Quốc gia châu Âu sở hữu thung lũng hoa hồng nổi tiếng, sản xuất 70-85% lượng tinh dầu hoa hồng của thế giới.
Ảnh: Holiday World
Bulgaria (tên chính thức Cộng hòa Bulgaria) là quốc gia ở đông nam châu Âu, giáp Romania, Serbia, Cộng hòa Macedonia, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Biển Đen. Lãnh thổ Bulgaria rộng 110.879 km2, dân số đến năm 2018 hơn 7 triệu. Thủ đô Sofia là thành phố lớn nhất Bulgaria với diện tích gần 500 km2.
Theo Holiday World, Bulgaria là một trong những quốc gia lâu đời nhất ở châu Âu và không hề đổi tên kể từ khi thành lập cách đây hơn 1.300 năm.
Ngoài ra, đất nước này còn có biệt danh rất yêu kiều - “xứ sở hoa hồng”. Nguyên nhân là loài hoa hồng Rosa Damascena trồng ở thung lũng Rose, Bulgaria được sử dụng để sản xuất 70-85% lượng tinh dầu hoa hồng trên toàn thế giới. Tinh dầu chiết xuất từ những bông hoa rực rỡ này chính là nguyên liệu cơ bản trong nhiều loại mỹ phẩm và nước hoa trên khắp thế giới từ thời trung cổ.
Free Sofia Tour thông tin, thu hoạch hoa hồng là công việc tốn sức bởi phải thực hiện bằng tay. Mỗi năm có khoảng 20-40 ngày thích hợp cho việc thu hoạch, thường là cuối tháng 5, đầu tháng 6. Trong thời gian đó, Kazanlak - thành phố lớn nhất trong thung lũng Rose đón rất nhiều du khách đến tham quan Lễ hội hoa hồng Bulgaria. Bạn cũng có thể tham gia các hoạt động nghệ thuật, tiết mục biểu diễn và nếm thử rượu vang.
Màu sắc trên quốc kỳ Bulgaria theo thứ tự từ trên xuống là trắng - xanh lá cây - đỏTheo Britannica, vào thế kỷ 14, huy hiệu của Tsar Ivan Shishman, người cai trị quyền lực nhất của Bulgari có hình một con sư tử bằng vàng trên một chiếc khiên màu đỏ. Thiết kế này xuất hiện trong một số lá cờ cách mạng đầu tiên của Bulgaria, được giương cao để chống lại Đế quốc Ottoman trong thế kỷ 19.
Tuy nhiên, quốc kỳ lại có nguồn gốc khác, dựa trên sự kết giao giữa người Bulgaria với người Nga, cùng chung nhóm chủng tộc Slav. Lấy lại ba sọc ngang ba màu trên quốc kỳ Nga, quốc kỳ Bulgaria thay màu xanh lam thành màu xanh lá cây.
Từ thời điểm công nhận chính thức (16/4/1879) cho đến khi kết thúc chế độ quân chủ sau Thế chiến thứ 2, quốc kỳ chỉ đơn giản là mang ba màu trắng - xanh lá cây - đỏ (theo thứ tự từ trên xuống dưới), mặc dù cờ hải quân đã thêm một phần màu đỏ chứa sư tử vàng.
Khi những người cộng sản lên nắm quyền, quốc huy với ngôi sao màu đỏ và những biểu tượng khác của chủ nghĩa xã hội được thêm vào góc trên của quốc kỳ. Bốn biến thể của thiết kế đó tồn tại từ năm 1948 đến năm 1990. Sau sự sụp đổ của chính quyền cộng sản, thiết kế ba màu trơn được tái sử dụng vào ngày 27 tháng 11 năm 1990.
Màu trắng của lá cờ được cho là biểu tượng của hòa bình, tình yêu và tự do; màu xanh lá cây nhấn mạnh nền nông nghiệp thịnh vượng; màu đỏ tượng trưng cho cuộc đấu tranh giành độc lập và lòng can đảm của quân đội Bulgaria.
Theo Climate Change Post, rừng bao phủ 4,1 triệu ha, chiếm 37% lãnh phổ Bungaria. Trong đó, rừng lá rộng chiếm 68%, rừng lá kim chiếm 32%.
Rừng Bulgaria tương đối trẻ với tuổi trung bình khoảng 51 năm. Số liệu năm 2008 cho thấy 50% diện tích tăng hàng năm đã được đốn hạ, ba phần tư số đó được sử dụng bởi ngành công nghiệp lâm sản Bulgaria và một phần tư dùng làm nhiên liệu gỗ. Ba phần tư rừng Bulgaria thuộc sở hữu nhà nước, phần còn lại thuộc sở các cá nhân, công ty, thành phố và tổ chức tư nhân.
Một trong những chức năng sinh thái quan trọng nhất của rừng hiện nay là phòng ngừa hoặc giảm thiểu biến đổi khí hậu thông qua cô lập carbon. Rừng cũng giúp ngăn chặn đất đai xói mòn và bị sa mạc. Trong 50 năm qua, khoảng 1,5 triệu ha rừng đã được trồng với mục đích tăng năng suất rừng và kiểm soát xói mòn đất. Rừng Bungari cung cấp khoảng 85% lưu lượng nước trên cả nước hay gần 3,6 tỷ mét khối nước sạch.
Theo World Atlas, do rừng chiếm một phần ba lãnh thổ, Bulgaria tự hào là một trong những quốc gia châu Âu sở hữu mức đa dạng sinh học cao. Cả nước có hơn 3.800 loài thực vật, trong đó gồm 170 loài đặc hữu và 150 loài nguy cấp. Gấu nâu, cú, đại bàng đầu nâu, linh miêu Á - Âu là một số loài mang tính biểu tượng của thế giới hoang dã tại Bulgaria.
BBC cho biết, ở Bulgaria, sữa chua có mặt khắp mọi nơi. Bạn sẽ thấy nó trong món bánh falafel, moussaka hay được bày cả dãy trong siêu thị. Đó là nguyên liệu cơ bản của các món ăn truyền thống Bulgaria như tarator - súp lạnh làm bằng sữa chua, nước, dưa chuột, quả óc chó và rau thơm; snezhanka - loại salad gồm sữa chua, dưa chuột, tỏi và thì là. Mọi người nhâm nhi món đồ uống bằng sữa chua trên phố và nhúng những lát bí xanh chiên vào sữa chua trước khi thưởng thức.
"Chúng tôi cho sữa chua vào mọi thứ. Tôi ăn ba cốc mỗi ngày: một cốc buổi sáng, một cốc trong bữa nhẹ giữa ngày và một cốc trước khi đi ngủ vào ban đêm", Nikola Stoykov, một người dân thủ đô Sofia cho biết.
Sữa chua có lịch sử lâu đời ở xứ sở hoa hồng. Nhiều người Bulgaria tuyên bố món ăn này vô tình được phát hiện cách đây khoảng 4.000 năm, khi các bộ tộc du mục lang thang qua các vùng đất. Dân du mục chứa sữa trong da động vật, tạo môi trường thích hợp cho vi khuẩn phát triển và gây ra quá trình lên men, hình thành món sữa chua. Rất có khả năng sữa chua ra đời theo cách này ở những địa điểm khác nhau vào những thời điểm khác nhau, nhưng có thể bắt nguồn từ khu vực Trung Đông và Trung Á.
Elitsa Stoilova, giáo sư dân tộc học tại Đại học Plovdiv khẳng định: “Sữa chua đúng là một phần trong chế độ ăn uống của con người qua nhiều thế kỷ ở vùng đất Balkan (bán đảo ở đông nam châu Âu). Đó là quá trình tự nhiên giúp mọi người phát hiện ra món này bằng một cách nào đó... Balkan là một trong nhiều nơi trên thế giới có mức biến đổi nhiệt độ và vi khuẩn cần thiết để sản xuất sữa chua tự nhiên".
Dù nơi khai sinh ra món ăn này chưa được xác định rõ ràng, Bulgaria đóng vai trò rất quan trọng trong việc giới thiệu sữa chua cho phương Tây và thế giới, biến nó thành sản phẩm phổ biến, có tính thương mại như ngày nay.
Nhà khoa học người Bulgaria là người đầu tiên xác định được thành phần của sữa chua. Một thời gian ngắn sau khi tổ chức đám cưới vào năm 1904, tiến sĩ Stamen Grigorov trở về Đại học Y khoa Geneva, nơi ông đang theo học. Ông mang một nồi đất sét truyền thống (được gọi là rukatka) chứa sữa chua tự làm vào phòng thí nghiệm để nghiên cứu.
Một năm sau, ông xác định được vi khuẩn thiết yếu khiến sữa lên men và biến thành sữa chua: lactobacillus bulgaricus. Phát hiện này đã biến sữa chua trở thành biểu tượng quốc gia, tạo ra nghề làm sữa chua truyền thống và sản phẩm sữa chua chất lượng mang thương hiệu Bulgaria.
Để vinh danh phát hiện của ông, làng Studen Izvor ở vùng Trun, quê hương Grigorov, mở một bảo tàng sữa chua và đây cũng là bảo tàng sữa chua duy nhất trên thế giới.
Vanga là nhà tiên tri nổi tiếng sống ở Bulgaria gần trọn cuộc đời
Baba Vanga (1911-1996), tên thật là Vangelia Pandeva Dimitrova, sinh ra ở Strumica, thành phố lớn nhất nước Cộng hòa Macedonia. Tuy nhiên, bà sống ẩn dật ở một làng quê tại Bulgaria gần trọn cuộc đời và được biết đến là nhà tiên tri xuất chúng.
Vanga bị mù khi còn nhỏ sau một trận lốc xoáy. Bà nổi tiếng nhờ đưa ra nhiều lời tiên tri về các sự kiện thế giới trước khi chết ở tuổi 85. Nổi tiếng nhất trong số đó là lời tiên tri vào năm 1989 khi bà dự đoán về vụ tấn công 11/9. "Người anh em song sinh của Mỹ sẽ sụp đổ dưới sự tấn công của những con chim sắt. Những con sói sẽ tru lên trong bụi rậm và máu của người vô tội sẽ chảy". Mọi người thường diễn giải "người anh em song sinh của Mỹ" là tòa tháp đôi và "những con chim sắt" là máy bay bị không tặc chiếm giữ.
Những lời tiên tri mơ hồ của bà đôi khi vẫn được nhiều người đón nhận như lời tiên tri châu Âu sẽ kết thúc vào năm 2016 có thể liên hệ với sự kiện Anh rút khỏi Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, Vanga từng khẳng định Barack Obama sẽ là tổng thống cuối cùng của Mỹ - dự đoán này được chứng minh hoàn toàn sai.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét