Hương thơm và màu sắc bắt mắt của các quầy hàng gia vị trong ngôi chợ Grand Bazaar ở Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ cuốn hút tôi đi mãi. Ngôi chợ rộng lớn với 61 con đường bên trong và hơn 3.000 quầy hàng đã làm tôi lạc mất lối về. Không chỉ là “chợ” với nhiều mặt hàng truyền thống được bày bán, Grand Bazaar còn là nơi ghi lại vết tích của con đường tơ lụa huyền thoại ở ngã ba văn hóa của 3 châu lục.
Hôm qua, anh bạn Adnan, người Thổ mà tôi đã gặp trong cung điện Topkapi khuyến cáo tôi nên ghé qua ngôi chợ Grand Bazaar để mua quà lưu niệm truyền thống trước khi về Việt Nam. Anh cũng cảnh báo tôi cần phải lưu ý đường đi nước bước bên trong bởi ngôi chợ rất rộng lớn. “Grand” là từ tiếng Anh có nghĩa là “rất lớn”, “Bazaar” trong ngôn ngữ Ba Tư có nghĩa là “chợ” và từ Bazaar được sử dụng rộng rãi từ các quốc gia Nam Á lên đến các nước thuộc khu vực Trung Đông và Bắc Phi.
Sắc màu gia vị
Tôi ngập ngụa trong sắc màu văn hóa Ba Tư huyền bí khi vừa bước vào bên trong chợ. Những quầy hàng san sát với sắc màu của khăn choàng, thổ cẩm, gốm sứ, đèn lồng truyền thống của người Thổ … khiến tôi mê mẩn. Cũng giống như các quốc gia Hồi Giáo khác, bán hàng trong khu chợ luôn là nam giới. Các anh ở đây thật dễ mến!.
Hình : Một góc chợ Grand Bazaar.
Thấy tôi chăm chú vào bộ gia vị đa sắc màu trên quầy, anh Ali, người bán hàng giải thích “Người Thổ ăn rất nhiều gia vị như trái hồi, quế, bạch đậu khấu, …, nhưng trong một quầy hàng không thể thiếu 10 gia vị cần thiết trong cuộc sống hàng ngày để chế biến thức ăn”.
Lá kinh giới (tiếng địa phương là Guveyotu) là loại hương liệu rất phổ biến của vùng Địa Trung Hải và Đông Á. Lá kinh giới khô được người Thổ sử dụng trong việc ướp thịt hay trộn vào các món salad hoặc súp. Uống nước ép lá kinh giới tươi giúp kích thích tiêu hóa hay trị một số loại bệnh cảm cúm thông thường. Gần đây, nước ép lá kinh giới tươi được trộn với dầu Oliu để rưới lên các loại salad.
Bột ớt đỏ (tiếng địa phương là Pul biberi) dành cho những người thích ăn cay. Nó được sử dụng nhiều vào mùa đông bởi giúp cơ thể ấm áp và được rắc trực tiếp vào thức ăn hoặc súp. Đôi khi người ta trộn bột ớt đỏ vào hỗn hợp thịt bò xay để tạo nên món Kofte nổi tiếng.
Lá bạc hà (tiếng địa phương là Nane) được sử dụng dưới dạng khô và tươi trong nhiều loại salad hay ướp các loại thịt. Nó là thành phần không thể thiếu trong 2 món truyền thống ăn sáng của người Thổ là súp Ezogelin và bánh bao Manh.
Hình : Những quầy hàng gia vị đầy sắc màu cuốn hút tôi đi mãi.
Hạt tiêu Jamaica (tiếng địa phương là Yenibahar) cũng là thành phần không thể thiếu trong món truyền thống Kadin budu Kofte, những miếng chả dạng hình viên được chiên trong dầu. Bột quế cây (tiếng địa phương là Tacin) thường được trộn vào với bột để tạo nên những chiếc bánh thơm ngon hay những ly cocktail ngọt ngào sau bữa ăn chính.
Tôi cuốn hút theo cách giới thiệu dí dỏm và hài hước của Ali. Anh đưa tôi từ sự ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác bởi những tính năng hữu dụng của gia vị. Tôi không còn nhận ra được cảm giác “khác biệt” như khi mới bước vào bởi ở đây lúc nào cũng tràn ngập mùi thơm của các loại gia vị …
Thìa là Ai Cập (tiếng địa phương là Kimyon) được sử dụng trong ướp thịt, đặc biệt hổn hợp thịt bò xay. Đôi khi nó được sử dụng trong các loại súp hoặc rắc lên trên đĩa thức ăn.Bột trái muối (tiếng địa phương là Sumac) là gia vị rất “truyền thống” của vùng Địa Trung Hải và Trung Đông. Hương vị của nó thanh tao và khá gần với vị của chanh và người Thổ sử dụng Sumac trong các loại thịt nướng, làm yogurt hay trộn với hành để chế biến món gan bò xào sa tế chua chua cay cay rất lạ.
Hình : Anh Ali, người đã kể cho tôi nghe 10 gia vị truyền thống của người Thổ.
Người Thổ có một loại bánh mì khá nổi tiếng với tên gọi Simit. Bánh mì không chỉ nổi tiếng với ruột mịn và da giòn, mà ngon bởi nước sốt Tahini được chế bên trong. Tahini được làm từ những hạt mè đen (tiếng địa phương là Susam). Bột ớt cựa gà (tiếng địa phương làKirmizi Biber) có màu đỏ rất đặc trưng của người Thổ được sử dụng khá nhiều trong việc ướp các nguyên liệu chế biến bởi chúng làm tăng độ màu và không cay. Ngoài ra, Paprika còn được sử dụng trong súp hay các món hầm.
Thìa là đen Ai Cập (tiếng địa phương là Corekotu) là gia vị không thể thiếu trong việc rắc trên đầu của chiếc bánh ngọt truyền thống của người Thổ là Yufka và Phyllo. Vị đăng đắng cùng với màu đen tuyền của nó khiến hương vị thêm lạ và bắt mắt.
Hình : Những quầy hạt rang.
Tôi say sưa nghe Ali giới thiệu và chạm qua 10 hương liệu truyền thống của người Thổ được đặt trên quầy. Ali giải thích thêm cho tôi biết : “Những người giàu có khi mua gia vị, họ thường chọn gia vị dưới dạng nguyên liệu khô sau đó xay nhuyễn tại chổ. Người nghèo khó hơn thường mua gia vị đã được chế biến sẳn, nó được pha trộn và ít nguyên chất. Người Ả Rập nói chung hay người Thổ rất thích sắc màu và đó cũng là lý do tại sao gia vị luôn đầy màu sắc hấp dẫn bởi chúng đã được thêm màu …”.
Những bức tranh nhiều màu sắc đó như là một thứ bùa mê hớp hồn tôi. Rời xa chúng tôi vẫn ngửi thấy mùi thơm còn quanh quẩn đây đâu. Dường như chúng thoáng đậu trên chiếc áo và chiếc nón của tôi …
Dấu xưa xe ngựa
Không chỉ có gia vị, Grand Bazaar còn bày bán những mặt hàng truyền thống trên con đường tơ lụa huyền thoại ngày xưa đi qua vùng đất Thổ Nhĩ Kỳ : lụa, vàng, đá quý, thảm, trầm hương và lông thú hiếm. Anh Atilla, một chủ quầy hàng mời tôi xem qua gốm sứ người Thổ. Dù đã mua một vài món gốm lưu niệm ở cố đô Konya, nhưng tôi vẫn còn thèm thuồng và ghé vào …
Hình : Gốm sứ người Thổ.
Hôm qua, trên cây cầu Fatih Sultan Mehmet, tôi đã nối hai lục địa Á – Âu bằng những bước chân của mình. Có thể một bước chân của tôi không đủ dài để có thể nối hai lục địa trong tích tắc, mà tôi cần mất 20 phút đi bộ qua cây cầu để ranh giới Á – Âu không còn sự ngăn cách. Hôm nay, tôi lại được nghe câu chuyện văn hóa về con đường tơ lụa Á – Âu mà Grand Bazaar đóng vai trò quan trọng trong việc trung chuyển hàng hóa bởi anh bạn người Thổ Atilla.
Hình : Một góc cầu Bosphorus, một trong hai cây cầu nối liền lục địa Á – Âu ở Istanbul.
Vượt qua eo biển Bosphorus dài 30km, Istanbul là điểm tập kết hàng hóa của những đoàn thương gia trên con đường tơ lụa trước khi vượt Địa Trung Hải để đến thương cảng lớn trong thời cổ đại Venice của Ý. Những cuốn sách xưa từng ghi lại rằng : để mua những món hàng quý hiếm với nhiều chủng loại để lựa chọn và giá cả phải chăng, những thương gia thường tìm đến Istanbul.
Năm 1455, sau khi chiến thắng đế chế Đông La Mã Constantine, vua Sultan Mehmet II cho xây dựng ngôi chợ bán mặt hàng truyền thống của con đường tơ lụa là lụa và áo quần. Ngôi chợ được hoàn thành vào năm 1460 với tên gọi Cevahir Bedesten.
Theo ngôn ngữ của người Thổ, Bedesten được đọc trại từ “bezestan” của Ba Tư và nó có ý nghĩa là “chợ bán lụa” và Cevahir có nghĩa là “mới”. Một vài vết dấu đầu tiên còn để lại ở Grand Bazaar là bức tường thành cổ kính với những viên gạch có từ thế kỷ 15 cùng với những bức phù điêu đại bàng Comnenian (biểu tượng của dòng họ các hoàng đế thuộc đế chế Byzantine) ở cổng Đông.
Hình : Thảm được bày bán trong các quầy hàng.
Năm 1545, vua Ottoman Suleyman I người Thổ lại tiến hành xây dựng thêm một ngôi chợ mới nằm cách rời Bedesten về hướng Bắc. Chợ mới mang tên Sandal Bedesten. Tên Sandal được đặt nhằm tôn vinh những sợi ren sắc màu được dệt ở vùng Bursa tạo nên quay đôi guốc gỗ rất riêng của Thổ Nhĩ Kỳ. Mặt hàng tơ lụa được dời qua ngôi chợ Sandal và Cevahir chỉ chuyên mua bán những mặt hàng quý giá.
Khoảng trống giữa hai ngôi chợ tạo thành quảng trường nghỉ chân cho những người đi chợ. Những năm sau đó, những người bán lẻ lại biến quảng trường thành khu chợ mới. Sự sầm uất và rộng lớn của chợ đến mức người ta không thể thống kê được có bao nhiêu quầy hàng được bày bán bên trong. Những cuốn sách xưa vào thế kỷ 16 ghi lại qua lời kể của khách du lịch hay những đoàn thương gia về ngôi chợ này : 4.390 quầy hàng, 19 đài nước, 63 ngõ hẹp, 18 cổng ra vào,
Hình : Vàng được bán trong các quầy hàng.
Đến đầu thế kỷ 17, những vị vua Ottoman lại xây thêm ngôi chợ mới tại quảng trường nghỉ chân khiến Grand Bazaar trở thành cụm phức hợp rộng khoảng 30.7ha. Ba ngôi chợ tượng trưng cho 3 lục địa khác nhau mà đế chế Ottoman của người Thổ đã in dấu giày của mình trên vó ngựa kiêu hùng ở Âu – Á – Phi. Những con ngõ hẹp bên trong lồng chợ tượng trưng cho những con đường tơ lụa giao thương giữa Á và Âu và cuối cùng tập kết tại Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo số liệu chính thức từ ban quản lý chợ : có khoảng 3,000 quầy hàng bên trong 61 ngõ, 5 Thánh đường Hồi Giáo, 7 đài phun nước, 1 nhà tắm và 18 cổng ra vào.
Hình : Những chiếc đèn lồng.
Đứng giữa ngôi chợ rộng lớn, tôi thả hồn trên những cung đường tơ lụa khác nhau ở các quốc gia châu Á, nơi đó có những sa mạc cát vàng in dấu chân của đoàn người ngựa hay lạc đà cùng với những túi hàng gồ ghề trên lưng để đến Istanbul. Mà Grand Bazaar đâu chỉ có thế, còn có hương thơm của những ổ bánh mì Kebab níu lấy chân tôi …
Ghi chú : Bài đã đăng trên báo Xuân SGTT năm 2014.
Lạc vào khu chợ sặc sỡ và lâu đời nhất thế giới
Khu chợ này trở thành trung tâm giao dịch thương mại chính của vùng đất này kể từ năm 1461. Người ta ước tính rằng có hơn 250.000 người ghé thăm khu chợ mỗi ngày.
Bạt ngàn những bình gốm, thảm với đủ màu sắc cùng những con người thân thiện- bạn có thể tìm thấy điều này trên tất cả những cả đường của khu chợ lâu đời nhất trên thế giới.
Khu chợ Grand Bazaar tại Istanbul của Grand Bazaar là nơi quy tụ hơn 3.000 cửa hàng bao gồm 61 ngả đường. Khu chợ này trở thành trung tâm giao dịch thương mại chính của vùng đất này kể từ năm 1461. Người ta ước tính rằng có hơn 250.000 người ghé thăm khu chợ mỗi ngày.
Mặc dù có ngày này những trung tâm mua sắm mới hiện đại mọc lên càng nhiều nhưng vẻ đẹp và truyền thống của Grand Bazaar tiếp tục là một lợi thế, trong năm 2014 nơi đây được liệt kê như là điểm thu hút khách du lịch nhất trên thế giới.
Hasan Ayazgok ngồi ngay giữa cửa hàng gốm truyến thống của gia định trong chợ Istabul Grand Bazaar, ảnh chụp ngày 7-1-2016 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Hasan Ramo lại là chủ của một cửa hàng bán kẹo và các món ăn truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông chủ cửa hàng tranh này có tên Taner Erguder.
Ekrem Turkmen được nhiếp ảnh gia chụp trước cửa hàng bán quần áo Ottoman truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ của mình.
Cửa hàng bán đèn với những màu sắc lung linh này là của Dogan Mert.
Còn đây là Serkan Almaz, ông chủ của cửa hàng sản xuất thủ công cờ vua và hộp quà lưu niệm.
Huseyin Erdogan đứng tại quầy trưng bày cửa hàng gốm sứ của mình.
Adem Sad'c ngồi trong cửa hàng thảm của mình cho nhiếp ảnh gia chụp ảnh.
Ismail Genis là ông chủ của một cửa hàng gốm truyền thống và gạch thủ công khác tại khu chợ này.
Timur Yildirim chuyên bán đồ cổ truyền thống.
Ông chủ cửa hàng vải Kenan Kalmaz đang đọc báo bên giữa những kệ hàng đủ màu sắc.
Thay vì mặc quần áo truyền thống, ông chủ Ahmet Tan của cửa hàng bán nhạc cụ khoác trên mình bộ vest hiện đại.
Đây là cửa hàng trang sức của ông chủ có tên Mehmet Onlu.
Theo Thảo Nguyên (Trí Thức Trẻ/Mashable/NLĐ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét