Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

Uruguay, đất nước của những chàng cao bồi

Trong chuỗi ngày đi dọc Nam Mỹ, Uruguay để lại trong chúng tôi niềm cảm mến đặc biệt nhờ vẻ êm đềm, thanh lịch bên cạnh nét đẹp hoang dã tại vùng đất của những chàng cao bồi. Nằm ở giữa Argentina và Brasil, đất nước nhỏ bé với dân số hơn ba triệu người này được coi là quốc gia “Âu châu” nhất ở Nam Mỹ bởi nền văn hóa mang đậm dấu ấn Tây Ban Nha và Ý.
Uruguay, đất nước của những chàng cao bồi
Cánh đồng bạt ngàn bên dòng La Plata
Montevideo, thủ đô dưới tán rừng
Sau nửa tuần với nhiều rắc rối trên cung đường qua khu vực biên giới Argentina và Brasil, thủ đô Montevideo của Uruguay đúng là nơi để cả nhóm lấy lại sức lực và tinh thần. Mới nhìn, Montevideo trông giống các thành phố lớn đã có thời gian dài là thuộc địa của nhiều đế quốc châu Âu, nhưng so với Buenos Aires hay Rio de Janeiro thì Montevideo ngăn nắp, duyên dáng và êm ả hơn nhiều. Dù đời sống khá năng động, người dân ở đây vẫn giữ thói quen nghỉ trưa đến mấy tiếng đồng hồ và thú nhâm nhi trà buổi chiều. Có lẽ nhờ thong thả như vậy mà những di dân gốc gác Nam Âu có thời gian chăm chút từng góc phố, từng cụm cây xanh trong công viên. Thành phố cứ như được xây dưới một cánh rừng bởi ngồi ở đâu, ngước mắt lên cũng thấy những tán lá mát rượi. Những tòa nhà xinh đẹp, những tượng đài uy nghiêm nằm xen kẽ với các vườn hoa phản ánh cả chiều dài lịch sử Uruguay, từ thời chịu ảnh hưởng của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý cho đến Pháp và Anh. 
DN585_DDDT281114_Uruguay-7
Quảng trường trung tâm thủ đô Montevideo 
Buổi sáng, chúng tôi thích tản bộ dưới đoạn cổng thành được xây dựng từ thế kỷ XVIII. Bên trong cổng thành là quảng trường Độc Lập đẹp và lớn nhất thủ đô. Điểm nhấn của nơi đây phải kể đến lâu đài Palacio Salvo cao 105m gồm 27 tầng, được xây dựng vào năm 1928. Từ quảng trường trung tâm này tỏa ra nhiều đường phố dẫn đến nhiều nơi rất thú vị. An ninh ở Montevideo khá tốt nên chúng tôi yên tâm khám phá những con phố thật hẹp, những góc đường thật vắng. Đường nét kiến trúc châu Âu kết hợp với thiên nhiên Nam Mỹ đem lại một vẻ đẹp lạ lùng, vừa tinh tế kiều diễm, vừa khoáng đạt nên thơ. Nhiều biệt thự cổ như được bao bọc bởi giàn hoa giấy khổng lồ, màu ngói rêu phong chỉ còn thấp thoáng dưới rừng hoa đỏ rực. Có những ngã tư nhỏ xíu vậy mà làm du khách phải bối rối vì chẳng biết nên rẽ vào đâu khi con đường nào trước mặt cũng thanh lịch và hứa hẹn những cảnh đẹp chỉ có ở Montevideo. Cuối cùng, chúng tôi bị giữ chân rất lâu ở con đường hội họa Calle Colorida thuộc khu phố Reus, nơi có những tòa nhà nhỏ nhắn đủ màu sắc với một đường dài những ban công thẳng tắp. 
DN585_DDDT281114_Uruguay-6
Tượng đài Gaucho trên đường phố 
Sau buổi trưa lân la ở bảo tàng Gaucho, chúng tôi quyết định sẽ mua tour tìm hiểu thêm về những chàng cao bồi Nam Mỹ. Theo tiếng Tây Ban Nha, gaucho có nghĩa là chàng cao bồi (chàng chăn bò). Ban đầu, tên gọi gaucho nhằm để chỉ các thanh niên đến từ Tây Ban Nha kết hôn với những cô gái thổ dân do yêu thích cuộc sống du mục và làm việc như những mục đồng. Một thời gian dài, các gaucho khỏe khoắn với tài cưỡi ngựa điêu luyện đã có đóng góp lớn cho nền kinh tế Uruguay. Họ không chỉ cai quản những đàn gia súc cực kỳ đông đảo mà còn có tài săn bắt lẫn võ nghệ cao cường. Ngày nay, hình ảnh chàng gaucho phi ngựa nước đại giữa đồng cỏ savan đã trở thành biểu tượng cho nhiều đất nước Nam Mỹ.
Nông trại bên dòng La Plata
Hôm sau, xe bus chở chúng tôi tới một nông trại cách Montevideo khoảng 30 cây số. Đường sá, xe cộở Uruguay khá hiện đại nên chỉ mất nửa giờ đồng hồ là cả đoàn đã rời thủ đô, bước vào một nông trại đúng nghĩa bên dòng sông La Plata. La Plata có nghĩa là dải ngân hà. Dòng sông một thời gắn với những truyền thuyết thiêng liêng của người da đỏ bây giờ tiếp tục là nguồn sống quan trọng của đất nước Uruguay. Dọc theo sông có nhiều thành phố, thị trấn cổ kính lẫn mới mẻ rất xinh đẹp. 
Nông trại chúng tôi đến thăm rộng hơn 3.500 hécta và có “trại chủ” là một cụ bà người gốc Tây Ban Nha. Dù đã gần 80 tuổi, bà vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn để điều hành trôi chảy đại gia đình gần 20 người. Con cháu bà cũng là nhân công đắc lực của trại với sự phân công rõ ràng: người làm bác sĩ thú y, người nấu ăn, người hướng dẫn khách. Bên cạnh việc nuôi bò, cừu, gà, heo, trại còn trồng khoai tây và đậu nành, có cả khu vực lấy sữa bò, chế biến gia súc gia cầm và xén lông cừu… 
DN585_DDDT281114_Uruguay-3
Ngôi nhà cổ dưới tán cây xanh um 
Đến đây, khách mua tour cứ mười người lên một chiếc xe bò (nhưng do đầu máy tractor kéo) đi thăm dải đất nông nghiệp bên dòng La Plata. Sông rộng mênh mông, nhiều đoạn đứng bên này không thấy phía bờ bên kia. Nước sông chảy cuồn cuộn, phù sa đục ngầu. Các nông trại được quy hoạch và sản xuất theo kiểu hiện đại nên sạch, đẹp, nông dân chẳng thấy ai chân lấm tay bùn. Đến giờ ăn trưa, chúng tôi về lại trung tâm nông trại thì thấy một đống củi lớn lửa cháy phừng phừng. Loáng cái, đại tiệc thịt nướng đã được dọn ra với các món thận cừu, thịt cừu, thăn bò… vừa làm lúc sáng. Thịt tươi ướp gia vị đem nướng củi tỏa ra mùi thơm thật khó cưỡng. Rau củ quả ăn kèm cũng là của nhà trồng được. Cà chua, dưa leo, xà lách vừa hái ăn ngọt lịm, giòn tan. 
DN585_DDDT281114_Uruguay-2
Có những đường phố nhìn đâu cũng thấy hoa 
Phòng ăn là một nhà kho nhiều cửa lớn nên rất thoáng. Những đĩa thức ăn đầy ắp xếp đầy trên chiếc bàn gỗ thật rộng. Thực khách ngồi ăn trên những chiếc ghế bành bằng… cỏ khô, tưởng tượng mình là các chàng cao bồi oai dũng xưa và ăn uống thật mạnh miệng. Tôi nhấp thử một chút sweet biskot, loại rượu “quốc hồn quốc túy” Nam Mỹ với phần chính là rượu Gin, pha thêm nước trái cây và chút lòng trắng trứng gà. Sweet biskot màu đục đục như rượu gạo nhưng chỉ chạm môi thì đành đặt xuống liền bởi hơi cay xộc lên mũi mạnh đến chảy nước mắt. Xem ra, cái màn tu từng ngụm rượu lớn của các gaucho đoàn chúng tôi chẳng ai làm nổi. 
DN585_DDDT281114_Uruguay
Một góc thanh bình của đời sống Uruguay 
Khách ăn sắp no thì nhóm nhảy gaucho gồm năm chàng trai bước ra. Họ đội mũ đen rộng vành và mang ủng cao gần tới đầu gối, sau lưng giắt con dao găm lá liễu. Vũ điệu gaucho rất sôi động. Vũ công nhảy từng cặp, chân giậm xuống sàn gỗ rầm rập, có khi vừa nhảy vừa đánh trống. Ngộ nghĩnh nhất là động tác nhảy múa với hai sợi dây có cột hai… cục xương ở đầu. Đến màn cao trào, vũ công đốt cháy hai sợi dây rồi vẫn nhảy múa rất uyển chuyển quanh sợi dây lửa. 
DN585_DDDT281114_Uruguay-5
Thị trấn bên sông kiểu Nam Mỹ 
Kết thúc màn văn nghệ, những du khách có máu làm nông được mời trổ tài vắt sữa với con bò căng sữa được dắt vào sân. Còn những ai muốn thử xén lông cừu thì có thể thực tập với chú cừu to sù sụ. Hầu hết mọi người chỉ thích nhìn. Chỉ sau năm phút, chú cừu bệ vệ trở lại kích thước của một chú chó nhỏ dưới lưỡi dao sắc lẻm. Nhìn đống lông trải dài dưới đất, cừu ta kêu lên hoảng hốt rồi chạy tót về phía đồng cỏ.
Trong khi một số du khách hăm hở leo lên lưng ngựa tiếp tục giấc mơ làm gaucho, tôi chọn cho mình cách trải nghiệm nhẹ nhàng hơn: Ngồi trên tấm thảm cột vào yên ngựa, để ngựa cho một tay gaucho thứ thiệt điều khiển. Khi ngựa kéo tấm thảm chạy chậm chậm quanh sân cỏ, tôi cảm thấy mình cũng sung sướng chẳng kém các tay cao bồi xưa!
Steve Nguyễn - DNSG cuối tuần

Không có nhận xét nào: