Nếu làng truyền thống với những ngôi nhà hanok trăm tuổi còn vẹn nguyên nét kiến trúc Hàn cổ cùng cư dân dòng dõi quý tộc sinh sống từ bao đời giữ cho Seoul bản sắc dân tộc rất riêng, thì những con phố tân kỳ với các dấu chỉ rất đặc trưng của một “thế giới phẳng” lại cho thấy một Seoul năng động, hiện đại và hấp dẫn.
Một góc khu phố giàu có Garosu
Khi những giọt sữa nóng đầu tiên chảy qua cuống họng, một cơn hăng hắc cay nồng xộc lên tận mũi khiến tôi bất giác quay sang hỏi anh chàng pha chế: “Anh cho wasabi vào ly cà phê này đấy à?” Anh chàng bẽn lẽn cười: “Dạ đúng!”.
Vâng, tôi đang ngồi đây trong khu phố giàu có Garosu, nằm giữa nơi mà anh chàng PSY đã làm cả thế giới biết đến bằng điệu nhảy ngựa: quận Gangnam, Seoul. Dù kéo dài chưa đến một cây số, phố Garosu là điểm son trên hành trình du ngoạn Gangnam của rất nhiều du khách tín đồ thời trang mỗi khi đến Seoul.
Dù khoác vẻ ngoài sang trọng hay cổ điển, châu Á hay Tây phương thì bất cứ ai cũng có thể bị mê hoặc bởi những kiểu quần áo mới nhất nằm phía sau tủ kính những cửa hiệu thời trang đắt tiền trên con phố này. Trên bức nền của quận Gangnam, con phố ấy như một vệt chì nhỏ nằm lẫn giữa những đường nét tân kỳ.
Bất chấp những tiệm quần áo thiết kế mang đầy màu sắc Tây phương mọc lên đầy bên đường, khách du lịch vẫn có thể tìm thấy bên góc phố một tiệm đồ cổ đang đắm mình trong bầu không khí bohemia. Ở đầu con đường, người ta có thể thưởng thức những món ăn đậm chất Ý, thì ở cửa tiệm ngay bên kia đường, tô phở bò Việt Nam cũng có thể khiến người khác phát thèm.
Cuộc đi dạo ở Garosu có thể bị gián đoạn khi bạn đi ngang cánh cửa nhỏ đang rộng mở, nơi có bức tượng hai chú heo dẫn đôi mắt tò mò của du khách xuống một cửa hiệu dưới tầng hầm. Ngay cạnh đó, một hàng dậu màu hồng bọc lấy một con hẻm nhỏ xíu khác lại dẫn tới cánh cửa nhà hàng của một trong những đầu bếp nổi tiếng nhất nhì thành phố.
Cũng là một con phố nghệ thuật như Insadong, nhưng Garosu mang chút gì đó châu Âu trên mỗi góc phố, từng cánh cửa của những phòng trưng bày, cửa hàng thời trang, quán cà phê, quán bar… Cho nên cũng không có gì khó hiểu khi bắt gặp lẫn trong những người Hàn mê mua sắm trên phố Garosu là những du khách nước ngoài đi tìm chút phong vị quê hương mình ở những nhà hàng của Ý hay Thổ Nhĩ Kỳ.
Rất khó để gọi rõ tên những thứ mới và cũ, sang trọng và ấm cúng, Hàn và ngoại lai hiện diện ở phố Garosu ngày nay. Nhưng cái vẻ hiện đại pha chút xa hoa thì hẳn nhiên là thấy rõ nhất trong lối kiến trúc của những cửa tiệm hay ngay cả vẻ ngoài sành điệu của những người trẻ ham thích con phố này.
Không hẳn tấp nập như Itaewon, nơi được coi là “phố Tây” của Seoul với hàng ngàn khách du lịch tìm chỗ trú chân hoặc đang nhai ngon lành một thứ thức ăn nhanh đến từ Mỹ, Garosu có cái vẻ điềm tĩnh và hào nhoáng của một khu phố nhà giàu.
Chỉ cần đi từ đầu đến cuối phố là bạn đã thực hiện xong cuộc du ngoạn từ châu Á đến Trung Đông, khoác lên người chút châu Âu, nêm nếm chút Mỹ và dĩ nhiên bạn đang làm tất cả những điều đó trên đất Hàn.
Đến phố Garosu: Ở Seoul, đi tàu điện ngầm line số 3, đến ga Sinsa, ra cửa ra số 8. Đi bộ khoảng vài phút rồi rẽ trái, bạn sẽ đến đầu phố Garosu.
Và ngạc nhiên thay, tất cả những điều tưởng như không thể dung hoà đó đã trộn lẫn với nhau trong một bầu không khí rất đỗi nhẹ nhàng, như thể tất cả những điều khác biệt đó vốn dĩ đã quyện với nhau trong cái hồn độc đáo của con phố.
Thế nên, vị nồng của mù tạt Nhật lẫn trong hương cà phê latte của Ý vẫn có thể khiến một cô gái Việt như tôi thấy ngây ngất trong một chiều xứ Hàn. Thứ nước mà tôi đang uống có cái tên kỳ lạ vô cùng: Wasabi Latte, và cái tên quán cũng không kém phần ngộ nghĩnh: Mug For Rabbit (Ca cho thỏ).
Hẳn nhiên tôi thấy mình như một chú thỏ giương đôi tai ngơ ngác ngắm nhìn cái thế giới đầy màu sắc và đủ hương vị đang diễn ra ngoài kia, trên phố Garosu. Cho đến khi tôi rời chiếc bàn nhỏ, mùi mù tạt vẫn còn đọng lại trên váng sữa.
Bài và ảnh: Đinh Hằng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét