Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

Khaosan, “thuộc địa của Tây balô”

Đặt chân đến đó, người ta ngay lập tức quên mất ranh giới của các quốc gia, văn hoá, màu da... Đó là một cú “va chạm” của các nền văn hoá để tất cả vỡ ra, tan biến trong bầu khí Khaosan hay “thiên đường của những kẻ lang thang trẻ trung”.
Khaosan, “thuộc địa của Tây balô”
Ảnh: Jonas Pelzer
Trong chiến lược phát triển du lịch của Thái Lan, khu vực Khaosan đóng vai trò như một trạm trung chuyển (buffer zone) cho khoảng 25 triệu khách quốc tế đến quốc gia này hằng năm.
Nhiều thập kỷ nay, dân du lịch balô khi đến Bangkok là tọt thẳng về Khaosan - con phố nằm rất gần cung điện, Chùa Vàng và sát cạnh tượng đài Dân chủ nổi tiếng giữa thủ đô Thái Lan - để từ đó đặt tour hoặc thuê phương tiện tiếp tục đi chơi ở các tỉnh hoặc các nước khác trong khu vực. Và khi mỏi mệt ở những vùng đất xa xôi, họ lại quay về Khaosan để tận hưởng những “ngày thủ đô” với phương châm “muốn gì chìu nấy” của công nghệ du lịch Thái.
Cứ đến đặng sống thật sung mãn
Chính quyền Bangkok cho phố Tây Khaosan sống thả cửa. Cả con đường Khaosan cùng khu vực xung quanh ngày thức, đêm không ngủ chìu lòng hàng triệu du khách và cứ thế tỳ tỳ lượm tiền của tứ phương thiên hạ.
Có hẳn tuyến xe buýt rẻ và an toàn từ sân bay Suvarnabhumi về khu trung tâm Khaosan - Bus Airport Express chạy mỗi giờ một chuyến với giá 150 baht/lượt.
Người ta có thể tiêu những tờ baht lẻ cuối cùng ở đây. Bên cạnh các khách sạn sang trọng, Khaosan có thể cung cấp cho dân du lịch bụi những phòng ngủ với giá chưa tới 200 baht/đêm (1 bath tương đương 650 đồng), gửi hành lý 10 baht/ngày. Nhưng đó chưa phải chỗ ngủ rẻ nhất. Nếu muốn chơi, hãy thử dịch vụ “chiếu ngủ” tại công viên Sanam Luang. Chỉ cần bỏ ra 20 baht, khách sẽ có ngay chiếc chiếu, cái gối và chăn đủ qua đêm trong khách sạn “nghìn sao” này. Tương truyền công viên này vốn là vườn thượng uyển, sau này, nhà vua Thái cho phép thành phố dùng làm chỗ ngủ tạm cho người vô gia cư...
Gần như là luật bất thành văn, hầu hết các thành phố du lịch, đặc biệt tại châu Á, đều phải đạt chuẩn ngầm “hai sao”, là Chinatown và phố Tây, để phục vụ hậu cần cho các hiệp khách giang hồ tứ xứ. Trong đó, có không ít kẻ thuộc phường đi bụi vòng quanh thế giới và đóng góp không nhỏ vào GDP của nước sở tại.
Tương tự, ăn uống cũng thế. Nếu đã hết tiền vào các nhà hàng, du khách cứ ra các dãy thức ăn đường phố “chén” thoải mái. Ở đó có đủ các món ngon giá bình dân.
Sức sống của Khaosan mãnh liệt về đêm. Cứ thử tưởng tượng ở đâu mà có dịch vụ hớt tóc và lại có kẻ dám đưa đầu cho thợ cắt tóc vào ban đêm ngay trên đường phố như Khaosan. Dĩ nhiên, các hoạt động không có khái niệm giờ giấc nhất phải là quầy bar, vũ trường, massage, siêu thị… Và đặc biệt, bia ướp lạnh có bán ở mọi ngóc ngách. Dạo phố Tây Bangkok ban đêm mà thiếu trên tay chai bia vừa đi vừa tu thì có vẻ quê quê.
Khaosan còn có một khẩu hiệu “bán, mua mọi thứ”. Người ta sẽ ngạc nhiên với gian hàng bày bán đủ thứ quân trang, quân dụng của “pôlít” ngay trước đồn cảnh sát Khaosan, để rồi thích thú và cuối cùng móc bóp. Thậm chí các loại giấy tờ giả như thẻ sinh viên, thẻ nhà báo, bằng đại học, chứng chỉ nghề… có thể được bày bán công khai tại cái “phố điên” Khaosan này.
Vẽ truyền thần cho du khách.
Đặt chân đến phố Tây ở Bangkok, ngoài các dịch vụ giá rẻ, điều gây ấn tượng cho du khách chính là nó khiến người ta ngay lập tức quên đi ranh giới của các quốc gia, văn hoá, màu da... Đó là một cú “va chạm” của các nền văn hoá để tất cả vỡ ra, tan biến trong “thiên đường của những kẻ lang thang trẻ trung” Khaosan. Điều này thể hiện rất rõ từ phong cách trang trí hàng quán, cung cách phục vụ. Dân ghiền xăm mình rất ưa thích các tiệm tatoo (xăm) ở Khaosan vì thợ khéo tay, chịu chơi và luôn cập nhật mẫu, kỹ thuật mới. Người ta có thể thấy cả “vương quốc” dành riêng cho mấy “ông Tây” Do Thái thích nằm dài, xen kẽ những tiệm ăn Thổ Nhĩ Kỳ với các anh chàng râu quai nón đứng tràn xuống lòng đường mời chào. Hoặc dịch vụ massage bằng cá do một cậu trẻ Hàn Quốc tha hương làm chủ, cạnh đó là quán cà phê wifi free nhưng mỗi cái phích cắm vào ổ điện được tính 20 baht/giờ để tránh “ngồi đồng”…
Thức ăn đường phố phục vụ du khách tại phố Khaosan.
Điều quan trọng nữa, một đằng tạo bầu khí hết sức thoải mái, nhưng chính quyền cũng không quên đặt an ninh du khách lên hàng đầu. Cũng như các điểm đến khác tại Thái Lan, cảnh sát du lịch được bố trí khá nhiều tại Khaosan. Và cảnh sát cũng như dân địa phương rất niềm nở, thân thiện với người nước ngoài vì họ hiểu đó là nguồn thu quý giá. Có thể thấy rõ hơn nữa chủ trương duy trì và phát triển phố Tây của chính quyền Bangkok khi quy hoạch hẳn tuyến xe buýt rẻ và an toàn trong hệ thống Bus Airport Express, chạy mỗi giờ với giá 150 baht/lượt từ sân bay Suvarnabhumi về khu trung tâm Khaosan.
Chuẩn “sao” của các thành phố du lịch
Vừa qua trên facebook và một số báo có đưa tin người dân buôn bán ở phố Tây Phạm Ngũ Lão quận 1, TP.HCM xuống đường phản đối chính quyền địa phương với các biểu ngữ “Chúng tôi muốn sống”, “We want life”… Có tin nói rằng người dân nằm lăn ra đường cản mũi xe của đội trật tư đô thị và có cả sự tham gia của du khách nước ngoài trong đêm 22.7. Cũng theo các thông tin trên mạng, vụ việc xuất phát từ việc UBND phường Phạm Ngũ Lão có chủ trương lập lại trật tự lòng lề đường tại phố Tây từ giữa tháng 3.2014. Nguồn tin trên cũng cho biết, từ khi có chủ trương này, lượng khách du lịch đến phố tây giảm hơn 30%.
Dịch vụ “chiếu ngủ” tại vườn Sanam Luang: với chỉ 20 baht/đêm, khách có ngay một chiếc chiếu, gối và chăn đủ qua đêm trong khách sạn “nghìn sao” này.
Tuy nhiên, theo thông tin “hậu trường” mà chúng tôi biết, ngay từ đầu năm nay, người ta đã có “chiến dịch” dùng truyền thông để “lên án” phố Tây Sài Gòn mất trật tự, nhếch nhác, chiếm dụng lòng lề đường, uống bia thâu đêm… Việc này có động cơ từ sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và hộ kinh doanh dịch vụ tại phố Tây.
Theo chúng tôi, ở TP.HCM hay bất kỳ nơi đâu trên thế giới, phải có cái nhìn rõ hơn về bản chất của các khu phố Tây, để công tác quản lý cần hết sức uyển chuyển vì chiến lược phát triển du lịch và hội nhập.
Massage cá trên phố Khaosan 
Như cái phố Tây ở Thái Lan mà chúng tôi đề cập ở trên, cũng có không ít ý kiến phản đối cho rằng đó chỉ là một gợn tối trong lịch sử phát triển của ngành công nghiệp du lịch Thái Lan. Nhưng dân chơi thế giới rất thích đến, bỏ tiền tiêu xài và phong cho Khaosan những danh hiệu rất sốc như “thuộc địa của Tây ba lô”, “khu ổ chuột du lịch”, “bữa tiệc khuya không bao giờ kết thúc”… và được chính quyền Thái chấp nhận.
Cũng như các điểm đến khác tại Thái Lan, cảnh sát du lịch được bố trí khá nhiều tại Khaosan. Và cảnh sát cũng như dân địa phương rất niềm nở, thân thiện với người nước ngoài vì họ hiểu đó là nguồn thu quý giá. Có thể thấy rõ hơn nữa chủ trương duy trì và phát triển phố Tây của chính quyền Bangkok khi quy hoạch hẳn tuyến xe buýt rẻ và an toàn trong hệ thống Bus Airport Express, chạy mỗi giờ với giá 150 baht/lượt từ sân bay Suvarnabhumi về khu trung tâm Khaosan.
Gần như là luật bất thành văn, hầu hết các thành phố du lịch, đặc biệt tại châu Á, đều phải đạt chuẩn ngầm “hai sao”, là Chinatown và phố Tây, để phục vụ hậu cần cho các hiệp khách giang hồ tứ xứ. Trong đó, có không ít kẻ thuộc phường đi bụi vòng quanh thế giới và đóng góp không nhỏ vào GDP của nước sở tại.
Họ - với đủ màu da, kiểu tóc, ngôn ngữ, đều có một điểm chung trong các chuyến đi của đời mình - đó là cần sống với đầy ắp trải nghiệm, khám phá. Bước ra khỏi ngôi nhà mình, quốc gia mình và cuộc sống thường nhật, dân lang thang quốc tế mang theo quan điểm sống tràn đầy đó và thể hiện hết mình trong các chuyến đi.
Họ không cần các nhà hàng, khách sạn sang trọng ở các thành phố sẽ đặt chân tới. Điều họ cần là một điểm tập kết những kẻ cùng sở thích để sẻ chia kinh nghiệm bôn ba, nơi đó cũng đồng thời cung cấp những dịch vụ giúp họ thực hiện các chuyến lên rừng, xuống biển, vào sa mạc… Và sau các hành trình mỏi mệt, họ quay lại không gian đó để thư giãn, tìm chỗ đặt lưng qua đêm chờ chuyến bay sắp tới hay đơn giản chỉ là gửi hành lý, để kết bạn, tận hưởng đêm thành phố bất tận với bia, thức ăn hè phố và an ninh được bảo đảm. Phố Tây - hiểu theo nghĩa trạm trung chuyển như thế - hình thành và phát triển để đáp ứng nhu cầu đó.
“Khaosan bán tất cả” - trong ảnh, du khách thích thú với gian hàng bày bán đủ thứ quân trang, quân dụng của cảnh sát ngay trước đồn Khaosan. 
Ngoài Khaosan, các phố tây nổi tiếng khu vực như tại Siem Reap, Vientian, Luang Prabang, Manila, Chiang Mai… đều mang nét văn hoá giao thoa đặc trưng của nó, từ màu sắc đến các sinh hoạt. Nó mãnh liệt đến nỗi ai chạm ngõ cũng nhận ra ngay mình đã đến vương quốc của những kẻ lang thang.
Phố Tây Sài Gòn, cần xem đó là một điểm nhấn văn hoá trong giao lưu quốc tế của TP.HCM hay có thể phát triển như trạm trung chuyển du lịch ở tầm quốc tế. Do đó, cần có những chủ trương và chiến lược đặc thù cho phố Tây. Còn nếu muốn xoá bỏ, thì cứ tiếp tục quản phố Tây theo kiểu ta như đã và đang xảy ra...
Bài và ảnh: Quốc Ngọc

Không có nhận xét nào: