Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

Đến Ecuador: Hai nửa địa cầu, chân bắc chân nam

Những ai đến thủ đô Quito của Ecuador sẽ có được một trải nghiệm thú vị trong đời khi trong nháy mắt có thể bước từ bán cầu Bắc của quả đất sang bán cầu Nam và ngược lại, thậm chí cùng lúc đứng một chân ở bán cầu này, một chân ở bán cầu kia.

Ý nhị Á Đông trên đường Xích đạo. Ảnh: LXS
Ý nhị Á Đông trên đường Xích đạo. Ảnh: LXS
Điểm Xích đạo lớn nhất thế giới
Phát biểu tại Lễ khai mạc Festival Thanh niên, Sinh viên Thế giới lần thứ 18 tại Quito, Ecuador, Tổng thống nước này Rafael Correa nói rằng ông chào mừng các bạn trẻ tụ hội từ khắp thế giới về nơi “giữa của thế giới”.
Vị tổng thống này cũng như những người Ecuador trước đó đặt cái tên tiếng Tây Ban Nha “Mitad del Mundo” (giữa của thế giới) đã rất khôn khéo khi dùng từ “giữa” chứ không phải là “trung tâm” - một từ nghe ra chất sô - vanh.
Trong số 14 quốc gia (trong đó có Mỹ, Brazil, Colombia, Indonesia, Somalia, Congo…) có đường xích đạo - đường phân chia Trái Đất thành hai bán cầu về quan niệm là bằng nhau: Bắc và Nam, nơi Trái Đất phình to nhất - đi qua thì Ecuador tự hào nhất vì là nước duy nhất có đường này đi qua thủ đô.
Các xác minh khoa học cho thấy, xích đạo chạy cách trung tâm thủ đô Quito của Ecuador chỉ 24 km về phía Bắc. Thành thử đến Quito, tôi đã có được một trải nghiệm thú vị trong đời khi trong nháy mắt có thể bước từ bán cầu Bắc của quả đất sang bán cầu Nam và ngược lại, thậm chí cùng một lúc đứng một chân ở bán cầu này, một chân ở bán cầu kia.
Có một đường ranh giới sơn màu vàng cho phép người ta đứng một cách vênh vang như vậy tại địa điểm cách trung tâm Quito 24 km mà vào năm 1736, một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm khoa học Pháp đã tiến hành đo đạc và xác định đó là nơi đường xích đạo đi qua.
Năm 1899, một nhóm khoa học Pháp khác lại khảo sát, đo đạc lại và tái khẳng định kết quả của những người đồng hương. Tại nơi đó, năm 1936, nhà địa lý Luis Tufiío dựng lên một tấm bia đánh dấu.
Từ năm 1979 đến 1982, chính quyền địa phương ở đây đã thay nó bằng một đài kỷ niệm Xích đạo cao 30m bằng bê tông cốt thép, ngoài ốp đá xẻ, trên đỉnh có một quả cầu lớn, đường kính 4,5m, nặng 5 tấn. Trong lòng công trình có nhiều tầng, bố trí Bảo tàng dân tộc học, giới thiệu chi tiết về khoảng 20 dân tộc bản địa (thổ dân da đỏ) của Ecuador.
Du khách đến đây thường đứng hai chân hai bên cái vạch màu vàng ấy để đánh dấu việc mình vừa đứng chính xác trên đường Xích đạo, hào sảng đặt một chân ở bán cầu Bắc, một chân ở bán cầu Nam.
Nhiều nước có các hình thức đánh dấu đường Xích đạo, nhưng Mitad del Mindo là lớn nhất. Ở các nơi khác, đó thường là các bia hoặc các công trình kiến trúc nhỏ, thậm chí có nơi chỉ là một đoạn tường rất thấp để người ta có thể bước qua, chuyển từ bán cầu này sang bán cầu kia. Lớn cộng với nằm gần thủ đô một nước nhất, Mitad del Mundo là điểm Xích đạo nổi tiếng và thu hút đông du khách khắp thế giới nhất.

Cầu hôn trên đường Xích đạo. Ảnh: Lê Xuân Huy
Mitad del Mundo gợi nhớ kim tự tháp, có 4 mặt, chính diện Đông - Tây - Nam - Bắc, trên mỗi mặt có khắc chữ ghi công những người đã xác định đường Xích đạo và xây dựng công trình này. Đường sơn màu vàng chạy hướng Đông - Tây chính là “đường Xích đạo”.
Du khách thường đứng hai chân hai bên cái vạch màu vàng ấy để đánh dấu việc mình vừa đứng chính xác trên đường Xích đạo, hào sảng đặt một chân ở bán cầu Bắc, một chân ở bán cầu Nam. Cũng có một bộ phận phái đẹp, nhất là đến từ châu Á, cảm thấy không thể nào đứng kiểu vô duyên như thế mà ý nhị khép đùi, cả hai bàn chân đều đặt trên cái vạch vàng, hài lòng với việc mình đang ở nơi “giữa của thế giới”.
Cuộc cạnh tranh của “Xích đạo tư nhân”
Ấy nhưng nếu tìm hiểu kỹ thì đông đảo du khách chỉ vừa làm một động tác mang ý nghĩa tượng trưng theo truyền thống: do những hạn chế kỹ thuật của thời đại, người Pháp dù kỳ công nhưng đã không thể xác định chính xác đường Xích đạo.
Nay thì bất kỳ người bình thường nào có điện thoại cài hệ thống định vị toàn cầu đều có thể dễ dàng xác định được tọa độ mình đang đứng và nếu đặt điện thoại lên cái vạch màu vàng Đông - Tây ở Mitad del Mundo đều phát hiện là về mặt vĩ độ, nó không chỉ 4 số không tuyệt đối về độ, phút, giây như khẳng định.

Một điệu vũ dân gian trước Đài kỷ niệm Xích đạo. Ảnh: LXS
Trước đây, quân đội Mỹ đã xác định là đường Xích đạo thực ra chạy qua điểm cách Mitad del Mundo khoảng 240m về phía bắc! Một số khảo sát tư nhân khác cũng cho ra kết quả tương tự. Vậy nên mới sinh ra cái gọi là Intiían Solar Museum, một điểm du lịch tư nhân, về đường chim bay chỉ cách Mutad del Mundo 240m, tại đó, người ta liên tục biểu diễn các thí nghiệm cho thấy chính nơi đây mới là Xích đạo.
Nào là cho nước vào một cái bồn, rồi cho chảy thoát xuống dưới, nếu đặt bồn chính xác trên đường Xích đạo thì nước rút thẳng xuống mà không xoáy tròn, đặt bồn ở bán cầu Bắc, vòng xoáy của nước sẽ ngược chiều kim đồng hồ, đặt bồn ở phía Nam thì nước rút qua lỗ thoát xoáy theo chiều ngược lại, hiện tượng tương tự như các cơn bão ở Bắc bán cầu thì gió xoáy ngược chiều kim đồng hồ, còn ở phía Nam bán cầu thì ngược lại (điều này được giải thích một cách khoa học bằng hiệu ứng lực Coriolis).
Nào là một quả trứng sẽ luôn đứng thẳng trên một cái mũ đinh đóng chính xác trên đường Xích đạo, do tại đó không có lực hấp dẫn (thí nghiệm này du khách có người làm thành công, có người không và tại Mitad del Mundo nó cũng được biểu diễn).
Nào là nếu nhắm mắt thì không thể nào đi thẳng theo hướng đã định ở đường Xích đạo (thực tế thì bất cứ đâu nhắm mắt cũng khó mà làm được như thế). Nào là một người đứng trên đường Xích đạo thì hệ cơ bỗng nhiên yếu đến mức lực điền cũng dễ dàng bị nữ nhi xô ngã (điều cũng dễ dàng xảy ra bất cứ đâu nếu có yếu tố bất ngờ)…
Giữa các “điểm Xích đạo” này rõ ràng là có sự cạnh tranh. Chuyện đương nhiên là “Xích đạo tư nhân” luôn có thái độ dè bỉu “Xích đạo quốc doanh”. Còn hôm ở trên tầng cao nhất của Mitad del Mundo, tôi hỏi Enerto Correa, người trông coi ở đây “đường Xích đạo chính xác nằm ở chỗ nào?” thì ông trả lời nhanh rằng thực ra không có đường Xích đạo chính xác vì vỏ trái đất luôn biến động rồi lập tức lảng đi nơi khác.
Về mặt khoa học, tôi nghĩ một người trông bình thường như ông Enerto đã trả lời rất đúng. Tuy nhiên, tôi cảm thấy với đông đảo du khách, việc có thể mình chỉ “mới ở đâu đó cận sát đường Xích đạo” không thực sự quan trọng. Như đã nói ở trên, việc đến Xích đạo ở Ecuador giờ có tính biểu tượng và văn hóa. Vậy nên, chỉ có ở quanh Mitad del Mundo mọc lên cả một khu vực sầm uất nhà hàng, cửa hiệu bán đồ lưu niệm. Đây là nơi nhiều người tiến hành các nghi lễ đáng nhớ trong đời mình: tỏ tình, cầu hôn… Ở đây cũng thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa, lễ hội.

Ecuador ở vĩ độ 0

Trong tiếng Tây Ban Nha, Ecuador có nghĩa là “xích đạo”. Đất nước này được đặt tên dựa trên vị trí nằm ngay đường xích đạo của mình.

 Đây là nơi được nhà nước Ecuador công nhận chính thức là vĩ độ 0 - Ảnh: Đ.N
Đây là nơi được nhà nước Ecuador công nhận chính thức là vĩ độ 0 - Ảnh: Đ.N
Thủ đô của tình yêu và âm nhạc
Thủ đô Quito của Ecuador nằm ở độ cao hơn 2.800 m so với mặt nước biển, là thủ đô có độ cao thứ hai trên thế giới sau cao nguyên La Paz của Bolivia.
Quito là thủ đô nhưng lại là thành phố trực thuộc tỉnh Pichincha. Được xây dựng trên đống tro tàn đổ nát của thành phố Inca cổ xưa, thành phố này còn lưu giữ những nét đặc sắc của văn hóa bản địa. Quito được mệnh danh là “thánh tích của Nam Mỹ” với hơn 100 giáo đường rải rác khắp thành phố. Nơi đây cũng được UNESCO công nhận là “di sản đầu tiên của thế giới”.
Quito hầu như không có xe máy, ngoài những chiếc motor “khủng bố” của cảnh sát đi tuần. Với những người lãng mạn, Quito càng là một nơi đáng mơ ước. Đi trên bất kỳ con đường nào của Quito, người ta dễ dàng bắt gặp những đôi uyên ương tay trong tay, trao cho nhau những nụ hôn cháy bỏng. Họ vui sướng thể hiện tình yêu giữa đất trời thoáng đãng, giữa bốn bề những dãy núi lửa âm ỉ hoạt động xung quanh thành phố.
Thuật ngữ "Quốc gia âm nhạc" được sử dụng cho Ecuador để chỉ một lượng lớn các hình thức âm nhạc của đất nước này. Vào những dịp lễ lớn, người dân Ecuador đóng hết cửa hàng và kêu gọi bạn bè mang nhạc đến nhà, nhảy múa từ sáng đến tối. Có mặt tại Quito ngày thành lập thủ đô, chúng tôi gần như choáng ngợp trước không khí hội hè tại đây. Rất nhiều người từ các tỉnh mang nhạc cụ đến nhà bạn bè, nhảy múa tưng bừng suốt cả ngày. Đêm xuống, các quán bar chật cứng giới trẻ. Ngoài đường, có cả những chiếc xe tải được thiết kế thùng xe như một quán bar. Chiếc xe này chạy xung quanh thủ đô, trên đó là những người trẻ uống bia, hò hét, nhảy những điệu nhảy mê đắm lòng người.
Quito cũng có một khu phố cổ hết sức đặc sắc. Những con đường trong khu phố cổ lên dốc xuống đèo ngoằn ngoèo với đủ thứ cửa hàng trổ ra hai bên lề đường, bán những món ăn và quần áo, đồ dùng địa phương. Phố cổ cũng có những hình ảnh mê hoặc mà các bộ phim về Nam Mỹ hay trình chiếu. Đó là những ngôi nhà có ban công chĩa ra đường với những chậu hoa rực rỡ, nơi mà một cô gái đứng tựa ban công nhìn xuống chàng trai phía dưới ôm đàn hát những bản tình ca. Đó là một quảng trường rộng, nơi những chàng trai cô gái nhảy múa say mê hay một người diễn xiếc rong trình diễn, vây quanh là một đám đông hiếu kỳ theo dõi.
Những... vĩ tuyến 0
Như chứng minh cho tên gọi Ecuador, đất nước này nổi tiếng là địa điểm nơi vĩ tuyến 0 đi qua và tạo nên một điểm đặc biệt đo theo DMS (Degree:Minute:Second) là 00°00'00". Nhưng lại có đến... 3 điểm như vậy!
Điểm đầu tiên cách trung tâm thủ đô Quito khoảng 22 km về phía bắc. Nơi này được gọi là La Mitad Del Mundo (đường giữa xích đạo), tọa lạc tại ngôi làng San Antonio de Pichincta. Tại đây có tượng đài cao trên có quả địa cầu bằng đồng thau nằm ngay trên đường xích đạo. Đây là nơi được nhà nước Ecuador công nhận chính thức.
 Ecuador ở vĩ đô 0 2
Một góc Quito
Tuy nhiên, chỉ cách đó khoảng 200 mét lại tồn tại Viện bảo tàng Museo de Sitio Intiñan, nơi được một tổ chức tư nhân khảo sát bằng G.P.S. và nhận là điểm 00°00'00". Tại đây có một số thí nghiệm chứng minh rằng tại đường xích đạo sức hút quả đất đi thẳng vào lòng trái đất bằng một số thí nghiệm: để một quả trứng đứng trên đầu một cây đinh hay đặt một bồn rửa ở trên đường xích đạo và rút nắp thoát nước, nước sẽ chảy thẳng xuống ống thoát nước mà không xoáy thành vòng tròn như thường thấy.
Nhưng bất ngờ nhất là một điểm khác được chúng tôi phát hiện trên con đường lang thang tìm đến với những người da đỏ. Cách Quito hơn 100 km theo hướng nam, cả một khu vực rộng khoảng 40 m2 được thiết kế thể hiện các đường kinh độ, vĩ độ của trái đất. Chính giữa có một đài cao rỗng ruột, bên dưới là tấm gương lớn. Theo người phụ trách tại đây, đây cũng là dự án do một nhóm nhà khoa học tư nhân khảo sát. Người này khẳng định, vào lúc 12 giờ ngày thu phân 23.9 (giờ địa phương), duy nhất tại địa điểm này, tấm gương sẽ bắt được hình ảnh của mặt trời lên đến thiên đỉnh. Dĩ nhiên, anh chàng hướng dẫn cũng khẳng định đây chính là địa điểm 00°00'00" chính xác nhất của Ecuador!
Làng da đỏ
Theo lời Victor Hugo Ldu, người lái xe bản địa chúng tôi tình cờ thuê được, Ecuador có rất nhiều dân tộc với những ngôn ngữ khác nhau: Kichwa, Shuar, Achuar, Chachi, Epera, Huaorani... Nhưng ở quốc gia này, người da đỏ được chia làm hai thành phần chính. Một số bộ lạc do chính quyền bảo trợ, chu cấp và bảo vệ. Một nhánh các bộ lạc khác sống tận trong rừng sâu, ngoài vòng luật pháp, tự cung tự cấp và vẫn sống cuộc sống hoang sơ như bao đời nay. Bởi thế, dù đã đi rất xa, khoảng 600 km cách xa khỏi Quito, đến thượng nguồn sông Amazon, chúng tôi mới chỉ “chạm tay” đến được một ngôi làng da đỏ được sự bảo trợ của chính quyền.
Khu sinh thái Puerto Misahualli mà chúng tôi đến được đặt đầu con sông Misahualli là một địa điểm đặt dưới sự bảo trợ của chính quyền điển hình. Sau khi đi chừng 4 km trên sông bằng thuyền độc mộc, chúng tôi được Cesar Andi Native, một anh chàng da đỏ đón ngay đầu khu du lịch. Được nhà nước Ecuador chọn lựa từ trong bộ tộc Kechun, Cesar đến trường học của chính phủ, học và thông thạo cả hai thứ tiếng Anh và Tây Ban Nha.
Nơi này giống như một bảo tàng về cuộc sống, văn hóa của bộ lạc Kechun từ xưa đến nay. Cesar lần lượt giới thiệu các dụng cụ săn bắt, bẫy thú, nấu nướng, quần áo... của bộ tộc. Ngoài các loài cây thuốc, thực phẩm tiêu biểu phục vụ cho cuộc sống hằng ngày, Cesar thay đồ thổ dân, vẽ lên mặt chúng tôi hàng loạt hình vẽ tượng trưng về sấm sét, tù trưởng... Nhưng từ đầu đến cuối, tất cả những thứ xảy ra ở đây đã được sắp xếp quá hoàn hảo mà mất đi vẻ tự nhiên.
Chưa kể cả làng đều mặc đồ như cư dân hiện đại. Giữa làng có 2 sân bóng đá, môn thể thao rất phổ biến ở Ecuador. Người lớn, trẻ nhỏ của làng đang quần thảo chạy theo trái bóng và không hề tò mò trước những người lạ.
Người làng Kechun kể, trong rừng vẫn còn những bộ lạc ăn thịt người. Đầu người sẽ được cắt rời, lột hết da, sau đó ngâm tẩm phần da này vào dung dịch đặc biệt, phơi khô và sử dụng như một thứ trang sức yêu thích. Khu vực của những bộ lạc này thỉnh thoảng vẫn có trăn Nam Mỹ khổng lồ (anaconda) xuất hiện.
Cesar khẳng định tất cả bộ lạc da đỏ đều rất sợ anaconda vì loại trăn này có thể thôi miên. Chỉ mới vài ngày trước, một cư dân của làng đi câu cá đã bị anaconda nuốt gọn nhưng chúng tôi ngờ rằng đây chỉ là một câu chuyện làm quà cho người xứ lạ!

Sơn xanh lên các triền đồi
Từ Quito, tôi đi xe đến Sell, qua Imrabura, hay trên đường đến thượng nguồn sông Misahualli, đều bắt gặp trên đường những triền núi trọc trơ trọi, hệ quả để lại bởi các mỏ dầu.
Chính phủ nước này đã làm một việc mang tính “chữa cháy”: sơn màu xanh lá trên các triền đồi. Hôm chúng tôi đến Ecuador, những chiếc xe làm nhiệm vụ này vẫn cần mẫn dưới triền dốc làm công tác đặc biệt này.
Theo thống kê, Texaco (tập đoàn đã được Chevron mua lại) xả ra môi trường tới 18 tỉ gallon (tương đương 68 triệu mét khối) nước thải độc hại chưa qua xử lý, tàn phá môi trường tự nhiên và gây ung thư cho con người. Các bằng chứng trình trước tòa án cũng cho thấy, Texaco còn bí mật giấu nước thải trong 900 bể lớn, nằm sâu trong những cánh rừng nhiệt đới nguyên sinh của Ecuador, gây nên những hệ quả nặng nề cho đến thời điểm này.
Đăng Nguyên

Thăm Quito, nơi chỉ cần cất một bước chân là qua hai bán cầu

Thuộc khu vực Nam Mỹ, Ecuador giáp với Colombia ở phía bắc, Peru ở phía đông và nam, còn phía tây là Thái Bình Dương. Có lẽ xưa kia những người Tây Ban Nha đã đến khai phá vùng đất này, đặt tên Ecuador theo đúng vị trí của đất nước vốn trải dài cả hai bên đường xích đạo. Thủ đô Quito có khoảng 2,2 triệu dân và là thành phố lớn thứ hai sau Guayaquil.
Ðể thu hút du khách quốc tế, Ecuador đã dỡ bỏ “hàng rào” visa đối với khách du lịch đến từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Thời gian tạm trú tối đa đến 90 ngày là quá đủ để du khách thoải mái tìm hiểu và khám phá nét đẹp của Ecuador.

Thành phố di sản đầu tiên của UNESCO

Đường từ sân bay Mariscal Sucre vào trung tâm dài chỉ khoảng tám cây số, đường sá khang trang vì giao thông được đầu tư từ lâu đã khá phát triển. Không có hiện tương xe cộ tràn lan gây tắc đường nên chúng tôi chỉ mất chừng mươi phút là đến được khách sạn đã đặt trước.
Quito nằm ở một vị trí khá đặc biệt trên dãy núi Andés nổi tiếng, khí hậu ở đây mát mẻ và trong lành. Thành phố được xây dựng trên bốn thung lũng nối liền nhau, xung quanh là các ngọn núi lửa bao bọc. Có ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động, nhưng phần lớn còn đang ngủ, có thể thức giấc bất cứ lúc nào. Trong số đó, Ruco Pichincha và Guagua Pichincha là hai ngọn núi ngay bên cạnh thành phố vẫn đang âm ỉ hoạt động. Nằm ở độ cao 2.800m so với mực nước biển, Quito là thủ đô có độ cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau La Paz của Bolivia.
Lần đầu tới đây, chúng tôi có cảm giác hơi khó thở, có lẽ vì không khí loãng ở độ cao như vậy. Người hướng dẫn khuyên chúng tôi uống nhiều nước, tránh các loại đồ uống có cồn và caffeine để giảm những triệu chứng bất thường của cơ thể, phổ biến nhất là choáng váng và hơi nhức đầu. Nghe nói người dân địa phương thường dùng lá coca pha thành nước vừa để giải khát, vừa giúp cơ thể không bị phản ứng mạnh nếu có sự thay đổi của thời tiết. Chẳng hiểu tác dụng của “thần dược” ấy ra sao nhưng chúng tôi cũng thấy lạ khi biết có quy định rõ ràng là du khách quốc tế không được đem lá coca ra khỏi biên giới Ecuador.
DN735-Quito-Ecuador-mot-buoc-chan-qua-hai-ban-cau-DDDT-2017-1
Khu phố cổ ở trung tâm Quito
Ðược xây dựng trên đống tro tàn của thành phố Inca cổ xưa, Quito còn lưu giữ được nhiều nét đặc sắc của văn hóa bản địa với khoảng 40 nhà thờ và tu viện, 17 quảng trường và hàng chục viện bảo tàng. Nơi đây đã trải qua thời kỳ phục hưng và tái thiết toàn diện trong suốt nhiều thập niên và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới đầu tiên, từ năm 1978. Năm 2008, nhân kỷ niệm 30 năm trở thành thành phố đầu tiên nhận được vinh dự đó, Quito còn được tạp chí Guardian của Anh bình chọn là một trong mười điểm du lịch an toàn, hấp dẫn nhất hành tinh.
Ngày nay, thủ đô của Ecuador được chia thành ba vùng rõ rệt: phố cổ nằm giữa trung tâm, phía bắc là khu tập trung nhiều danh lam thắng cảnh có sức hấp dẫn mạnh đối với du khách quốc tế, còn phía nam là “đại lộ núi lửa” với chín trong số mười đỉnh núi cao nhất của Ecuador chạy dài song song hai rặng núi, cũng là một thắng cảnh đẹp, hùng vĩ nhất.
Ðến thăm phố cổ, chúng tôi được hướng dẫn leo lên ngọn đồi Panecillo cao 3.035m để chiêm ngưỡng bức tượng Đức mẹ khổng lồ và cũng rất độc đáo. Người hướng dẫn tour cho biết đây là bức tượng Đức mẹ Maria duy nhất có đôi cánh thiên thần. Công trình kiến trúc tuyệt mỹ này được xây dựng bởi hơn 7.000 miếng nhôm to nhỏ, cao đến 45m.
Từ trên đỉnh đồi, chúng tôi thả tầm nhìn bao quát toàn cảnh thành phố và ngắm các ngọn núi lửa xung quanh. Tại đây có tuyến cáp treo Teleíerico đi sang đồi Loma Cruz. Cáp treo ở độ cao 4.000m này được ghi nhận là hệ thống cáp treo cao thứ hai thế giới. Thật thú vị khi ngồi trong cabin của cáp treo băng qua sáu miệng núi lửa. Khung cảnh bên dưới thật kỳ lạ, khó có thể diễn tả bằng từ ngữ. Ðiểm dừng của cáp treo là chân núi lửa Pichincha. Đứng ở nơi bốn bề núi lửa vây quanh, mây bay vần vũ trên đầu, cảm nhận được chút se lạnh ở trên cao, ngắm ánh nắng mặt trời lúc ẩn lúc hiện sau các kẽ mây… mới thấy con người nhỏ bé làm sao trước sự bao la của tạo hóa.
DN735-Quito-Ecuador-mot-buoc-chan-qua-hai-ban-cau-DDDT-2017-ok
Tượng Đức mẹ Maria ở ngọn đồi Panecillo
Nhà thờ San Francisco được xây dựng từ khoảng những năm 1570 để tưởng niệm San Francis – dòng họ đã định cư sớm nhất vùng này. Ðó cũng là lý do mà tên gốc của thành phố là San Francisco de Quito. Nhà thờ còn lưu giữ khá nhiều kiệt tác nghệ thuật, nổi bật là tác phẩm điêu khắc bằng gỗ đa sắc và mạ vàng “Virgin of Quito” của Legarda. Ngay trong phố cổ, nhà thờ Iglesia Companĩa de Jesus, được xem là nhà thờ đẹp nhất châu Mỹ.
DN735-Quito-Ecuador-mot-buoc-chan-qua-hai-ban-cau-DDDT-2017-4
Nhà thờ Iglesia Companĩa de Jesus
Bảo tàng Quốc gia Banco Central là nơi trưng bày hầu hết những tác phẩm có giá trị nhất của Ecuador. Trong đó có bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật nổi trội bằng gốm và vàng có từ thời đại trước khi Colombus phát hiện ra Nam Mỹ. Bên cạnh đó là vô số tác phẩm nghệ thuật đương đại có giá trị.
DN735-Quito-Ecuador-mot-buoc-chan-qua-hai-ban-cau-DDDT-2017-5
DN735-Quito-Ecuador-mot-buoc-chan-qua-hai-ban-cau-DDDT-2017-3
Bên trong Bảo tàng Banco Central
Bảo tàng Ciudad thì ngược lại, nhỏ hơn nhiều nhưng lại bao quát toàn bộ lịch sử đất nước Ecuador. Ðược xây dựng từ thế kỷ XVI, bảo tàng này lưu giữ đủ các hình ảnh, hiện vật liên quan đến đời sống văn hóa của cư dân bản địa, những mô hình phỏng theo các công trình trọng yếu phản ánh khá sinh động một Ecuador từ xa xưa đến hiện tại.
Tòa nhà giáo hội Compania là một kiệt tác kiến trúc Baroque, được đánh giá là nhà thờ đẹp nhất châu Mỹ với một kho tàng tác phẩm nghệ thuật khổng lồ. Các tác phẩm điêu khắc hiện diện khắp các mặt của tòa nhà, từ ngoài vào trong, khiến du khách nào cũng phải trầm trồ tán thưởng.
Vow là nhà thờ theo kiến trúc Gothic lớn nhất ở Tây bán cầu và mức độ độc đáo cũng rất đáng nể. Người ta nói rằng nhà thờ này vẫn chưa xây xong vì theo truyền thuyết, người dân nơi đây tin rằng nếu nhà thờ hoàn thành thì ngay sau đó sẽ là ngày tận thế.
DN735-Quito-Ecuador-mot-buoc-chan-qua-hai-ban-cau-DDDT-2017-2
Kiến trúc độc đáo của nhà thờ Vow

Đi tìm vị trí chính xác của đường xích đạo

Mặc dù đường xích đạo chạy qua hàng trăm địa điểm trên thế giới, nhưng chỉ Ecuador là quốc gia duy nhất mang niềm tự hào về vị trí địa lý độc đáo này.
Năm 1736, đường xích đạo đã được phát hiện và lập bản đồ bởi một nhóm thám hiểm trắc địa người Pháp, dẫn đầu là Charles-Marie de La Comdamine. Ông đã trải qua mười năm ở Ecuador để lấy những số đo và đã chứng minh rằng Trái đất này không hoàn toàn là tròn trịa, mà phình ra tại đường xích đạo. Năm 1936, Chính phủ Ecuador đã xây dựng một tượng đài trong một công viên có tên là La Mitad del Mundo (Tâm của thế giới) để kỷ niệm 200 năm cuộc thám hiểm trắc địa đầu tiên của Viện Hàn lâm khoa học Pháp. Đến năm 1979, đài tưởng niệm được xây thêm một tòa tháp cao 30m và trên đỉnh tháp gắn một hình cầu cao khoảng 2,4m. Một đường màu vàng chạy trên mặt đất để đánh dấu vị trí chính xác của đường xích đạo.
DN735-Quito-Ecuador-mot-buoc-chan-qua-hai-ban-cau-DDDT-2017-6
Vạch đánh dấu đường xích đạo ở công viên La Mitad del Mundo
Tuy nhiên, hệ thống định vị toàn cầu (GPS) hiện đại cho thấy đường xích đạo thực nằm cách vạch màu vàng khoảng 240m về phía bắc. Khi được hỏi về sự khác biệt, các nhân viên ở công viên cho biết rằng ở gần vùng đất mà đường xích đạo chạy qua là một khe núi và mặt đất nơi ấy không phù hợp để xây dựng đài tưởng niệm. Vì vậy, các nhà xây dựng phải chọn một vị trí khác gần đó.
Mỗi năm có khoảng nửa triệu khách du lịch tới đài tưởng niệm La Mitad del Mundo. Nhiều người dù đã biết về sự lệch vị trí nhưng vẫn viếng thăm và chụp ảnh đôi chân của họ đặt ở hai bên của đường vạch màu vàng tượng trưng cho đường xích đạo. Từ đài tưởng niệm này, chỉ mất hai phút chạy xe là đến Bảo tàng Mặt trời Intinan – một địa điểm cũng thu hút khá đông du khách. Người ta gắn một biển hiệu gần cổng của bảo tàng, ghi vị trí của khu vực là vĩ độ 0, được tính bằng GPS.
DN735-Quito-Ecuador-mot-buoc-chan-qua-hai-ban-cau-DDDT-2017-7
Bảo tàng Mặt trời Intinan là nơi đường xích đạo thật sự đi qua
Các hướng dẫn viên ở bảo tàng thay nhau biểu diễn cho du khách xem các pha “ảo thuật” chỉ có trên đường xích đạo, chẳng hạn làm cân bằng những quả trứng, dễ dàng mở nắm tay đang nắm chặt của du khách hay làm nước chảy ngược chiều kim đồng hồ. Thực ra, đó chẳng phải là thủ thuật gì ghê gớm, mà do ở đường xích đạo, trọng tâm mọi vật rơi vuông góc với trục quay của Trái đất nên một quả trứng có thể đặt đứng dễ dàng trên đầu một mũi đinh, nước trong bồn cũng rơi thẳng đứng chứ không xoáy tròn.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân giải thích vì sao các loại gió mùa, bão… đều hình thành ở Bắc bán cầu hay Nam bán cầu, còn riêng vùng xích đạo thì luôn yên bình. Nơi đây đã được khảo sát từ 18 năm trước và mỗi năm đón đến hơn 10 ngàn du khách tham quan. Nếu xét theo công cụ đo đạc hiện đại thì nơi này có xác suất đúng nhiều hơn La Mitad del Mundo. Dù sao chăng nữa, nơi này có giá trị truyền thống, nơi kia có giá trị hiện đại nên du khách không có lý gì chỉ thăm một nơi.
DN735-Quito-Ecuador-mot-buoc-chan-qua-hai-ban-cau-DDDT-2017-8
Đường trekking ở núi lửa Pichincha
Vài ngày thăm thú thủ đô Quito quả là quá ngắn ngủi và cũng chưa cho phép chúng tôi thăm hết được các danh thắng ở nơi này. Thôi đành phải hẹn gặp lại lần nữa vậy, Ecuador!

Không có nhận xét nào: