Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

Cuộc sống khác thường của 'Nữ thần sống' ở Nepal

Những bé gái còn trinh tiết được chọn và tôn sùng thành 'Nữ thần sống' ở Nepal chỉ xuất hiện trong những dịp lễ tôn giáo rất đặc biệt, thời gian còn lại bé sống trong một ngôi đền cách xa với mọi người.


Kumari Matina Shakya trong một lần xuất hiện trước cộng đồng.

Những vị nữ thần trinh tiết này được người theo đạo Hindu và đạo Phật tôn sùng, và “biến” các bé gái này thành những vị thánh sống. Kumari là tên gọi của các vị thánh sống này. Mỗi năm, các Kumari chỉ được xuất hiện trước công chúng 13 lần. Thời gian còn lại trong năm, họ phải sống trong một ngôi đền cách xa hẳn với mọi người. Từ khi được lựa chọn thành "Nữ thần sống", Kumari không được sống với gia đình, xa rời cuộc sống bình thường và sống trong một ngôi đền trang nghiêm, tĩnh lặng. Hàng ngày sẽ có giáo viên đến dạy học cho "Nữ thần".
Theo quan niệm của người dân Nepal, Kumari là một vị thánh, bảo vệ người dân khỏi những thế lực ác quỷ và là biểu tượng của sự may mắn, hạnh phúc. Bé gái được chọn làm Kumari phải còn trinh và trải qua 32 bài test. "Nữ Thần sống" ở Nepal được coi là hiện thân của Nữ thần tối cao Durga của Ấn Độ giáo. Khắp Nepal chỉ có một vài nữ thần này. Mỗi nữ thần trị vì một khu vực để ban phước lành cho người dân ở khu vực đó.
Kumari mới nhất của Nepal là bé Matina Shakya. Tháng 8 năm ngoái, khi mới 3 tuổi, bé đã được tôn sùng thành Kumari tại thủ đô Kathmandu.

Kumari Matina Shakya

Đỗ quyên
Theo Infonet

Cuộc sống của những vị thần trinh nữ ở vương quốc Nepal

Trước cửa ngôi đền linh thiêng nằm trong quảng trường Durba Kathmandu thuộc trung tâm thủ đô của đất nước Nepal, dân chúng tụ tập rất đông và bỗng trở nên nhốn nháo khi ai đó hô lớn: “Nữ thần, nữ thần xuất hiện”.
Qua ô cửa sổ nhỏ của ngôi đền, một cô bé gái khoảng chừng 4 tuổi xuất hiện trong bộ trang phục màu đỏ với tóc vấn cao cùng nhiều trang sức và một con mắt thứ ba được vẽ trên trán vô cùng huyền bí. Nữ thần có vẻ mặt hơi buồn, thờ ơ đưa mắt nhìn tất cả mọi người. Toàn thể dân chúng Nepal có mặt tại ngôi đền khi đó vội vàng quỳ rạp người, thành kính lạy lục và khấn vái.
Nhiệm kì của nữ thần
Đó là một ngày của tháng 10 khi mà người dân Nepal hoan hỉ ăn mừng lễ hội Desain – một trong những lễ hội lớn nhất của vương quốc nhỏ bé nằm trên dãy Himalaya này. Người dân Nepal háo hức truyền tai nhau về một Kumari – vị thần trinh nữ sống mới của họ, thay thế cho người tiền nhiệm đã bị phế truất do đến tuổi dậy thì. Vị thần trinh nữ mới có tên là Preeti Shakya, mới chỉ lên 4 tuổi.
Sau buổi lễ phong nữ thần diễn ra trong ngôi đền, Preeti Shakya sẽ từ bỏ cuộc sống bình thường của mình để trở thành vị thánh sống của người dân Nepal. Dù là người theo đạo Hindu hay đạo Phật đều sùng kính nữ thần này, coi nàng là cội nguồn cho sự thịnh vượng và hòa bình trên vương quốc.
Trong vòng 8 năm, cho tới tận tuổi dậy thì, Preeti Shakya sẽ được cả người Hindu và tín đồ Phật giáo sùng kính như một vị thánh bảo vệ cho đức vua và toàn thể thần dân của vương quốc Nepal.
Đúng 9 giờ sáng, vị nữ thần mới xuất hiện. Tất cả dân chúng bỗng nhốn nháo khi có ai đó hô lớn: “Nữ thần, nữ thần!”. Trong phút chốc, tất cả người dân quỳ rạp xuống đất và rầm rì khấn vái. Qua ô cửa sổ nhỏ của ngôi đền, nữ thần xuất hiện trong bộ trang phục màu đỏ với tóc vấn cao cùng nhiều trang sức và một con mắt thứ ba được vẽ trên trán vô cùng huyền bí. Nữ thần có vẻ mặt hơi buồn, thờ ơ đưa mắt nhìn tất cả mọi người.
Cuộc sống của những vị thần trinh nữ ở vương quốc Nepal
Một vị thần trinh nữ ở vương quốc Nepal
Người dân Nepal lúc này mới có cơ hội được diện kiến vị nữ thần trinh nữ mới của vương quốc mình. Nữ thần có một làn da mịn màng, bàn tay nuột nà, đôi mắt trong sáng và hàm răng trắng đều tăm tắp. Tất cả mọi người đều tỏ ra hài lòng với sự lựa chọn của các giáo sĩ hoàng gia về nữ thần mới này. Họ tin rằng Preeti Shakya sẽ mang lại cho họ những may mắn và luồng sinh khí mới trong cuộc sống.
Từ khi bắt đầu cuộc sống của một Kumari, Preeti Shakya sẽ luôn phải mặc trên mình trang phục màu đỏ. Người ta cột chặt tóc cô bé thành búi và vẽ cho em một con mắt thứ ba vào giữa trán. Đây là con mắt xua đuổi tà ma trong đức tin của người Hindu.
Trong thời gian làm nữ thần, Preeti Shakya sẽ sống tách biệt với tất cả mọi người trong cung điện nhỏ của riêng mình với một chế độ sinh hoạt của nữ thần. Trước 7 giờ sáng mỗi ngày, “nữ thần sống” phải trở dậy với sự giúp đỡ của người hầu tiến hành vệ sinh cá nhân và trang điểm, khoác lên người bộ trang phục riêng của mình.
9 giờ sáng hàng ngày, Preeti Shakya phải tới ngai vàng ngồi để dân chúng tới lễ. Ngày nào cũng vậy, cứ vào lúc 12 giờ trưa và 4 giờ chiều, “nữ thần sống” phải mặc quần áo màu đỏ, đầu đội vương miện bằng bạc, đứng nơi cửa sổ để du khách chiêm ngưỡng. Những người dân Nepal quan niệm rằng việc nhìn thấy được nữ thần là một trong những điềm may mắn của họ.
Cuộc sống của những vị thần trinh nữ ở vương quốc Nepal
Tục lệ thờ “nữ thần sống” ở Nepal bắt nguồn từ triều đại vua Mara
thế kỷ thứ 16, sau đó được triều đại vua Shara kế thừa.
Trong ngày lễ quan trọng, “nữ thần sống” được trang điểm kĩ lưỡng, khoác lên mình bộ quần áo nữ thần đẹp nhất và ngồi trên kiệu du hành trên đường phố để dân chúng được chiêm ngưỡng dung nhan của nữ thần. Mỗi lời nói và cử chỉ của nữ thần, đều được những tín đồ sùng bái coi là dấu hiệu của sự may mắn, tốt lành.
Vì vậy, ngay khi Preeti Shakya xuất hiện, những người dân sùng bái đều cố gắng để đón lấy những biểu hiện trên gương mặt của nàng. Người dân Nepal quan niệm mỗi biểu hiện trên nét mặt hoặc cử chỉ của Kumari đều được coi là điềm báo. Người  gặp được “nữ thần sống” với khuôn mặt lạnh như băng có thể xem là người may mắn bởi lúc này mọi ước nguyện của người đó đã được nữ thần chấp nhận.
Nếu như ai thấy “nữ thần sống” khóc hoặc cười thì vô cùng lo lắng bởi đó là điềm báo của bệnh tật nặng hoặc cái chết. Người dân Nepal cũng tin rằng khi “nữ thần sống” ứa nước mắt là điềm báo có ai đó sắp chết hoặc than phiền về thức ăn nghĩa là có người sắp mất mát về tiền bạc.
Quá trình tuyển chọn khắc nghiệt
Tục lệ thờ “nữ thần sống” ở Nepal bắt nguồn từ triều đại vua Mara thế kỷ thứ 16, sau đó được triều đại vua Shara kế thừa. Tại Nepal, “nữ thần sống” được gọi là “Kamari”, theo tiếng Nepal có nghĩa là thần trinh tiết. “Nữ thần sống” ở Nepal được coi là hiện thân của nữ thần tối cao Durga của Ấn Độ giáo.
 Khắp vương quốc Nepal có khoảng 5 “nữ thần sống” và mỗi Kumari trị vì một khu vực để ban phước lành cho người dân ở đó. Quan trọng nhất và được tôn thờ nhất là “nữ thần Hoàng gia” sống trong ngôi đền ở thủ đô Kathmandu. Chính vì việc tôn thờ “nữ thần sống” đã trở thành một tục lệ thiêng liêng ở nơi đây nên việc tuyển chọn nữ thần cũng phải vô cùng khắt khe và cẩn trọng.
Theo truyền thống, các Kumari được lựa chọn từ những bé gái khoảng 3 – 5 tuổi thuộc dòng tộc Shakya, cùng dòng tộc với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Các ứng viên phải có một cơ thể hoàn hảo không có bất cứ một khuyết tật nào, chưa từng bị thương hay chảy máu. Bé gái nào được chọn làm Kumari phải hội tụ đủ một số đặc điểm như: da cổ phải trắng, lưng thẳng không bị gù, lông mày cong và nhỏ, chân thẳng, mắt đen, tóc đen và mượt, tay chân thon dài…
Theo cách gọi của người dân Nepal đó là hội đủ 32 điểm cát tường mới được lọt vào vòng cuối cùng của công cuộc tuyển chọn nữ thần. Ở vòng cuối mới thực sự là những cuộc thử thách rùng rợn. Ngoài tiêu chuẩn về hình thể, muốn trở thành “nữ thần sống” còn phải có những tố chất hơn người như can đảm, không biết sợ và bình tĩnh.
 Những ứng viên cho ngôi vị nữ thần lần lượt phải thực hiện những nghi lễ bí mật. Họ bị nhốt một mình trong gian điện rộng lớn của miếu thần, xung quanh tối đen như mực, để đầy đầu trâu máu me be bét, xương sọ người, và một số người mang mặt nạ ma quỷ. Cô bé nào không mảy may sợ hãi sẽ là hoá thân của nữ thần Kumari.
Người ta nói quá trình lựa chọn “nữ thần sống” ở Nepal cũng tương tự như tìm chọn Lạt Ma ở Tây Tạng (Trung Quốc). Những gia đình có con gái được ngồi lên ngôi vị nữ thần cũng sẽ được cả triệu người kính trọng, ngưỡng mộ, sau một đêm đã được hưởng mọi vinh hoa, phú quý.
Cái giá đắt của ngôi vị nữ thần
Bất cứ cô gái nào trở thành nữ thần đều là diễm phúc đối với cả gia đình và vương quốc. Thế nhưng, bản thân cô bé phải chịu cuộc sống cô đơn lạnh lẽo suốt quãng đời dài còn lại. Sau buổi lễ đăng quang, nữ thần được đưa vào sống biệt lập trong cung điện.
Mỗi ngày, nữ thần sẽ xuất hiện hai lần trong khoảng thời gian ngắn ngủi cho mọi người chiêm ngưỡng rồi lại lui về thế giới của mình. Cô chỉ có thể rời tòa nhà đó mỗi năm đôi lần trên một cỗ xe ngựa được những người sùng đạo kéo qua những con phố của thủ đô. Cô tuyệt đối không được phép ghé thăm cha mẹ và gia đình.
Các Kumari của Nepal cũng được học tập nhưng không đến trường, không có bạn bè mà giáo viên phải đến nơi ở của “nữ thần sống” để giảng dạy. Nữ thần sống ẩn dật trong cung với một vài bạn chơi cùng được lựa chọn kỹ càng. Một năm cô chỉ được thấy thế giới bên ngoài vài lần khi những người mộ đạo kéo xe chở thần đi khắp thành phố.
Cuộc sống của những vị thần trinh nữ ở vương quốc Nepal
Những gia đình có con gái được ngồi lên ngôi vị nữ thần cũng sẽ được cả
triệu người kính trọng, ngưỡng mộ, sau một đêm đã được hưởng
mọi vinh hoa, phú quý.
Tuy nhiên, cuộc sống khi làm nữ thần vẫn chưa phải là ác mộng so với khi nhiệm kì của nữ thần kết thúc. Một Kumari sẽ bị thay thế khi đến tuổi dậy thì hoặc phạm phải những quy định cấm của một nữ thần trinh nữ. Sau khi rời bỏ cuộc sống nữ thần, trở về là người bình thường, các cô gái thường phải đối diện với một cú sốc lớn.
Một “cựu nữ thần” tên là Rashmila Shakya đã kể lại sự choáng váng của mình khi trở lại đời sống thực. Khi bắt đầu có kinh nguyệt, Rashmila mất đi ngôi vị thần thánh của mình và trở về ngôi nhà nhỏ xây bằng gạch và bùn của gia đình trong một ngõ hẻm ở vùng phụ cận nghèo khó của Kathmandu. Từ đó, cựu tiểu thần nữ không biết đọc, biết viết phải bắt đầu xây dựng lại cuộc đời của mình từ con số không.
Tàn khốc nhất đối với những cựu “nữ thần sống” đó là tin đồn độc địa được lưu truyền trong dân chúng: Nếu người đàn ông nào kết hôn với một cựu “nữ thần sống” thì sẽ bị hộc máu chết chỉ trong vòng 6 tháng.
Đây chính là lí do khiến cho những cô gái sau khi từ bỏ ngôi vị nữ thần đều phải chấp nhận một cuộc sống tình duyên vô cùng khắc nghiệt. Giống nhiều cựu nữ thần khác, cô vẫn chưa lấy chồng bởi phần lớn đàn ông đều lo sợ rằng họ sẽ phải chết yểu khi lấy những cô gái này. Tất nhiên, đó chỉ là những quan niệm vô cùng lạc hậu. Theo thời gian, có nhiều “nữ thần sống” cũng đã dũng cảm “bước qua lời nguyền”.
Shira Suga – cựu “nữ thần sống” – đã kết hôn với một công nhân ngành xây dựng từ năm 15 tuổi, và họ đã sống với nhau vô cùng hạnh phúc cho tới hơn 90 tuổi. Chính phủ Nepal cũng đã đưa ra những chính sách trợ cấp cho các cựu “nữ thần sống”, phần nào an ủi cuộc sống của họ sau khi trút bỏ lớp áo thánh thần.
Theo Phunutoday

Thăm nhà nữ thần sống ở Kathmandu

Đoàn Khắc Xuyên

 

 

 

 

Điện Kumari Ghar. Hôm nay nữ thần sống không xuất hiện nơi khung cửa sổ mà chỉ là một người hầu. Ảnh: Đoàn Khắc Xuyên.
(TBKTSG) - Nằm ngay cạnh quảng trường trung tâm Durbar Square của Kathmandu, thủ đô Nepal, là điện Kumari Ghar, nơi ở của nữ thần sống (Living Goddess) Kumari Devi, nghĩa là Nữ thần Đồng Trinh trong tiếng Sanskrit, tiếng Nepal và tiếng Ấn.
Kumari Ghar là một tòa nhà xây gạch đỏ, hai tầng lầu, với các cửa ra vào và cửa sổ bằng gỗ nâu đen chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo, đặc trưng của các cung điện của triều đại Malla (cai trị Nepal từ thế kỷ 12 - thế kỷ 17) mà người ta cũng có thể thấy nơi những kiến trúc còn sót lại của triều đại này ở hoàng cung Kathmandu cũng như tại hai cố đô Bakhtapur và Patan.
Kumari Ghar là một kiến trúc vuông vức với một sân trong, giữa sân là một gốc cây nhỏ xanh rì cành lá khi tôi đến đây vào một ngày đầu tháng Sáu vừa qua để được chiêm ngưỡng dung nhan của nữ thần sống. Có ai không tò mò khi ở thế kỷ này người ta vẫn thờ một nữ thần sống?
Người Nepal theo đạo Hindu, chiếm đa số, và đạo Phật thuộc phái Vajrayana tin rằng nữ thần sống Kumari là hiện thân của nữ thần Taleju (còn có tên gọi khác là Durga) trong đạo Hindu. Taleju là nữ thần của nguồn sức mạnh tối cao. Truyền thuyết kể rằng: vào một đêm khuya, một con rắn đỏ bò vào phòng vị vua cuối cùng của triều đại Malla, Jayaprakash Malla, khi vua đang chơi trò xúc xắc với nữ thần Taleju. Mỗi đêm nữ thần đều đến chơi với vua với điều kiện vua không được nói cho ai biết, nhưng một đêm nọ hoàng hậu lén đi theo nhà vua để xem vua gặp ai mà đêm nào cũng gặp khuya như vậy và hoàng hậu đã trông thấy nữ thần. Tức giận, nữ thần Taleju nói với nhà vua rằng sẽ đầu thai vào một bé gái thuộc dòng họ Sakya, nếu vua còn muốn gặp và nhờ nữ thần bảo vệ đất nước thì hãy đi tìm bé gái ấy. Và thế là vua rời cung điện đi tìm bé gái hiện thân của thần Taleju.
Một truyền thuyết khác lại kể rằng nữ thần Taleju đêm nào cũng đến chơi xúc xắc và đàm đạo chuyện quốc sự với vua Trailokya Malla dưới lốt người trần. Rồi một đêm nọ, nhà vua không cưỡng lại được ý muốn chung đụng xác thịt với nữ thần khiến thần tức giận, không đến cung điện nữa. Nhà vua hối hận, cầu xin thần trở lại. Cuối cùng nữ thần Taleju đồng ý đầu thai vào một bé gái đồng trinh thuộc dòng họ Sakya cho nhà vua tìm gặp. Tục thờ nữ thần đồng trinh Kumari nơi bộ tộc Newar (dòng họ Sakya thuộc bộ tộc này) trong thung lũng Kathmandu, và nơi người Nepal nói chung, bắt nguồn từ đó và đã tồn tại từ thế kỷ 17 cho đến tận ngày nay.
Thật ra, ở Nepal có nhiều địa phương có nữ thần sống Kumari, nhưng chỉ có nữ thần Kumari ở Kathmandu là được nhà vua đến hôn chân mỗi năm để mong được thần ban phước. Điều này diễn ra cho đến tận khi vị vua Nepal cuối cùng là Gyanendra bị buộc phải rời ngôi năm 2008 để đất nước này chuyển qua chế độ cộng hòa. Nay thì nữ thần sống Kumari chỉ còn chúc phúc cho người đứng đầu chính phủ cộng hòa dân chủ theo xu hướng Maoist.
Nữ thần sống Kumari hiện tại. Ảnh: Đoàn Khắc Xuyên.
Nhưng ai là nữ thần sống Kumari? Nữ thần Kumari được lựa chọn trong số những bé gái từ 3-7 tuổi thuộc dòng họ Sakya, dòng họ của Đức Phật, qua một quá trình tuyển chọn nghiêm ngặt. Bé gái được lựa chọn làm nữ thần phải hoàn toàn khỏe mạnh, chưa hề bệnh tật hay chảy máu, có đủ 20 răng, ngoài ra còn phải hội đủ 32 tiêu chuẩn khác, chẳng hạn: “ngực như ngực sư tử, thân mình như cây đa, cổ như vỏ ốc, đùi như đùi nai, lông mi như mi bò, giọng nói dịu dàng và trong, chân tay thon thả, tóc và lông mi phải thật đen, bộ phận sinh dục nhỏ nhắn và lùi vào trong, tính khí vui tươi và không biết sợ hãi...”.
Những bé gái hội đủ các tiêu chuẩn đó còn phải được chấm tử vi xem có phù hợp với lá số của nhà vua hay không và phải trải qua những thử thách rợn người: đó là trải qua một đêm trong một căn phòng kín, giữa những chiếc đầu dê và trâu được giết để tế thần và giữa những người mang mặt nạ yêu quái nhảy múa suốt đêm trong tiếng cầu kinh Mật điển. Bé gái nào trải qua được thử thách đó mà không hề la hét, khóc lóc, sợ hãi mớ i chứng tỏ được mình là hiện thân của nữ thần Taleju và được chọn làm nữ thần sống Kumari.
Một khi trở thành nữ thần sống, bé gái sẽ phải sống cuộc sống cô độc trong điện Kumari Ghar, không được giao tiếp với người trần ngoại trừ vào những dịp đặc biệt, không được sống cuộc sống bình thường như bao bé gái cùng tuổi cho đến khi dậy thì với kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Thần Taleju khi đó sẽ rời bỏ nữ thần sống. Cô gái sẽ trở lại là người trần và trở về sống với gia đình. Người ta lại bắt đầu tìm kiếm một nữ thần sống Kumari khác. Người dân Nepal tin rằng không một người đàn ông nào dám lấy một cựu nữ thần sống làm vợ nếu không muốn bị thổ huyết mà chết, tuy nhiên trong thực tế không ít nữ thần sống sau khi trở về với gia đình đã lấy chồng, sinh con.
Sáng hôm ấy, tôi đã đến Kumari Ghar, đứng rất lâu dưới sân, cạnh gốc cây, nhìn lên cửa sổ lầu hai với hy vọng được nhìn ngắm nữ thần sống vì, theo dân địa phương, thỉnh thoảng nữ thần vẫn xuất hiện ở cửa sổ. Tuy nhiên, tôi và những du khách khác hôm ấy đã không gặp may. Nữ thần sống đã không xuất hiện nơi khung cửa sổ. Chỉ còn cách mua một tấm bưu thiếp được bán ngay bên ngoài cửa ra vào điện Kumari Ghar, có in hình nữ thần sống Kumari hiện tại, một bé gái tên Matina Sakya, được tôn là nữ thần sống năm 2008 khi mới 3 tuổi. Và tự an ủi mình: Đất nước nằm dưới chân Himalaya này có vô số điều kỳ bí, vô số thần thánh, truyền thuyết, huyền thoại, trong đó nữ thần sống Kumari chỉ là một. Không thể chỉ trong ba ngày ngắn ngủi mà khám phá hết.
__________________

Không có nhận xét nào: