Nằm trên đảo chính Java, cách Jakarta 400 km, cố đô Yogyakarta là một trong bốn vùng còn giữ chế độ vua cai trị song song chính phủ cộng hòa Indonesia.
Cung điện Jogja
Người dân Indonesia gọi Yogyakarta bằng cái tên dân dã: Jogja. Một trong những trung tâm văn hóa đậm nét truyền thống của người dân Java tại Yogyakarta chính là cung điện của vua. Đây cũng là điểm du lịch mà hầu hết du khách đến Jogia đều dành khoảng 2 giờ ghé thăm.
Dắt du khách đến khu vực đăng ký vào cung điện, chị Susan đưa cho các thành viên trong đoàn mỗi người một chiếc xà rông. Khách vào cung điện phải quấn trang phục này quanh chân, từ thắt lưng trở xuống. Phía trong khuôn viên cung điện, quần thể các khu nhà xây tách biệt trong một diện tích rộng lớn. Ở mỗi tòa nhà hoặc nơi các cổng ra, cổng nối các khu vực, luôn có những người lính làm công việc canh gác an ninh quanh cung điện. Họ ngồi xếp bằng dưới đất cát hoặc nền nhà, im lặng quan sát người qua lại.
Quan chức phục vụ trong cung điện của vua Yogyakarta.
|
Vừa đi vừa chỉ tay về các khu vực riêng dành cho vua, hoàng hậu, các công chúa, hoàng tử, chị Susan vừa giải thích: “Cung vua là nơi linh thiêng nhất. Chỉ khi vua cho phép, vợ, con hay thần dân mới được vào. Ngoài hành lang của cung điện vua ở và làm việc có một ngọn đèn đặc biệt. Nếu đèn bật sáng có nghĩa vua đang ở trong cung, còn đèn tắt có nghĩa vua đã ra ngoài”.
Bảo tàng trong cung
Cung điện Jogja không chỉ đơn thuần là nơi gia đình hoàng tộc sinh sống, mà còn là trung tâm thông tin, cung cấp những kiến thức về các tầng lớp trong xã hội, các nét văn hóa, truyền thống của dân tộc và mở cửa để công chúng có thể tham quan.
Bản thân cung điện là một bảo tàng về đời sống và hoạt động của chế độ quân chủ tại Java. Kiến trúc và cách sắp xếp các quần thể trong cung điện Jogja mang đậm tính lịch sử khi thể hiện sự hòa nhập thông qua kết hợp đặc trưng của các tôn giáo: Hindu, Hồi và Phật giáo cùng một số công trình Tây phương mà người Hà Lan xây dựng trong thời gian Indonesia là thuộc địa.
Một cổng ra vào cung điện.
|
Bảo tàng làm vải batik là một điểm ấn tượng trong cung. Nơi đây trưng bày tất cả những thông tin liên quan đến trang phục truyền thống này như dụng cụ và cách thức làm ra loại vải; hình ảnh hoa văn dệt trên quần áo và cách mặc thể hiện người mặc là ai, thuộc tầng lớp nào trong xã hội, đã có gia đình hay còn độc thân. Phụ nữ Java học dệt, vẽ vải batik từ nhỏ và tự may quần áo cho mình và người thân trong gia đình. Vải batik Jogja cũng nổi tiếng nhất tại Indonesia.
Vị vua hiện đại
Vua Jogja được đánh giá là người cởi mở và theo chiều hướng hiện đại. Là một vị vua khá đặc biệt khi kiêm luôn chức tỉnh trưởng tại địa phương, ông bỏ qua nhiều quy định khắt khe cổ xưa, cho lưu hành một số những quy định mới, gần gũi với người dân hơn. Khi người dân trước đây đến gặp vua phải cúi mặt không dám ngước mắt lên nhìn thì ông lại cho phép thần dân nhìn thẳng mặt lúc gặp gỡ hoặc đối thoại. Ông không cưới thêm vợ để sinh con trai nối ngôi, dù nguy cơ phải truyền ngôi cho em trai.
Một khu vực tiếp khách đến thăm viếng cung điện.
|
Những người dân thường được tuyển vào làm công việc trong cung luôn cho đây là việc đáng tự hào. Họ tham dự những khóa tuyển chọn công khai, đạt tiêu chuẩn thì được vào làm trong cung điện. Và khi bước chân qua ngưỡng cửa cung điện, toàn bộ người làm phải đi chân trần vì coi đây là vùng đất linh thiêng. Địa vị và công việc của người làm trong cung điện được phân biệt thông qua các loại quần áo vua trao tặng.
Đối với các quan cận thần, chính vua sẽ trao cho họ vũ khí truyền thống của người Java (một con dao) thể hiện người được vua tin tưởng giao trọng trách. Loại vũ khí này được coi là có năng lực siêu nhiên không thể thiếu trong các nghi lễ của người Java.
Bài và ảnh: Kim Dung
Yogyakarta – linh hồn văn hóa của Indonesia
Dù không nổi tiếng như Bali, Yogyakarta sẽ đem lại cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời về văn hóa tại vùng đất giàu truyền thống lịch sử, nơi khai sinh ra lụa batik.
Khung cảnh nhìn từ ngôi đền Prambanan được xây dựng vào thế kỷ 9, một di sản văn hóa thế giới do UNESCO công nhận. |
Ở Kota Gede, thị trấn cổ của Yogyakarta được xây dựng hơn 400 năm trước bởi vua Mataram giàu có, những con phố hẹp đến mức du khách chỉ có thể đi bộ hoặc di chuyển bằng xe tuk-tuk. Trong ảnh là nhà thờ Hồi giáo trong lăng hộ hoàng gia ở Kota Gede. |
Một nghệ sĩ đang tô màu cho vải lụa bằng tay ở Ardiyanto, nơi sản xuất lụa batik đẹp nhất Yogyakarta suốt 40 năm liền. Các xưởng lụa batik rực rỡ sắc màu với những dải lụa và vải treo khắp nơi, chờ vẽ hoặc nhuộm màu. |
Bảo tàng Affandi nằm ở trung tâm Yogyakarta gồm một loạt các tòa nhà dọc sông Gajah Wong. Tại đây trưng bày các bức tranh phong cảnh và chân dung đầy ấn tượng. |
Bạn sẽ dễ dàng tìm thấy sự giao thoa giữa cổ điển và hiện đại, truyền thống và phá cách tại mọi góc cạnh của Yogya. Ví dụ như khách sạn Dusun Jogja Village với các căn phòng kiểu wabi-sabi và các nhà lều. |
Một phòng tắm với thiết kế ấn tượng tại khách sạn Dusun Jogja Village. |
Điểm dừng cuối cùng bạn nên tới trước khi rời Java là ở vùng đồng quê. Khách sạn Amanjiwo chỉ cách trung tâm Yogyakarta một tiếng chạy xe và nằm gần đền Borobudur. Khách sạn này là một trong những nơi thể hiện sự hòa trộn giữa tương lai và quá khứ của Yogyakarta. |
Khung cảnh của Amanjiwo, khách sạn nằm dưới chân một ngọn núi với rừng rậm kiểu Java điển hình. |
Phóng to | ||||||
Một bữa ăn theo kiểu truyền thống tại khách sạn Amanjiwo.
Hoàng Linh
Ảnh: CNTraveler
Một ngày du ngoạn cố đô di sản Jogja
Trong hành trình khám phá đất nước vạn đảo Indonesia, du khách đừng quên ghé thăm Yogyakarta – cố đô thanh bình với những ngôi đền di sản nghìn năm kỳ vĩ.
Yogyakarta (gọi tắt là Jogja) là trung tâm văn hóa đầu tiên của đảo Java, Indonesia, có những ngôi đền nghìn năm huyền bí hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Dưới đây là hành trình gợi ý cho chuyến khám phá nhanh ở Jogja trong một ngày.
Buổi tối hôm trước: Khởi hành từ Việt Nam đi Indonesia
Từ Việt Nam có nhiều hãng hàng không bán vé máy bay tới Jakarta như: Cebu Pacific, Lion Air, Air Asia, Tiger Airways, Vietnam Airlines… Bạn sẽ khởi hành từ Hà Nội hoặc Sài Gòn bay đến Kuala Lumpur, Malaysia, quá cảnh. Từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur bay mất 2h5 phút để đến Jakarta. Indonesia có cùng múi giờ với Việt Nam nên rất tiện cho du khách theo dõi thời gian bay.
Đối với dân phượt đặt tiêu chí tiết kiệm lên hàng đầu, bạn có thể chọn bay giờ tối đi Jakarta, nghỉ đêm tại sân bay để sáng sớm đến Jogja. Lưu ý khi bay hãng Air Asia là sảnh đi quốc tế và sảnh đi nội địa ở cùng tầng một của Terminal 3 (Nhà ga số 3) tại sân bay Soekarno Hatta. Do đó, bạn sẽ giảm được thời gian di chuyển giữa các nhà ga và tìm chuyến bay.
Khi đến sân bay Soekarno Hatta ở tầng trệt Terminal 3, bạn xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh Indonesia. Lúc lên máy bay, nhân viên hàng không sẽ phát phiếu khai nhập cảnh và bạn điền đầy đủ thông tin vào phiếu. Sau khi hoàn tất thủ tục nhập cảnh, bạn di chuyển theo lối thang cuốn từ tầng trệt lên tầng một và tìm chỗ ngả lưng trong lúc chờ nối chuyến bay nội địa. Sân bay vào ban đêm rất lạnh do hệ thống điều hòa, du khách chú ý mang theo áo ấm, khăn mỏng để giữ ấm và cả miếng nilon trải sàn để nằm.
Sáng sớm hôm sau: Bay từ Jakarta đi Yogyakarta mất một giờ
Làm thủ tục cho chuyến bay nội địa từ Jakarta đi Jogja, lệ phí bay nội địa 40.000 Rupiah (100.000 đồng). Bạn nên đổi sẵn tiền Rupiah (tiền của Indonesia) từ Việt Nam, phòng trường hợp đến sân bay địa phương quá khuya hoặc quá sớm mà các quầy đổi ngoại tệ chưa mở cửa.
7h30 – 8h00: Đến sân bay Adisutjipto (Jogja)
Bước ra phía ngoài, bạn sẽ thấy các quầy của những công ty du lịch và vận chuyển. Du khách có thể gửi hành lý tại quầy của Adipura Transport với giá từ 10.000 Rupiah (25.000 đồng) cho một túi hành lý. Tại đây nhận giữ hành lý từ 7h đến 20h, nếu gửi qua đêm thì giá đắt hơn.
8h30 – 11h: Tham quan quần thể đền thờ Ấn độ giáo Prambanan
Từ sân bay Adisutjipto, bạn đi chuyến buýt 1A khoảng 45 phút đến Prambanan với giá 3.000 Rupiah (8.000 đồng). Tiếp đó du khách mua vé ở các trạm chờ xe buýt có lợp mái tôn và bao bọc bằng những khung cửa kính. Khi xe đến, bạn xếp hàng cùng người dân địa phương, nhân viên của trạm sẽ soát vé rồi mời từng hành khách bước lên xe.
Khu quần thể Prambanan là đền thờ Ấn độ giáo (Hindu) lớn nhất Đông Nam Á, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1991. Prambanan gồm có các đền: Prambanan, Sewu, Bubrah và Lumbung, với tháp chóp nhọn điển hình trong kiến trúc đền của đạo Hindu. Ba vị thần tối cao của đạo Hindu được thờ trong quần thể đền Trimurti gồm: thần Sáng tạo Brahma, thần Bảo vệ Vishnu và thần Hủy diệt Shiva. Tuy không đồ sộ bằng quần thể Angkor ở Campuchia và trải qua trận động đất năm 2006, song đến nay, Prambanan vẫn uy nghiêm với những chóp đền cao nhọn cùng các trầm tích rêu phong.
Trước khi vào tham quan đền, bạn sẽ được nhân viên khu di sản cho mượn xà rông in hoa văn, biểu tượng ngôi đền với dòng chữ Prambanan Indonesia để quấn ngang hông, thể hiện sự tôn kính trước khi tiến vào bên trong tham quan ngôi đền. Nhờ chiếc xà rông này, bạn sẽ có được những bức ảnh đẹp và ấn tượng. Giá vé vào tham quan là 171.000 Rupiah (430.000 đồng), nếu có thẻ sinh viên quốc tế sẽ được giảm còn một nửa.
11h30 – 16h: Chiêm ngưỡng quần thể Phật giáo Borobudur
Di sản thế giới Borobudur tọa lạc cách trung tâm Jogja khoảng 42 km và được mệnh danh là “ngôi đền quyến rũ”. Cùng với Prambanan, quần thể Phật giáo Borobudur đã chứng minh quá khứ vàng son của đạo Phật và đạo Hindu tại Indonesia. Theo tiếng cổ, Borobudur có nghĩa là "đền thờ Phật trên núi". Đền Borobudur được xây dựng trong khoảng 75 năm từ thế kỷ thứ 8, dưới vương triều Syailendra sùng đạo Phật. Đền được xây trên đỉnh đồi, giữa vùng đồng bằng, phía sau là một dãy núi, khiến cho ngôi đền nổi bật.
Quần thể đền Borobudur gồm nhiều tháp nhỏ bao bọc xung quanh một tháp chính cao 42 m với 12 tầng tháp. Để lên đến đỉnh tháp cao nhất, du khách phải trèo lên các bậc thang và đi qua các hành lang của 12 tầng tháp với tổng chiều dài 5 km. Mỗi tầng tháp có những bức phù điêu chạm trổ tinh tế mô tả đời sống của đức Phật và trần thế.
Để đến Borobudur, bạn đi ba chuyến xe buýt. Chuyến thứ nhất đi từ Prambanan đến trạm Jombor mất 30 phút với giá 3.000 Rupiah (8.000 đồng). Chuyến kế tiếp đi từ trạm Jombor đến trạm Mengui tốn thêm 30 phút với giá 15.000 Rupiah (38.000 đồng). Sau cùng, bạn đi xe từ trạm Mengui đến trạm Borobudur (gần tu viện Phật giáo Mendut) mất 15 phút với 2.500 Rupiah (5.000 đồng).
Tại khu vực cách ngôi đền một km có nhiều xe ngựa tập trung. Nếu không muốn đi bộ từ chỗ đó đến trước cổng đền, bạn có thể thuê một chuyến xe ngựa chở được 4 khách với giá 5.000 Rupiah (12.500 đồng). Giá vé vào tham quan đền Borobudur là 190.000 Rupiah (475.000 đồng).
Quanh khu vực trạm Mengui có những chiếc xe đẩy bán rất nhiều món ăn đường phố đặc trưng văn hóa Indonesia. Bạn có thể thưởng thức món Bakso (mì bò viên, trứng với rau).
16h15 – 19h: Di chuyển từ Borobudur về trung tâm Jogja
Tham quan xong ngôi đền, bạn đi xe ngựa ra bến xe Borobudur gần đó, rồi đón buýt về trạm Jombor 15.000 Rupiah (38.000 đồng). Sau đó, từ trạm Jombor đến sân bay Jogja để lấy hành lý ký gửi lúc sáng sớm với giá vé xe 3.000 Rupiah (8.000 đồng).
19h30: Nhận phòng khách sạn ngay trung tâm cố đô Jogja và nghỉ ngơi
Tối hôm đó bạn nhận phòng và nghỉ ngơi ở Jogja. Sáng hôm sau bạn đón buýt hay taxi ra sân bay Adisutjipto (Jogja) để làm thủ tục bay về hoặc tiếp tục khám phá các điểm đến khác của Indonesia.
Phan Ngọc Hạnh
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét