Cảm giác như mình đang bồng bềnh đâu đó tận thời cổ đại khi bước chân run run đặt lên Mtshkheta, mảnh đất cội nguồn của Georgia – nơi hội tụ của hai con sông Aragva và Kura từng được nhắc đến trong Thần thoại Hy Lạp.
Tkebuchava, cô bé hướng dẫn có vẽ đẹp hoài cổ, tự hào đây chính là nơi thi sĩ Mikhail Lermontov người Nga đã nhắc đến rong bài thơ Mtsyry bất tử: “Một vài năm về trước/ Nơi mà các con sông hội tụ gầm thét/ Hai dòng Aragva và Kura/ Có một nhà thờ...”
Nhà thờ được Mikhail Lermontov nhắc đến là Jvari - nghĩa là “cây thánh giá” trong tiếng Georgia, nằm chắn giữa nơi hai dòng Aragva và Kura gặp nhau, nằm cô quả trên một ngọn núi cao chót vót. Gần 2000 năm trước, vào thế kỷ thứ 5, Thánh Nino đã đến đây, cắm xuống cây thánh giá và tuyên bố đây là vùng đất của Chúa…
Cô bé hướng dẫn nhắc nên dành chút thời gian cho Kura, một trong những con sông dài nhất thế giới (1.515 km) khởi nguồn từ Thổ Nhĩ Kỳ, xuyên qua Georgia, đến đất nước Azerbaijan trước khi hòa mình vào biển Caspia. Theo cách gọi của người Thổ thì Kura nghĩa là “dòng sông chảy xiết”, đúng như những gì tôi chứng kiến trong những ngày theo bờ sông đi dọc Georgia xuôi về phía hạ nguồn. Đến đâu nước cũng đục ngầu một màu phù sa, cuộn sóng sục sôi, gầm gừ như đang mùa bão lũ. Nhưng với người Georgia, tên sông lại có nghĩa là… “dòng sông chậm rãi”.
Quá ngạc nhiên, tôi hỏi Tkebuchava rằng có gì nhầm lẫn về chữ nghĩa ở đây không bởi dòng sông chậm rãi thì ít lắm cũng phải dùng dằng không chảy như dòng Hương Giang đẹp nhất thế giới ở bên xứ Huế của tôi. Tkebuchava cười bảo không hề nhầm và nhắc lại lần nữa kiểu viết hoa “dòng sông chậm rãi”. Rằng cô bé đã từng nghe đến sông Hương nhưng với cô và người Georgia thì nước chảy như thế mới là chậm rãi và Kura mới là dòng sông đẹp nhất thế giới trong mắt họ.
Nghe giống như hôm trước lang thang ở Tbilisi, thủ đô Georgia. Lần nào trước khi chia tay, mấy bác taxi cũng dụ “mai gọi tao chở đi ngắm biển”. Là biển Đen? “Không không, là biển ở Tbilisi, đẹp mê hồn. Biển Đen thì xa lắm, tận biên giới với Nga kia”. Không tin lắm nên hỏi thánh Google, lại thấy thánh đề hẳn hoi “Tbilisi of sea” (biển của Tbilisi) trên bản đồ. Thế là bấm điện thoại cho một bác taxi già mang lại cảm giác ấm áp và bình an nhất trong số những người đã gặp.
Bất ngờ là biển chỉ cách khách sạn của chúng tôi một ngọn đồi. Và hơn 100 ngàn tiền Việt phải trả cho taxi là quá chát so với đoạn đường chưa tới 2km. Bất ngờ hơn nữa, biển – nhìn giống cái hồ nước dài khoảng 25km, nơi rộng nhất khoảng 500m, được cái đẹp như tranh vẽ.
“Chúng ta đã tới biển”. Bác taxi già quay đầu xe với lời hẹn lúc nào muốn về thì gọi sau khi cái nháy mắt “tận hưởng đi”. Nửa tin nửa ngờ, chúng tôi men theo triền đồi xuống biển rồi vục lên mặt một ngụm nước. “Là nước ngọt!”. Chúng tôi đồng thanh hét lên trong ngỡ ngàng…
Quay về trung tâm Tbilisi, hỏi bất kỳ ai về cái hồ nước ngọt chúng tôi vừa tìm đến, câu trả lời đều là biển hoặc eo biển với ánh mắt cứ như thể đó là chân lý. “Tkebuchava, làm ơn cho tôi biết chính xác đó là biển hay hồ?”. Cô bé bỗng phá lên cười ngặt nghẽo, là “ “Tbilisi of sea”!
Georgia, vùng đất của huyền thoại và chuyện kể bất tận bắt đầu từ Thần thoại Hy Lạp. Đã thế lại trải qua không biết bao nhiêu cuộc chiến, tách nhập, nhập tách với xóm giềng. Đến mức như thủ đô Tlibisi đến thời điểm này đã có đến 40 lần tái thiết. Nên chậm rãi nghĩa là nước chảy cuồn cuộn hay biển là một cái hồ thì âu cũng là một triết lý sống.
Biển của người Tbilisi, như vẻ đẹp hoài cổ của cô bé Tkebuchava, hình như là “Biển của một thời đã mất” mà Marquez từng viết về những người sống với hiện tại nhưng hay quan hệ với những ngày xưa đâu đó…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét