Mozambique (tên chính thức Cộng hòa Mozambique) là quốc gia ở đông nam châu Phi, giáp Ấn Độ Dương, Tanzania, Malawi, Zambia, Zimbabwe, Swaziland và Nam Phi. Mozambique có diện tích 801.590 km2, dân số đến năm 2018 là hơn 30 triệu, là nước duy nhất có tên gọi chỉ một từ nhưng chứa đầy đủ năm nguyên âm (a-e-i-o-u).
Theo Mozambique Information, quốc kỳ Mozambique được thông qua ngày 1/5/1983. Nó in hình khẩu súng AK-47 và là quốc kỳ duy nhất trên thế giới in hình vũ khí hiện đại.
Lá cờ ban đầu của Frelimo, đảng chính trị dẫn đầu ở Mozambique, cũng có sọc ngang màu xanh lá cây, đen và vàng, phân cách bằng viền trắng. Ba màu này được lấy từ lá cờ Đại hội Dân tộc Phi (ANC), sử dụng ở Nam Phi. Ở phía cán cờ là hình tam giác màu đỏ.
Vào ngày độc lập năm 1975, các màu sắc được sắp xếp lại để hình thành nên quốc kỳ. Trong hình tam giác ở góc trái là bánh răng màu trắng có chứa cuốc, súng trường, sách và ngôi sao xuất hiện trên lá cờ hiện tại. Quốc kỳ tiếp tục thay đổi vào năm 1983, ngôi sao của chủ nghĩa Marx được phóng to hơn và không đại diện cho đảng phái nào.
Quốc kỳ Mozambique. Ảnh: The Flag Shop
|
Màu xanh lá cây tượng trưng cho mảnh đất trù phú, màu trắng tượng trưng cho hòa bình, màu đen đại diện cho châu Phi, màu vàng thể hiện nguồn khoáng sản của đất nước, và màu đỏ là hiện thân của cuộc đấu tranh giành độc lập.
Khẩu súng trường là biểu tượng của quốc phòng và an ninh, cuốn sách đang mở nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục, cuốc đại diện cho nền nông nghiệp, ngôi sao tượng trưng cho chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa quốc tế.
Súng trường AK-47, chi tiết khiến cờ Mozambique trở nên khác biệt với thế giới, cũng xuất hiện trên quốc huy nước này.
Ngôn ngữ chính thức ở Mozambique là tiếng Bồ Đào Nha
World Atlas thông tin, Mozambique là quốc gia đa ngôn ngữ. Tổng cộng 43 ngôn ngữ đã được xác định sử dụng trên khắp Mozambique, gồm tiếng Bồ Đào Nha và nhóm ngôn ngữ Bantu. Hầu hết người dân thông thạo hơn một ngôn ngữ. Nhiều ngôn ngữ bản địa sử dụng từ mượn có nguồn gốc Bồ Đào Nha.
Hơn 50% dân số Mozambican nói tiếng Bồ Đào Nha. Từ năm 1498 đến 1975, khu vực mà hiện giờ là lãnh thổ của Mozambique được gọi là Bồ Đào Nha Mozambique. Việc sử dụng tiếng Bồ Đào Nha trong thời gian dài thuộc chủ quyền nước này khiến Mozambique quyết định giữ và biến nó thành ngôn ngữ chính thức ngay cả khi đã giành được độc lập.
Tiếng Bồ Đào Nha được dùng chủ yếu ở các khu vực đô thị, những người càng có học thức càng nói thông thạo ngôn ngữ này. Các dân tộc ở Mozambique dễ dàng giao tiếp với nhau bằng tiếng Bồ, dù “accent” (giọng) khác nhau.
Dân số Mozambique rất trẻ
Theo CIA World Factbook, tuổi trung bình của người dân Mozambique năm 2018 là 17,2 (nam là 16,6 và nữ là 17,8).
Khái niệm tuổi trung bình có nghĩa độ tuổi này chia dân số đất nước thành hai nhóm bằng nhau, một nửa trẻ hơn 17,2 tuổi và một nửa già hơn 17,2 tuổi. Nó là chỉ số duy nhất tóm tắt về sự phân bố dân số theo độ tuổi.
Tuổi trung bình của người dân Mozambique là khoảng 17. Ảnh: Johns Hopkins Center
|
Hiện nay, tuổi trung bình trên thế giới dao động từ mức khoảng 15 ở Uganda và Dải Gaza đến trên 40 ở các nước châu Âu và Nhật Bản.
Tôn giáo phổ biến nhất ở Mozambique là Kito giáo
Người Bồ Đào Nha đã truyền bá Kito giáo vào Mozambique trong thế kỷ 16, theo World Atlas. Sau khi thực dân hóa, tôn giáo này trở nên phổ biến trong nước. Hàng triệu người không chỉ ăn mặc theo phong cách Bồ Đào Nha mà còn chấp nhận tôn giáo của họ trong hàng trăm năm bị cai trị.
Nhà thờ Công giáo Roma ở Maputo, Mozambique. Ảnh: Wikipedia
|
Số liệu trên Index Mundi cho thấy khoảng 28,4% dân Mozambique theo Công giáo Roma, một trong bốn nhánh chính của Kito giáo. Phổ biến thứ hai là Hồi giáo với 17,9%. Một số tôn giáo khác gồm Christian Zionism (15,5%), Kháng Cách (12,2%)..
Mozambique có cầu treo dài nhất châu Phi
Cây cầu dài nhất châu Phi được khánh thành ở Mozambique vào đúng ngày quốc khánh (25/6/2018), theo Face2face Africa. Với tên gọi Maputo-Catembe, cây cầu treo có giá 750 triệu USD là dự án xây dựng và quản lý chung của chính phủ Mozambique và Trung Quốc.
Được thiết kế bởi công ty Đức Gauff Engineering, cây cầu dài 3 km với bốn làn xe được khởi công xây dựng từ năm 2014. Nó nối thủ đô Maputo với thị trấn lân cận Catembe, vốn bị chia cắt bởi vịnh Maputo của Ấn Độ Dương.
Cây cầu treo Maputo-Catembe vừa khánh thành vào tháng 6. Ảnh: Construction Review Online
|
Nhờ cây cầu, 9 tiếng lái xe vòng quanh vịnh để sang được Catembe đã giảm xuống còn 4 tiếng. Những chuyến phà cũ của đa số dân địa phương cũng rút ngắn thời gian vận chuyển. Cầu được kỳ vọng sẽ hỗ trợ Catembe phát triển.
Cầu Maputo-Catembe có hai tháp bê tông 137 m, mỗi tháp được xây dựng trên 24 trụ sâu 100 m với đường kính 2,2 m. Nó cao hơn vịnh Maputo 60 m để đảm bảo tàu bè có thể di chuyển bên dưới, ra vào cảng quốc tế Maputo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét