Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

Đón Tết Losar ở dãy Himalaya

Nếu như người Việt Nam có Tết Nguyên Đán là Tết cổ truyền, thì người dân ở Tây Tạng - một khu tự trị của Trung Quốc, cũng có ngày tết riêng của họ, đó là Tết Losar.
Trong tiếng Tây Tạng, Losar có nghĩa là “Năm mới”. Đây là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Tây Tạng, thể hiện đầy đủ nhất những nét văn hóa và tín ngưỡng độc đáo của họ. Ngoài ra, Tết Losar còn được chào đón bởi nhiều cộng đồng người theo Phật giáo sống ở xung quanh dãy Himalaya quanh năm tuyết phủ thuộc những quốc gia láng giềng như Ấn Độ, Nepal và Bhutan.
Nguồn gốc của Tết Losar                                                                         
Himalaya - nghĩa đen có nghĩa là “Nơi ở của tuyết” là một rặng núi đồ sộ ở châu Á chia cắt phần đồng bằng của tiểu lục địa Ấn Độ với cao nguyên Tây Tạng. Dãy Himalaya sở hữu hàng trăm đỉnh núi cao nhất, với đỉnh Everest được mệnh danh là nóc nhà của thế giới. Dãy núi này ảnh hưởng lớn tới nền văn hóa của khu vực Nam Á, trong đó có Tây Tạng. Nhiều ngọn núi ở đây đều được coi là các biểu tượng thiêng liêng trong Phật giáo và Ấn Độ giáo. Chính sự hiểm trở của dãy Himalaya đã hạn chế sự giao lưu văn hóa, khiến cho một vài phong tục của người Tây Tạng trở thành tài sản tinh thần riêng biệt của họ.
Lễ hội Losar xuất hiện trước khi Phật giáo du nhập vào Tây Tạng, còn gọi là thời kỳ Tiền Phật giáo. Lúc đó, vào mùa đông người ta đều tổ chức một lễ hội tôn giáo mà trong đó hương trầm được đốt lên để dâng lên các vị thần thánh. Sau đó, khi Phật giáo xuất hiện, nó đã tác động sâu rộng tới văn hóa của người Tây Tạng, từ đó nghệ thuật, văn học và âm nhạc của người Tây Tạng đều phản ánh những quan điểm của Phật giáo. Cũng từ đó, lễ hội này đã phát triển thành một lễ hội Phật giáo được tổ chức hàng năm, mà theo sử sách ghi lại thì bắt đầu xuất hiện vào giai đoạn cai trị của Pude Gungyal - vị vua thứ 9 của Tây Tạng. Nó diễn ra vào thời điểm ra hoa của cây mơ ở vùng Lhokha Yarla Shampo. Đây cũng là thời điểm mà nông nghiệp, tưới tiêu, nghề rèn sắt và xây dựng cầu cống đã phát triển ở Tây Tạng. Những lễ hội chào đón các sự kiện này được coi như là những tiền đề của Tết Losar. Về sau lễ hội này đã trở thành Tết Losar đón năm mới âm lịch của người Tây Tạng như chúng ta biết ngày nay. 


Một hoạt động văn hóa trong lễ hội Losar
Thời gian của Tết Losar
Do bị ảnh hưởng từ lịch của người Trung Quốc và người Mông Cổ nên Tết Losar rơi gần vào Tết truyền thống của 2 quốc gia này. Mỗi năm được gắn với một con vật thiêng, theo thứ tự là Thỏ, Rồng, Rắn, Ngựa, Dê, Khỉ, Gà, Chó, Lợn, Chuột, Trâu, Hổ.
Lịch của người Tây Tạng gồm 12 tháng âm lịch và Tết Losar rơi vào ngày thứ nhất của tháng thứ nhất. Tuy nhiên cứ 3 năm thì lại có thêm một tháng âm lịch, tức là tháng âm lịch thứ 13. Các tháng của họ không có tên, nên được gọi theo thứ tự số, trừ tháng thứ tư được gọi là Saka Dawa để kỷ niệm ngày sinh và sự khai sáng của Đức Phật. Năm nay Tết Losar của người Tây Tạng rơi vào ngày 2/3/2014 dương lịch và con vật thiêng của năm nay là con ngựa.
Ý nghĩa và phong tục trong Tết Losar
Văn hóa Tây Tạng tồn tại dưới sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố giao hòa, trong đó không thể không kể đến những phong tục tập quán của các quốc gia láng giềng, ví dụ như Nepal, Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, do có vị trí xa xôi, cách biệt và hiểm trở, nên vùng Himalaya đã giữ lại được những nét văn hóa độc đáo riêng biệt.
Điều kiện địa lý và khí hậu của vùng núi cao quanh năm tuyết phủ cũng đóng góp đáng kể đến sự hình thành của văn hóa ẩm thực tại đây. Ẩm thực của người Tây Tạng khá khác biệt so với những quốc gia láng giềng, do họ chỉ trồng được một số loại cây lương thực ở độ cao lớn như vậy (4500m so với mực nước biển). Cây lương thực quan trọng nhất của người Tây Tạng là lúa mạch và món Tsampa, tức là một món bánh làm từ bột lúa mạch chính là thức ăn chính của người dân Tây Tạng và không thể thiếu trong dịp Tết Losar. Người Tây Tạng chăn nuôi nhiều gia súc như bò, cừu, dê để lấy sữa và lấy lông, do đó để chuẩn bị cho Tết Losar, người ta cũng thường giết thịt bò yak, dê và cừu để làm các món hầm với khoai tây. 


Món Tsampa, món bánh làm từ bột lúa mạch là thức ăn chính của người dân Tây Tạng
Trước khi đến Tết khoảng một tháng, người Tây Tạng đã bắt đầu dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, thay cờ cũ bằng những lá cờ mới nhiều màu sắc, may quần áo mới cho các thành viên trong gia đình. Họ sẽ dùng bột trắng vẽ lên tường những biểu tượng của may mắn ví dụ như hình chiếc ô (biểu tượng cho sự bảo vệ, che chắn khỏi ánh nắng mặt trời), hai con cá vàng (biểu tượng của phú quý), vỏ ốc (biểu tượng cho sự vang vọng của những giáo lý nhà Phật), hoa sen (biểu tượng cho sự vươn tới cái đẹp và sự cao quý của con người), ngọn cờ chiến thắng (biểu tượng cho chiến thắng của Đức Phật trước con quỷ Mara), bánh xe pháp luân (biểu tượng Phật giáo của Bát Chính Đạo – tức là 8 con đường đúng đắn), nút trường cửu (tượng trưng cho sự kết nối vô tận của vạn vật).
Thời điểm cuối năm được coi là một dịp đặc biệt để người Tây Tạng nói lời tạm biệt với năm cũ và đón chào năm mới, nên dù Tết Losar có 3 ngày chính nhưng người ta sẽ bắt đầu ăn mừng từ ngày 29 của tháng 12 âm lịch. Đêm 29/12 được coi là đêm giao thừa và không thể thiếu một món súp đặc biệt tên là Guthuk. Người ta sẽ nặn ra những viên tròn bằng bột, bên trong có chứa 9 biểu tượng của may mắn khác nhau, bao gồm ớt, sợi bông, một miếng gỗ nhỏ, than đá, đường, sợi len, giấy, sỏi và đậu sống bên trong. Mỗi người sẽ chọn một viên và nhân bên trong nó sẽ nói lên tính cách và vận mệnh của họ trong năm mới. Ví dụ nếu họ chọn được viên bánh có ớt, điều đó có nghĩa là họ là người sôi nổi, thích nói chuyện. Nếu là len thì nó tượng trưng cho lòng tốt còn than đá biểu tượng cho sự bủn xỉn. Nếu họ chọn được những nguyên liệu màu trắng bên trong, ví dụ như muối thì đây cũng là một dấu hiệu tốt.
Mồng 1 Tết (còn gọi là Lama Losar): Từ sáng sớm ngày mồng 1 Tết âm lịch, các thành viên trong gia đình đều sẽ dậy sớm, mặc những bộ quần áo mới và đẹp nhất. Các bà mẹ sẽ nấu một nồi rượu lúa mạch và chờ mặt trời lên. Trong thời gian này, họ sẽ cùng nhau ăn Droma dresil - một món cơm thập cẩm gồm gạo, bơ, nho khô, đường. Khi bình minh ló rạng, người phụ nữ cao tuổi nhất nhà sẽ mang một chiếc gầu ra con sông gần nhà để lấy về gầu nước đầu tiên trong năm mới. Theo quan niệm của người Tây Tạng, đây là lúc nước đạt được độ tinh khiết nhất. Các thành viên trong gia đình cùng quây quần bên nhau, trao cho nhau câu chúc năm mới truyền thống là Tashi Delek và cùng uống rượu lúa mạch. Người ta sẽ để hạt lúa mạch mọc mầm và bánh lúa mạch Tsampa cùng những hạt ngũ cốc khác lên bàn thờ để cầu mong một năm mới được mùa.
Mồng 2 Tết (Gyalpo Losar) còn có tên là ngày Tết Losar của nhà vua, có mục đích tôn vinh Đạt Lai Lạt Ma – thủ lĩnh tinh thần của người Tây Tạng cùng các lãnh đạo của cộng đồng. Trước đây nó là ngày để các vị vua tặng quà cho dân chúng trong các lễ hội. Trong ngày này sẽ có những màn múa hát, biểu diễn đặc sắc chỉ có duy nhất một lần trong năm. Người dân cũng uống rượu lúa mạch Chang và cùng nhau ca hát, nhảy múa. Trong các gia đình, vào buổi tối, người ta sẽ mang những cây đuốc và đi khắp nhà, vừa đi vừa la hét để xua đuổi quỷ dữ ra khỏi nhà.


Những tác phẩm lá cờ đầy màu sắc trong Lễ hội Losar
Mồng 3 Tết (Choe-kyong Losar): Người dân tổ chức cúng tế những vị thần bảo hộ các Lạt Ma. Họ treo cờ sặc sỡ trên đồi, núi và nóc nhà, đốt lá cây bách xù và đốt hương dâng lên thần thánh. Họ hát và cầu nguyện những điều tốt đẹp trong năm mới. Tết Losar có 3 ngày chính nhưng ở nhiều nơi các hoạt động ăn mừng còn có thể kéo dài thêm từ 10 đến 15 ngày nữa, đến tận Chunga Choepa – Lễ hội Đèn Bơ, trong đó người ta sẽ tạo ra những tác phẩm điêu khắc từ bơ sữa bò yak. Đây là một hoạt động mang tính thiêng liêng với người Tây Tạng, và các thầy tu trước khi tham gia phải thực hiện những nghi lễ để thanh tẩy cơ thể. Sau đó, những tác phẩm nghệ thuật này sẽ được đặt ở các tu viện. Nếu như ở Tây Tạng Tết Losar kéo dài đến 2 tuần, thì ở các quốc gia khác như Ấn Độ, Nepal, Bhutan, thường nó chỉ kéo dài từ 1 đến 3 ngày.
Khi tới Tây Tạng vào dịp tháng Hai, tháng Ba, du khách không những sẽ được chiêm ngưỡng phong cảnh tuyết trắng lấp lánh dưới ánh mặt trời tuyệt đẹp ở Tây Tạng, mà còn có thể tham gia những lễ hội đầy màu sắc văn hóa trong Tết Losar của nơi đây. Thời tiết khá lạnh nhưng bạn có thể thuê những khách sạn tiện nghi có điều hòa nhiệt độ ở thành phố Lhasa – thủ phủ hành chính của Tây Tạng với mức giá khá rẻ vì mùa du lịch cao điểm ở Tây Tạng là mùa hè. Chắc chắn bạn sẽ không nên bỏ qua những đồ ăn thức uống đặc trưng, ví dụ như sữa chua, trà nhài, hoặc trà pha với bơ và pho mát làm từ sữa bò yak của địa phương./.
Phan Anh (Tổng hợp từ báo nước ngoài)

Không có nhận xét nào: