạng, khu bảo tồn đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1979. Hằng năm nơi đây đón tiếp khoảng 500.000 du khách.
Theo Cao Minh Hiển/ihay.thanhnien
Đăng Bởi 

Không có nhận xét nào: