Nam Phi có tên chính thức là Cộng hòa Nam Phi, nằm ở cực nam châu Phi, rộng hơn 1,2 triệu km2, giáp với Namibia, Zimbabwe, Mozambique, Botswana và bao quanh toàn bộ đất nước Lesotho. Ngoài ra, Nam Phi có đường bờ biển dài 3.000 km, giáp với Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương. Dân số khoảng gần 57,6 triệu (theo Worldometer).
Bản đồ Nam Phi. Ảnh: SA Places
|
Nam Phi được nhiều người biết đến là quốc gia duy nhất có ba thủ đô, gồm: Pretoria - thủ đô hành chính; Cape Town - thủ đô lập pháp; Bloemfontein - thủ đô tư pháp.
Theo Maps of World, Pretoria là đầu não chính phủ, nơi đặt trụ sở của nhiều cơ quan chính phủ cũng như đại sứ quán nước ngoài. Cape Town đặt trụ sở Quốc hội và các cơ quan liên quan đến quốc hội. Còn Bloemfontein là thủ phủ của Tòa án phúc thẩm tối cao, được đánh giá là nơi thích hợp sinh sống nhất Nam Phi với tỷ lệ phạm tội thấp và điều kiện sống ưu việt.
Không chỉ nổi tiếng với 3 thủ đô, Nam Phi còn được nhiều người biết đến là nơi từng diễn ra chính sách phân biệt chủng tộc Apartheid. Nước này từng bị người Hà Lan và người Anh xâm chiếm, người dân bản xứ bị phân biệt chủng tộc, đàn áp, bóc lột nặng nề.
Nelson Mandela là biểu tượng phong trào chống phân biệt chủng tộc
Nelson Mandela sinh ngày 18/7/1918 tại một ngôi làng ở Mvezo, thuộc tỉnh Transkei, bên bờ Ấn Độ Dương. Ông là con người huyền thoại của phong trào đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid ở Nam Phi.
Nelson Mandela. Ảnh: AFP
|
Theo AFP, Nelson Mandela từng ngồi tù 27 năm trong nhà tù đảo Robben. Được thả năm 1990, ông dẫn dắt đất nước tới dân chủ, chấm dứt chế độ cai trị của người da trắng thiểu số và đảm bảo quyền bầu cử cho người da màu. Rất nhiều người dân Nam Phi thuộc các chủng tộc gọi ông theo cái tên trong tiếng tộc Xhosa là Madiba. Và vô số người khác gọi ông là Tata, nghĩa là người cha trong tiếng Bantu.
Ông được bầu làm tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi vào năm 1993 và giữ chức từ năm 1994 đến năm 1999. Thế giới đã vinh danh ông với giải Nobel Hòa bình vào năm 1993.
Theo Washington Post, trong nhiệm kỳ tổng thống, Nelson Mandela tiếp tục phải giải quyết sự bất an và hận thù của cộng đồng thiểu số da trắng khi mất đi sự độc quyền chính trị nhưng vẫn còn kiểm soát nền kinh tế, quân đội và bộ máy quan liêu. Dưới sự lãnh đạo của Nelson Mandela, Nam Phi từng bước phá bỏ những tàn tích của thành trì nạn phân biệt chủng tộc.
Khi Nelson Mandela qua đời vào ngày 5/12/2013 ở tuổi 95, rất nhiều nhà lãnh đạo và người nổi tiếng thế giới thuộc nhiều lĩnh vực bày tỏ lòng tôn kính và ngưỡng mộ ông. Tổng thống Nam Phi khi đó là Zacob Zuma xúc động chia sẻ “Đất nước ta đã mất đi một con người vĩ đại”.
Quốc kỳ Nam Phi có 6 màu
Theo Britannica, quốc kỳ Nam Phi hiện nay được thông qua vào ngày 27/4/1994, sau khi xóa được chính sách Apartheid.
Quốc kỳ Nam Phi. Ảnh: Almanar
|
Quốc kỳ Nam Phi có 6 màu, gồm đen, vàng, xanh lá cây, trắng, đỏ và xanh dương với biểu tượng chính có hình chữ Y (có giải thích cho rằng đó là chữ V với đuôi dài, chứ không phải chữ Y). Biểu tượng này tượng trưng cho sự đoàn kết của các dân tộc Nam Phi.
Về màu sắc, theo World Atlas, màu đỏ, trắng, xanh dương được lấy từ màu quốc kỳ Cộng hòa Boer xưa (Boer chỉ những người gốc Hà Lan). Màu vàng, đen và xanh lá cây được lấy từ lá cờ của phong trào Đại hội dân tộc châu Phi (ANC) nhằm chống lại nạn phân biệt chủng tộc. Trong đó, màu đen tượng trưng cho người dân Nam Phi, màu xanh lá cây đại diện cho sự màu mỡ của đất và vàng tượng trưng cho khoáng sản. Lá cờ với ba màu đen, vàng, xanh lá cây được ANC thông qua vào năm 1925.
Nam Phi được mệnh danh là quốc gia cầu vồng
Biệt danh "Quốc gia cầu vồng" xuất phát từ Tổng giám mục Desmond Tutu - nhà hoạt động nhân quyền và là người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1984.
Sau cuộc bầu cử dân chủ năm 1994, Nelson Mandela trở thành tổng thống da màu đầu tiên của Cộng hòa Nam Phi. Tổng giám mục Tutu sử dụng thuật ngữ "Quốc gia cầu vồng" để mô tả một đất nước đã xóa bỏ được chế độ phân biệt chủng tộc sau thời gian dài. Kết hợp với lá cờ sáu màu, thuật ngữ này đề cập đến sự đa dạng chủng tộc, bộ lạc, tín ngưỡng, ngôn ngữ và cảnh quan trên cả nước.
“Một thế giới cam kết hòa bình, một thế giới trong đó tất cả chúng ta là một gia đình, một thế giới mà tất cả chúng ta đều được lắng nghe, quan tâm và yêu thương”, Tổng giám mục Tutu diễn tả cảm xúc về viễn cảnh tương lai của đất nước.
Năm 2007, Nam Phi trở thành quốc gia thứ năm trên thế giới và đầu tiên tại châu Phi hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Đây là một trong những chính sách cởi mở hiếm thấy tại châu lục này.
Núi Bàn và mũi Hảo Vọng đều thuộc Nam Phi
Núi Bàn (Table Mountain) là cảnh quan nổi tiếng thế giới ở độ cao cách mặt nước biển 1.086 m. Nó được coi là niềm tự hào của Nam Phi và được tổ chức New 7 Wonders bình chọn là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới vào năm 2011.
Núi Bàn. Ảnh: Viator
|
Sở dĩ nó có tên là Núi Bàn bởi trông từ xa, đỉnh núi bằng phẳng như một cái bàn. Nó đã trải qua 6 triệu năm xói mòn và tạo nên sự màu mỡ. Đây là vương quốc của những loài hoa nhỏ nhất trên Trái Đất và là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật quý hiếm.
Ngoài việc leo núi bằng những con đường mòn phổ biến, ngày nay du khách có thể lựa chọn đi cáp treo lên Núi Bàn. Từ đỉnh núi, du khách có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố Cape Town và vùng ven biển tuyệt đẹp xung quanh. Theo CNN, ngọn núi này đón khoảng 800 nghìn du khách mỗi năm.
Mũi Hảo Vọng. Ảnh: Where to stay
|
Mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope) cách thành phố Cape Town khoảng 48 km về hướng Tây Nam. Hành trình khám phá Mũi Hảo Vọng, mở đường hàng hải từ Đại Tây Dương qua Ấn Độ Dương, do nhà thám hiểm Bartolomeo Dias (hay Diaz) thực hiện lần đầu tiên theo lệnh của vua Bồ Đào Nha bắt đầu từ năm 1487.
Ở hành trình trở về, ông Dias dừng lại ở đúng Mũi Hảo Vọng. Thực ra, chốn này là nơi đầu sóng ngọn gió nên lúc ấy Dias gọi nó là Cabo Tormentoso, tức Mũi Bão tố. Sau này, lo ngại thủy thủ sợ chết khi hải hành đến đây, vua Bồ Đào Nha đã chính thức đổi tên nó thành Cabo da Boa Esperanca, tức Mũi Hảo Vọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét