Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

Khám phá quần đảo Sumatra, Indonesia

 

 

 

 

Con tàu rời bến Tigaraja ra làng Tuk Tuk trên đảo Samosir trong ánh nắng chiều.
(TBKTSG Online) - Indonesia không chỉ có Bali nổi tiếng như một ‘thiên đường’ du lịch hay quần đảo Java rộng lớn mà mọi người thường hay nhắc tới khi nói về đất nước vạn đảo này. Một điểm đến khác gần đây được nhiều người chọn khi du lịch Indonesia là quần đảo Sumatra, nơi có những bông hoa khổng lồ Raflesia mỗi năm nở một lần, loài vượn Orang - Utang và những hồ núi lửa tuyệt đẹp.
Vì ‘săn’ được vé giá rẻ và để tiết kiệm chi phí cho chuyến đi dài ngày này, chúng tôi chọn chuyến bay buổi tối cất cánh từ TPHCM đi Kuala Lumpur của hãng hàng không Air Asia với giá khuyến mãi cho chặng đi này khoảng 40 USD; vé này hãng Air Asia thường bán trước cho khách từ 6 tháng cho tới 1 năm.
Sân bay quốc tế Kuala Lumpur của Malaysia được chia làm 2 khu là nhà ga xịn (viết tắt KLIA) và nhà ga giá rẻ (viết tắt: LCCT = Low-Cost Carrier Terminal). Vì bay với vé giá rẻ của Air Asia nên chúng tôi vào nhà ga LCCT và ngủ lại ở đó một đêm để sáng sớm hôm sau vào làm thủ tục bay tiếp sang thành phố Medan (một thành phố nằm ở phía bắc của đảo Sumatra) với giá vé khuyến mãi cho chặng này khoảng 22 USD. Đây là điểm đến đầu tiên trong hành trình khám phá Indonesia dự kiến kéo dài 17 ngày của chúng tôi.
Nhà ga sân bay Tiga Raja Harbour ở Medan.
Trên chuyến bay này, đa số khách là người Indonesia sang Malaysia làm việc. Chúng tôi biết vậy vì khi tiếp viên hàng không đưa cho từng người tờ phiếu điền thông tin nhập cảnh, nếu là người trong nước thì có mẫu điền thông tin nhập cảnh khác với mẫu phiếu điền thông tin chúng tôi khai báo. Từ Kuala Lumpur, chỉ sau một giờ bay chúng tôi đã đặt chân xuống sân bay Medan Tiga Raja Harbour. Làm thủ tục nhập cảnh xong, chúng tôi ra quầy đổi tiền rồi lững thững ra ngoài tìm xe bus về bến xe Amplas để đi hồ Toba.
Nhân viên hải quan thấy chúng tôi từ quầy đổi tiền ra nên chặn lại hỏi hai đứa tôi từ đâu tới và mời vào phòng hải quan. Họ lại hỏi chúng tôi qua đây đi đâu, làm gì? Kiểm tra hành lý của chúng tôi, thấy có mang túi thức ăn vặt họ đòi tịch thu. Họ nói, khách nhập cảnh vào đây không được mang theo đồ ăn, rồi còn chỉ vào tờ thông báo để chứng minh lời họ nói là đúng.
Tỉ giá Rupiah Indonesia: 10.000 IDR ~ 22.000 VND
Do sân bay Tiga Raja Harbour ở thành phố Medan không lớn - chỉ bằng sân bay Phú Bài ở Huế - hai đứa tôi lội bộ vác ba lô ra khỏi cổng sân bay mới tìm được một chiếc taxi giá rẻ. Sau khi cò kè khá lâu, tài xế mới chịu bớt một nửa giá từ 70.000 Rp xuống còn 35.000 Rp (Rupiah là đơn vị tiền Indonesia) cho 12 km từ sân bay vế bến xe Amplas ở trung tâm Medan.
Đường phố Medan tấp nập xe cộ.
Ngồi trên taxi, tôi quan sát thấy tuy là thành phố lớn nhất trên đảo Sumatra nhưng  giao thông không phát triển gì mấy, phần lớn đường phố chỉ có hai làn xe chạy, xe cộ lưu thông đông và đa số xe ô tô và xe bus ở đây là xe đời cũ (tôi cũng không biết cụ thể thời nào). Một kinh nghiệm: khi xuống một sân bay lạ, các bạn đừng lên taxi bên trong sân bay; như ở đây, giá cước cao gấp đôi bên ngoài.
Cuối cùng chúng tôi cũng đến bến xe Amplas và lập tức hỏi mua vé xe đi hồ Toba liền với giá vé 30.000Rp cho quãng đường khoảng 5 giờ ngồi xe bus địa phương. Nên chịu khó đi xe đò, không nên thuê taxi hay xe 7 chỗ từ sân bay đi thẳng tới hồ Toba vì chi phí sẽ đắt hơn nhiều. Bến  xe này có diện tích khá rộng, nhưng  vắng khách, nhìn qua ngó lại chỉ có chiếc xe tôi đi Toba là xe chạy đường dài, còn lại là mấy chiếc xe buýt chạy trong thành phố.
Bến xe không có cây xanh, hơi nóng giữa ban trưa táp vào mặt tôi rất khó chịu và từ sáng tới giờ hai đứa chỉ ăn qua loa, chưa có gì ăn chắc bụng, nên chúng tôi lang thang vào mấy quán cơm trong bến xem họ bán có món gì ngon hấp dẫn tôi không. Tôi mua một phần cơm được gói vào trong giấy xi măng, loại giấy có một mặt trơn bóng dùng để gói thức ăn. Tôi không quên ra dấu xin thêm chị chủ quán cho một cái muỗng nhựa, nếu không tôi phải ăn bốc giống mọi người trong quán.
Khi nhìn thấy khách vào quán ăn này hầu như ai cũng ăn bốc bằng tay, bên cạnh có chén nước rửa tay trước và sau khi ăn, chưa kể khi mà gói cơm đó có chan nước cà cari vào nên tôi thấy ơn ớn nếu phải dùng tay bốc ăn. Lần đầu qua đây và cũng chưa biết khẩu vị người Indo ăn uống ra sao, khi ăn gói cơm này tôi mới biết họ ăn cay như thế nào. Thấy dĩa đồ xào, tôi nghĩ đó là đậu đũa xào với cá khô, nên gọi món này. Ai ngờ tôi ăn vào, càng ăn càng thấy cay, mà không biết sao lại cay như thế! Hóa ra khi nhìn lại thì hỡi ôi, không phải là đậu như tôi tưởng mà là món ớt xanh xào với cá khô.
Khoảng 11g30, xe bắt đầu khởi hành đi Parapat. Lúc này trên xe hành khách rất đông và xe không có máy điều hòa nên không khí trên xe lúc này có vẻ ngột ngạt. Chỗ ngồi thì chật cứng, tôi đem chai nước suối ra, bỏ vào trong đó bịch lười ươi hòa tan mang từ bên nhà qua đây uống cho giải nhiệt. May mà do đêm hôm qua hai đứa ở sân bay không ngủ được bao nhiêu, hôm nay mệt mỏi nên dù nóng cỡ nào thì chúng tôi vẫn nhắm mắt lim dim một lát. Nhưng tôi vẫn cảm nhận được tốc độ xe chạy rất nhanh,  tài xế cho xe vượt qua rất nhiều xe khác cho dù đường chỉ hai làn xe.
Hai bên đường người ta trồng nhiều cây cọ để lấy dầu. Khi gần đến hồ Toba thì khung cảnh trông giống đường lên cao nguyên, đèo dốc liên tục. Vùng này cũng có nhiều thông và cả cây sầu riêng, cây nào cũng cao thẳng đứng. Hai bên đường, người ta bày bán trái sầu riêng rất nhiều, đúng là món mà tôi thích nên có phần hào hứng, thế nào cũng phải nếm thử sầu riêng Indo như thế nào đây.
Chiều trên hồ Toba.
Xe chạy một lát thì trời đổ mưa to và kéo dài suốt đoạn đường dài. Đến xế chiều, xe liên tục dừng lại để đón học sinh tan trường; trên xe đầy người, xe chật càng chật thêm.
Cuối cùng xe cũng dừng cho chúng tôi xuống ngay bến tàu Tiga Raja, là nơi có tàu sang đảo Samosir nằm giữa hồ mà không cần vào bến xe bus Parapat nữa. Nếu chúng tôi xuống ở bến xe ở Parapat, sẽ phải đi xe ôm hay xe buýt ra bến tàu này; tốn thêm thời gian và tiền xe.
Bến tàu Tiga Raja hoạt động từ sáng đến 17g30, cứ 60 phút mới có một chuyến tàu sang đảo. Còn tôi đã có ý định sẽ ngủ đêm ở làng Tuk Tuk, đây là ngôi làng ở bờ đông của đảo Samosir, nên tôi chọn hãng tàu sẽ cập bến ở làng Tuk Tuk.
Cạnh bến phà này có cái chợ, vẫn còn một vài bác ngồi bán trái cây trong chiều mưa lất phất, tôi ghé lại mua vài trái quýt và măng cụt, cả hai loại ăn thử đều ngọt, giá khoảng 10.000 Rp/kg (20.000 - 22.000 đồng). Rồi tôi sà xuống mấy chị bán sầu riêng kế bên, xem thử loại này có giống sầu riêng ở Việt Nam trồng không, nhìn qua thấy vùng này trồng toàn sầu riêng cơm chao trái don don không lớn, giống loại sầu riêng Long Khánh tôi hay ăn lúc trước. Sau khi thử qua vài múi họ cho và thấy ngon nên tôi mua một trái mang theo sang đảo để tối ăn.
Cuối cùng, chuyến tàu tôi chờ cũng đến giờ nhổ neo

Một vòng quanh hồ núi lửa Toba


 

 

 

 

Hồ Toba nhìn từ phía tây của đảo Samosir.
(TBKTSG Online) - Vào khoảng 69.000 đến 77.000 năm trước, núi lửa Toba là nơi xảy ra vụ phun trào lớn nhất trên trái đất trong 25 triệu năm qua. Thảm họa thiên nhiên đó đã làm thay đổi khí hậu toàn cầu khiến cho loài người gần tuyệt chủng và gây ảnh hưởng đến di truyền gen của toàn bộ nhân loại ngày nay. Những thông tin này đã khiến chúng tôi tò mò, tìm đến đây.

Hồ Toba vốn là một miệng núi lửa hình thành nên, nằm ở độ cao 905mét, có diện tích 1.707 km2 và nơi đáy sâu nhất đến 505 mét; là hồ núi lửa lớn nhất thế giới. Đảo Samosir nằm giữa hồ này, ngồi tàu qua đảo thời gian cũng hơn 30 phút.
Sân vườn trước một nhà nghỉ ở làng Tuk Tuk hướng nhìn ra hồ Toba.
Bầu trời chiều nay xám xịt trong màn mưa lất phất, nhưng tôi vẫn cảm thấy thú vị khi ngắm nhìn cảnh vật hai bên đường từ lúc xe đổ đèo xuống và chạy ngang hồ một đoạn. Quang cảnh lúc đó hiện ra trước mắt tôi giống như một bức tranh, mây bay lãng đãng trên những hàng cây cao và bên dưới là những ngôi nhà được xây theo lối kiến trúc mái nhà đặc trưng của người Batak, giống như hình mũi thuyền cong vút hướng ra hồ với mái ngói màu đỏ tươi. Mặt hồ trong xanh im lìm, xung quanh hồ là núi non hùng vỹ, tất cả vượt ra ngoài sức tưởng tượng khi tôi đọc thông tin về nó trên mạng.
Sau một hồi vác ba lô tìm phòng giá rẻ, chúng tôi cũng tìm được một phòng trọ theo kiểu nhà của người Batak hướng ra mặt hồ như ý muốn với giá tiền trọ 125.000Rp một ngày. Sáng ra, hai đứa tôi thuê một chiếc xe gắn máy để chạy vòng quanh đảo.
Qua thông tin trên mạng, tôi được biết đảo Samosir có nhiều ngôi làng như làng Tuk Tuk là nơi tôi ở, là doi đất của hồ; kế bên là làng Tomok, có những ngôi mộ đá của các vị vua Batak từng trị vì vùng đất này, làng Ambarita là nơi có di tích những chiếc ghế đá 300 năm tuổi, Simanindo là ngôi làng nhỏ có bảo tàng của bộ lạc Batak Toba, một trong 250 dân tộc ở Indo và Pangururan là thị trấn lớn nhất, nằm ở phía bờ tây đảo Samosir. Không biết tôi có đi dược hết những chỗ này trong ngày không?!
Chúng tôi chạy quanh đảo theo chiều kim đồng hồ, buổi sáng trên đường lúc này vắng vẻ, rất đỗi tĩnh lặng, thanh bình. Trước mỗi ngôi nhà người dân hay hàng quán nơi đây đều có những giàn hoa mọc hai bên lối đi, những resort hay nhà nghỉ đều tập trung ở làng Tuk Tuk và đều hướng ra mặt hồ bên những hàng dừa nghiêng nghiêng trong sớm mai hay bên những hàng thông xanh vi vu nhạc gió.
Hàng rau, củ quả trong khu chợ nhỏ ở bến phà làng Tomok.
Trên đường tới làng Tomok, chúng tôi gặp được một đoàn người đi xa mới về, biết chúng tôi từ xa tới đây, và thấy những người bạn Tây ba lô đi cùng hướng đang tìm nhà trọ, họ vẫy tay chào mọi người, vẻ mặt ai cũng tươi cười thân thiện như mọi người đã thân quen từ lâu. Có một số chủ nhân các resort bình dân ven hồ này vốn là du khách phương Tây đến đây rồi sau đó quay lại lập nghiệp có lẽ cũng vì yêu thích cảnh vật và con người nơi này.
Làng Tomok cũng có một bến phà, bên cạnh cũng có ngôi chợ chồm hổm, bán đầy đủ các loại nông sản trồng trên đảo như ớt, chanh, lá đọt mì, khế, bắp, gừng, cà chua v.v... và cá ngọt đánh bắt trên hồ. Nhìn không khí họp chợ kẻ mua người bán lúc này, tôi có cảm tưởng mình như đang đi chợ quê ở Việt Nam, các chị, các dì bán hàng có gương mặt rám nắng vì ngồi chợ, nhìn họ thật gần gũi thân quen. Không biết vì hai đứa tôi trông giống dân Indo hay sao mà khi chạy qua rồi đứng lại nhìn ngó món hàng trên sạp, họ mời chúng tôi mua hàng, tưởng là người đi chợ sáng.
Nhà thờ Thien Chúa giáo ở làng Tomok, trên đảo Samosir.
Gần bến tàu này có nhà thờ Thiên chúa giáo, nghe nói được xây dựng từ lúc người Hà Lan qua đây truyền giáo, nằm trên một đồi cao và hướng ra mặt hồ. Mặt trước nhà thờ cũng mang dáng hình mũi thuyền và mái cong đặc trưng của người Batak, nhưng được xây dựng hoành tráng hơn, nhiều hoa văn chạm trổ khá tinh xảo. Ngôi thánh đường vắng vẻ, im lìm nên chúng tôi không vào bên trong, chỉ đứng bên ngoài chụp hình rồi tiếp tục đi.
Ở đây đang là mùa mưa, hoa dã quỳ nở vàng rực rỡ hai bên đường, những thửa ruộng bậc thang be bé xanh mướt hiện ra trước mắt. Chạy thêm một đoạn, chúng tôi không biết mình đã đến làng nào của đảo vì bản đồ giấy mà chúng tôi xin ở một văn phòng du lịch chỉ thể hiện đã hết làng Tuk Tuk. Thấy có tấm bảng chỉ dẫn bằng tiếng Indo để chữ Lokasi, kế đó có cái thác đổ từ trên cao xuống mặt đường, nước văng tung tóe vào người đi qua. Đang ở độ cao nên thời tiết đoạn này có thay đổi  một chút, lúc thì mây mù giăng kín trên đường, thời tiết se lạnh, nhưng chỉ năm phút sau khung cảnh lại hiện ra như cũ, vẫn bầu trời trong xanh mây trắng.
Đoạn đường này, có lẽ là nơi ngắm cảnh đẹp nhất trên đảo và Toba là cái hồ đẹp nhất mà tôi từng thấy qua. Lúc này trời đang nắng chói chang, nhìn sang bờ bên kia thì thấy mây giăng khắp núi, màu nước trong xanh, im lìm, nhìn nó như một tấm lụa vắt ngang đồi núi. Cả hai chúng tôi lặng im, say mê ngắm nhìn và tận hưởng cái cảm giác ngất ngây hiếm có trong đời trước khung cảnh thiên nhiên kỳ vỹ, đầy cảm xúc này. Thật không uổng công chúng tôi lặn lội từ xa tới đây sau quãng đường dài vất vả.
Chúng tôi tiếp tục chạy đến thị trấn Pangururan, nhưng đường tắc, nên phải quay trở lại, về nhà trọ ăn trưa. Tối hôm qua trời mưa to khiến sườn núi sạt lở chôn lấp một ngôi nhà và chắn ngang con đường, xe nào đi qua đây cũng đành phải quay đầu lại. Thấy bọn trẻ con của chị chủ nhà trọ nô đùa dưới hồ vui vẻ cũng khiến hai đứa tôi cũng thèm thuồng ngụp lặn. Nghĩ bụng, không biết có cơ hội quay lại đây không nên hai đứa tôi cũng chạy ra hồ tắm với bọn trẻ!
Cổng vào khu bảo tàng Batak.
Lúc sáng hai đứa toàn lượn xe theo triền đồi, nên chiều nay chúng tôi chạy theo ven hồ, rồi sẽ đi thăm bảo tàng của bộ lạc Batak ở làng Simanindo, nằm trên đường đi đến thị trấn Pangururan. Trên đường, gặp một cái đám cưới to, kết hoa treo bảng mừng ngày vui trông rất sặc sỡ, không khí múa hát rộn ràng nên chúng tôi cũng ghé vào một chút rồi tiếp tục lên đường.
Lại chạy theo con đường vòng quanh đảo, tôi nhận ra là từ bất cứ vị trí nào nhìn xuống hồ du khách cũng thấy khung cảnh thiên nhiên nơi này đẹp tuyệt vời. Trên đường tôi qua, hoa nở khắp nơi và những hàng dừa nghiêng nghiêng bên hồ... Thỉnh thoảng tôi lại gặp những đứa bé chơi đùa dưới hồ và những nông dân cần cù lao động trên đồng ruộng, khung cảnh làng quê ở đây đem lại cho tôi cảm giác bình yên lạ thường. Quanh hồ tôi cũng thấy nhiều vườn cây trái xum xuê như bơ hay cây ca cao... đi đâu cũng thấy chúng, nhìn thật thích mắt.
Cổng vào khu sàn nhảy lộ thiên bên trong bảo tàng Batak.
Cuối cùng thì chúng tôi cũng đến bảo tàng của bộ lạc Batak Toba - một trong 250 dân tộc ở Indo - ở làng Simanindo. Giá vé vào cổng 5000Rp. Bên trong nhà bảo tàng trưng bày nhiều vật dụng thời xưa của người dân bản địa, tuy không nhiều nhưng cũng chứng minh được sự phồn thịnh của bộ tộc này trong một thời gian. Bước qua chiếc cổng đá có ghi “dancing area”, vào bên trong là hai dãy nhà gỗ truyền thống của người Batak vẫn còn nguyên vẹn đứng thành hai hàng đối diện.
Trong không gian trời chiều tĩnh lặng, chỉ có hai đứa chúng tôi đứng giữa hai hàng nhà gỗ cổ xưa, tôi như bị đắm vào khung cảnh của thời xa xưa nơi đây... và chợt giật mình, gọi bạn quay về như trốn chạy, sợ thời gian ngừng lại.
Trời chuyển mây xám xịt và bắt đầu mưa, chúng tôi cũng cố chạy thêm một quãng nhưng trời càng mưa to nên đành phải ghé vào một cái quán ven đường trú mưa. Quán có bán loại áo mưa mỏng, mặc tạm, nhưng giá bán gấp 5 lần so với thứ áo mưa mỏng cùng loại bán ở Sài Gòn. Đắt nhưng cũng phải mua mới tiếp tục đi được.
Kiểu nhà truyền thống của dân Minangkabau.
Từ đây đến thị trấn Pangururan cũng gần, nhưng theo dự định sẽ đến thăm thị trấn rồi rồi trở về nhà nghỉ thì đường khá xa, trong khi trời đã về chiều. Nghĩ thế, chúng tôi đành quay về, hẹn dịp khác sẽ thăm Pangururan.
Từ Simanindo quay về, chạy một đoạn thì trời không mưa nữa, hai đứa tôi thấy tiếc vì đã không đi tiếp cho giáp vòng quanh đảo; nhưng một lúc sau, gần tới nhà trọ thì trời lại mưa râm râm, thiệt là hôm nay ông Trời ở đây cũng thất thường, đỏng đảnh như kiểu mưa nắng bất chợt ở Sài Gòn. Gặp giờ học sinh tan trường, trên đường về mưa như thế mà chẳng thấy đứa nào mặc áo mưa, đội mũ gì ráo, cứ để đầu trần mà lội bộ về nhà.
Bình minh trên hồ Toba, nhìn từ làng Tuk Tuk trên đảo Samosir.

Đảo Samosir nằm giữa lòng hồ Toba. Du khách đi tàu qua đảo, từ bến phà Tiga Raja sang làng Tuk Tuk ở mạn đông đảo mất khoảng 30 phút.


Bến tàu làng Tuk Tuk ở phía đông đảo Samosir, cứ 60 phút lại có một chuyến tàu nhổ neo đưa khách vào đất liền, cập bến Tiga Raja, nơi đón khách sang đảo Samosir tham quan.

Nhiều resort, nhà nghỉ tập trung ở làng Tuk Tuk, tất cả đều hướng ra mặt hồ với những hàng dừa và cây thông xanh soi bóng trên mặt hồ phẳng lặng trong nắng ban mai.
Du khách thường thuê xe máy chạy vòng quanh đảo để ngắm cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ và tham quan các làng mạc trên đảo Samosir. Bắt đầu từ làng Tuk Tuk - khu tập trung các nhà nghỉ, resort cạnh bến tàu - đi sang làng Tomok, có những ngôi mộ đá của các vị vua Batak từng trị vì vùng đất này, làng Ambarita là nơi có di tích những chiếc ghế đá 300 năm tuổi, Simanindo là ngôi làng nhỏ có bảo tàng của bộ lạc Batak Toba, một trong 250 dân tộc ở Indonesia và Pangururan là thị trấn lớn nhất, nằm ở phía bờ tây đảo Samosir.
Vòng quanh đảo Samosir có nhiều ruộng bậc thang là nguồn cung cấp lương thực cho dân trên đảo.

Mininjau - viên ngọc bích trên đỉnh núi


 

 

 

 

Mininjau mây nước hữu tình.
(TBKTSG Online) - Mininjau là một hồ núi lửa có màu nước trong xanh tuyệt đẹp, nằm ở phía tây thành phố Bukittinggi. Với diện tích mặt nước 99.5 km2, đây là hồ lớn thứ hai, sau hồ Toba ở phía bắc đảo Sumatra, Indonesia.

Từ Bukittinggi đến hồ Mininjau khoảng 40km, một khoảng cách không xa, nhưng chúng tôi quyết định xuất phát sớm vì biết tuyến đường này có nhiều đèo dốc quanh co; vả lại, vì không có bản đồ chi tiết trong tay, chúng tôi sẽ mất nhiều thời gian dừng xe hỏi đường. Buổi sáng trên phố lúc này các em học sinh được ba mẹ đưa đến trường rất đông, vì vậy cũng xảy ra tình trạng kẹt xe nho nhỏ, phải nhờ đến các anh cảnh sát xuất hiện để điều tiết giao thông.
Kiến trúc truyền thống của người Minangkabau. Ảnh chụp ở ngoại ô Bukittiggi, trên đường đi hồ Mininjau.
Ra khỏi thành phố cao nguyên thì nắng đã lên, nhưng mây vẫn còn giăng đầy trên những ngọn núi cao hai bên đường chúng tôi qua. Những chú chim giờ mới bắt đầu bay đi kiếm ăn trên những cánh đồng đang trổ vàng bông. Nông dân ở đây cũng dùng những bó rơm hay những cái bao nhựa trắng làm những hình nộm người đang giang tay cắm rải rác trên ruộng để xua đuổi chim. Một hình ảnh thân quen tưởng đâu chỉ có ở những cánh đồng ở Việt nam mà thôi không ngờ tới đây cũng gặp. Tôi chạy xe với tốc độ vừa đủ để có thể ngắm nhìn, hưởng thụ không khí trong lành, khung cảnh yên bình trên con đường vắng vẻ này.
Tới một ngã ba đường, gặp một quán nằm ngay khúc cua này chúng tôi vào ăn sáng và tiện thể hỏi đường đến hồ. Nhưng đây không phải quán ăn mà chỉ bán tạp hóa, cà phê và nước giải khát, nên chúng tôi mua hai ly mì và nhờ ông chủ quán chế nước sôi ăn tạm. Trong cái không khí buổi sáng se se lạnh trên cao nguyên hai ly mì nghi ngút khói cạn rất nhanh; cả hai đều húp cạn nước trong ly. Trong quán, có mấy người khách đang uống trà, cà phê và ăn bánh chuối nướng.
Khúc cua thứ 23 trong số 44 khúc cua xuống dốc để đến hồ Mininjau.
Ăn xong, chúng tôi tiếp tục lên đường, đoạn này hai bên đường cây cối rậm rạp, ít xe qua lại nên các chú khỉ tràn ra đường kiếm ăn, đường vắng nhưng lại rất nguy hiểm. Nhưng phải nói là hấp dẫn nhất chính là đoạn 10km cuối trước khi đến hồ Minijau với 44  khúc cua ‘cùi chỏ’ vô cùng lý thú. Các khúc cua được đánh dấu thứ tự từ 1 đến 44, gấp khúc hình chữ Z đổ dốc làm tôi nhớ lại cảm giác phấn khích kèm một chút hồi hộp khi chinh phục những con đường đèo ở dãy Trường Sơn hùng vĩ năm nào.
Đoạn đèo này cũng có những mảnh ruộng bậc thang nho nhỏ nằm ven đường, có vài cây dừa và cây cau được trồng xen trên bờ ruộng. Những ngôi nhà ven đường treo những chậu hoa be bé đang hé nở đón nắng mai bên hiên nhà và những cây dâu đang chín đỏ được trồng trong những chiếc chậu tô điểm cho ngôi nhà thêm vẻ xinh xắn. Thật sự là một trải nghiệm khó quên khi bạn cầm tay lái xe máy chạy vòng vèo đến hồ Mininjau. Lái xe máy thôi nhưng  chúng tôi cũng đã cảm thấy khó khăn khi qua các khúc cua san sát nhau.
Miệng núi lửa xưa nay trở thành nguồn lợi thủy sản cho người dân địa phương.
Cũng từ đoạn đèo có 44 khúc cua này, chúng tôi có dịp nhìn ngắm hồ Mininjau từ xa. Phong cảnh như một bức tranh hoành tráng với nhiều gam màu khác nhau; màu xanh của bầu trời, màu trắng của những tầng mây lãng đãng trên những ngọn núi cao in bóng xuống mặt hồ, những bè cá hình ô vuông nho nhỏ nằm rải rác trên lòng hồ rộng mênh mông, màu vàng của lúa chín, màu xám của những mái nhà cổ kính ven hồ...
Khi đứng bên bờ hồ, mặt hồ trong xanh và dịu êm, phẳng lặng như một tấm gương lớn ôm cả bầu trời. Cạnh bờ hồ là một thánh đường Hồi giáo uy nghi bên những hàng dừa nghiêng nghiêng in bóng nước, tạo một nét duyên dáng cho mặt hồ. Đứng giữa một khung cảnh mênh mông, những tầng mây bay lãng đãng in bóng xuống mặt hồ như thế này, tôi có cảm giác như mặt đất và bầu trời lại gần đến vậy, cứ như tôi có thể với tay chạm vào những đám mây bồng bềnh, lơ lửng trên cao vậy.
Những ngôi nhà nhỏ, đơn sơ ven hồ thật an bình, tĩnh lặng.
Chúng tôi len lỏi vào đường nhỏ, rồi dựng xe bên một góc nhà của môt người dân sống nơi đây, nở nụ cười thân thiện như ngỏ ý nhờ họ trông giúp chiếc xe rồi hai chúng tôi lội bộ len qua mấy hàng cau thẳng đứng xen giữa vườn dừa già cỗi, rong rêu bám quanh thân cây. Cạnh bờ có mấy chiếc thuyền con con neo đậu, xa xa có chiếc thuyền nhỏ của một ngư dân đang từ những bè cá chèo vào  gần bờ nơi chúng tôi đang đứng. Thuyền đi trên hồ nhưng không một chút gợn sóng, cảnh vật ở đây vốn đã rất đẹp nhưng khi con người lao động hòa vào trong thiên nhiên càng làm cho cảnh vật thật lung linh và gần gũi.
Tiếp tục hành trình khám phá, chúng tôi chạy qua những cánh đồng lúa xanh bát ngát trải dài ven hồ. Ở một trại nuôi cá giống, khi biết chúng tôi từ Việt Nam đến đây, những người nông dân chất phác vui vẻ chuyện trò. Đến gần một trường học đang giờ ra chơi, các em học sinh vui đùa trong sân trường rộng rãi; học sinh ở đây mặc đồng phục màu trắng rất dễ thương. Nhưng có lẽ điều tôi thích nhất ở đây là khắp nơi - trong vườn nhà dân hay trên cả những cánh đồng - cũng thấy cây ăn trái xum xuê trĩu quả.
Bè nuôi cá trên hồ Mininjau.
Những ngôi nhà bé bé xinh xinh nằm ven bờ hồ trông rất dễ thương. Người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng thủy sản, có khi xung quanh nhà là các vuông ao nhỏ nước cạn, trong veo, khi chạy ngang qua tôi thấy những đàn cá tung tăng bơi lội, nhìn thật sướng mắt. Quanh bờ hồ người dân nơi đây cũng mở nhiều khách sạn và nhà nghỉ bình dân cho khách du lịch đến đây nghỉ ngơi thư giãn vào những ngày cuối tuần. Cảm giác yên bình, nhẹ nhàng khi tạm xa lánh cuộc sống hối hả đầy áp lực chốn thị thành chính là đây.
Lúc trở về, sau khi vượt qua 40 khúc cua ngoằn ngoèo, dựng đứng như đường ‘lên trời’, chúng tôi vẫn thấy tiếc nên ghé vào một quán ăn trưa. Ăn xong vẫn chưa muốn rời xa nơi đây, hai đứa chúng tôi đánh một giấc ngủ trưa. Đúng là ‘giấc ngủ thần tiên’ giữa cảnh thiên nhiên tuyệt thế trước khi lên nốt 4 khúc cua còn lại. Đứng và nhìn ngắm mây nước hữu tình nơi này lần cuối như 'ghi hình' vào trong trí nhớ rồi chúng tôi quay về Bukittinggi.
Về tới khách sạn, nghỉ ngơi một chút rồi tôi lấy xe đưa người bạn đi cùng đến Sianok Canyon - một thung lũng tạo thành những vách đá dựng đứng - gần hang Nhật Bản để bạn ấy tham quan. Con đường này mới hoàn thành xong vào ngày 26 tháng 1 năm 2013 nên có rất đông người dân địa phương đi tham quan, nhất là học sinh và sinh viên. Còn tôi chạy một đoạn theo hướng đi Padang - thành phố biển, thủ phủ tỉnh Sumatera Barat. Đường lớn, xe cộ tấp nập, hai bên đường cũng không có cảnh gì nổi bật nên tôi vòng lại, rẽ vào một khu dân cư.
Các em học sinh tiểu học ở Bukittinggi.
Hai bên đường trồng đầy cây xanh, gần đó có một cái trường học đang giờ ra chơi nên khá ồn ào. Tôi dừng xe đứng dưới những tán cây to, hít thở khí trời một hồi rồi chạy đến sân vận động, nằm ngay trên đường vào bến xe thành phố. Không phải vì ham thích thể thao mà tôi đến đây vì biết khu này bán rất nhiều món ăn vặt dành cho giới trẻ. Tôi tìm đến chiếc xe đẩy có bán món bakso - giống bò viên ở Sài Gòn - để ăn. Sáng hôm qua, tôi đã ăn thử món này ở gần khách sạn và thấy hợp khẩu vị nên thấy thích.
Món bakso ở đây, viên nào viên nấy to gấp hai bò viên ở Sài Gòn. Một tô người ta bỏ vào 4 viên là đã thấy đầy tô, còn hủ tiếu chỉ lác đác vài sợi ăn cho đỡ ngán. Món này cũng được chấm với tương đen và tương ớt, nhưng viên bakso không được dai như bò viên Việt Nam, khi nhai cảm giác bột nhiều hơn thịt, nước dùng cũng không đậm đà mấy. Tuy vậy, tôi ăn vẫn thấy ngon; dù gì cũng có nước để húp chứ mấy ngày liền ăn toàn món Indo làm tôi nhớ món phở ở nhà quá!
Chung quanh, ai cũng nhìn tôi vẻ tò mò, không biết là người nước nào. Biết vậy nhưng tôi cứ tự nhiên, ăn thoải mái, ai nhìn mặc kệ. Kế bên xe hủ tiếu này là xe bán sinh tố. Tôi gọi thêm một ly bơ to ‘vật vã’ mà chỉ có 5.000Rp (khoảng 12.000 đồng), tổng cộng hai món khoảng 13.000Rp, một giá quá rẻ cho buổi chiều.
Hoàng hôn buông xuống, đường phố bắt bầu lên đèn cũng là lúc chúng tôi bắt đầu dạo phố. Thành phố cao nguyên đầu tuần vắng khách, hai đứa ra thuê xe ngựa dạo quanh phố khoảng 30 phút với giá 25.000Rp sau khi đã mặc cả, thương lượng  được một nửa. Đã lâu lắm rồi tôi mới lại đi xe ngựa, ngồi nghe tiếng chân ngựa lốc cốc trên đường giữa một thành phố cao nguyên xa lạ làm tôi nhớ lúc nhỏ, tôi cũng hay theo mợ (vợ của cậu tôi) về nhà bà mỗi khi có dịp giỗ chạp. Giờ đã lớn, xe ngựa ở Sài Gòn không còn nữa, nên chỉ khi du lịch xa thế này tôi mới có dịp trở về ký ức tuổi thơ với những chiếc xe thổ mộ.

Padang - thủ phủ Tây Sumatra


 

 

 

 

Đảo Pisang Kecil ở bãi biển Air Manis, Padang. Khi nước xuống, du khách có thể lội bộ sang đảo.
(TBKTSG Online) - Sáng hôm sau dậy sớm, chúng tôi ra bến xe đi Padang, nhưng không vào phòng vé mà đi ‘xe dù’. Mỗi người chỉ phải trả 24.000 Rp, rẻ hơn mua vé xe trong bến, đến Padang xe đưa khách về tận nhà hay khách sạn, nhưng phải chờ khá lâu cho đủ 7 người, đầy xe mới chạy.

Chúng tôi nói với bác tài rằng muốn tới bến xe Damri ở Padang để đi vịnh Bungus, anh ta đòi mỗi người phải trả thêm 10.000Rp nhưng chúng tôi không chịu, chỉ trả thêm 10.000Rp cho hai người luôn. Khổ nỗi, ngôn ngữ bất đồng nên tôi nói hoài anh ta vẫn không hiểu ý.
Vịnh Bungus.
Thật ra, tôi muốn kêu chở tới Brigittes house, nơi tôi định nghỉ trọ ở Padang nhưng cô bạn đi cùng lại muốn ra bến xe đi Bungus ngay nên tôi đành chiều theo. Cuối cùng chúng tôi đến bến xe Damri tìm hỏi xe đi vịnh Bungus.
Giữa trưa nắng chói chang, hai đứa leo lên xe một chiếc xe Angkots (một loại xe giống xe Daihatshu đời cũ , ở Việt Nam đã ngừng sử dụng từ lâu còn bên này thì đầy xe loại này), trần thấp, xe nhỏ (sức chứa 12 chỗ) nhưng trên xe lúc này chắc khoảng 16 người (chưa tính bác tài), chất đầy đồ đạc nữa nên nóng kinh khủng.
Đến bãi biển Bungus, hai đứa vào một nhà nghỉ sát biển nhưng hết phòng. Chủ nhà nghỉ nói anh ta chỉ còn lều, nếu muốn thuê thì giá khoảng 50.000 - 60.000Rp. Cô bạn tôi đồng ý, nhưng tôi không muốn ngủ lều bãi biển vào mùa mưa thế này. Tôi nói, nếu không tìm chỗ trọ khác thì tôi sẽ quay lại trung tâm thành phố Padang. Thế là hai đứa đeo ba lô lội bộ chừng 5 phút thì gặp được cái nhà trọ tên là Carlos, giá 100.000Rp/đêm, chả có ai ở ngoài hai đứa tôi ra. Nội thất phòng thì ‘miễn bàn’, có chỗ trọ qua đêm là may lắm rồi.
Tới giờ cơm trưa, hai đứa ra cái quán gần đó vào ăn cơm. Quán này chỉ có cơm với cá hay trứng là chính. Người Indo ăn cay thật, đến đâu gọi món gì ra cũng đều có ớt, không ớt xanh thì cũng ớt đỏ xào củ với cá hay ớt sốt cá... Không có nước chấm, nếu có chỉ là nước cari chấm với đọt mì luộc. Bungus là cái vịnh nhỏ, có cầu tàu để đi ra các đảo, nơi hấp dẫn những người thích bơi lặn ngắm san hô như Sukuai hay Pagang... Chứ xung quanh chẳng có dịch vụ du lịch nào khác.
Kéo lưới bắt cá ven bờ vịnh Bungus.
Tôi ra bãi xem một nhóm khoảng hơn 15 người kéo lưới gần bờ trước nhà nghỉ, cứ khoảng hơn nửa tiếng lại kéo một mẻ, mỗi lần kéo lên chỉ vài chú cá to, còn lại toàn cá bé. Nhiều thanh niên xúm lại xem và vài người hỏi mua cá tại chỗ; số cá còn lại họ sẽ đem ra chợ bán. Nghe nói nhóm người kéo lưới làm ăn chia, xem ra cũng không được nhiều vì chỉ đánh bắt sát bờ, nhìn ai cũng nhễ nhại mồ hôi, vất vả kiếm miếng ăn.
Khi mấy người đánh cá vác lưới đi nơi khác, tôi mon men vào quán Carlos hỏi mua trái dừa to, giá 10.000Rp (khoảng 22.000đồng) và ngồi trò chuyện với người làm ở đây. Buổi chiều cũng có một vài gia đình chạy xe từ Padang xuống đây chơi ngồi ngắm hoàng hôn rồi về. Lát sau, mây đen kéo đến ùn ùn và một cơn mưa to như trút, nước tràn vào hiên nhà nghỉ vì cống thoát nước bị nghẹt. Mưa kéo dài tới chiều tối, chả biết làm gì ở cái nhà trọ chỉ có hai đứa tôi ở, nên đành phải mặc áo mưa đi ra tiệm tạp hóa gần đó mua mì gói ăn tối, rồi lăn ra ngủ sớm.
Bình minh yên ả trên vịnh Bungus.
Sáng ra trời quang mây tạnh, bầu trời trong xanh, chúng tôi thức dậy ngắm bình minh, mấy chiếc thuyền neo đậu gần bờ chờ khách đi đảo. Nhà nghỉ Carlos cũng có dịch vụ làm tour lặn ngắm san hô quanh mấy đảo trên hồ. Còn ông chủ nhà nghỉ này hóa ra cũng là một tay đi bụi ‘quốc tế’ có hạng, nhưng hôm qua khi mới gặp anh ta chúng tôi không nhận ra đó là chủ nhân nhà nghỉ này. Mái tóc xoăn dài ngang lưng, chân mang dép lê, quần ngắn và áo thun ba lỗ, trông rất bụi... mãi đến khi cô bạn đi cùng tôi bắt chuyện mới biết anh ta đã đi khắp nơi, từ châu Á sang châu Âu, gần hết mấy nước Đông Nam Á, nhưng chưa lần nào đến Việt Nam!
Khoảng 9 giờ, chúng tôi đón xe về lại trung tâm Padang, thuê xe ôm chở đến Brigittes House. Nhà khách này nằm ở phía nam của thành phố Padang, trong khu China Town. Chúng tôi ở phòng tập thể (dorm - phòng có nhiều giường tầng), mỗi người ở một ngày khoảng 100.000Rp (có suất ăn sáng), cùng phòng với một người Pháp qua đây ở 3 tháng là vì mê lướt sóng. Biển vùng này vốn nổi tiếng thích hợp với môn thể thao lướt sóng.
Hoàng hôn trên biển ở Padang.
Padang là thủ phủ của tỉnh Tây Sumatra, thành phố lớn thứ 3 trên đảo Sumatra, nằm bên bờ Ấn Độ Dương, vùng biển có rất nhiều hòn đảo xinh đẹp như cụm đảo Mentawai, Sukuai hay Pagang dành cho những ai thích bơi lặn ngắm san hô và lướt sóng.
Hôm nay ngày mùng 4 tết Nguyên đán, có lẽ người Hoa ở đây đông hơn trên Bukittinggi, đường phố treo đầy băng rôn mừng xuân và những dây đèn lồng đỏ treo khắp những dãy phố.
Chúng tôi vào một quán ăn người Hoa, gọi ra hai tô mì xào và bảo họ cho nhiều rau xanh vào rồi ngồi ăn no nê như lâu lắm không được ăn rau cải. Vừa ngồi ăn vừa trò chuyện phiếm với bà chủ quán này. Nghe tôi nói tiếng Hoa lưu loát, bà ta tưởng chúng tôi là người ở đảo Hải Nam (Trung Quốc) qua đây du lịch, đến khi biết hai đứa con gái này là dân Việt nam đi du lịch tự túc thì mọi người trong quán đều trố mắt, ngạc nhiên. Họ nói, chưa hề thấy người Việt nào sang đây du lịch cả. Thế là có đề tài cho cả quán bàn tán rôm rả, có lẽ còn kéo dài sau khi chúng tôi rời khỏi quán.
Thuyền chở du khách ra đảo Pisang Kecil.
Trời Padang chiều nay mưa lất phất, chúng tôi chạy xe máy (thuê ở nhà nghỉ) quanh những con phố gần khách sạn, trên những con đường rợp bóng cây xanh rồi nhắm theo hướng ra biển để ngắm hoàng hôn, đúng lúc mặt trời từ màu vàng cam chuyển sang đỏ lựng đang sà dần xuống biển.
Sáng hôm sau, chúng tôi đến bãi biển Air Manis nằm về hướng đi vịnh Bungus, cách trung tâm hơn 30 phút chạy xe. Đó là một địa điểm du lịch ưa thích của khách du lịch trong và ngoài nước vì thường có sóng bạc đầu cao, hợp cho môn lướt sóng và khung cảnh đẹp của núi Padang. Ngoài ra còn có hai hòn đảo nhỏ phía xa cách bờ biển này khoảng 200 mét là Pisang Kecil và Pisang Besar. Dân địa phương nói rằng có thể đi bộ qua hai hòn đảo này khi thủy triều xuống.
Chúng tôi tới nơi khi còn sớm quá nên bãi biển còn vắng, mới có vài người lướt sóng. Bãi cát màu xám mịn, rác thải thả bừa bãi vẫn chưa được thu dọn. Nơi chúng tôi gửi xe, có dịch vụ đưa khách sang tham quan hai đảo Pisang Kecil và Pisang Besar với giá 100.000Rp. Sau khi thương lượng, chúng tôi lên được đảo Pisang Kecil với giá 50.000Rp.
Đảo Pisang Kecil ngày vắng khách.
Trên đảo rất vắng, chỉ có hai chúng tôi và hai người chèo thuyền đi cùng, chỉ thấy mấy cái chòi bán hàng bỏ trống nằm giữa vườn dừa. Về lại bờ, chúng tôi tìm đường lên đồi Padang để ngắm toàn cảnh thành phố, nhưng chạy loanh quanh tìm hoài không thấy đường lên nên đành quay về nhà nghỉ trả phòng. Còn khoảng vài giờ nữa chúng tôi mới ra phi trường đáp chuyến bay đêm sang Jakarta, nên còn thời gian để tham quan viện bảo tàng quốc gia Adityawarman nằm trên đường Jl Diponegoro, cách nhà nghỉ Brigittes House khoảng 3km.
Bảo tàng quốc gia này mang tên đức vua Adityawarman, được cho là người đã thành lập vương quốc và trị vì vào khoảng từ 1347 đến 1375. Bảo tàng này có diện tích 2,6 hecta, được khánh thành năm 1977 - là bảo tàng văn hóa quan trọng nhất ở Tây Sumatra, nơi lưu giữ và bảo tồn lịch sử của người Minangkabau (có nguồn gốc từ Malaysia) một trong những nhóm dân tộc lớn ở Indonesia. Bên trong bảo tàng, họ trưng bày những nông cụ và sản phẩm làm ra từ nông nghiệp như các loại bánh và các loại gia vị, phong tục, trang phục mặc trong lễ cưới và ngày thường của người Minangkabau... Giá vé vào cửa tham quan bảo tàng là 2.000 Rp
Trang phục cưới của người Minangkabau được trưng bày trong Bảo tàng quốc gia Adityawarman.
Sắp tới giờ ra sân bay, chúng tôi về lại nhà nghỉ trả xe máy và ra trạm xe buýt ngồi chờ. Ở đó, tình cờ chúng tôi gặp một cô gái người Indo cũng đang ngồi chờ bạn trai đến đón, cả ba trò chuyện vui vẻ. Lát sau, bạn trai cô ấy đến, không biết hai người nói gì mà anh bạn của cô gái nói sẽ đưa chúng tôi ra thẳng sân bay Padang và còn mời chúng tôi ăn bữa tối trên đường đi. Thật bất ngờ, chúng tôi vui vẻ cám ơn và xin đi nhờ xe nhưng từ chối bữa cơm tối; bởi hôm ấy là ngày 14/02 - ngày lễ Tình Nhân - chúng tôi không muốn làm phiền đôi bạn người Indo tốt bụng này nữa.
Không ngờ trước khi tạm biệt hòn đảo này, chúng tôi lại gặp được những người không quen tốt đến như vậy, xem như là món quà may mắn của người thành phố này dành tặng cho chúng tôi như một kỷ niệm đẹp. Tạm biệt Padang, chúng tôi thầm hẹn sẽ quay lại nơi này khi có dịp. Hành trình khám phá Indonesia của chúng tôi sau khi rời Sumatra sẽ là Bali và... Xin hẹn dịp khác trở lại kể tiếp chuyện rong chơi.

Du lịch Sumatra - Đôi điều chia sẻ


 

 

 

 

Các loại bánh phồng, khoai chiên được ưa thích từ thành thị đến nông thôn. Ảnh chụp ở Toba.
(TBKTSG Online) - Ngày nay, mọi người muốn tự túc thực hiện du lịch các nước Đông Nam Á cũng không khó mấy nếu trước khi đi chịu khó tìm hiểu kỹ thông tin lộ trình, địa lý, nhân văn các nơi đến; đặc biệt là nắm rõ thông tin chuyến bay hay xe, tàu... Kỳ cuối trong loạt bài 'Khám phá quần đảo Sumatra, Indonesia', chúng tôi xin chia sẻ với bạn đọc một số thông tin thiết thực và rất mong sẽ hữu ích với những ai đang có dự định lần đầu tự túc đến đảo quốc Indonesia.

Lần này chúng tôi đi Indonesia cũng vậy, qua Internet chúng tôi tìm được các thông tin chuyến bay như sau:
Từ TPHCM có nhiều hãng hàng không như Lion, Tiger Airways có đường bay trực tiếp từ TPHCM sang Jakata của Indonesia. Từ Jakata bay sang Medan, Padang, ngoài Lion, Tiger Airways còn có nhiều hãng hàng không khác như Batavia Air, Sriwijaya Air, Mandala Air, Garuda Indonesia... Những hãng hàng không này, hàng năm cũng có các đợt bán vé khuyến mãi.
* Công dân Việt Nam được miễn visa khi đến Indonesia và được ở lại trong vòng 30 ngày. Khu vực Đông Nam Á (khối ASEAN) có 11 quốc gia. Hiện chỉ còn 1 nước yêu cầu khách du lịch Việt Nam nhập cảnh phải xin visa là Timor Leste (Đông Timo).
* Đơn vị tiền tệ được sử dụng là đồng Rupiah (IDR). 1USD ≈ 9748 IDR. Theo trang coinmill.com (http://vi.coinmill.com/IDR_VND.html), ngày 04-12-2013: 10.000 IDR = 17.800 VND = 0,85 USD.
* Phương tiện đi lại tại Padang bao gồm: máy bay, tàu lửa, xe ô tô, xe buýt, xe taxi.
* Ngôn ngữ sử dụng là Bahasa Minangkabau, tiếng Minangkabau.
* Thời điểm tốt nhất đi du lịch Padang: từ tháng 4 đến tháng 10.
Hãng hàng không giá rẻ Air Asia có đợt bán vé khuyến mãi đi Indonesia trước 6 tháng cho tới một năm. Nhưng không có đường bay trực tiếp từ TPHCM sang Jakata hay các thành phố khác ở Indonesia mà hành khách phải quá cảnh ở Kuala Lumpur (Malaysia), Bangkok (Thái Lan), rồi từ đây có nhiều chuyến bay đi Medan, Padang...
Ngoài ra các bạn có thể bay trực tiếp từ Singapore hay từ  Bangkok (Thái Lan) sang Medan với hãng hàng không Tiger Airways.
Indonesia bao gồm hơn 13.000 hòn đảo, trong đó có hơn 6.000 đảo có người sinh sống, cho nên ẩm thực ở đất nước này rất đa dạng phong phú. Ẩm thực của Indonesia được phát triển dựa theo nét độc đáo riêng, dựa vào nguồn tài nguyên của từng vùng miền và chịu ít nhiều ảnh hưởng từ các nước xung quanh như Ấn Độ, Trung Quốc và các nước cai trị trước đây như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan.
Do chúng tôi đi du lịch ‘bụi’, tiết kiệm chi tiêu, nên thường chỉ ăn ở các hàng quán nhỏ, bình dân chứ không vào nhà hàng sang trọng nên chỉ  nói sơ qua một chút cảm nhận về món ăn bình dân và khẩu vị ở hòn đảo này. Còn rất nhiều món chúng tôi chưa có dịp thử qua nên cũng không thể đánh gía về ẩm thực của Indonesia. Nói cách khác, ‘biết tới đâu nói tới đó’ thôi.
Các món ăn ở Sumatra
Có vẻ như lối ăn uống của người dân Sumatra chịu ảnh hưởng bởi vùng Trung Đông, Ấn Độ với các loại rau và thịt nấu với cà ri như Gulai và cà ri Indonesia thường nấu với nước cốt dừa béo, Trung Quốc có món cơm chiên Nasi Goreng, là  món cơm chiên được bán khắp đảo Sumatra, thường chiên với trứng và ăn kèm với rau xà lách mà tôi có dịp ăn ở Bukittinggi.
Gà là món đặc sản của đảo này, do gà nuôi thả vườn nên thịt chắc thịt, nhưng đa phần ở quán ăn nào tôi cũng gặp mỗi món gà chiên sả. Kế tiếp là món bakso, một loại hủ tiếu bò viên giống ở Việt Nam, được bán hầu hết ở các thành phố Medan, Bukittinggi, hay Padang. Họ bán  thức ăn này bằng xe đẩy, hay bán trong quán, bán gánh đều có.
Món điểm tâm, mì Spaghetti kiểu Indo: ăn với mít non xào và trứng vịt bọc thịt chiên.
Món ca ri nấu mít non ở Toba.
Bakso (hoặc Baso) là món thịt bò viên hoặc làm từ thịt gà, cá, tôm vò viên. Bakso ăn với mì sợi, hoặc bihun (bún), rau muối, tàu hũ, trứng (bọc thịt bò), hoặc hoành thánh chiên.
Do đảo Sumatra là vùng tập trung dân số theo đạo Hồi, cho nên hầu như mọi người ở đây không ăn thịt heo. Chỉ có những khu người Hoa sinh sống thì mới có thịt heo. Và hầu hết người Indonesia không dùng đũa, chỉ ăn bốc bằng tay, kèm theo chén nước để rửa tay trước và sau khi ăn.
Món ớt sa tế xào với các loại rau củ.
Ớt xanh xào rau củ.
Một suất cơm đĩa gồm cá chiên sốt sa tế, ớt xanh xào, cà tím và cải xào.
Indonesia là quê hương của sate làm bằng ớt đỏ, vài món ăn bắt nguồn từ Indonesia ngày nay đã phổ biến khắp Đông Nam Á như các món như sa tế (satay), bò (rendang), và sambal (một loại tương ớt). Các món làm từ đậu nành, như đậu hũ (tahu) và tempeh (đậu nành lên men đóng thành miếng) cũng rất phổ biến ở Indo, nhưng chúng có vị chua khi ăn vào miệng và không được mịn màng như miếng đậu hũ ở Sài Gòn.
Tuy người Hoa chiếm thiểu số ở Indonesia, nhưng họ cũng góp phần làm cho ẩm thực nơi này thêm phong phú. Khi đi du lịch, nếu ăn món địa phương hoài nên chúng tôi đâm ra ngán, lúc đó chúng tôi thường hay vào khu người Hoa để ăn. Với những món như hủ tiếu, cơm, rau cải xào phần nào cũng dễ ăn vì khẩu vị nêm nếm vừa miệng.
Cà tím xào ớt sa tế.
Ở đảo Sumatra, các quán cơm bán cho người dân hay khách đi đường, hầu như mở cửa suốt ngày. Các món ăn bán ở quán cơm trên đảo này thường giống nhau, so với các nước trong khu vực thì khẩu vị của người Indo có vẻ ăn lạt (nhạt) hơn một chút, nên phải kèm theo nước chấm, nhưng họ rất thích ăn cay. Các quán ăn nào cũng có bán những món như ớt đỏ xào chung với các loại củ quả với cá, hay ớt đỏ sốt cá chiên, trứng chiên, cà tím xào sa tế... hoặc món cary, có khi là cary nấu mít non, ăn vào cũng lạ miệng như khi tôi ăn món này ở hồ Toba, người vùng này ít ăn rau xanh nhưng ăn nhiều loại củ, quả.
Indonesia là nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới. Tầm quan trọng của lúa gạo trong văn hóa Indonesia được thể hiện qua lòng tôn kính Dewi Sri, nữ thần lúa ở Java và Bali.
Gạo là lương thực chính dùng trong mỗi bữa ăn quanh năm của người Indo. Món phổ biến nhất của gạo là nấu cơm trắng ăn kèm với các món ăn. Gạo còn được chế biến cho cả món mặn lẫn món ngọt. Như gói thành khối hình hộp tết bằng lá dừa gọi là món Ketupat; hoặc Lontong là món bánh gạo gói lá chuối, loại bánh này vỏ áo làm bằng bột gạo xoay nhuyễn, giống vỏ áo của bánh giò ở Việt Nam nhưng khi nấu chín bánh lớp vỏ ngoải không trong và mịn như vỏ bánh giò mà màu bột màu trắng sữa, ăn có vị lạt.
Một sạp bán các loại nông sản chiên, bánh phồng tôm chiên ở Bukittinggi.
Tuy nằm trong khu vực nhiệt đới, nhưng khí hậu Sumatra quanh năm mát mẻ, có nhiều cao nguyên đất đỏ bazan màu mỡ, thích hợp cho việc trồng cây ăn quả nhiệt đới như sầu riêng, bơ, quýt, bòn bon, ca cao, café, sắn, chuối xoài, cam hay trái mây... được trồng khắp nơi trên quần đảo Sumatra với chất lượng và giá cả ổn định nên khi qua đây, ngày nào chúng tôi cũng ăn những loại trái cây này. Và cũng giống như nhiều nước Đông Nam Á khác, trái sầu riêng là loại trái cây rất được người dân nơi này ưa thích, chúng được chế biến ra rất nhiều loại bánh, nhưng tôi chưa có dịp thử qua vì chỉ toàn ăn trái sầu riêng cũng cảm thấy hài lòng rồi.
Còn các mặt hàng nông sản cũng vậy, tươi tốt, dạo quanh các chợ ở mỗi thành phố chúng tôi không thấy thiếu món gì, các mặt hàng nào loại nào cũng tươi xanh. Và họ còn  dùng các loại nông sản này chế biến các loại bánh sấy khô, bánh phồng tôm chiên được bày bán rất nhiều tại các bến xe, các chợ và ăn rất vừa miệng. Đây là những món ăn vặt mà người Indo rất thích.
Bài: Nguyễn Kim Oanh - Ảnh: Lệ Huyền

Không có nhận xét nào: