Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

Quyền lực vô hình của “ngôi nhà Václav”

Một ngôi nhà khác thường, một không gian sống nhỏ bé nhưng phi thường - có thể nói như thế về không gian mang tên Václav Havel, tổng thống đầu tiên của Cộng hoà Séc.
Quyền lực vô hình của “ngôi nhà Václav”
Hai khối nhà đột khởi từ trật tự không gian cũ kỹ
Praha ư? Đương nhiên là tuyệt vời rồi. Khi tới đây, những chàng trai cô gái thì tìm đến cầu Tình yêu (Charley) để vứt đi những chiếc khoá. Khi nắng, lúc mưa, những tín dân Thiên chúa chẳng ngần ngại dài cổ chờ đợi để được mục kích sự hiện diện điêu khắc của các vị thánh sau hồi chuông Skeleton. Các đệ tử Lưu Linh thì tìm đến U Fleiku, quán bia cổ hơn 500 tuổi để nếm cảm giác khác biệt từ bia Pilzner. Những người yêu nhạc cổ điển thì lặng lẽ đứng bên điêu khắc Bedrich Smetana bên bờ sông Vltava, để nghe, để tìm trong tiếng nước vỡ, tiếng gió thổi, tiếng chim kêu… âm hưởng Mávlast - Đất mẹ... Nhưng Praha không chỉ có thế. Nếu một lần đến với Praha cổ kính, hãy đi dọc dòng sông Vltava, rồi dừng lại bên cầu Jiraskuv để ngắm nhìn “Ngôi nhà Václav” nằm ở nơi giao cắt hai phố Rasinovo Nabrezi và Resslova. Một kiến trúc khác lạ, một biểu tượng càng khác lạ.
Gần 20 năm qua, kể từ ngày hoàn thành, kiến trúc này luôn nằm trong top 10 của những ngôi nhà kỳ dị nhất thế giới. Ai từng dõi theo và mê đắm những vũ điệu nóng bỏng của cặp đôi Ginger Rogers and Fred Astaire trong bộ phim Top Hat (1935),Swing Time (1936), hay lời ca ngọt ngào mà Madona từng ngợi ca Ginger Rogers trong ca khúc Vogue thì không chần chừ ngợi ca kiến trúc này là “Dancing house” - ngôi nhà nhảy múa.
Kiến trúc hiện đại đầu tiên kể từ ngày nhà nước Cộng hoà SÉc khai sinh đã vượt xa cái biểu hình của một điêu khắc hay tượng đài. Nó không muốn sống quá lâu trong một cái trật tự, “không khí” vô hình bao quanh. Nó không muốn tiếp tục bị khống chế, ràng buộc, trói buộc đến mức mất khả năng đổi thay, làm mới. Nó chứng tỏ quyền và thái độ không sợ hãi khi bày tỏ sự khác biệt.
Cũng cần phải hiểu rằng công trình này không thuần tuý là câu chuyện của kiến trúc, mặc dù đây là công trình tiêu biểu nhất cho tư duy tạo hình, thẩm mỹ, cảm xúc của Frank Owen Gehry - người từng đoạt giải Pritzker danh giá năm 1989. Ai cũng biết F.Gehry luôn tạo cho tác phẩm của mình nhạc điệu của những hình khối tưởng chừng chỉ biết câm lặng. F.Gehry khiến những người say mê kiến trúc phi kiến tạo tiếp tục tìm thấy ở “Ngôi nhà Václav” những bất quy tắc, sự thăng hoa của những hình dạng, một cấu trúc mở đầy ngẫu hứng.
Ở một tầm vóc khác, “Ngôi nhà Václav” vượt xa phong cách kiến trúc hiện đại thể hiện trên Looshouse của Adolf Loos được xây năm 1909. Đối diện với lâu đài Hofburg, được dựng lên bởi những bức tường phẳng, trụ cột thẳng, cửa sổ giản đơn và chất liệu cẩm thạch xanh xám… Looshouse thẳng thừng chế nhạo những trán tường rắc rối, hàng cột Hy - La cầu kỳ hay quá nhiều điêu khắc về huyền thoại Hercules, Poseidon, Gaia. Nó chọc tức và phủ nhận những ai sùng kính kiến trúc Baroc, Gothic, Roman. Một thời gian dài, Hoàng gia Áo đã lấy gỗ bịt kín mặt tiền Hofburg để khỏi phải nhìn thấy cái gai Looshouse.
Trong chừng mực nào đó, “Ngôi nhà Václav” song hành với những thông điệp lớn hơn, mạnh mẽ hơn của kiến trúc thuật toán hay Parametric mà Zaha Hadit thể hiện rất thành công sau này. 
Hãy quan sát kỹ, có điều gì cần được giải mã, có ngôn từ nào có thể chuyển ngữ, có mật ngữ hay thông điệp nào cất giấu bên trong và phía sau sự im lặng?
Trong một kiến trúc thống nhất, tuy không tách hẳn ra nhưng rõ ràng là hai khối nhà đã vượt thoát khỏi những dãy nhà cũ và thực sự đột khởi từ những trật tự không gian cũ kỹ.
Trong khối nhà bên trái, vẫn là những bức tường gạch quen thuộc. Tưởng như những ô cửa sổ mới chỉ hơi chuyển động và xộc xệch đi chút đỉnh so với cái trật tự, phối cảnh nghiêm ngắn, chuẩn mực, ke cứng của cột, khung, sàn, gian, gờ phào. Đó đã là những nụ cười dí dỏm, hài hước.
Ngay kế bên, khối nhà bên phải đã hoàn toàn thoát bỏ ngôn ngữ của vật liệu. Kính đã thay bê tông. Tường gạch như được xé ra, bước ra để sẵn sàng chịu lực trong một dáng hình, tạo hình mới. Trục đứng của kiến trúc không còn gò bó ở việc tuân thủ những đường dọc ngang tuyến tính. Mặt tiền của kiến trúc đã xoay vặn, uốn cong, vươn cao. Sự tĩnh lặng, nghiêm ngắn, đơn điệu đã được thay thế bởi những chuyển động. Tất cả tạo nên một thức kết cấu mềm mại, đa dạng.
Với tất cả những phẩm chất ấy, “Ngôi nhà Václav” đâu có làm trò vui, thoả mãn hiếu kỳ. Kiến trúc hiện đại đầu tiên kể từ ngày nhà nước Cộng hoà Séc khai sinh đã vượt xa cái biểu hình của một điêu khắc hay tượng đài. Nó không muốn sống quá lâu trong một cái trật tự, “không khí” vô hình bao quanh. Nó không muốn tiếp tục bị khống chế, ràng buộc, trói buộc đến mức mất khả năng đổi thay, làm mới. Nó chứng tỏ quyền và thái độ không sợ hãi khi bày tỏ sự khác biệt. “Ngôi nhà Václav” tựa như kịch bản cuộc cách mạng Nhung của nhà biên kịch Václav. Sau những biến động tốt lành của cuộc đời, kiến trúc là một quyền lực vô hình.
Bài và ảnh: Xuân Bình 

Không có nhận xét nào: